Phát hiện, xua đuổi, đánh trả thậm chí tiêu diệt tàu ngầm đối phương trong trường hợp lãnh hải bị xâm phạm là điều cần thiết. Nhưng khi chưa có trong tay một chiếc tầu ngầm nào thì hải quân Việt Nam làm thế nào để chặn đứng những hành vi xâm phạm ngầm dưới lãnh hải của đối phương?
Câu trả lời là: Chưa cần tới sự góp mặt của tầu ngầm lớp Kilo, Hải quân Việt Nam cũng đã có những phương án phòng vệ hữu hiệu. Mặc dù, trang bị kỹ thuật còn ở mức hạn chế, nhưng khả năng hiệp đồng tác chiến chính là thế mạnh khiến kẻ thù không thể chủ quan khi xâm phạm lãnh hải đất nước.
Tầu chống ngầm lớp Petya diễn tập phóng ngư lôi tiêu diệt tầu ngầm địch |
Nhiều nước hiện đang sở hữu một lực lượng tầu ngầm hùng mạnh. Đây chính là điểm mạnh của lực lượng hải quân nước đó, bởi họ có thể tấn công đối phương một cách bất ngờ từ dưới mặt nước. Sức mạnh này càng phát huy nếu đối phương không có phương tiện chống ngầm hiệu quả.
Hiện Hải quân Việt Nam có 2 phương thức chống ngầm chính là giăng bẫy và chủ động tìm diệt. “Giăng bẫy” là chiến thuật thả mìn tại các khu vực quan trọng như ven đảo, cảng… nhằm ngăn chặn tầu ngầm địch xâm nhập.
Tuy nhiên, phương thức “giăng bẫy” chỉ là để phòng chứ không thể phát hiện địch, nên cần phải áp dụng cả phương thức “chủ động tìm diệt”.
“Chủ động tìm diệt” có nghĩa là dùng tầu săn ngầm, máy bay chống ngầm thả mìn, ngư lôi tiêu diệt tầu ngầm địch. Tầu ngầm lợi hại ở sự bất ngờ, nhưng nó cũng dễ dàng bị săn đuổi và tiêu diệt một khi bị tầu hoặc trực thăng săn ngầm phát hiện. Đối phương khi phát hiện tầu ngầm có thể nhanh chóng huy động nhiều tầu khác cùng máy bay chống ngầm để tiêu diệt mục tiêu.
Trong trường hợp bị phát hiện, tầu ngầm chủ yếu bỏ chạy, lặn càng sâu càng tốt. Với tốc độ nhanh hơn, tầu săn ngầm có thể rải hàng loạt mìn phong tỏa khu vực phát hiện tầu ngầm, sau đó phóng ngư lôi tiêu diệt.
Hiện nay, về phương tiện chống ngầm, Hải Quân và Không quân Việt Nam được trang bị các phương tiện chủ yếu gồm: 5 tàu hộ vệ chống ngầm lớp Petya trọng tải 1.000 tấn, trang bị pháo, ngư lôi, rocket chống ngầm. Ngoài ra, trung đoàn trực thăng chống ngầm còn có 3 chiếc Ka-25, 10 chiếc Ka-28, 2 chiếc Ka-32. Tuy nhiên, Ka-25 do quá cũ, đã không còn được đưa vào trực chiến.
Bên cạnh đó, máy bay trinh sát biển, chống ngầm M-28 (của Ba Lan) thuộc biên chế Không quân cũng có thể tham gia hiệp đồng tác chiến. Việt Nam hiện có khoảng trên 10 chiếc. M-28 là loại máy bay có tính năng thám thính và tuần tra biển, đường băng cất và hạ cánh đòi hỏi cực ngắn.
Ngoài ra, M-28 còn được trang bị ngư lôi A244/S của Ý và tên lửa không đối biển loại MU90 do Ý và Pháp hợp tác. Chuẩn của chiếc M-28 có gắn 2 quả bom SAB, đó là bom định vị phát ra ánh sáng đặc trưng trong bóng tối nhằm đánh dấu mục tiêu để các phương tiện chiến đấu khác tiêu diệt tầu ngầm địch.
Có thể nói rằng, thời gian qua khả năng chống địch trên mặt nước của Hải quân Việt Nam đã được hiện đại hóa rất nhanh với hàng loạt chiến hạm “lừng danh” thuộc lớp Gepard, Tarantul, Moniya, Svetlyak.
Tuy nhiên, vũ khí, khí tài chống ngầm của Việt Nam đã có phần không phù hợp với chiến tranh hiện đại. Với việc bổ sung 6 chiếc tầu ngầm lớp Kilo thì vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai gần.
Nhưng không vì thế mà trước mắt kẻ địch “dám” coi thường hệ thống chống ngầm của Việt Nam, bởi với kinh nghiệm chiến đấu và khả năng hiệp đồng tác chiến, thì Hải quân và Không quân Việt Nam sẽ cho đối phương nếu “đã vào” thì sẽ “khó ra” trên biển Đông…
Thái Yên (Military, Defence, Newwars, Maritime)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)