Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

VN gấp rút đào tạo thủy thủ tàu ngầm

Chuyến thăm học viên tàu ngầm trước khi họ đi du học của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, cho thấy nỗ lực của Việt Nam nhằm huấn luyện lực lượng mới này.
>> TQ 'để ý' việc VN học lái tàu ngầm
Báo Quân đội Nhân dân cho hay ông Thanh đã "đến thăm, động viên các sỹ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo nước ngoài, tại Trung tâm huấn luyện 125 (Học viện Kỹ thuật quân sự)" vào chiều thứ Hai 16/4.
Việt Nam đang gấp rút đào tạo lực lượng tàu ngầm
Tuy không nói rõ địa điểm các học viên sẽ du học, nhưng bài báo nói 100% học viên đạt yêu cầu môn học tiếng Nga.
Mới đây, một trang mạng nhiều người truy cập ở Trung Quốc cũng vừa đăng thông tin về nhóm học viên Việt Nam, được cho là đang học vận hành tàu ngầm Học viên Hải quân Nga, có lẽ ở thành phố St Petersburg.
Với việc Việt Nam đặt mua sáu tàu ngầm hạng Kilo từ Nga, giao hàng loạt đầu vào năm 2014, việc quân đội Việt Nam tăng cường đào tạo lực lượng vận hành tàu ngầm cũng là điều dễ hiểu.
Báo Quân đội Nhân dân nói "các học viên của lực lượng tàu ngầm đều thấy được niềm vinh dự và tự hào khi được tuyển chọn vào công tác ở một binh chủng đặc biệt, hiện đại".
Lực lượng tàu ngầm được chọn lọc với các đòi hỏi cao và chính sách đãi ngộ cũng hơn hẳn các binh chủng thường.
Thủ tướng Chính phủ gần đây đã ban hành chế độ chính sách cho lực lượng đặc biệt này với nhiều ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở, tuổi phục vụ.
Mức lương mới cho sỹ quan tàu ngầm được nói là 35 triệu đồng/tháng đối với mức trung úy và 55 triệu đồng đối với mức đại tá, theo báo Việt Nam.
Chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhân dịp này cũng tặng 500 triệu đồng cho lực lượng tàu ngầm đi đào tạo ở nước ngoài.

Chủ trương hiện đại hóa

Ông Phùng Quang Thanh được dẫn lời căn dặn các học viên:
"Ngay từ lúc ban đầu phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng … làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao."
Tướng Thanh cũng nói rằng tàu ngầm là "một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội" của Việt Nam.
Ông khẳng định quân đội Việt Nam chỉ sử dụng loại vũ khí đặc biệt này "vào mục đích bảo vệ Tổ quốc", tức tự vệ.
Không rõ con số học viên tàu ngầm sẽ đi du học lần này là bao nhiêu.
Hiện Việt Nam mới chỉ có một đơn vị tàu ngầm là đoàn M96 hải quân ra đời 14 năm trước và hiện đóng ở Cam Ranh.
Mãi tới năm 1997 Việt Nam mới bắt đầu tiếp nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một “nước bạn.”
Giới quan sát quân sự cho rằng tới nay Việt Nam cũng mới có một cơ số tàu ngầm loại mini mà Bắc Hàn cung cấp.
Tuy nhiên trong chuyến thăm Nga tháng 12/2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, với phí tổn gần 2 tỷ đôla.
Ngoài tàu ngầm và khóa huấn luyện cho thủy thủ đoàn, hợp đồng còn bao gồm việc xây mới cơ sở trên bờ để phục vụ tàu.
Nhà máy đóng tàu Admiralteiskiye Verfi tại St Petersburg sẽ thực hiện hợp đồng, với mục tiêu mỗi năm giao hàng cho Việt Nam một chiếc.
Tàu ngầm hạng Kilo, dùng cả dầu diesel và điện năng, được cho là loại tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới. Tàu ngầm dạng này có thể dùng để chống tàu ngầm, cũng như tàu chiến thông thường, kể cả trong vùng biển tương đối nông.
Tàu loại Kilo trang bị hệ thống hỏa tiễn Club-S rất hiện đại.
Nguồn BBC


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang