Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Báo TQ xuyên tạc sự thật để cổ vũ, đẩy mạnh khả năng không quân

“Tăng cường tính năng chiến đấu cho máy bay quân sự, giành quyền kiểm soát chủ động trên không ở biển Đông luôn được Trung Quốc tập trung”.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiến đóng  năm 1974. Trong hình là sân bay trên đảo Phú Lâm,
 hòn đảo chính của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), do Trung Quốc xây dựng trái phép.
 Tân Hoa xã dẫn bài viết của tờ “Nhật báo Phương Nam” cho rằng, kỹ thuật tiếp dầu trên không của Trung Quốc liên tục được cải thiện, bán kính tác chiến của Không quân Trung Quốc đã bao trùm các hòn đảo trên biển Đông.
Theo bài viết, trên cơ sở rút ra từ cái mà Trung Quốc gọi là "bài học lịch sử" - “thiếu khả năng chi viện không quân” từ tranh chấp biển Đông ở bãi Tư chính, đá Gạc Ma (thuộc chủ quyền Việt Nam) trước đây (chiến tranh trên biển, dùng vũ lực đánh chiếm đảo của Việt Nam năm 1988), Trung Quốc đã ra sức nghiên cứu phát triển cải thiện bán kính tác chiến cho Không quân.
Những số liệu công khai hiện nay cho thấy, bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu tiên tiến Trung Quốc đã vượt 1.500 km, cộng với khả năng tiếp dầu trên không liên tục được cải thiện, bán kính tác chiến của Không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Bài viết nhấn mạnh: “Mở rộng bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu, xây dựng sân bay ở gần biển Đông và chế tạo tàu sân bay đều là những thủ đoạn quan trọng để giành lấy quyền chủ động ở biển Đông hiện nay, trong đó tăng cường tính năng chiến đấu cho máy bay quân sự, giành lấy quyền chủ động kiểm soát biển Đông trên không luôn là phương hướng tập trung quan tâm của Quân đội Trung Quốc”.
Trong khi đó, bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) và một phần đảo, đá ở biển Đông đều nằm trong phạm vi cách đất liền Trung Quốc 1.500 km, những đảo đá ở xa cũng nằm trong khoảng 2.000 km.
Biên đội máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc.
 Bài báo đặt ra những câu hỏi nực cười, phủ nhận trắng trợn chủ quyền hợp pháp của các nước khác khi nói rằng, "nếu những hòn đảo này “bị xâm chiếm” hoặc tàu thuyền Trung Quốc “bị làm phiền” ở đó, thì Không quân Trung Quốc có thể tác chiến tầm xa không? Khả năng tác chiến như thế nào?"
Trên đường đến bãi cạn Scarborough, máy bay chiến đấu Trung Quốc không cần phải tiếp dầu
Tháng trước, máy bay nguyên mẫu J-20 thứ hai của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Theo dự đoán, máy bay chiến đấu hạng nặng tàng hình thế hệ thứ năm này có bán kính tác chiến đạt 2.000 km.
Theo đó, bài viết cho rằng, khi cất cánh từ Tam Á ở đảo Hải Nam, J-20 có thể tham gia chiến tranh trên biển ở xung quanh bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền Việt Nam mà bài báo này xuyên tạc trắng trợn rằng Việt Nam xâm lược). "Năm 2011, Việt Nam từng “xâm phạm tàu cá Trung Quốc” ở khu vực này (???)".- Tân Hoa xã, một trong những tờ báo báo lớn nhất của Trung Quốc đưa tin xuyên tạc.
Bãi Tư Chính (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN - PV) của Việt Nam là nơi cách Trung Quốc xa nhất, được Trung Quốc gọi là bãi Vạn An. Theo bài báo thì nếu bãi Tư Chính nằm trong bán kính tác chiến của máy bay quân sự Trung Quốc, có nghĩa là một khi biển Đông xảy ra sự cố, khả năng chiến đấu của J-20 có thể chi viện có hiệu quả cho Hải quân, phát động tác chiến đối hạm (tấn công tàu chiến của đối phương).
Nhưng, theo dự đoán, J-20 sớm nhất cũng phải đến năm 2018 mới có thể đưa vào sử dụng. Hiện nay, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc có các máy bay chiến đấu dòng J-11, J-10, Su-27, Su-30 và J-16, J-18.

Bán kính tác chiến của những loại máy bay chiến đấu này đã đạt hoặc vượt 1.500 km, hơn nữa những máy bay chiến đấu này đều có thể được tiếp dầu trên không.
Máy bay chiến đấu J-11BS của Trrung Quốc.
 Những tài liệu công khai cho biết, Không quân Trung Quốc có 150 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30, hơn 100 máy bay chiến đấu J-11 và gần 200 máy bay chiến đấu J-10. Ngoài ra, lực lượng hàng không của Hải quân Trung Quốc cũng sở hữu hàng trăm máy bay chiến đấu tiên tiến.
Bài báo cho rằng, bãi cạn Scarborough hiện còn đang xảy ra đối đầu với Philippines, cách đất liền Trung Quốc gần 1.200 km, khu vực xung quanh đá Gạc Ma (Trung Quốc từng chiếm đoạt bằng vũ lực của Việt Nam năm 1988) cách đất liền Trung Quốc không đến 1.400 km, cách sân bay Lăng Thủy, đảo Hải Nam 900 km; đảo Senkaku cách đất liền Trung Quốc chỉ 330 km.
Điều này có nghĩa là, mặc dù không cần tiếp dầu trên không, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc, cất cánh từ đất liền Trung Quốc, cũng có thể vươn tới vùng biển của những hòn đảo này, tham gia chiến đấu. Bài báo nhấn mạnh: “Không quân Trung Quốc khi tấn công tàu chiến của Philippines ở bãi cạn Scarborough sẽ không cần tiếp dầu”.
Nhưng để mở rộng bán kính tác chiến của Không quân Trung Quốc, bảo đảm cho máy bay chiến đấu vươn tới các vùng biển có liên quan và có thể tiến hành tác chiến trong một khoảng thời gian dài, những năm gần đây, nhiều quân khu, căn cứ không quân của Trung Quốc đã tiến hành diễn tập về kỹ thuật tiếp dầu trên không. Cùng với sự hoàn thiện về kỹ thuật này, bán kính tác chiến của Không quân Trung Quốc sẽ gia tăng.
Biên đội máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Trung Quốc.
 "Sân bay đảo Phú Lâm đến khu vự Trường Sa rút ngắn 1/3 hành trình bay"
Ngoài nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu kiểu mới, hoàn thiện kỹ thuật tiếp dầu trên không. Để đoạt lấy quyền kiểm soát trên không ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc, trong đó có biển Đông, Trung Quốc một mặt đã đẩy nhanh xây dựng trái phép sân bay trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1974), mặt khác bắt đầu nghiên cứu phát triển tàu sân bay. Hiện nay, có chuyên gia quân sự kêu gọi Trung Quốc xây dựng/chế tạo “căn cứ đảo nổi” (như một tàu sân bay di động).
Tân Hoa xã cho biết trước đây, do không có sân bay ở gần biển Đông, máy bay chiến đấu cất cánh từ đảo Hải Nam, bay đến Hoàng Sa đã mất gần một nửa hành trình, ảnh hưởng đến phạm vi tác chiến của máy bay chiến đấu, cũng ảnh hưởng đến thời gian tác chiến. Do đó, sau khi chiếm được đảo Phú Lâm một cách trắng trợn, hòn đảo lớn nhất ở biển Đông, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép sân bay tại đây.
Hiện nay, trên đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 2.700 m, các công trình cơ bản hoàn thiện. Sân bay này có thể dùng để cất/hạ cánh các máy bay vận tải cỡ lớn và vừa như Y-7, Y-8; máy bay chống tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra.

Cũng có thể dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba như J-8II, J-10, J-11, JH-7. Được biết, sân bay này có thể đảm bảo cất/hạ cánh gần một trăm máy bay quân sự.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 đang được Trung Quốc phát triển
 Theo bài báo thì khi cất cánh từ đảo Phú Lâm (của Việt Nam) đến các đảo đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ ít nhất rút ngắn được 1/3 hành trình. Cho dù không cất cánh ở đó thì máy bay cũng có thể được tiếp dầu trên không.
Mặt khác, theo bài báo, nếu tàu sân bay Varyag sau khi được biên chế và triển khai ở biển Đông, thì máy bay chiến đấu tiên tiến khác của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò trong các cuộc chiến tranh có thể xảy ra trên biển Đông.

Báo Nga tiết lộ, tàu sân bay Varyag có kế hoạch trang bị 24-36 máy bay chiến đấu J-15, 4 máy bay cảnh báo sớm (nền tảng là Y-7 hoặc Yak-44), máy bay trực thăng chống tàu ngầm gồm 6-18 máy bay Ka-28PL và 2 máy bay Ka-28PS, và các thiết bị bay khác, tổng số là 50-55 chiếc.
Về chiến lược xây dựng căn cứ quân sự trên biển, hiện có chuyên gia Trung Quốc đề xuất chủ trương xây dựng “căn cứ đảo nổi”, tức “tàu sân bay kiểu đảo nổi trên biển” – một căn cứ hàng không chiến lược di động của Hải quân.
Do chỉ là một căn cứ, nên về tư tưởng thiết kế không phải thêm yêu cầu kỹ chiến thuật khác. Chẳng hạn, không yêu cầu tốc độ cao, chỉ cần di chuyển chậm chạp là được; không cầu kỳ trang bị vũ khí và hỏa lực công-phòng mạnh, sự an toàn của nó do các tàu chiến hộ tống bảo đảm, không nhất thiết đi vào khu vực tác chiến. Nhưng, hiện còn chưa xuất hiện động thái thực tế việc bắt đầu xây dựng của Quân đội Trung Quốc.
Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc đang được chạy thử dồn dập, có thể triển khai ở biển Đông khi đưa vào hoạt động. 
 "Tuần tra trong mọi điều kiện thời tiết phải có sự liên kết của nhiều máy bay chiến đấu"
Bài báo cho rằng, trên thực tế, mở rộng bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu, xây dựng sân bay gần biển Đông và chế tạo tàu sân bay, những thủ đoạn nhằm đoạt lấy quyền kiểm soát trên không ở các vùng biển xung quanh này có nguồn gốc từ các bài học lịch sử.
Đầu năm 1974, trong cuộc chiến tranh đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mặc dù Trung Quốc đã bắn chìm và gây hư hỏng 4 tàu tuần tra của hải quân Việt Nam Cộng hòa, nhưng cũng đã lộ rõ hạn chế: chi viện đường không của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc không đầy đủ.
Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục tiến hành cuộc chiến xâm lược ở khu vực đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (và đã xâm chiếm, hiện đang chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo ở đây). Vùng biển này cách sân bay gần nhất Trung Quốc – sân bay Lăng Thủy ở đảo Hải Nam khoảng 900 km, khi đó máy bay chiến đấu J-7 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc có bán kính tác chiến chỉ có thể đến được vùng biển Hoàng Sa, máy bay chiến đấu J-8A mới chỉ đạt 700 km, không thể bao trùm vùng biển Trường Sa.
Khi đó, vũ khí phòng không hiệu quả nhất trên tàu chiến của Hải quân Trung Quốc là tên lửa hạm đối không HQ-61, chỉ có 1 tàu hộ tống 053K với trang bị còn chưa đạt trạng thái tác chiến. Báo Trung Quốc nói: Nhưng, trong khi đó, Không quân Việt Nam trang bị máy bay tấn công Su-22. Đối mặt với máy bay tấn công của Việt Nam được trang bị tên lửa không đối hạm tầm ngắn, hạm đội Trung Quốc đã không thể tiến hành tác chiến đối không có hiệu quả.
Trung Quốc chọn máy bay chiến đấu J-15 là máy bay chủ lực của tàu sân bay.
 Vì vậy, theo bài báo, việc nắm chắc quyền kiểm soát trên không ở các vùng biển xung quanh, bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu chỉ là “ngưỡng cửa”. Một khi xảy ra chiến sự, trong các tính năng của máy bay chiến đấu (bay tới vùng biển có sự), thời gian chiến đấu liên tục sẽ trở thành then chốt để giải quyết thắng bại.
Thông tin tiết lộ của các bên cho biết, sức mạnh hải, không quân của các nước Đông Nam Á kém vài bậc so với Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố máy bay chiến đấu tiên tiến nhất J-11BS, có thể đồng thời dò tìm 20 mục tiêu và đồng thời tấn công 6 mục tiêu trong số đó.
Về vũ khí trang bị cho máy bay, máy bay chiến đấu này có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí dẫn đường chính xác (do Trung Quốc tự sản xuất) hiện có và đang phát triển. Chẳng hạn, tên lửa không đối không tầm gần PL-9 (Tịch Lịch-9), tên lửa không đối không tầm xa PL-12 (được dẫn đường bởi radar chủ động),

tên lửa chống bức xạ/chống hạm tầm xa siêu âm YJ-83 (Ưng Kích-83), tên lửa không đối đất tầm xa YJ-82D, tên lửa chống bức xạ FT-2 (Phi Đằng-2) và bom dẫn đường LS (Lôi Thạch), hơn nữa có thể sử dụng các loại vũ khí tấn công chính xác do Nga chế tạo (nhập đồng bộ với máy bay ném bom chiến đấu Su-30) như tên lửa không đối đất tầm xa ngoài khu vực phòng thủ của tên lửa Kh-59ME.
Máy bay này có thể sử dụng vũ khí chính xác cao tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng tấn công đối đất/đối biển mạnh mẽ, tính năng tổng hợp mạnh hơn Su-30MK2 mà Việt Nam mua của Nga năm 2011, nó cũng đã được sản xuất hàng loạt.
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7A của Trung Quốc
 Đương nhiên, tân Hoa Xã cho biết, có phân tích cũng cho rằng, sức chiến đấu của Không quân Trung Quốc vẫn cần phải cải thiện. Ngoài dòng J-11, các dòng máy bay chiến đấu có thể tác chiến tầm xa như J-10, JH-7A đều chỉ có thể mang theo ít đạn dược.
Có chuyên gia cho rằng, lấy bãi cạn Scarborough làm ví dụ, máy bay quân sự Trung Quốc xuất phát từ Tam Á, máy bay tuần tra trên biển và máy bay cảnh báo sớm Y-8 chỉ có thể cảnh giới 2-3 tiếng ở khu vực lân cận bãi cạn Scarborough, thời gian cảnh giới 24/24 cần phải có 7-8 lượt chiếc. J-11 cũng chỉ có thể tuần tra vài tiếng ở vùng biển xung quanh, duy trì 2 chiếc thường xuyên trực chiến trên không phải có không ít lực lượng thay thế.
Tư liệu 
Bán kính tác chiến của máy bay
Bán kính tác chiến là một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá tính năng kỹ chiến thuật của máy bay. Khi tính toán bán kính tác chiến, cần phải khấu trừ lượng dầu tiêu hao trên mặt đất trong số lượng dầu mang theo máy bay, dành riêng lượng dầu cho hoạt động chiến đấu.
Bán kính tác chiến lớn hay nhỏ có liên quan đến các yếu tố như bay ở độ cao nào, tốc độ, điều kiện khí tượng ra sao, biên đội lớn hay nhỏ, nhiệm vụ chiến đấu và phương pháp thực hiện thế nào.
Thông thường khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không, do yêu cầu máy bay phải có tính cơ động tương đối cao, bán kính tác chiến thường khoảng 30-35% hành trình, còn khi thực hiện nhiệm vụ tấn công đối biển với đối phương, bán kính tác chiến có thể lên tới khoảng 45% hành trình.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc.
 Đảo Phú Lâm
Đảo Phú Lâm là hòn đảo chính trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng là hòn đảo lớn nhất trên biển Đông, bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực năm 1974 (lúc đó do Việt Nam Cộng Hoà quản lý). Hòn đảo này có chiều dài từ đông sang tây khoảng 1.950 m, từ bắc đến nam khoảng 1.350 m, diện tích 2,1 km2.
Hòn đảo này nằm ở giữa quần đảo Hoàng Sa, vị trí ưu việt, xung quanh có bãi thả neo tốt, sóng gió nhỏ, là địa điểm tốt. Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên đảo cái gọi là “Bảo tàng hải dương Hoàng Sa”“vườn tướng quân Hoàng Sa”,“Bia kỷ niệm thu hồi Hoàng Sa”. - sẽ được làm rõ để phản bác, thấy rõ luận điệu xuyên tạc trong các bài viết sau - PV.
Sân bay đảo Phú Lâm (do Trung Quốc xây dựng trái phép) có thể dùng để cất/hạ cánh máy bay Boeing 737, bến cảng có thể thả neo tàu lớn 5.000 tấn. Với việc xây dựng xong đường băng dài 2.000 m và hoàn thiện các công trình đồng bộ, hiện nay, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã có thể hoạt động trái phép tại Hoàng Sa.
Máy bay tuần tra trên biển Y-8 Trung Quốc.

Đảo nổi trên biển
Theo bài báo “đảo nổi trên biển” khác với tàu sân bay, tàu sân bay là vũ khí mang tính tấn công, còn “đảo nổi trên biển” là vũ khí mang tính phòng thủ. Cũng khác với các loại tàu chiến khác, các tàu chiến thông thường đều sợ mắc cạn, còn “đảo nổi trên biển” thì thường thông qua mắc cạn để tiến hành kiểm soát thực tế, chiếm giữ thực tế.
“Đảo nổi trên biển” đều có thể dùng để cất cánh máy bay trực thăng hoặc máy bay chiến đấu, chủ yếu là giá rẻ, đan xen giữa quân dụng và dân dụng, là hàng tốt giá rẻ thực sự. “Đảo nổi trên biển” lớn như một tàu sân bay kiểu đảo nổi, có động cơ, là vũ khí rất quan trọng của chiến lược, chiến thuật.

Nguồn Giaoduc.net.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang