Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Yếu tố quyết định: 'Mắt trần'

Nếu radar vẫn được ví là “mắt thần” trong hệ thống phòng không thì chiến thuật, trí tuệ và tinh thần “nhằm thẳng quân thù mà bắn” của người lính mới là yếu tố then chốt.
Để giành thắng lợi trước cuộc tập kích đường không qui mô của đối phương (có hoặc không sử dụng máy bay tàng hình) thì bước đầu tiên phải vượt qua đòn đánh phủ đầu của đối phương, bước thứ hai mới là phản công.

Kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 cho tới những cuộc chiến nổ ra gần đây mà phe tấn công là Mỹ - NATO, chiến thuật chủ yếu là mở màn bằng đòn đánh phủ đầu làm tê liệt hệ thống phòng không đối phương. Vì vậy, với phe phòng thủ, cần phải vượt qua các đòn đánh nguy hiểm này, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cuộc phản công sau đó.

Với Việt Nam, trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (1964-1973), ta đã tổng kết nhiều bài học, trong đó có nguyên tắc “phòng tránh, đánh trả”.

Đánh lừa “con mắt” trên không
Thông thường, trước mỗi cuộc tập kích, đối phương sẽ thực hiện thủ đoạn trinh sát, khoanh vùng căn cứ quan trọng để tấn công. Vậy để bảo toàn lực lượng cần phải che được “con mắt” trên không đối phương.

Một trong những cách phổ biến để che giấu hệ thống trinh sát trên không của đối phương là thực hiện ngụy trang, làm sao để hệ thống vũ khí “hòa mình vào thiên nhiên”. Cách thứ hai là tạo màn khói bao quanh các mục tiêu bảo vệ, cách này rất hữu hiệu khi đối phó với vũ khí chính xác cao dẫn đường bằng laser, hồng ngoại, sóng mm…

Trong kháng chiến chống Mỹ, cuối tháng 5/1972, Mỹ đã dùng bom có điều khiển (dẫn vô tuyến, laser) đánh hỏng 68 cây cầu ở miền bắc Việt Nam. Để “vô hiệu hóa, hạn chế thiệt hại”, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp, điển hình là thả khói ngụy trang bảo vệ mục tiêu, điều này làm giảm tầm nhìn phi công địch làm chúng không thể xác định chính xác và không thể chiếu chùm tia laser dẫn đường cho bom.

 Xe radar, tên lửa "giả" thế hệ mới do Việt Nam chế tạo. Ảnh: vnmilitaryhistory.net
 Ngoài ra, có thể lập trận địa giả để đánh lừa đối phương, bố trí ở đó bệ phóng tên lửa, radar làm bằng cao su hoặc vật liệu composite. Ở khoảng cách vài nghìn mét đến hàng chục nghìn mét thì đồ giả sẽ trông “không khác đồ thật”. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội phòng không nhiều lần dùng chiến thuật lập trận địa radar, pháo, tên lửa giả bằng cót, trẻ để lừa, phục kích máy bay Mỹ. Lần đầu tiên ta dùng chiến thuật này, ngày 26/3/1965, tại trận địa radar (Rú Nài, Hà Tĩnh), sau khi cơ động đưa đại đội radar về vị trí dự bị, tại chỗ cũ thiết lập trạm radar giả bằng tre, cót, được sơn phết giống như thật. Xung quanh trận địa bố trí đại đội pháo phòng không phục kích. Trong trận này, bộ đội ta đã bắn hạ 5 máy bay cường kích Mỹ.

Thế nhưng, những phương án ngụy trang, lập trận địa giả, tạo màn khói chỉ là phương án tạm thời. Nó có thể đánh lừa đối phương 1-2 lần nhưng không thể lừa mãi. Vì vậy, “cách phòng thủ tốt nhất là tấn công”.

Phát hiện sớm, bắt đúng đường
Trong tác chiến chống máy bay tàng hình, điều kiện tiên quyết để đánh hạ bằng vũ khí thông thường là phải phát hiện sớm mục tiêu để kịp thời đưa ra cách đánh thích hợp. Để phát hiện một cách hiệu quả, cần kết hợp giữa hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa trên mặt đất và trên không (máy bay cảnh báo sớm), radar song trạm, hệ thống trinh sát điện tử thụ động… để sục sạo tìm địch. Từ phát hiện sớm, để tiêu diệt máy bay tàng hình cũng cần nắm vững quy luật, dự báo đường bay, thời gian bay để bố trí trận địa hỏa lực và radar hợp lý.

Về qui luật, bất kể loại máy bay nào khi làm nhiệm vụ tấn công đều qua 4 bước: xuất kích, tiếp cận, công kích, thoát ly. Trong mỗi bước luôn có sơ hở, Ví dụ, khi địch công kích, khoang vũ khí của máy bay bắt buộc phải mở ra khiến RCS (diện tích phản xạ radar của máy bay) tăng vọt.

Việc dự báo đường bay và thời gian bay của đối phương là mấu chốt quyết định thắng lợi của trận đánh. Đòi hỏi lực lượng trinh sát tổng hợp, nhiều phương tiện xác định chính xác thời điểm đối phương đánh phá, kịp thời theo dõi, phát hiện và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về hoạt động của máy bay tàng hình. Nhờ đó, đơn vị hỏa lực sẽ xác định tuyến máy bay tàng hình mở khoang bom – tính tàng hình yếu đi làm cơ sở cho đơn vị hỏa lực bắn hoặc bắn đuổi khi địch thoát ly.

Di chuyển nhanh, tấn công chớp nhoáng
Đối với tên lửa, yêu cầu quan trọng trong chiến tranh hiện đại là nâng tính cơ động, liên tục di chuyển trận địa tránh địch phản kích. Thực tế, hầu hết các tổ hợp hiện đại đều được thiết kế đặt trên khung gầm xe bánh xích, xe bánh hơi. Như tổ hợp S-300PMU1 của Việt Nam thì tất cả ống phóng, đài radar, đài chỉ huy đều đặt xe bánh hơi, khi triển khai từ hành quân – chiến đấu mất 5 phút, từ chế độ trực ban – chiến đấu chỉ mất 40 giây.
Thời điểm máy bay tàng hình mở khoang vũ khí là lúc mà RCS tăng vọt, tuy rất ngắn nhưng với vũ khí phòng không hiện đại, tự động hóa cao thì đó là "cơ hội ngàn vàng".
Tuy nhiên, với các quốc gia có khi trong lưới phòng không vẫn phải duy trì tên lửa có bệ phóng cố định như S-75, S-125, cách tốt nhất là nâng cấp và cơ giới hóa. Điển hình, tổ hợp S-125 chưa nâng cấp mất 3 giờ triển khai/thu hồi, sau khi nâng cấp chỉ mất 25-30 phút. Một yếu tố khác cần nâng cao tính tự động vũ khí phòng không, vì thời gian phát hiện mục tiêu tàng hình rất ngắn nên mọi bước bắt bám, khóa, phóng tên lửa chỉ có thể tính bằng giây.

Đối với máy bay tiêm kích đánh chặn, ngày nay các loại radar hiện đại trang bị trên máy bay có thể phát hiện mục tiêu có RCS cực nhỏ, như radar Irbis-E của Su-35 có thể “thấy” mục tiêu có RCS 0,01m2 ở cự ly 90km. Trong khi, máy bay ném bom tàng hình B-2 có RCS 0,1m2. 

Các loại tiêm kích hiện đại còn được trang bị khí tài quan sát hồng ngoại để dò tìm. Nó sẽ lợi dụng vùng bán cầu sau của máy bay tàng hình (động cơ, luồng khí phụt) nơi có trị số bức xạ nhiệt lớn nhất để phát hiện.

Để đảm bảo dò tìm phát hiện hiệu quả mục tiêu tàng hình, nên sử dụng biên đội tiêm kích cùng tiến hành sục sạo. Độ rộng vùng quét tìm phụ thuộc vào số lượng máy bay và phạm vi quét của radar, khu vực dò tìm càng rộng, khoảng cách giữa các tiêm kích càng lớn thì khả năng để lọt mục tiêu càng nhỏ.

Theo BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang