Thượng nghị sỹ John McCain nói quá trình thương thảo về bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đang diễn ra 'một cách tích cực'.
Nói chuyện với BBC tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, ông McCain bày tỏ lạc quan, rằng ông hài lòng về sự phát triển "quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Nói chuyện với BBC tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, ông McCain bày tỏ lạc quan, rằng ông hài lòng về sự phát triển "quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
"Việc này [bán vũ khí] phụ thuộc vào loại vũ khí gì. Có những loại vũ khí mà chúng tôi cho rằng Việt Nam không cần thiết phải có."
Tuy nhiên ông nói một số loại vũ khí khác "có thể đàm phán được" và hai bên đang trong quá trình thương thảo.
"Đây là chủ đề mà tôi cho là hai nước có thể giải quyết một cách tích cực".
Ông John McCain được cho là thành viên có ảnh hưởng trong Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ.
Nhân vật từng là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Ông từng tham chiến ở Việt Nam và bị cầm tù sau khi máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.
Năm 1994, Mỹ đã bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam, nhưng vẫn cấm bán các loại vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù.
Để dỡ bỏ lệnh cấm vận này, Washington đòi hỏi Hà Nội thực hiện một số điểm, trong đó có chủ đề nhân quyền.
Có sự chuyển dịch?
Trong tuần này, tại Malaysia ông McCain vẫn còn giữ quan điểm là "chúng tôi mong đợi có tiến bộ về nhân quyền" ở Việt Nam.
"Chúng tôi mong đợi tiến bộ chứ không phải là thay đổi tức thì."
"Vấn đề đó [quyền con người] phải được chính quyền Việt Nam xem xét nghiêm túc hơn."
Tuy nhiên trong bối cảnh đang có cuộc chạy đua mua vũ khí ở khu vực, và Việt Nam trở thành quốc gia mua vũ khí thuộc loại nhiều nhất từ Nga, dường như đang có sự chuyển dịch trong khía cạnh nhạy cảm này của quan hệ song phương Mỹ-Việt.
Chuyên gia về quốc phòng khu vực Andrei Chang, chủ biên tạp chí quốc phòng Kanwa, nói lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đã "lỗi thời".
"Trong tình hình hiện nay, tôi cho là nó sẽ sớm được dỡ bỏ."
Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Canberra, Úc châu, thì dự đoán "Hoa Kỳ sẽ không dỡ bỏ các hạn chế về bán vũ khí sát thương và một số loại vũ khí khác cho Việt Nam chừng nào Hà Nội chưa đưa ra cải thiện về nhân quyền".
Mới đây, bên lề cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói với báo giới trong nước rằng Việt Nam vẫn đang kiến nghị bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Ông Thanh cũng nói, tuy vậy, nhu cầu mua vũ khí từ Mỹ không nhiều vì khả năng tài chính của Việt Nam còn hạn chế. Hà Nội chủ yếu mong muốn mua linh kiện,khí tài để bảo dưỡng và tiếp tục sử dụng các vũ khí thu được từ thời chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày ngay sau khi tham dự diễn đàn an ninh ở Singapore.
Tuy không tháp tùng ông Panetta sang Việt Nam, nhưng ông McCain, người đã thăm Việt Nam nhiều lần, nói quan hệ hai bên trong nhiều lĩnh vực kể cả quốc phòng đang "tiến triển tích cực".
Bản thân Bộ trưởng Panetta nói chuyến thăm của ông sẽ thúc đẩy và cụ thể hóa Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng mà Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết từ năm 2010.
Nguồn BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)