Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Thần chiến tranh 'gõ cửa' Iran

Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình, các phương tiện truyền thông phương Tây luôn dày đặc thông tin về một kế hoạch quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran.
Kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, hai cuộc chiến do nước này phát động đã không còn thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Trong khi đó, hầu hết mọi con mắt đang hướng tới Iran, đặc biệt khi áp lực mọi mặt kể cả quân sự của Mỹ và Israel nhằm vào Tehran gia tăng nhanh chóng. 

Một mất, một cònIran luôn giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề phát triển hạt nhân. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Mỹ trở thành bá chủ toàn cầu, nỗ lực bành trướng phạm vi thế lực sang khu vực Trung Đông. Mỹ bắt đầu sử dụng biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" để âm mưu xâm nhập vào khu vực này. Khi Liên Xô muốn mở rộng ảnh hưởng tại Iran thì Mỹ giúp đỡ Iran, khi Iran trở thành một cường quốc ở khu vực Trung Đông thì Mỹ lại giúp Iraq đánh Iran. Khi Iraq xâm lược Kuwat, thì Mỹ tiến công Iraq, đồng thời lại âm thầm lôi kéo Iran. Khi thực lực của Iraq bị suy yếu nặng nề rồi bị Mỹ chi phối, Mỹ lại coi Iran là cái gai trong mắt. 

Trong khi đó, Iran liên tiếp phóng thử tên lửa, tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trên mọi quy mô với nhiều khoa mục khác nhau làm cho quan hệ giữa Mỹ và Iran đã trở thành cục diện một mất, một còn. Về vấn đề hạt nhân, khi Iran không ngừng nỗ lực phát triển vũ khí này, Mỹ cũng tăng cường áp lực đối với Iran. Nhưng Iran, với đường lối cứng rắn của tổng thống Ahmadinejah, dường như nước này chưa bao giờ từ bỏ ý đồ tìm kiếm và sở hữu sức mạnh hạt nhân, đối đầu với Mỹ. Như vậy, Washington tuyệt đối không để cho Iran muốn làm gì thì làm và đây chính là điểm mấu chốt có thể dẫn tới chiến tranh liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran. Trên thực tế, trong 3 điểm nóng ở khu vực châu Á và Trung Đông thì nhiệt độ "vấn đề Iran" đang tăng cao. 

Trải qua hơn 20 năm, Iran không ngừng nâng cao khả năng tự chủ trong nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị của mình. Quân đội Iran có thể nói phần nào thoát khỏi tình trạng phải dựa dẫm vào vũ khí, trang bị nhập ngoại. Không khó để nhận ra là, trong các cuộc diễn tập được liên tiếp tổ chức của quân đội Iran mấy năm gần đây, dường như mỗi cuộc diễn tập đều thấy xuất hiện một loại vũ khí mới. Đây chính là chỗ dựa to lớn để nâng cao niềm tin và dũng khí đối đầu với phương Tây của quân đội Iran.

Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái tấn công Iran. Ảnh: AFP
"Cung đã giương?"Lập trường của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là Israel trong vấn đề ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân là không thể thay đổi, sử dụng vũ lực sẽ là biện pháp cuối cùng. Iran kiên trì quan điểm phát triển vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ cũng kiên quyết ngăn cản điều đó, cả 2 bên đều không cho thấy dấu hiệu thỏa hiệp. Điều gì sẽ xảy ra khi hai bên đều kiên trì lập trường của mình, và theo giới phân tích quân sự, khả năng xảy ra xung đột quân sự hoặc chiến tranh quy mô giữa Mỹ và Iran là rất lớn. Mỹ mặc dù tính toán kỹ lưỡng việc sử dụng vũ lực đối với Iran, nhưng nếu đã "đụng binh" thì có lẽ quy mô không thể nhỏ. 

Tính toán đến các yếu tố bên ngoài, nếu Mỹ và đồng minh đánh Iran, khả năng Syria phối hợp đối phó là rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu vì Syria đang bị cuốn vào trong vòng xoáy nội chiến, chính phủ Syria chỉ đủ lực để bảo vệ chính quyền của mình, khó có thể sử dụng quân đội để chi viện cho Iran. Không chỉ vậy, môi trường xung quanh Iran rất dễ để Mỹ bao vây, phong tỏa. Quan sát chung quanh Iran ta dễ dàng nhận thấy, Mỹ có thể phát động tiến công vào phía tây Iran từ các bàn đạp ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc có thể dùng các căn cứ ở Afghanistan và Pakistan để tiến vào từ phía đông hoặc là tiến công bằng đường biển vào phía nam. 

Ngoài ra Mỹ còn có thể đổ quân vào khu vực Trung Á làm cho Iran hoàn toàn nằm trong vòng vây quân sự của Mỹ, không còn đủ chiều sâu và bề rộng không gian chiến lược để mà xoay xở, điều này làm cho Iran gần như bị cô lập với bên ngoài. Nhìn từ góc độ này, khả năng Mỹ sử dụng các biện pháp quân sự đối với Iran là cao nhất trong 3 điểm nóng quân sự nói trên.

Do Iran làm cho Mỹ có cảm giác bị uy hiếp về mặt quân sự nên khả năng Mỹ sẽ tiến công Iran theo kiểu "điểm huyệt". Thực hiện phương pháp này đạt hiệu quả cao nhất là sử dụng máy bay không người lái, tên lửa hành trình. Một mặt, Mỹ đã có rất nhiều kinh nghiệm trong sử dụng máy bay không người lái tiến công từ trên không vào các phần tử khủng bố trên chiến trường Afghanistan. Mặt khác, việc sử dụng máy bay không người lái và tên lửa hành trình có độ chính xác cao tiến công Iran có thể giúp Washington kiểm soát được mức độ khốc liệt của chiến tranh, chừa lại một lối thoát cho hành động sau này. 

Trong diễn biến mới nhất, ngay trước thềm đàm phán giữa phương Tây và Iran nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ bế tắc hôm qua (23/5) Mỹ cảnh báo kế hoạch tấn công Iran đã "sẵn sàng". Đại sứ Mỹ tại Israel ông Dan Shapiro trước đó cho biết Mỹ đã sẵn sàng các kế hoạch cho khả năng tấn công quân sự nhằm vào Tehran và để ngỏ lựa chọn này. Tuyên bố trên của quan chức ngoại giao Washington được đưa ra ít ngày trước thời điểm Tehran và các cường quốc thế giới vốn nghi ngờ quốc gia Hồi giáo này đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân nối lại đàm phán. 

Phát biểu trên Đài phát thanh quân đội Israel, Đại sứ Shapiro cho rằng sẽ thích hợp hơn nếu giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao và thông qua gây áp lực, thay vì sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này không có nghĩa là biện pháp quân sự hoàn toàn không được tính đến và Mỹ đã có kế hoạch riêng, đảm bảo lựa chọn này đã sẵn sàng. Và như vậy, không ít ý kiến trong giới quan sát quốc tế cho rằng, cuộc đàm phán hôm nay là cơ hội cuối cùng để tránh khỏi một cuộc chiến mới sắp nổ ra. 

Nguồn Baodatviet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang