Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

4 xu hướng phát triển tên lửa đối hải

Tên lửa bờ biển được coi là loại vũ khí tấn công, răn đe và phòng thủ hữu hiệu.
Xu hướng phát triển chung của các hệ thống tên lửa bờ biển là đa năng hóa, tăng tầm bắn, tăng tốc độ và khả năng tự hoạt của tên lửa.

Tên lửa bờ biển là thành phần hỏa lực quan trọng trong tổ hợp vũ khí, trang bị phòng thủ bờ biển. Với khả năng tiêu diệt chính xác các mục tiêu tầm xa, cả trên mặt nước và trên mặt đất, tên lửa bờ biển hiện đang được các quốc gia có biển hết sức quan tâm.

Đa năng hóa
Theo xu hướng đó, các hệ thống tên lửa bờ biển đang trở thành hệ thống vũ khí đa năng, từ một phương tiện tác chiến trên biển trở thành phương tiện tác chiến ở các khu vực ven bờ, bờ biển và thậm chí cả trên đất liền. Hệ thống tên lửa bờ biển không chỉ là vũ khí phòng thủ, bảo vệ bờ biển, chống tấn công, đổ bộ từ hướng biển mà còn là phương tiện tiến công tầm xa chính xác trên mặt đất. 

Các hệ thống này được trang bị các loại tên lửa có thể tấn công nhiều loại mục tiêu: Tàu chiến nổi trên biển, tàu chiến đang neo đậu tại cảng và nhiều loại mục tiêu bờ, kể cả các mục tiêu trong đất liền cách xa bờ biển và bị che khuất bởi nếp gấp địa hình…
 
Các hệ thống tên lửa này thường được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh. Điển hình là các hệ thống như Exocet MM40 Block 3 của Pháp; RBS 15 Mk3 của Thụy Điển hay hệ thống mới như Club-M, Club-K của Nga; BrahMos của Ấn Độ...

Xu hướng đa năng còn thấy ở một số hệ thống tên lửa bờ biển do Nga chế tạo. Đó là khả năng sử dụng nhiều loại tên lửa có tính năng khác nhau. Ví dụ, các hệ thống Club-M và Club-K được trang bị cả tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất. 

Trong tương lai gần, Hải quân Nga sẽ được trang bị hệ thống tên lửa bờ đa năng Bal-U hiện đang được nghiên cứu phát triển. Hệ thống này sẽ được trang bị các loại tên lửa khác nhau, như Oniks/Yakhont và Kalibr/Club. Hiện Nga đã chế tạo thành công hệ thống phóng vạn năng cho tàu chiến UKSK, bắn được các tên lửa hệ Club-N và tên lửa BrahMos.

Tăng tầm bắn
Tăng tầm là xu hướng được đặc biệt quan tâm. Hầu hết các hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại đều có tầm bắn tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km. 

Gần đây, Trung Quốc đã công bố thiết kế cải tiến tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay DF-21D có tầm bắn lên tới 3.000km. Hay như Thụy Điển đang phát triển biến thể tên lửa đối hạm RBS-15 Mk4 có cự ly tiêu diệt mục tiêu tới 1.000km. 

Siêu vượt âm và hơn thế
Tốc độ cao có ý nghĩa quyết định tới khả năng chiến đấu, khả năng sống sót và yếu tố bất ngờ của tên lửa bờ biển. Do vậy, tên lửa bờ đang được phát triển từ dưới âm và siêu âm lên vượt âm. 

Hiện tên lửa đối hạm nói chung vẫn tồn tại cả loại dưới âm và siêu âm, trong đó tên lửa dưới âm vẫn chiếm ưu thế về chủng loại. Tuy nhiên, xu hướng siêu âm đang mạnh lên với dự án tên lửa siêu âm LRASM của Mỹ và hàng loạt hệ thống tên lửa siêu âm của Nga (Club-M, Bastion, Moskit-E). 

Tới đây sẽ xuất hiện tên lửa đối hạm có tốc độ trên 5.000km/h. Mỹ, châu Âu và Nga đều đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu vượt âm. Riêng Nga và Ấn Độ đã có dự án chung phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos II với 4 biến thể phóng từ mặt đất, máy bay, tàu nổi và tàu ngầm với tốc độ đạt tới trên 6.000km/h. Công nghệ siêu âm và vượt âm cũng tạo điều kiện tăng tầm bắn cho tên lửa.

Tăng linh hoạt
Để tăng cường khả năng chọc thủng hệ thống phòng không, tên lửa đối hạm nói chung và tên lửa bờ nói riêng đang được áp dụng nhiều giải pháp. Chúng được thiết kế theo công nghệ tàng hình, sử dụng các sensor thụ động và các phần mềm, thuật toán chuyên dụng giúp tên lửa khó bị phát hiện hơn. 

Một biện pháp truyền thống để giảm khả năng phát hiện sớm và đánh chặn tên lửa là áp dụng các chế độ bay tiếp cận mục tiêu khác nhau: Tốc độ bay dưới âm cao kết hợp độ cao bay tối thiểu (bay bám mặt biển); tốc độ siêu âm kết hợp độ cao bay tối thiểu; bay biên dạng cao - thấp hỗn hợp cả ở tốc độ dưới âm và siêu âm…

Tên lửa bờ biển đang được phát triển thông minh hơn, trở thành loại vũ khí “bắn và quên”. Được áp dụng các hệ thống điều khiển, phần mềm thông minh, sử dụng hệ dẫn hỗn hợp quán tính, vệ tinh, so sánh ảnh địa hình, tự dẫn ra-đa, hồng ngoại để nâng cao khả năng phát hiện, phân loại, nhận dạng, lựa chọn mục tiêu. 

Đồng thời, tên lửa có thể cơ động tránh đạn, bay theo quỹ đạo dích dắc vòng tránh địa vật, khu vực hỏa lực phòng không hoặc bay bám tùy biến theo mặt biển và bề mặt địa hình; có thể lặp lại tấn công mục tiêu khi bắn trượt.

Theo QĐND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang