Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh của VN ở đâu ?

“Muốn có hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh”. Tư tưởng này đã trở thành phương châm sống còn cho bất kỳ quốc gia nào bị các nước lớn đe dọa dùng vũ lực tấn công xâm lược.
Vậy, chuẩn bị cho chiến tranh như thế nào để ngăn ngừa được chiến tranh, giữ vững hòa bình? Đó là phải chuẩn bị một sức mạnh đủ để giáng trả, buộc đối phương phải trả giá cực đắt hoặc giá đắt không thể chịu đựng nổi nếu gây chiến.

Sức mạnh đó chính là sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh.

Bài học từ Triều Tiên, Iran và Philippines

Trong công cuộc phòng thủ bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược, hệ thống phòng thủ được coi là tin cậy, vững chắc thể hiện đầu tiên bởi khả năng ngăn ngừa chiến tranh. Muốn vậy phải có một sức mạnh đủ để răn đe đối phương.

Nếu đối phương gây chiến thì đương nhiên sẽ bị giáng trả quyết liệt. Dù thắng hay bại họ đều phải trả giá. Nếu xét thấy giá phải trả khiến họ không thể chịu đựng nổi thì chiến tranh chưa thể xảy ra hoặc sẽ phải kết thúc khi đã lỡ tiến hành.

Tuy mục đích là như nhau song tùy theo tình hình cụ thể, mỗi quốc gia có cách lựa chọn cho mình để tạo nên sức mạnh răn đe khác nhau.

Có quốc gia tìm kiếm chủ yếu là từ sức mạnh quân sự như Triều Tiên hay Iran, có quốc gia thì xây dựng các mối liên minh quân sự như Philippines …

Chúng ta chia sẻ, thông cảm và không có gì ngạc nhiên khi Triều Tiên hay Iran đang chịu rất nhiều áp lực mà vẫn tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Có thể nói 2 quốc gia này đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh.
 
Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc nối lại các đàm phán hòa bình để tiến tới ký kết Hiệp định hòa bình nhằm chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên cũng khẳng định lại lập trường của mình là chỉ quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân nếu Mỹ và đồng minh chấm dứt chính sách thù địch và LHQ chấm dứt các lệnh trừng phạt bất hợp lý của mình.

Trong điều kiện thứ nhất, đàm phán hòa bình để tiến tới ký kết một hiệp định hòa bình là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Về nguyên tắc, 2 miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến năm 1950-1953 chỉ chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn không có giá trị như một hiệp định hòa bình.

Vì vậy, việc ký kết một hiệp định hòa bình như thế về mặt chính thức giúp cho quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ không còn thù địch nữa.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của Triều Tiên đã ngay lập tức bị Mỹ và Hàn Quốc bác bỏ. Và đương nhiên, không còn con đường nào khác, Triều Tiên phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mà Hàn Quốc và Mỹ có thể gây ra.

Máy bay ném bom chiến lược B-52.

Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng đang nghẹt thở bởi đòn trừng phạt cấm vận phi lý và các động thái chuẩn bị chiến tranh giáng vào Iran của Mỹ, NATO và Israel.

Gần Việt Nam có Philippines đang rất căng với Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc không ngớt đe dọa tấn công Philippines, nhưng Philippines vẫn cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền.

Điểm chung của Triều Tiên và Iran là bị đe dọa, bị chèn ép, bị gây chiến, là nước có thế lực yếu hơn. Vì vậy, vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa… là lực lượng răn đe hữu hiệu nhất mà họ cố đeo đuổi để tự bảo vệ mình.

Mỹ-Hàn có thể thắng Triều Tiên, Mỹ-NATO và Israel có thể thắng Iran nhưng chịu đựng được cái giá phải trả hay không là một vấn đề, một suy nghĩ khi đặt lên bàn cân tính toán thiệt hơn.

Với Philippines, so với Trung Quốc chỉ là “con muỗi”, nhưng Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm, bởi sau lưng Philippines là Mỹ-một sức mạnh đáng giá mà Trung Quốc cần đắn đo.
Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh tại Việt Nam là một bài học tươi nguyên.

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng giữa Việt Nam và Mỹ thì không cần dùng từ “so sánh”, nhưng tại sao Mỹ vẫn phải tuyên bố ngừng chiến dịch vô điều kiện?

Mỹ tung vào chiến dịch này 193 pháo đài bay chiến lược B-52. BTL PK-KQ cùng các chuyên gia Liên Xô sau một tuần nghiên cứu, tính toán đã trả lời câu hỏi của Đại tướng TTL về tỷ lệ rơi B-52 như sau:

- B-52 rơi 1%-2% (2-4 chiếc).  Mỹ chịu đựng được.
- B-52 rơi 6%-7% (12-14 chiếc). Nhà Trắng sẽ rung chuyển (BQP Mỹ)
- B-52 rơi trên 10%(trên 20 chiếc) Mỹ sẽ bỏ cuộc, chấp nhận thua.

Thực tế chứng minh là pháo đài bay B-52-Thần tượng của không lực Hoa Kỳ tan xác trên bầu trời Hà Nội với một con số 17% (34 chiếc).

Mặc dù “Tốc độ 34 chiếc bị bắn rơi trong 10 ngày qua thì 3 tháng sau B-52 của Mỹ sẽ tuyệt chủng” (Hãng Roi-tơ ngày 29 /12/1972). Nhưng 34 B-52 là con số khủng khiếp khiến Hoa Kỳ không thể chịu đựng nổi.

Vậy, giả sử không có Mỹ hậu thuẫn, Trung Quốc sẽ tấn công Philippines để chiếm bãi đá ngầm hiện đang tranh chấp, tỷ lệ bao nhiêu tàu ngầm, khu trục hạm, máy bay của Trung Quốc “mất sức chiến đấu” thì Trung Quốc sẽ chịu đựng không nổi, dù cho sau đó chiếm được bãi đá ngầm kia?

Không khó để phán đoán, bởi, người, thì Trung Quốc có thừa, chi vô tư, nhưng tàu ngầm… thì không nhiều bằng Mỹ.

Một trung đoàn hoặc sư đoàn bộ binh bị tiêu diệt không là gì, trong phút chốc thành lập lại ngay quân số và phiên hiệu. Nhưng khi một tàu ngầm hoặc khu trục bị đánh chìm thì chấn động rất lớn và phải tốn hàng năm mới khôi phục lại được.

Bởi thế, “tỷ lệ chung cuộc và hệ quả” trong các chiến dịch quân sự chắc Trung Quốc và Philippines đã chi li tính toán, cân nhắc.

Suy cho cùng, mọi cuộc chiến tranh đều bắt nguồn, xuất phát từ lợi ích. Nếu quốc gia nào đó có một sức mạnh đủ để giáng trả gây cho đối phương một giá đắt không chịu đựng nổi thì sẽ ngăn ngừa được chiến tranh.


Một vấn đề đặt ra là, chúng ta có sức mạnh nào để răn đe ngăn ngừa chiến tranh không? 

Chúng ta không thể làm theo cách của Triều Tiên hay Iran. Chúng ta cũng không thể liên minh quân sự với ai.

Vậy, sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh của Việt Nam ở đâu?

Chuẩn bị sức mạnh quân sự theo “kiểu Việt Nam”.

Với Việt Nam, trong tình thế hiện nay, nếu nói rằng chúng ta đang tập trung nhân lực, vật lực để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống xâm lược đang gần kề là không thực tế và xác đáng.

Tuy nhiên, xây dựng đi đôi với phòng thủ bảo vệ đất nước, chúng ta đầu tư, tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng để phòng thủ là nhiệm vụ thường xuyên và càng ngày càng phải được tăng cường, trong đó phòng thủ Tổ quốc từ hướng biển – hướng chính, hướng sống còn là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu mà hải quân là lực lượng nòng cốt.
Lực lượng của Hải quân Việt Nam
Một đất nước có đường bờ biển dài hơn 3 ngàn km và hơn 3 ngàn hòn đảo lớn nhỏ, với “tư duy biển” như hiện nay thì xây dựng một lực lượng hải quân và một lực lượng phòng thủ bờ biển hùng mạnh là mơ ước của Việt Nam.
Nói là mơ ước, bởi hiện tại, đó là điều chưa thể, nền kinh tế, KHKT đất nước chưa cho phép.

Chúng ta càng không thể kiếm tìm, chuẩn bị một lực lượng tương xứng, cân bằng sức mạnh quân sự với đối thủ tiềm tàng để sẵn sàng “đôi công”.

Vì vậy, chuẩn bị phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển của Việt Nam cũng theo cách của Việt Nam.

Giới quan sát đã thấy rất nhiều vấn đề ở đây. Chẳng hạn: Lực lượng phòng thủ bờ biển và hải quân đã trở nên tinh gọn, hiện đại và thiện chiến. Tinh gọn để hiện đại.

Sự hiện đại có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá để chiếm ưu thế so với đối thủ.

Chúng ta chỉ để ý một chút vào lực lượng phòng thủ bờ là rõ: Hệ thống tên lửa Bastion-P (Việt Nam mới chỉ có 2 đơn vị TL này).
Bastion-P là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển cơ động hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Đến nay, chỉ có Hải quân Nga và Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa khủng khiếp này. Về lý thuyết, với phần chiến đấu 200 kg, Yakhont có thể tiêu diệt hầu hết tàu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một quả đạn.

Và một đơn vị, với một loạt phóng 8 quả (2,5s/1 quả) nó có thể buộc một hạm đội đối phương phải từ bỏ nhiệm vụ.

Rõ ràng, ít nhất đây cũng là một tình huống “đáng ngại” để Bộ Tham mưu đối phương phải suy xét “nên hay không nên” trước khi gây chiến.
Đó cũng chính là một trong những sức mạnh răn đe của tuyến phòng thủ bờ biển của chúng ta bởi tính hiện đại của vũ khí trang bị.

 Tuy nhiên, cái quan tâm nhất là, sự chuẩn bị sức mạnh đó nó mang tính Việt Nam như thế nào, mới thấy hết được bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin của Việt Nam trước đối thủ xâm lược.
Chẳng hạn như về xây dựng và sử dụng lực lượng theo tư tưởng, học thuyết quân sự Việt Nam:

Trong chiến tranh hiện đại, tên lửa là loại vũ khí có vai trò quan trọng quyết định như thế nào ai cũng rõ. Vì thế, các quốc gia ưu tiên nghiên cứu phát triển những thứ mang nó như tàu chiến, máy bay, các hệ thống phóng…ngày càng hiện đại. Trên biển, tàu phóng tên lửa (mặt nước, ngầm) luôn được coi là lực lượng “át chủ bài”.

Tư tưởng, học thuyết quân sự Việt Nam không phủ nhận điều này.

Nhưng nếu như các quốc gia nhỏ, yếu ven biển ít quan tâm đến lực lượng tàu phóng lôi hơn trong phòng thủ thì Việt Nam không như thế.

Lực lượng tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam đặc biệt là tàu phóng lôi cánh ngầm vẫn củng cố và phát triển.

Từ năm 1989 lực lượng tàu phóng lôi cánh ngầm đã xuất hiện đủ để cùng với các tàu tên lửa làm “nguội” những cái đầu hung hăng muốn đánh chiếm Trường Sa lúc bấy giờ.

Điều khiến cho tàu phóng lôi ít được quan tâm hơn có lẽ bởi từ vũ khí của nó: Ngư lôi. Ngư lôi do “bay” dưới nước nên tốc độ chậm hơn nhiều so với tên lửa cho nên không thể tác chiến từ xa được.

Vì thế bắt buộc tàu phóng lôi phải vận động tiếp cận mục tiêu phóng mới hiệu quả. Và đương nhiên tàu phóng lôi luôn bị phơi mình trong tầm mọi hỏa lực của đối phương, không khác chi con thiêu thân.

Có thể nói, đây là hình thức tác chiến rất “đặc biệt” của tàu PL mà không phải quốc gia nào cũng thi thố được.

 Tuy nhiên, khi tàu phóng lôi tiếp cận được mục tiêu mà không bị tiêu diệt thì mục tiêu coi như bị định đoạt, làm mồi cho ngư lôi mà vô phương chống đỡ vì quá gần. Đây là ưu điểm tuyệt vời nhất, “quyến rũ” nhất của tàu phóng lôi (PL).

Khác với tàu tên lửa, do tấn công từ khoảng cách rất xa nên phụ thuộc nhiều yếu tố không chắc chắn và vì thế xác suất không cao, trong khi đó nếu đối phương không ngăn cản được tàu PL tiếp cận, để cho tàu PL “bám thắt lưng” thì khi ngư lôi, không cần hiện đại như Shkval VA-111 được phóng ra, coi như chỉ còn cách ôm phao cứu sinh lo cho mình, còn cho tàu thì không thể.

Làm sao để tàu PL “bám được thắt lưng”? Nếu như đây là bài toán đau đầu cho đối phương thì ngược lại rất hưng phấn cho giới quân sự Việt Nam vì có nhiều cách giải.

Nhưng cách lợi dụng địa hình, địa vật tập kích bất ngờ và cách như của 3 tàu PL Việt Nam, bất chấp hòn tên mũi đạn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh dạy cho tàu khu trục Ma-đốc Hoa Kỳ một bài học thì giới quân sự đối phương thừa biết và luôn luôn nghĩ đến dù biết rằng sẽ mất ý chí chiến đấu.

Lực lượng tàu PL, đặc biệt là tàu phóng lôi cánh ngầm, trong tay Hải quân Việt Nam là lực lượng được sử dụng đòn “đánh gần” “bám thắt lưng địch mà đánh” cực kỳ nguy hiểm, hiệu quả.
Cái giá mà đối phương phải trả ngoài khả năng chịu đựng tất nhiên không loại trừ từ lực lượng này.
Tác giả: Lê Ngọc Thống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang