Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Sức đề kháng của Asean trước ” thuốc thử ” Trung Quốc

Tại sao bàn tay của chúng ta không nắm lại thành sức mạnh mà cứ xòe ra để kẻ mạnh lợi dụng bẻ hết ngón này đến ngón khác?

Đã đến lúc ASEAN phải đổi mới phát triển
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967 với sự tham gia lúc đầu của 5 nước: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nổ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Bức ảnh chụp hai tàu hải giám của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trong tháng trước. Ảnh: AFP
Trong giai đoạn đầu, ASEAN là một tổ chức lỏng lẻo, chưa có vị trí trên trường quốc tế.
Sự khởi sắc của ASEAN được đánh dấu từ Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Indonesia) với việc kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Bali).
Hiệp ước Bali xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước như: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với nhau; Giải quyết các bất đồng hay tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ASEAN tiếp tục mở rộng thành viên của mình. Năm 1992 Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali và năm 1995 trở thành thành viên chính thức.
Năm 1999, ASEAN là tổ chức có 10 thành viên gồm tất cả các nước ở Đông Nam Á.

Tính thống nhất và sự đoàn kết trong ASEAN
Các thành viên của ASEAN thì chỉ có một điểm chung là các nước nhỏ và chỉ trừ Thái Lan là chưa là thuộc địa của ai (chẳng qua, trong phân chia, các nước lớn thỏa thuận với nhau coi Thái Lan là vùng đệm) còn lại đều đã từng là thuộc địa của đế quốc trong thời gian dài.
Và, vì thế, nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển là đương nhiên. Cho nên, tiếng nói của ASEAN trên trường quốc tế không có nhiều trọng lượng.
Sự khác biệt giữa các thành viên thì lại rất nhiều, đặc biệt là sự khác nhau về chế độ chính trị.
Chính sự khác biệt này, các thành viên, tất yếu sẽ có những mối quan hệ, tương tác với bên ngoài vì lợi ích quốc gia khác nhau, nên khi đặt vào trong tổ chức của ASEAN thì độ “kênh” quá lớn. Giống như những hòn đá đầy góc cạnh thì không thể xếp thành khối được trừ phi mài bớt các góc cạnh ấy đi.
Sức mạnh của một tổ chức biểu hiện bởi sự đoàn kết và tính kỷ luật. Nhưng khi trong một tổ chức mà không thống nhất về quyền lợi, không thống nhất về ý chí và hành động thì rõ ràng là thiếu sự đoàn kết nhất trí.
Trong khi đó biện pháp chế tài, trừng phạt các thành viên vi phạm không có, nói cách khác kỷ luật không nghiêm, ai thích làm gì thì làm…
Một tổ chức mà thiếu sự đoàn kết, tổ chức lỏng lẻo thì làm sao có thể là mạnh được?
Hãy xem Thái Lan và Campuchia. Nguyên tắc quan hệ của các thành viên trong khối theo Hiệp ước Bali là: Giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với nhau…
Thế nhưng gần đây, 2 thành viên này đem đại bác ra nói chuyện với nhau. Mức độ quyết liệt được Thủ tướng Campuchia coi đó là một cuộc chiến tranh biên giới giữa 2 nước.
Đặc biệt gần đây, trước việc Trung Quốc thi hành chính sách của mình trên biển Đông, với hành động chèn ép, bắt nạt, đe dọa dùng vũ lực hòng đoạt gần trọn biển Đông, gây nên tình hình căng thẳng, lo ngại bất an của các nước thành viên trong ASEAN thì ASEAN càng bộc lộ sự không đoàn kết của mình.
Các nước không có tuyên bố chủ quyền trên biển gây tranh chấp với Trung Quốc thì im lặng, mặc cho Trung Quốc đe dọa, tự tung tự tác với các nước có tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, im lặng cũng còn tốt, không những thế, có những nước thành viên vì lợi ích quốc gia lại quay sang ủng hộ Trung Quốc.
Cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung quốc đang diễn ra căng thẳng, quyết liệt, có thể dẫn đến xung đột quân sự bất cứ lúc nào. Philippines đang chịu một sức ép cực lớn bởi Trung Quốc từ lời lẽ đe dọa dùng vũ lực cho đến những hành động sẵn sàng dùng vũ lực.
Dư luận tiến bộ trên thế giới coi hành động của Trung Quốc là chèn ép, cậy thế nước lớn, có tham vọng phi lý, đều đứng về phía Philippin. Trong khi đó ASEAN im lặng. Duy nhất chỉ có Việt Nam là không im lặng.
Chính phủ Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam hết sức quan tâm, lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough… các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực”.
Tuyên bố này có điểm đặc biệt là nó cũng chính là mục đích, yêu cầu của Philippines  khi đề nghị cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc (Trung Quốc biết đuối lý nên không chấp nhận).
Rõ ràng, đây là sự ủng hộ Philippines về mặt pháp lý, tinh thần và về cách giải quyết. Có thể nói là rất khôn khéo, rất bản lĩnh của Việt Nam.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” và cũng có câu: “Chơi với dao có ngày đứt tay”, các thành viên trong ASEAN chắc cũng có câu tương tự. Lẽ ra họ phải biết rằng, cái “lợi ích quốc gia” mà họ có được từ Trung Quốc không phải được phát cho không.
Trung Quốc chưa và không bao giờ có cách hành xử như vậy. (Philippines đã từng chống quan điểm của Việt Nam và Malaysia, đi theo quan điểm của Trung Quốc và nay thì…như đã biết)
Với tính thống nhất không cao, sự đoàn kết nhất trí không có, kỷ luật lỏng lẻo, lại nghèo và nhỏ, ASEAN không mạnh và không là chỗ dựa như ta tưởng và mong đợi cho bất kỳ một thành viên nào.
Vì vậy Trung Quốc vốn coi ASEAN không ra gì, thậm chí ngay cả những điều họ đã đặt bút ký như DOC cũng như để mua vui. Họ chuyên lợi dụng để biến thành diễn đàn cho họ.
Đổi mới để phát triển hoặc tồn tại không bền vững là sự lựa chọn bắt buộc với các thành viên trong tổ chức này.

Liên minh các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển.
Trước sự chèn ép, bắt nạt, cậy thế nước lớn, không còn cách nào khác, các nước nhỏ có cùng lợi ích trong ASEAN hãy liên minh lại với nhau tạo thành “nhóm lợi ích”. Đó là biện pháp tự cứu mình trước.
Điều gì sẽ xảy ra khi những nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông xây dựng một hiệp ước phòng thủ chung để bảo vệ vùng biển của mình trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982? Chắc chắn sẽ tạo nên thế và lực rất lớn mà các nước lớn không thể coi thường. Đặc biệt là thế trận.
Với thế địa lý của những nước có tuyên bố chủ quyền, nó tạo ra một thế trận tấn công vô cùng hiểm hóc, liên hoàn không những trên phương diện quân sự mà cả kinh tế. Bất kỳ một nước lớn nào cũng sẽ không dám mạo hiểm.
Muốn vậy, các nước có tuyên bố chủ quyền phải thống nhất nhận thức tư tưởng là: Trong giải quyết tranh chấp quốc gia này hay quốc gia kia có thể mất chút này chút nọ nhưng chúng ta cùng được và được rất nhiều, còn hơn là chúng ta tỵ nạnh nhau để bị mất sạch.
Để có thể liên minh, hợp tác…thì điều trước tiên các nước có tuyên bố chủ quyền phải giải quyết  ổn thỏa việc tranh chấp với nhau bằng cách căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Có thể dùng Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLSC) làm trọng tài hoặc giám sát.
Đây là điều kiện rất thuận lợi vì phù hợp với chủ trương, nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển của các nước có tuyên bố chủ quyền, trừ Trung Quốc.
Vậy, tại sao chúng ta không ngồi lại cùng nhau để giải quyết chuyện này? Tại sao bàn tay ta không nắm lại thành quả đấm mà cứ xòa ra để kẻ mạnh cứ lần lượt bẻ hết ngón này đến ngón khác?
Sẽ rất khó khăn khi ASEAN thống nhất với nhau để ra một bản Tuyên bố về tình hình tranh chấp trên biển. Sự khó khăn càng lớn khi bản Tuyên bố, nếu có này, được Trung Quốc chấp thuận. Vì thế, những vấn đề nào dễ thống nhất ta làm trước, chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống.
Khi chúng ta đã thỏa thuận với nhau, được CLSC công nhận thì có nghĩa chúng ta đã hoàn chỉnh về mặt pháp lý. Và chúng ta có thể bắt đầu “cùng nhau” từ đây, xây dựng một tổ chức nhỏ trong lòng một tổ chức lớn ASEAN.
Có thể đó là một tổ chức các quốc gia có tuyên bố chủ quyền biển mà trong đó sự ràng buộc có thể là Hiệp ước, Hiệp định hoặc các Tuyên bố chung…tùy theo tình hình diễn biến để xác định nội dung.
Thời gian không chờ đợi chúng ta.
Theo (Phunutoday)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang