Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Tử huyệt tàu sân bay Thi Lang khi trực chiến biển Đông


Tàu sân bay (TSB) vốn được xem là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Tàu sân bay là phương tiện vũ khí chỉ dành cho các quốc gia tác chiến xa ngoài lãnh hải, lãnh thổ của mình.
Việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay sẽ làm thay đổi hình thức tác chiến trên biển của họ và nếu vậy, phương án tác chiến của các quốc gia mà Trung Quốc nhắm tới cũng phải thay đổi để đối phó.
Gần đây liên tục có những thông tin cho rằng Trung Quốc sắp đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động, dự kiến sẽ đưa tàu sân bay Thi Lang vào biên chế chính thức của lực lượng hải quân trong đầu tháng 8 tới và con tàu này sẽ trực chiến ở biển Đông… khiến cho nhiều nước trong khu vực lo ngại và bất an.
Tàu sân bay Thi Lang hoạt động ở biển Đông lúc nào chỉ là vấn đề thời gian. Điều ta cần quan tâm là Thi Lang dùng để huấn luyện hay để tác chiến? Nếu tác chiến thì sự lợi hại của nó như thế nào? Khả năng nó đến đâu?
Tàu sân bay Thi Lang
Chỉ là để huấn luyện?
10 quốc gia sở hữu tàu sân bay là: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Brasil, Italia, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Chúng ta chỉ lưu ý đến Trung Quốc và Mỹ (vì Trung Quốc đang có ý tưởng tranh giành ngôi vị bá chủ thế giới với Mỹ).
Chẳng ai rỗi công đi so sánh chất lượng, số lượng tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc làm gì. Cái chúng ta cần là hiểu xem Trung Quốc có khả năng gì với tàu sân bay.
Về kinh nghiệm sử dụng, hoạt động TSB thì Trung Quốc là một con số “0” tròn trĩnh. Đương nhiên, muốn bay cao thì phải từ mặt đất, nhưng thấy 11 TSB Mỹ hoạt động tạo nên một sức mạnh khủng khiếp như vậy trên đại dương mà ham muốn có ngay được như Mỹ, dù chỉ bằng 1/11 chiếc của họ là “mơ giữa ban ngày”.
Thiếu tướng Doãn Trác – Chủ nhiệm sở nghiên cứu chiến lược Hải quân Trung Quốc, ông Tống Hiểu Quân – Chuyên gia nghiên cứu quân sự Bắc Kinh và Thủy Quân Ích – người dẫn chương trình của CCTV trong một lần cùng nhau đã tính toán:
“Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ 3.200 tỷ USD, nếu mỗi lần nhân dân tệ tăng giá, một đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ mất đi 1 xu Mỹ thì con số đó có thể mua được một chiếc TSB Geroge Washington”…Điều này ám chỉ rằng Trung Quốc giàu có, không những 11 chiếc như của Mỹ mà Trung Quốc muốn thì 50 chiếc như vậy cũng có.
Tất nhiên, bạn có thể dùng tiền để mua một đội bóng đá vô địch thế giới, nhưng để có một đội bóng đá quốc gia vô địch thế giới thì không thể. Có những thứ không phải có nhiều tiền, có đông dân…là được.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, xin mời các vị tướng “thơm nước hoa” và các học giả Trung Quốc lưu ý đến điều này:
Chỉ riêng trong năm 1954 – đúng 8 năm sau khi chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên hạ cánh trên tàu sân bay USS Franklin D. Roosevelt, và, bất chấp việc phát triển các khái niệm âm thanh cho máy bay bay từ boong tàu sân bay, hải quân và đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đã mất 776 máy bay và 535 phi công.
Đây là con số tổn thất không thể tưởng tượng nổi. Một cái giá phải trả cho việc bá chủ biển cả.
Trung Quốc, ngày nay, dù khoa học công nghệ phát triển hơn nhưng trình độ công nghệ TSB hiện tại vẫn không thể bằng Mỹ lúc đó. Vả lại, không ai có thể san sẻ kinh nghiệm này cho Trung Quốc, vì đây là bí mật quốc gia của họ. Bởi vậy, Trung Quốc dù có tài “copy and paste” cũng không có nghĩa “miễn nhiễm” với mối nguy hiểm này.
Chỉ huy TSB Geroge Washington là David Lausman nói: “Tàu thường huấn luyện trên 100 chuyến máy bay cất, hạ cánh mỗi ngày. Có như vậy mới gọi là TSB, chứ nếu chỉ ngồi không trên chiếc tàu trôi nổi ra biển thì không phải là trọng điểm của sản xuất TSB”.
Trong khi đó, chỉ thiếu cáp hãm đà trên TSB Thi Lang, dư luận, giới quan sát um xùm cả lên, vậy sao chúng ta, đến giờ vẫn chưa nghe, chưa thấy chiếc máy bay nào cất cánh, hạ cánh đầu tiên an toàn từ TSB Thi Lang?
Phải chăng, chiếc TSB của Trung Quốc được phát triển bởi một công nghệ tiên tiến vượt trội so với Mỹ hiện tại, hay Trung Quốc đã chế tạo thành công loại máy bay đặc biệt nào đó mà việc cất cánh, hạ cánh trên TSB đã trở nên thành không vấn đề?
Tướng Doãn Trác, một trong những vị thiếu tướng “diều hâu” trên biển Đông mà đã thừa nhận “cái gọi là TSB của Trung Quốc đương nhiên là TSB dùng để huấn luyện, là mặt bằng nghiên cứu khoa học”…thì có lẽ là thật, là hợp lý.
Khi đã là vấn đề khoa học thì phải đối xử với nó cũng phải khoa học. Nếu đối xử với vấn đề khoa học bằng ý chí, chủ quan thì chắc chắn thảm bại, gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, tin tức cho rằng TSB Trung Quốc sẽ “trực chiến” ở biển Đông trong tương lai gần khi tình hình tranh chấp trên biển Đông đang nóng lên nghe có vẻ hù dọa hơn là thực tế.
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc

Tác chiến trên biển Đông?
Khi tàu sân bay Thi Lang dùng để trực chiến trên biển Đông là sự thật thì có nghĩa là nó đã sẵn sàng tác chiến.
Tàu sân bay là một sân bay di động trên mặt biển, và nhiệm vụ chủ yếu của nó là để cho máy bay cất cánh và hạ cánh.
TSB là phương tiện chỉ dành cho các quốc gia tác chiến xa ngoài lãnh hải, lãnh thổ của mình. Mỹ nhiều nhất, 11 chiếc đang hoạt động, còn lại Anh đứng thứ 2 nhưng cũng rất khiêm tốn: 2 chiếc.
Nêu lên con số như thế này để chứng tỏ quốc gia nào ham muốn chế tạo sản xuất TSB thì tham vọng của họ không giấu được ai và luôn là mối đe dọa hòa bình, ổn định cho khu vực trong tương lai.
Một sân bay quân sự trên đất liền hoạt động khi chiến tranh xảy ra luôn phải hứng chịu các đòn tấn công của không quân, tên lửa và pháo tầm xa đối phương. Vì vậy dứt khoát sân bay phải có hệ thống bảo vệ tương xứng.
Tàu sân bay, ngoài phần “sân bay” cũng phải như vậy thì phần “tàu” phải đối phó thêm tình huống tấn công của tàu mặt nước và tàu ngầm.
Có thể nói lực lượng bảo vệ cho TSB hùng hậu hơn rất nhiều lần sân bay trên đất liền và đương nhiên sẽ rất khó khăn, tốn kém.
Trực chiến ở biển Đông, vai trò, vị trí của TSB Thi Lang sẽ như thế nào?
Nếu tranh chấp trên bên Đông gần Trường Sa thì vị trí an toàn cho TSB chỉ là phía Đông, Đông Bắc của quần đảo. Phía Tây Bắc, Tây, Tây Nam và Đông Nam là không an toàn.
Nếu tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông thì phạm vi hoạt động của TSB Thi Lang còn hạn chế hơn nữa.
Nguyên tắc hoạt động sống còn của TSB là phải ngoài tầm hỏa lực của lực lượng phòng thủ bờ, càng xa càng tốt. Trong khi biển Đông chỉ như một “cái ao” thì không phải là nơi cho bất cứ TSB nào của bất cứ ai, dù là Mỹ hay Trung Quốc vùng vẫy. Một cây trường kiếm có thể là một sức mạnh hủy diệt trên thảo nguyên bao la nhưng lại là dễ bị tiêu diệt nhất khi ở trong hang hẹp hay trong rừng rậm.
Với vũ khí công nghệ cao, sức hủy diệt lớn như hiện nay thì TSB hoạt động tác chiến càng gần bờ thì chỉ là con mồi béo bở không những cho hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển hiện đại như Bastion-P của đối phương mà thậm chí với lối đánh tập kích nhiều hướng, nhiều tầng, nhiều lực lượng, liên tục dồn dập cũng có thể làm cho TSB mất sức chiến đấu.
Khi TSB Thi Lang hoạt động tác chiến, Trung Quốc tạo ra được một lực lượng không quân tấn công tập trung, liên tục vào mục tiêu nhưng sức hủy diệt không lớn. Bởi vì máy bay trên TSB sức mang vũ khí rất hạn chế và với số lượng 30 chiếc trên TSB Thi Lang, dù hoạt động cùng một lúc, cũng không thể đạt được “một đòn chết ngay”.
Trong khi đó, nếu gặp phải một đối thủ sẵn sàng quyết tử để xóa sổ TSB thì Trung Quốc phải cần một lực lượng lớn tàu hộ vệ mặt nước, tàu ngầm…căng ra để bảo vệ.
Nói chung TSB Thi Lang của Trung Quốc chỉ giúp họ có thêm một lực lượng không quân 30 chiếc thì họ cũng bị mất đi một số tàu ngầm, khu trục, hộ vệ…làm nhiệm vụ bảo vệ cho TSB.
Do vậy, có TSB tham gia tác chiến nhưng ưu thế về lực lượng chưa hẳn là tập trung, vượt trội so với đối phương. Vì vậy, hiệu quả tác chiến không cao.
TSB lại còn dễ bị tổn thương, thậm chí dễ bị tiêu diệt, cho nên trong tình hình hiện nay với TSB Thi Lang trực chiến hay không ở biển Đông là không quan trọng. Tàu sân bay Thi Lang, trọng lượng để răn đe đang còn rất khiêm tốn. Nó là thứ dùng “giải quyết khâu oai” hơn là tác chiến.
Nếu nó vẫn được “trực chiến” theo ý chí, quyết tâm thì cũng chẳng sao vì chẳng ai làm gì nó cả. Nhưng coi chừng, sự nóng vội sẽ khiến cho chính ngay “biểu tượng sức mạnh” tự làm mất mặt mình.
Các nước trong khu vực không việc gì phải lo ngại bất an.
Lê Ngọc Thống (PNTD)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang