Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Ðất liền và đảo xa

Những chuyến tàu ra thăm huyện đảo Trường Sa ngày một nhiều. Cả nước hướng về Trường Sa, quan tâm, động viên, chia sẻ tình cảm với những chiến sĩ đang ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Rời cảng Lữ đoàn 125 Hải quân (TP Hồ Chí Minh), sau hai ngày đêm vượt trùng khơi, trong tầm mắt là đảo Trường Sa lớn. Cán bộ, chiến sĩ xếp thành hàng dài dọc theo hàng cây phong ba hiên ngang đứng trước biển chào đón tàu cập cảng. Các hoạt động nghi lễ, những cuộc trò chuyện, thăm hỏi, trao quà khiến cả đảo sôi động. Có những món quà vượt qua hàng nghìn cây số từ nhiều nơi trên thế giới để đến với lính đảo.
Trong đợt này, nhiều Việt kiều về thăm Trường Sa. Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Thái-lan Ðào Trọng Lý cho chúng tôi biết, ông rất vui mừng vì có tên trong danh sách bốn người, đại diện cho Việt kiều từ Thái-lan ra thăm Trường Sa. Ngoài số tiền quyên góp gửi tới những người con thân yêu của Tổ quốc, bà con Việt kiều gửi tặng những bức ảnh khổ to chụp Làng Hữu nghị Thái-lan - Việt Nam ở bản Na Chọc (huyện Mương, tỉnh Na-khon Pha-nôm), nơi Bác Hồ từng sống, hoạt động cách mạng. Ông Lý thường xuyên theo dõi tin tức về tình hình Biển Ðông và không ngờ có cơ hội được đặt chân đến vùng đảo biên cương của Tổ quốc. Con tàu chở đoàn Việt kiều thăm các đảo ở phía bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi được ra thăm các đảo ở phía nam. Ngay khi kết thúc hành trình, về đến TP Hồ Chí Minh, ông Lý vui mừng gọi điện cho chúng tôi. Trước chuyến đi, ông không thể hình dung nổi đảo Trường Sa lớn (thủ phủ của huyện đảo Trường Sa) lại đẹp và khang trang thế. Thị trấn có nhiều cây xanh, bệnh xá, chùa, nơi dạy học cho con em người dân trên đảo, có sóng điện thoại, điện và nước khá đầy đủ. Hỏi chuyện những chiến sĩ đóng quân nơi đây, ông cảm nhận ở họ sự tự tin, rắn rỏi và ý thức rõ trách nhiệm Tổ quốc giao phó.
Những người giữ biển đảo không dễ gặp được đồng hương đến thăm từ đất liền để nói chuyện về quê nhà. Ba chiến sĩ trẻ Tuyền, Thịnh, Kha tuổi mười tám, đôi mươi, may mắn gặp người cùng dân tộc Mường với mình. Ðêm giao lưu văn nghệ trên Trường Sa Lớn, nhà văn Mai (công tác tại Ban Tuyên giáo Ðảng ủy khối các cơ quan T.Ư) nổi bật trong trang phục truyền thống của người Mường. Chị mặc trang phục này để ba người em đồng hương Hòa Bình vơi nỗi nhớ đất liền, quê nhà. Mảnh đất biên cương dù xa xôi, cách trở bởi trùng khơi, mãi mãi là một phần đất thiêng của Tổ quốc, các dân tộc anh em chung tay gìn giữ.
Ở vùng đất cực đông Tổ quốc đó, có những câu chuyện cảm động về nghị lực của người chiến sĩ, gác lại những khó khăn, mất mát riêng để vững tâm cống hiến cho đất nước. Hiểu rõ điều này, nên khi đặt chân lên bất cứ đảo nổi, đảo chìm nào trong hành trình thăm Trường Sa, mối quan tâm đầu tiên của Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Chuẩn Ðô đốc Ðinh Gia Thật (Phó trưởng đoàn công tác số 7), là hoàn cảnh gia đình của các chiến sĩ trên đảo. Chính nhờ mối quan tâm đó, nhiều thành viên khác trong đoàn mới biết được có những nỗi đau quá lớn của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, trong đó có Thượng úy Phạm Quốc Phương, Ðiểm trưởng điểm C đảo chìm Tốc Tan. Con trai đầu lòng của anh, cháu bé hơn ba tuổi vẫn gọi điện nói chuyện với bố và hát cho bố nghe những bài được mẹ dạy, mới mất chỉ vài ngày trước khi tàu chúng tôi tới đảo vì ung thư máu. Nhận được tin dữ, anh không thể về được vì đang thực thi nhiệm vụ. Cũng coi nhiệm vụ là trên hết, nên đứng trước đoàn công tác, người chỉ huy trưởng điểm đảo tiền tiêu đã nén nỗi đau, dõng dạc báo cáo tình hình trực chiến, huấn luyện, đời sống cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ðến khi biết chuyện, nhiều cơ quan và cá nhân tham gia đoàn công tác quyên góp nhanh để ủng hộ và chia sẻ nỗi buồn với Thượng úy Phương cùng gia đình. Thật xúc động, khi nhận món quà tình cảm từ đất liền, người đứng đầu điểm đảo nói: "Ở Trường Sa, có nhiều đồng chí còn có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi".
Con tàu HQ 996 cắt sóng đưa chúng tôi tới gần đảo nổi Trường Sa Ðông. Cây xanh của đảo trên nền mầu xanh thẫm của nước biển sâu, xanh ngọc nơi bãi ngầm và san hô quanh đảo, cùng với mầu ngói đỏ thấp thoáng sau những cây bàng vuông, cây tra, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, dựng một bức tranh thanh bình, thơ mộng. Tàu thả neo, những chuyến xuồng đưa người vào đảo. Thời gian ghé thăm ngắn ngủi. Những người trên chuyến xuồng cuối cùng vào đảo chưa đến nửa giờ, luyến tiếc khi nghe thấy thông báo phải về tàu gấp, nước triều đang rút. Năm cô sinh viên năm thứ ba ngành múa Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Ðà Nẵng và những ca sĩ trong đoàn vẫn say sưa biểu diễn. Nước triều xuống thấp, bãi ngầm hiện ra, xuồng không thể vào gần bờ, chỉ có thuyền vào được gần hơn. Chiến sĩ trên đảo mặc áo phao, ra kéo thuyền tiễn người rời đảo. Mấy em văn công được các chiến sĩ "ưu tiên" bế ra phía thuyền. Tiếng cười rộ động viên họ. Thuyền dần rời xa đảo, những nụ cười tươi trên những gương mặt sạm đen vì nắng, gió, vẫy chào tạm biệt, hòn đảo nhỏ dần giữa biển khơi, lòng người thấy nao nao.
Cả nước hướng về Trường Sa, cơ sở vật chất và đời sống của anh em trên đảo được cải thiện, có máy thu hình, trạm phát sóng điện thoại, cột điện gió và pin mặt trời, nhưng khó khăn còn nhiều. Mùa hè nắng rát, mùa mưa, bão gió muối thổi. Ðến đảo xa càng thấy mình bé nhỏ trước sự chịu đựng, hy sinh của các anh.
Ngoài thời gian làm nhiệm vụ trực chiến, huấn luyện, nhiều chiến sĩ trẻ có chung sở thích đọc sách và chế tác ốc. Họ lựa những con ốc nhỏ có mầu sắc đẹp xâu thành chuông gió, tìm những con ốc to có vân đẹp đem về hơ lửa loại bỏ san hô bám chung quanh, dùng dao khía các rãnh trên thân ốc, xoa dầu bóng để các đường vân trông nổi hơn. Ðây thường là những món quà quý những chàng trai canh giữ đảo dành riêng cho chị em ra thăm sau những cuộc trò chuyện, giao lưu, kết bạn. Món quà ẩn chứa trong đó là tính kiên trì và sự sáng tạo của những người lính đảo.
Tàu tới thăm đảo chìm Núi Le. Chủ nhà - chiến sĩ canh đảo, bận rộn hơn nhưng vui hơn vì có thêm nhiều người quen mới. Phương Thảo, một thành viên trong đoàn được chiến sĩ Tiến Trường tặng một con ốc to, đẹp, mài giũa dày công. Biết địa chỉ quê Trường ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), không quá xa Hà Nội nơi Thảo đang công tác tại trụ sở Ðảng ủy Ngoài nước, Thảo hứa với Trường vào một ngày tới đây sẽ cùng Ðoàn thanh niên tổ chức chuyến đi chuyển món quà của Trường tới gia đình: một con ốc trong bộ sưu tập của Trường và bức ảnh chụp người giữ đảo điển trai này.
Những chuyến tàu ra thăm Trường Sa thường phải đi cả nghìn hải lý, qua nhiều đảo nổi, đảo chìm, có biết bao kỷ niệm, tất cả vì Trường Sa thân yêu.
TRƯỜNG SƠN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang