Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Việt Nam trên đường gia tăng sức mạnh biển

Hải quân Việt Nam đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi từ đội tàu có phần lạc hậu thành hạm đội quy mô nhỏ nhưng hiện đại và có sức chiến đấu cao.
Prokhor Tebin Yurivich, nghiên cứu sinh thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện hàn lâm Nga có bài viết bình luận về quá trình tiến thẳng lên hiện đại Hải quân Việt Nam trong quá trình nước ta thực hiện chiến lược biển. 

Dưới đây là một số nội dung của bài viết:
Bối cảnh quốc tế và khu vực
Đông Nam Á là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất và phát triển năng động nhất trong những năm gần đây. Có thể hoàn toàn tự tin nói đây là trung tâm địa chính trị mới với sự tập trung các tuyến hàng hải then chốt, tài nguyên phong phú, quy mô dân số 600 triệu người và tiềm năng xung đột cao. 

Tiềm năng xung đột được xác định, một mặt, có số lượng lớn các mối đe dọa phi truyền thống (chủ nghĩa khủng bố, hải tặc, buôn bán ma túy...) và ngay trong một số quốc gia (bất ổn chính trị, xung đột sắc tộc và tôn giáo chưa được giải quyết). Mặt khác, nơi đây tiềm ẩn sự đối đầu giữa quốc gia trong khu vực và giữa một số nước trong khu vực với các thế lực ngoài khu vực.

Eo biển Malaca và Biển Đông là nơi đảm bảo tăng trưởng kinh tế lớn ở khu vực, nhưng chính nó cũng gây ra nguy cơ an ninh quốc gia và quốc tế tiềm ẩn. Con đường lưu thông hàng hải quan trọng này được xác nhận vai trò như vậy, khi các cường quốc bên ngoài như Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ muốn đóng vai trò chi phối. 

Một trong những nước có vai trò then chốt trong khu vực và đang thành công với chiến lược biển là Việt Nam. Để phát triển mạnh về kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia của đất nước với gần 90 triệu dân này, phát triển tiềm năng biển nói chung, và hải quân nói riêng, sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong tương lai gần. Hơn nữa, sự phát triển sức mạnh biển của Việt Nam cũng đã tạo thành yếu tố quan trọng trong “cuộc chơi lớn” của ba ông lớn Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc

Quá trình hình thành chiến lược biển của Việt Nam

Trước đây, Việt Nam luôn là một quốc gia hải quân khiêm tốn. Sự hạn chế này nhiều lần ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia. Thực dân Pháp từng tấn công xâm lược Việt Nam từ phía biển, đế quốc Mỹ tự do chuyển quân trên biển và từ biến tấn công huỷ diệt các mục tiêu trên đất liền dọc bờ biển Bắc Việt Nam. Trong thập niên 1970, Việt Nam có một lực lượng lục quân đáng nể nhưng hải quân lại không được như vậy.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam có cách nhìn mới và thấy phát triển chiến lược biển là cần thiết. Một ví dụ minh họa cho Việt Nam là Singapore, đã phát triển từ một mảnh đất nhỏ bé ở cực nam Malaca, thành một trong những quốc gia có GDP trên đầu người cao, do đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng và thương mại hàng hải.

Khác với như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, Việt Nam có một cơ sở hạ tầng cảng kém phát triển. Ba cảng lớn của Việt Nam - TP HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng - thua kém xa về doanh thu và chất lượng dịch vụ so với Hongkong (Trung Quốc), Tanjung Pelepasu và Port Klang (Malaysia) và Laem Chabang (Thái Lan). Sự tụt hậu này tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, và ngăn cản sự phát triển khai thác dầu khí và các nguồn tài nguyên khác.

Năm 1999, Chính phủ Việt Nam công bố một chương trình 10 năm để phát triển cơ sở hạ tầng cảng, thế nhưng tới này mới chỉ triển khai thực hiện được một phần. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có thể tìm thấy một đồng minh chiến lược trong đối tác truyền thống là Ấn Độ, quốc gia đang phát triển tích cực từ những năm 1990 với chiến lược "Hướng Đông" và tìm cách có được một chỗ đứng trong khu vực Đông Nam Á. 

Mùa thu 2011, Tổng công ty dầu khí Videsh của Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận hợp tác ba năm trong lĩnh vực khai thác mỏ dầu khí ở Biển Đông. Thời gian gần đây, sự căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội ở Biển Đông có dấu hiệu tăng lên. Những tuyên bố của Trung Quốc với phần lớn của Biển Đông, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa gây ra sự bất bình không chỉ tại Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh như vậy, Ấn Độ cảm thấy tự tin hơn trong khu vực và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, không e ngại quan hệ với Trung Quốc xấu đi. 

Một đối tác khác ngoài khu vực nữa là Mỹ, quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương đang tăng cường sự hiện diện trong khu vực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ. Năm 2000, lần đầu tiên sau chiến tranh Việt Nam Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam. Tới nay, mối quan hệ đã thể hiện một số tín hiệu khả quan.

Việt Nam không tìm cách thiết lập sự thống trị trên biển, nhưng có kế hoạch để đạt được khả năng tấn công gây thiệt hại nặng và ngăn chặn việc thực hiện chính sách “việc đã rồi” (fait accompli).

Không tham gia chạy đua vũ trang nhưng phải đủ khả năng tự vệ

Chính phủ Việt Nam nhận ra, Việt Nam không có khả năng tham gia vào một cuộc đua vũ trang hải quân toàn diện. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong các cuộc xung đột trước đây cho thấy, để bảo vệ lợi ích quốc gia, Hải quân Việt Nam phải có đủ khả năng. 

Từ đầu thập niên 2000, Hà Nội đã thực hiện phương hướng xây dựng hạm đội duyên hải tiến thẳng lên hiện đại với trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đối tác chính của họ trong vấn đề này là Nga, và Ấn Độ ở một mức độ thấp hơn.

Việt Nam kiên trì cách tiếp cận là sử dụng hạm đội để bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam có kế hoạch để đạt được khả năng tấn công gây thiệt hại nặng và ngăn chặn chính sách “việc đã rồi” (fait accompli).

Ngoài việc đối phó với nguy cơ an ninh truyền thống, Hải quân Việt Nam phải có khả năng chống lại các mối đe dọa phi truyền thống bằng đường biển (buôn lậu, hải tặc, buôn bán ma túy …), và được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột tuy khả năng nhỏ, nhưng có thể xảy ra.

Để phù hợp với nhiệm vụ chính trị và quân sự được giao phó, Hải quân Việt Nam đang được định hướng xây dựng một hạm đội tàu ngầm mạnh, đóng các tàu khu trục tiên tiến, hiện đại, tàu hộ tống, tàu pháo và tàu tên lửa nhỏ…

Nòng cốt của hải quân hiện đại

Việc mua 6 tàu ngầm Project 636 của Nga là dự án lớn nhất mà Việt Nam triển khai nhằm xây dựng hải quân mạnh và hiện đại. Hợp đồng đã được ký kết trong năm 2009 với giá trị hợp đồng là 1,8 tỷ USD. 

Nga cũng đang giúp xây dựng tại Việt Nam một căn cứ tàu ngầm và cơ sở hạ tầng liên quan. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 1,5-2,1 tỷ USD. Những chiếc tàu ngầm hiện đại này được trang bị tên lửa chống hạm (nhiều khả năng sẽ là Club-S). Đây là một trong những loại phương tiện hải quân tốt nhất xét ở góc độ giá cả và hiệu quả. 

Khi cần, Việt Nam có thể đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của một số tàu ngầm trên biển, đủ khả năng thách thức sự thống trị đơn phương trong khoảng thời gian nhất định khi xảy ra xung đột. 

Giúp Việt Nam xây dựng hạm đội tàu ngầm còn có Ấn Độ, đối tác truyền thống và là nước có kinh nghiệm trong việc khai thác, vận hành các tàu ngầm Nga . 


Thành phần quan trọng thứ hai của Hải quân Việt Nam tiến lên hiện đại là các lớp tàu hộ vệ tên lửa. 

Năm 2011, Nga bàn giao cho Việt Nam hai tàu hộ vệ 11661E Gepard 3.9, được đóng tại nhà máy Zelenodolsk mang tên M. Gorky theo thiết kế của Viện Thiết kế Zelenodolsk. Hợp đồng trị giá 350 triệu USD đã được ký kết vào năm 2006.

Hai tàu chiến mới nhận đã được biên chế vào lực lượng Hải quân với tên gọi HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ, có lượng giãn nước 2.100 tấn và tốc độ tối đa 27 hải lý/h. Vũ khí chính của tàu là tổ hợp tên lửa chống hạm Uran-E với 8 tên lửa chống tàu Kh-35E.

Sau khi nhận được hai chiếc Gepard, Việt Nam đã đặt đóng thêm thêm hai chiếc nữa cùng loại. Hai chiếc mới sẽ khác biệt hơn ở loại vũ khí chống tàu ngầm mạnh hơn.

Mùa xuân năm 2011 có tin nói rằng, Việt Nam đang đàm phán với đối tác Hà Lan Damen Schelde Naval Shipbuilding mua 4 tàu lớp SIGMA, lớp tàu mà Indonesia cũng có đơn hàng. Lớp tàu này có thiết kế module, do đó, lượng giãn nước sẽ thay đổi tùy từng chiếc, từ 1.700 tới 2.400 tấn. 

Về tính năng và trang bị tàu chiến lớp SIGMA tương đương với Gepard của Nga, nhưng có giá cao hơn. Tùy thuộc vào đơn hàng, các tàu loại này sẽ có chi phí 230-400 triệu USD/chiếc. Nếu hợp đồng được ký kết, hai chiếc đầu tiên được đóng ở Hà Lan, và hai chiếc khác sẽ đóng tại Việt Nam.

Công cụ răn đe

Một số chuyên gia không đánh giá cao khả năng chiến đấu của Gepard và SIGMA ở khả năng chống ngầm và phòng không. Tuy nhiên, tàu mặt nước hoạt động xa bờ có nhiều lợi thế. Khác với các tàu tên lửa và các tàu chiến nhỏ, những chiến hạm như Gepard của Nga có thể tuần tra trong phạm vi đáng kể, tính từ bờ biển Việt Nam. Khi có từ 4-8 chiếc lớp này, Việt Nam có thể duy trì sự hiện diện liên tục của 1-3 chiếc ở Biển Đông. 

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, cuộc đụng độ trên biển dù có quy mô nhỏ nhưng có thể gây hậu quả chính trị sâu, rộng. Các cuộc đụng độ như vậy thường hạn chế về thời gian, lực lượng tham gia và thương vong của cả hai phía, tạo lợi thế cho phe theo đuổi chính sách “việc đã rồi”, bởi cộng đồng quốc tế ít có cớ lên tiếng hay gâp áp lực.

Do đó, sự hiện diện của tàu chiến Việt Nam hiện đại xa bờ, trang bị hệ thống tên lửa mạnh mẽ, làm tăng đáng kể rủi ro cho đối phương và làm giảm khả năng tiến hành chiến dịch chớp nhoáng. Hơn nữa, không giống như tàu ngầm, tàu mặt nước nổi bật hơn ở sự biểu dương sức mạnh trên biển của quốc gia.

Tàu ngầm có thể là vũ khí hiệu quả trong xung đột, nhưng không phải là một công cụ răn đe hiệu quả. Cuộc khủng hoảng ở quần đảo Falkland/Malvinas vào năm 1977 cho thấy, sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Anh không giúp kiềm chế xung đột và không ngăn chặn cuộc chiến năm 1982.
 

Ngoài ra, đối với Việt Nam, các tàu chiến mặt nước còn là  một công cụ ngoại giao hải quân, sự hiện diện của tàu chiến cùng lá quốc kỳ được biểu dương trên đó cũng chính là sự khẳng định chủ quyền trên các vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế.

Theo Baodatviet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang