Các tàu hải quân Hạm đội 7 Mỹ đang tiếp tục chuyến thăm cảng Đà Nẵng.
Quan sát viên Alexey Lensov của đài chúng tôi viết, trong quá khứ chiến thuyền của Hạm đội 7 từng thường xuyên cập cảng Đà Nẵng. Mùa hè năm 1964, những binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đã đổ bộ tại đây, mở đầu cho chiến dịch hoạt động quân sự qui mô của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Lần này, hiển nhiên chuyến ghé thăm có ý nghĩa hoàn toàn khác. Cũng như việc các chiến hạm Mỹ cập cảng Việt Nam năm ngoái, chuyến thăm lần này được các nhà phân tích liên kết với nguyện vọng của Việt Nam tăng cường vị thế trong tranh chấp với Trung Quốc vùng hải đảo có dự trữ dầu mỏ tiềm năng ở biển Đông -biển Hoa Nam. Đặc biệt, hoạt động giao lưu lần này còn dự kiến tổ chức trao đổi kinh nghiệm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Đã không chỉ một lần các ngư thuyền và tầu đo đạc thủy văn Việt Nam va chạm với các tàu hải giám Trung Quốc tại những vùng tranh chấp.
Về phần mình, Washington sẽ nỗ lực lôi kéo Việt Nam vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc và củng cố vị trí của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, - ông Konstantin Sivkov, Phó chủ tịch thứ nhất Học viện các vấn đề địa chính trị Nga nhận xét:
“Khu vực Đông Nam Á được xác định như trọng tâm mới trong chiến lược quân sự Mỹ. Ở đây có hai nguyên nhân: Thứ nhất, trung tâm phát triển kinh tế thế giới đang dời chuyển đến khu vực này. Thứ hai, Hoa Kỳ hứng chịu những thất bại địa chính trị ở Iraq và Afganistan, không đạt được mục tiêu trong khuôn khổ “mùa xuân Ả Rập” do họ chỉ đạo, vị thế của Hoa Kỳ ở châu Mỹ La tinh ngày một suy giảm. Chẳng còn sự lựa chọn nào khác, người Mỹ tìm cách củng cố vị thế của mình ở Đông Nam Á. Còn các nước trong khu vực sẽ phải lựa chọn ai là người chiếm ưu thế: Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Việc Việt Nam chọn Mỹ là một tiến trình tự nhiên và dễ hiểu, trong hiện trạng tồn tại những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Mong tạo đối trọng với cố gắng của Trung Quốc giành thế chủ đạo hải quân trong khu vực, Hoa Kỳ đặt cược không chỉ vào Việt Nam. Washington đã thỏa thuận triển khai lực lượng thủy quân của mình ở Úc và các tàu chiến tại Singapore. Mỹ tiến hành đàm phán với Philippines về tái hiện diện ở căn cứ quân sự Subic Bay.
Nhưng đối với Việt Nam, Hoa Kỳ cũng không phải là “tia sáng duy nhất”. Đã và đang thực hiện những bước đi nghiêm túc nhằm củng cố hợp tác quân sự Việt-Ấn. Hà Nội cho phép các khu trục hạm Ấn Độ cập cảng Nha Trang và Hạ Long, đáp lại Ấn Độ đề xuất hỗ trợ Việt Nam giúp đóng tầu hải quân và đào tạo thủy thủ.
Trong hoạt động hợp tác quân sự, Việt Nam lưu tâm dành vị trí đáng kể cho người bạn liên minh truyền thống là Nga. Thị phần của Nga trên bình diện vũ khí Việt Nam hiện chiếm 85%. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mua của Nga các tổ hợp tên lửa bờ biển cơ động Bastion. Mỗi tổ hợp này được trang bị 36 tên lửa có cánh tự điều khiển, đảm bảo phòng vệ hơn 600 km bờ biển và kiểm soát vùng nước đến 20 nghìn km vuông. Việt Nam còn nhập từ Nga các tầu tuần tra lớp Svetlyak và tàu tên lửa lớp Molnya, các khu trục hạm Gepard. Sau hai năm nữa, Việt Nam sẽ còn có hạm đội tầu ngầm của mình, bởi đã đặt mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka. Nga đang bắt tay xây dựng hạ tầng căn cứ cho các tàu ngầm sau khi ứng khoản tín dụng cho Hà Nội vay phục vụ mục đích này.
Những chuyến thăm cảng Việt Nam của các chiến hạm Nga cũng trở thành truyền thống. Chính tại Đà Nẵng, bên bến cảng hiện có các tàu của Hạm đội 7 Mỹ, nhóm tàu Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã từng thả neo hồi tháng 5 năm ngoái. Hai tuần trước, một cụm tầu chiến khác của Nga đã thăm cảng Sài Gòn. Và chỉ cách đây vài ngày, phái đoàn quân sự Nga đã đến Việt Nam để thảo luận với ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước chủ nhà về phương hướng mở rộng hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa hai quốc gia.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)