Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Vụ Scarborough: Lớn hiếp đáp bé


Trung Quốc biểu dương thực lực, tăng sức ép kinh tế, ngoại giao để khuất phục Philippines, triển khai chủ trương mới ở Biển Đông.
Vụ xung đột giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough (Hoàng Nham), bắt đầu từ ngày 8/4, đã bước sang tuần thứ năm. Philippines thì đấu lý, Trung Quốc thì đấu lực. Hai bên lúc xuống thang, lúc leo thang căng thẳng. 
Biểu dương thực lực chấp pháp
Trong quá trình xung đột, phía Philippines dựa vào quyền vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của Luật biển quốc tế, trong đó các yêu sách chủ quyền hợp pháp căn cứ vào các cấu trúc lãnh thổ. Phía Trung Quốc thì không thể dùng cái quyền này bởi vì Hoàng Nham cách bờ biển Trung Quốc 1500km. Khi đầu Trung Quốc viện dẫn bãi đá này là phần kéo dài của quần đảo Trung Sa, nhưng Trung Sa không có thềm lục địa, nên Trung Quốc viện dẫn “vùng nước lịch sử” quản lý từ thời Tây Hán; rồi lại gọi vùng “đánh cá truyền thống”. Philippines tất nhiên cũng khẳng định đây là vùng “đánh cá truyền thống” của họ. Philippines đề nghị Trung Quốc cùng đưa vụ tranh chấp này ra tòa án quốc tế, Trung Quốc tất nhiên từ chối. Philippines có thể đơn phương tìm sự tài phán quốc tế.
Thực chất Bắc Kinh đã  trót đưa ra đường lưỡi bò “9 đoạn” thì phải đeo bám kỳ cùng mặc dù gặp nhiều bất lợi. Ngày 3/5/2012, Trung tâm Nghiên cứu một Nền An ninh Mới của Mỹ (CNAS) đã công bố bản nghiên cứu của mình về các điểm nóng tại biển Nam Hải (Biển Đông). Tác giả bản nghiên cứu là bà Tôn Vân, người gốc Hoa, chuyên gia thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á thuộc Viện Brookings ở Mỹ, mang tựa đề: “Nghiên cứu Nam Hải: Quan điểm Trung Quốc”, trong đó nêu bật kết quả nghiên cứu của bốn định chế nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc hiện nay về Biển Đông.
Bãi Scarborough tại Biển Đông - một bãi đá ngầm nhỏ đang gây sự quan tâm lớn đối với dư luận thế giới
 Bài viết chỉ rõ: “Trong cộng đồng nghiên cứu chính sách tại Trung Quốc, có một sự công nhận khá rộng rãi là chính sách Biển Đông căn cứ vào tấm bản đồ “hình lưỡi bò” sẽ tạo ra nhiều vấn đề, tương tự như chủ trương thương thuyết song phương về những tranh chấp mà bản chất là đa phương, hay là việc áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”. “Nếu tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ tấm bản đồ chín đường gián đoạn cũng như “chủ quyền lịch sử” của họ tại vùng biển đang có tranh chấp. Mặt khác, nếu được tiến hành, các cuộc đàm phán đa phương về tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo, bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông “hầu như sẽ dẫn tới kết quả là Trung Quốc sẽ bị mất ít nhất là một phần” các vùng biển và lãnh thổ mà họ đòi hỏi chủ quyền.
Những thừa nhận như trên của giới nghiên cứu có thẩm quyền Trung Quốc đã được giữ kín hoàn toàn, không hề tiết lộ ra cho công chúng biết.
Trung Quốc không dùng được cái lý dựa vào luật pháp quốc tế thì họ dùng cái lý của kẻ mạnh. Khi đầu họ chỉ dùng 2 tàu bán vũ trang chấp pháp, sau đưa lên 3 tàu, có máy bay yểm trợ. Ngày 9/5 vừa rồi số tàu lên tới con số “khủng” là 33 chiếc, bảo vệ cho ngư dân Trung Quốc tiếp tục đánh bắt cá. Một bãi cạn hơn một km2, chỉ có 5 mỏm đá nhô lên mà dùng cả một hạm đội lớn tàu chấp pháp vừa hải giám, vừa ngư chính như vậy để đối phó với 2 tàu tuần tra biển của Philippines khiến dư luận tự hỏi về tính hợp lý vượt xa mọi điều phải trái thông thường. Trung Quốc không cần phải kéo cả một hạm đội chấp pháp thì người ta cũng biết Trung Quốc có hàng trăm tàu chấp pháp hoạt động trên Biển Đông rồi.
Gây áp lực quân sự
Theo các hãng tin nước ngoài, trang web “china.com” ở Trung Quốc đã đăng tải thông tin cho rằng Quân khu Quảng Châu và Hạm đội Nam Hải đồng thời chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2 vào ngày 8/5. Tất cả nhân viên đều phải bỏ nghỉ, lực lượng không quân hải quân bắt đầu di chuyển, các tàu chiến được lệnh trực chiến. Ngoài ra, một số lực lượng gần Quân khu Quảng Châu như lực lượng không quân hải quân, pháo binh II (tên lửa chiến lược) và lực lượng đổ bộ số 15 của Quân khu Nam Kinh cũng được lệnh nâng cấp sẵn sàng chiến đấu, bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 3. 
Trung Quốc tiếp tục cử tàu chấp pháp tới vùng tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham
Theo trang web “baidu.com”, Trung Quốc chia trạng thái sẵn sàng chiến đấu làm 4 cấp, trong đó cấp 1 là nghiêm trọng nhất, cấp 2 cho thấy tình hình xấu đi, đã trở thành mối đe dọa trực tiếp về quân sự đối với Trung Quốc.
Theo công bố điều tra của một trang mạng ở Trung Quốc, gần 80% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc cần phải đáp trả bằng quân sự khi bị thách thức ở Nam Hải (Biển Đông). Nhưng sự việc một người dẫn chương trình của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc gọi Philippines là một phần của Trung Quốc “không thể tranh cãi” đủ thấy người Trung Quốc quả thực mơ hồ về cuộc tranh chấp tại vùng biển họ gọi là Nam Hải.
Sức ép quân sự được tung tin nhằm tạo hiệu quả cho các biện pháp ngoại giao. Ngày 10/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã thông báo việc nối lại tiếp xúc ngoại giao giữa Bộ Ngoại giao Philippines và Đại sứ Trung Quốc tại Manila.
Trước đó, ngày 7/5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã triệu Đại biện Lâm thời Philippines tại Bắc Kinh tới để cảnh báo rằng, “Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả những hành động đang làm tình hình xấu đi của Philippines”. Tờ Văn Hối (HK) đã coi phát ngôn của bà Phó Oánh là “lời cảnh cáo cuối cùng” đối với Philippines.
Đồng thời, Bắc Kinh áp dụng một số đòn bẩy kinh tế. Trung Quốc ngừng du lịch từ Đại lục tới Philippines và sử dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế hàng xuất khẩu từ Philippines, trong đó có việc tăng cường kiểm dịch hoa quả nhập từ Philippines.
Đồng thời, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 9/5 đã bắt đầu khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển sâu ở Bắc Biển Đông. Chủ tịch tập đoàn Vương Nghi Lâm nhấn mạnh: “Đây là động thái nhằm đảm bảo chủ quyền, thúc đẩy chiến lược cường quốc hải dương của Trung Quốc”. Theo báo Sankei (NB), cùng với việc đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên, rõ ràng đây là chủ trương của Trung Quốc nhằm củng cố chủ quyền ở Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia về Đông Nam Á của Trung Quốc nói rằng, “việc khoan thăm dò tài nguyên đáy biển và cử các đoàn tàu đánh cá tới hoạt động ở Biển Đông là phương sách hiệu quả để củng cố chủ quyền của Trung Quốc”. Xem ra, Trung Quốc bắt đầu thực hiện giai đoạn mới của chiến lược Biển Đông “khai thác trước, giải quyết tranh chấp sau”.
Trên các báo Trung Quốc còn kêu gọi xử lý tốt “mô hình Hoàng Nham” từ đó áp dụng sang các khu vực tranh chấp khác, dùng vũ lực mà chiếm lại các đảo mà các nước khác đang quản lý.
Trước cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không ngại ngần tạo ra hình ảnh một đất nước bé nhỏ Philippines đang bị bắt nạt bởi một Trung Quốc lớn mạnh. Trung Quốc có thể “được” về chiến thuật nhưng đang “mất” về chiến lược./.

Nhật Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang