Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012


Philippines đã triển khai máy bay để giám sát bãi cạn Scarborough và chuẩn bị kế hoạch đưa 2 tàu trở lại khu vực tranh chấp nhằm đối phó với sự hiện diện của các tàu nước ngoài.
“Chúng tôi đang làm điều đó... Chúng tôi đang bay trên khu vực đó, khu vực đó là của chúng tôi”, đài ABS-CBN News của Philippines ngày 22/6, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Voltair Gazmin cho biết.
Một quan chức không quân nước này cũng cho hay các máy bay Philippines đang chụp ảnh bãi cạn giữa lúc có thông tin cho biết tàu Trung Quốc vẫn chưa rời khỏi khu vực trên.
Philippines tuyên bố đã triển khai máy bay giám sát bãi cạn Scarborough
Cũng trong ngày 22/6, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Gazmin đề nghị đưa 2 tàu thuộc Lực lượng Tuần duyên Philippines, Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản đến Scarborough. Ông cho rằng sự vắng mặt của các lực lượng Philippines tại khu vực này chẳng khác gì là “sự chiếm đóng” của Trung Quốc đối với phần lãnh thổ của Philippines.
Tổng thống Aquino mới đây ra lệnh rút hai tàu của Philippines khỏi bãi cạn cách đảo lớn Luzon khoảng 230 km về phía tây do “một trận siêu bão đang tới gần”.
Không lâu sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố rút các tàu cá khỏi Scarborough/Hoàng Nham, nhưng cũng cho biết sẽ tiếp tục giám sát bãi cạn này.
Tuy nhiên, ngày 20/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố chính phủ nước này sẵn sàng tái triển khai các tàu tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nhằm đối phó với sự hiện diện của các tàu nước ngoài.
Trong một diễn biến liên quan, báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas Jr. cho biết Washington đã cung cấp 4 tàu tuần tra cho Manila và dự kiến sẽ giao thêm 2 chiếc nữa. Theo ông, số tàu trên được tăng cường cho cảnh sát Philippines tại gần Scarborough để sử dụng “bắt buôn lậu” tại khu vực này. Đại sứ Thomas Jr. cũng kêu gọi Bắc Kinh và Manila cần đàm phán, tìm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp của hai nước tại biển Đông.
Chính phủ Philippines cũng đang chuẩn bị đàm phán ký kết các hợp đồng liên chính phủ để mua máy bay chiến hạng nhẹ TA -50 của Hàn Quốc và Super Tucano của Brazil nhằm tăng cường năng lực bảo vệ không phận quốc gia. Đồng thời, Philippines đã lên kế hoạch mua thêm một tàu chiến thứ ba lớp Hamilton của Mỹ và ba máy bay trực thăng hải quân để bổ sung cho đội tàu chiến hiện tại. Hiện Philippines mới chỉ có hai tàu chiến mua của Mỹ gồm tàu BRP Gregorio del Pilar và tàu BRP Ramon Alcaraz (sẽ đưa về Philippines vào cuối năm nay).
Trong một diễn biến khác, tiếp theo động thái của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Quốc vụ viện Trung Quốc nâng cấp TP Tam Sa lên TP cấp vùng để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, báo Philippine Star (Philippines) ngày 22/6 dẫn lời ông Eugenio Bito-onon, Thị trưởng TP Kalayaan, tỉnh Palawan (phía Tây Philippines) phản đối việc nâng cấp này do liên quan đến đảo Pag-asa thuộc TP Kalayaan (tức đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Căng thẳng ngoại giao Manila - Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 8/4, khi Philippines phát hiện một số tàu cá của Trung Quốc tại bãi cạn cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây và thuộc Biển Đông. Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines được cử đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân nước này.
Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn không có người sinh sống, đồng thời liên tục điều động các tàu tới đây. Căng thẳng được đẩy lên cao với hàng loạt tuyên bố và động thái của cả hai phía trong hơn hai tháng qua.
Nguồn Baothanhnien.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang