Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Đoạn phim hiếm về tiêm kích MiG-21 ở Việt Nam

MiG-21 là tiêm kích đánh chặn huyền thoại do Cục thiết kế Mikoyan – Gurevich (MiG) phát triển và sản xuất từ đầu những năm 1960.

 Trong một đoạn video clip đăng tải trên mạng Youtube, chủ yếu ghi lại các hình ảnh tiêm kích MiG-21 phục vụ trong Không quân Tiệp Khắc (Czechoslovakia) và Không quân Liên Xô.

Thế nhưng, trong đoạn từ 1 phút 35 tới 1 phút 49, video clip cung cấp hình ảnh MiG-21 hoạt động trong Không quân Nhân dân Việt Nam ở giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.

Những chiếc MiG-21 đầu tiên của Việt Nam có thể xuất hiện cuối năm 1965, biên chế vào Trung đoàn không quân tiêm kích 921 Sao Đỏ.

Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã nhận được rất nhiều các biến thể MiG-21 như: MiG-21F13, MiG-21PFV/PF-13, MiG-21PFM….

Sau năm 1975, Việt Nam bắt đầu nhận thêm biến thể MiG-21bis. Ngày nay, những chiếc MiG-21bis tiếp tục hoạt động tích cực trong Không quân Nhân dân Việt Nam.

Theo một số nguồn tin, Việt Nam đã hợp đồng với Ấn Độ để nâng cấp MiG-21bis lên tiêu chuẩn Bison hiện đại hơn
Mời các bạn cùng xem clip:
 

MiG-21 phát triển với rất nhiều biến thể từ khi được sản xuất hàng loạt năm 1959 tới khi kết thúc bằng dòng MiG-21bis năm 1985. Về vũ khí, radar, động cơ được cải tiến từng bước ngày càng hiện đại hơn.

Về vũ khí, biến thể đầu MiG-21F không có khả năng mang tên lửa mà trang bị pháo 23-30mm. Tới biến thể MiG-21F13 thiết kế với một pháo NR-30 trong thân và mang được 2 tên lửa không đối không tầm nhiệt R-3.

Nhưng tới biến thể MiG-21PF/PFM/RF/S, MiG lại loại bỏ hoàn toàn khẩu pháo trong thân máy bay. Có nguồn tin cho rằng, học thuyết Liên Xô khi đó đã đồng ý với Mỹ cho rằng pháo đã “hết thời”, chỉ cần tên lửa không đối không là đủ. Nhưng các cuộc chiến tranh nổ ra sau đó đã chứng minh điều ngược lại.

Vì vậy, tới biến thể MiG-21M (ra đời năm 1968), người ta đã thiết kế lại khẩu pháo GSh-23-2L cỡ 23mm 2 nòng trong thân. Khẩu pháo đó đã tồn tại cho tới những biến thể cuối cùng của MiG-21.

Về tên lửa, đa phần các biến thể MiG-21 đều mang được tên lửa không đối không tầm nhiệt tầm ngắn R-3, từ biến thể MiG-21MF/SMT/bis mang được tên lửa R-60.

MiG-21 có thể thực hiện nhiệm vụ đối đất  với  loại bom không điều khiển FAB-100/250/500, rocket các cỡ. Ngoài ra, từ biến thể MiG-21M mang thêm loại tên lửa không đối đất tầm ngắn Kh-66.

Về hệ thống radar trang bị cho MiG-21, các biến thể MiG-21 chủ yếu trang bị radar điều khiển hỏa lực RP-21 (Saphir-21) và RP-22.

Radar RP-21 có khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm 20km, khóa mục tiêu tầm 10km. Biến thể RP-21M có khả năng dẫn đường cho tên lửa không đối không R-3S lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động. Radar RP-22 phát hiện mục tiêu ở tầm 30km, theo dõi tầm 15km.

Về động cơ, các biến thể MiG-21 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực (ba loại Tumansky R-11, R-13, R-25) nhưng nhìn chung đều cho phép máy bay đạt vận tốc tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh, bán kính chiến đấu 600-700km, trần bay 17.000-19.000m.

Nguồn Baodatviet 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang