Dưới đây là trích từ bản gỡ băng cuộc tọa đàm trên VTV giữa ông Bùi Mạnh Nhị (Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT), ông Nguyễn Quang Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ), Quý Hiên (báo Tiền Phong) và Hồng Nga (VTV).
***
Hồng Nga: Xin phép được hỏi các vị khách mời: Giáo viên cũng là người lao động, cũng là viên chức như bao viên chức các ngành nghề khác, vậy tại sao tiền lương cũng như phụ cấp của GV lại trở thành đề tài nhạy cảm, được quan tâm và cần phải có giải pháp đột phá?
Bùi Mạnh Nhị: Hiện nay đội ngũ giáo viên trong cả nước rất lớn – 1, 2 triệu người, trong đó 1.134.600 người thuộc hệ thống công lập. Đây là đội ngũ viên chức lớn nhất so với tất cả các ngành khác. Hiện nay, đời sống của giáo viên rất khó khăn do đồng lương còn thấp. Chẳng hạn, giáo viên mầm non (ở nông thôn và thành thị) sau khi ra trường có mức lương khởi điểm là 2,6 triệu đồng/ tháng. Sau mười năm, lương của họ được hơn 4 triệu đồng. Đối với giáo viên THPT, khởi điểm của họ là 3,2 triệu đồng, sau 10 năm họ được hơn 5 triệu đồng. Với đồng lương đó, đời sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là với nhà giáo sống ở vùng đô thị.
Hồng Nga: Nhưng người ta cũng nói người lao động các ngành nghề khác trong xã hội lương cũng thấp lắm. Vậy tại sao vấn đề lương giáo viên lại trở nên nhạy cảm trong rất nhiều năm đến như thế?
Bùi Mạnh Nhị: Lao động của giáo viên là lao động đặc biệt. Ví dụ như giáo viên mầm non. Các cô không chỉ làm việc 8 tiếng. Các cô phải đến sớm hơn trước giờ làm việc để đón các cháu. Sau thời gian làm việc 8 tiếng, các cô vẫn phải lưu lại để chờ các cháu cuối cùng được bố mẹ đón về. Khi đó, các cô mới được rời nhiệm sở. Hoặc giáo viên phổ thông, ngoài giờ lên lớp họ có nhiều công việc khác như soạn giáo án, chấm bài… Lượng thời gian làm những công việc này còn nhiều hơn lượng thời gian họ đứng trực tiếp trên bục giảng.
Quý Hiên: Đành rằng nghề nào cũng đáng được trân trọng và có quyền có mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống và tình trạng lương thấp là mặt bằng chung chứ không chỉ với riêng nghề giáo viên. Nhưng người ta hay nói về vấn đề lương giáo viên ở chỗ ngành GD là ngành, như anh Nhị nói, có lực lượng lao động rất lớn – 1,2 triệu người, lớn nhất so với tất cả ngành nghề khác. Tôi nhớ không nhầm, cách đây khoảng dăm năm người ta bảo lực lượng giáo viên chiếm đến 80% tổng số công chức – viên chức nhà nước. Thứ hai, chất lượng của lực lượng lao động đó có mức độ ảnh hưởng trực tiếp ít nhất tới 22 triệu người đi học. 22 triệu người đi học ấy nó lại có ảnh hưởng lan toả, tôi nghĩ ít nhất là gấp 4 lần. Tôi nhớ, có lần GS Hồ Ngọc Đại nói rằng, một người đi học hạnh phúc sẽ làm cho cả bốn người khác trong xã hội được hạnh phúc – bố mẹ, ông bà. Ảnh hưởng của hệ thống này rất lớn, nên chất lượng của đội ngũ giáo viên, nói tóm lại, ảnh hưởng tới cả nước. Cho nên người ta mong chất lượng đội ngũ đó cao. Nhưng khi trả lương cho người ta ở mức không đủ sống mà đòi hỏi cao thì rất khó. Đây là một vấn đề người ta không biết quả trứng có trước hay con gà có trước. Lương cao thì chất lượng tốt hay chất lượng tốt lương mới được cao.
MC Hồng Nga: Tôi muốn lắng nghe ý kiến của ông Dũng. Chắc ông có trong tay bảng lương của viên chức cả nước nên thấu hiểu được chuyện này?
Nguyễn Quang Dũng: Tôi là người may mắn được tham gia thiết kế chế độ tiền lương hiện hành được thực hiện từ năm 2004. Người ta nói lương giáo viên thấp, tôi xin nói không chỉ lương giáo viên mà cả thống cán bộ công chức viên chức trong hệ thống chính trị mình là thấp, vì đối tượng hưởng lương của mình hiện nay là quá đông. Riêng viên chức trong khu vực sự nghiệp là khoảng 2 triệu người, trong đó như anh Nhị nói giáo viên chiếm tới 1,2 triệu người.
Tuy nhiên, theo cách thiết kế tiền lương của năm 2004 thì các ngành nghề được áp dụng một bảng lương chung. Theo đó, tiền lương theo bậc trong chức danh là bằng nhau. Ngoài ra, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với ngành giáo dục được thiết kế cao nhất. Gần đây nhất, từ tháng 5/2011 Chính phủ ban hành nghị định 54 cho phép nhà giáo được hưởng thêm phụ cấp thâm niên. Cho nên nói về tương quan chế độ tiền lương và phụ cấp trong hệ thống công chức – viên chức thì giáo viên được cao nhất. Anh Nhị có nói giáo viên mới ra trường là 2,6 triệu thì không phải đâu. Theo quy định, giáo viên mầm non chia thành ba ngạch. Ngạch GV MN bình thường tốt nghiệp trung cấp, ngạch GV MN chính tốt nghiệp Cao đẳng, ngạch GV MN cao cấp tương đương với trình độ ĐH. Bậc 1 của GV MN mới đi làm ở đồng bằng và thành phố gần 2,9 triệu đồng; nếu ở miền núi, vùng sâu vùng xa được khoảng 3,2 triệu đồng; nếu ở vùng đặc biệt khó khăn được hơn 5,1 triệu đồng. Nếu GV MN tốt nghiệp ĐH bậc 1 được 3,6 triệu đồng, đấy là đồng bằng, còn miền núi vùng sâu vùng xa là hơn 4 triệu đồng, vùng đặc biệt khó khăn là 6,4 triệu đồng. Nó thể hiện sự ưu đãi của nhà nước, khuyến khích các thầy cô lên làm việc ở vùng khó khăn.
Hồng Nga: Xin được hỏi chị Quý Hiên, trong quá trình làm việc chị đã gặp gỡ nhiều nhà giáo, chị thấy cuộc sống của họ thế nào với đồng lương hiện nay?
Quý Hiên: Như anh Dũng nói, do được ưu đãi vùng miền, lương và thu nhập có tính chất lương của giáo viên ở vùng nông thôn tương đối khá hơn so với giáo viên ở thành thị và so với mặt bằng cộng đồng dân cư vùng họ sống. Nhưng giáo dục ở thành thị tuy chiếm tỉ lệ không cao nhưng lại là bộ mặt nổi bật của cả hệ thống giáo dục. Mọi suy thoái, mọi tiêu cực dường như từ khu vực đô thị lan toả dần khắp cả nước. Do đó, người ta mới có ấn tượng vì lương thấp nên chất lượng giáo dục thấp. Hệ luỵ mà người ta hay nhắc tới là giáo viên dạy thêm. Vì câu chuyện dạy thêm đấy mà khi nói đến giáo viên lương thấp là nhiều người phản đối, họ nói bây giờ giáo viên rất giàu. Rất nhiều thầy, cô ở trường công của Hà Nội đi xe rất xịn, có nhiều nhà. Thu nhập hàng tháng từ dạy thêm của các thầy cô giáo đó thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tôi quen biết những giáo viên – mức thu nhập có đến hàng trăm triệu hay không thì tôi không rõ – nhưng tôi tin chắc chắn mức 40 – 50 triệu đồng là mức mà tôi có thể tạm tính được cho họ và họ cũng thừa nhận. Trong số này có một anh là Phó Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, là giáo viên dạy toán. Anh dạy luyện thi, học sinh học anh ấy không phải là học sinh chính khoá mà đến từ nhiều trường khác nhau. Anh mua được nhiều nhà từ nguồn tiền dạy thêm. Nhưng vừa rồi, sau kỳ thi tuyển sinh ĐH, anh ấy tâm sự trong đám học sinh do anh luyện thi năm nay không có cháu nào thi sư phạm. Câu hỏi được đặt ra: các thầy có thu nhập cao, các cháu đều có thể nhìn thấy, nhưng tại sao các cháu không mơ ước đi theo nghề các thầy?
MC Hồng Nga: Có thể do giáo viên dạy thêm có mức thu nhập cao không phải là bức tranh chung?
Quý Hiên: Không. Tôi giải thích theo khía cạnh khác: thu nhập từ dạy thêm là cái thu nhập mà các em học sinh không mơ ước. Có thể học sinh cũng sẽ nhận thấy, hoạt động dạy thêm đó không mang lại lợi ích cho hệ thống giáo dục. Nó có thể mang lại lợi ích cho các em: giúp đỗ ĐH, đỗ trường chuyên. Nó cũng giúp cho thầy nâng cao thu nhập. Nhưng nó có nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục hay không, tôi nghĩ các em thấy được điều đó. Vì thế mà các em không mơ ước mình có thu nhập cao từ việc đi dạy thêm.
Hồng Nga: Tôi đọc trên trang Học Thế Nào tại địa chỉ http://hocthenao.vn – một trang hiện nay khá nổi tiếng về đề tài giáo dục – có một bài viết, trong đó cung cấp một bảng gồm các con số được khảo sát đầu năm 2010 ở 27 trường của 5 tỉnh/ thành: Hà Giang, Phú Yên, Đăk Lăk, Tây Ninh, TP HCM. Theo đó giáo viên cấp tiểu học ở Hà Giang có mức lương trung bình là 3.492.000 đ/tháng, trung học 3,4 triệu đồng; Phú Yên – tiểu học 2,7 triệu đ, THCS 2,5 triệu đ, THPT tầm 2,7 triệu đ… Con số không thay đổi ở các tỉnh khác. Riêng TP HCM nhóm nghiên cứu hy vọng con số cao hơn nhưng thực ra thì không. Tiểu học trung bình 3,1 triệu đ/tháng, THCS 2,8 triệu đ/ tháng, THPT là 2,9 triệu đ/tháng.
Cũng bài báo đó, khảo sát ý kiến của các giáo viên thì 49,3% giáo viên tiểu học trả lời đồng lương đó không đủ sống; 48,6% cho rằng đủ sống nếu khéo thu vén. Để có tích luỹ cho cuộc sống từ đồng lương thì 1% cho là có thể. Một điều tra ngẫu nhiên với 526 giáo viên cho thấy 40,9% giáo viên tiểu học, 59% giáo viên THCS, 52,4% giáo viên THPT không muốn làm nghề dạy học nếu được phép chọn lại nghề nghiệp. Bởi mức lương như vậy không đủ cho họ, cho con họ đi học trường công lập bình thường, không đủ tiền xăng xe đi lại, tiền ăn uống…
Bùi Mạnh Nhị: Một vài dẫn chứng chị Hiên nếu ra, số người có thu nhập 30 – 40 triệu đồng/ tháng, thậm chí trăm triệu đồng/ tháng, số đó ít lắm, nếu tính trên tổng thể 1,2 triệu giáo viên. Nhưng tôi tin không thầy cô giáo nào muốn phải dạy thêm. Dạy thêm ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Lao động dạy học là một lao động đặc biệt, đó không chỉ là loại hình lao động trí tuệ mà còn là lao động thể chất. Tôi đã từng là giáo viên nên tôi biết, với một ngày dạy 4 – 5 tiếng có thể ta sẽ không thấy mệt trong những ngày đầu nhưng nếu cứ kéo dài như vậy rất hao tổn cho sức khoẻ. Hơn nữa trong nhìn nhận của dư luận xã hội, cái tiếng “dạy thêm” không mang sắc thái tốt đẹp gì. Bản thân các thầy cô giáo tham gia dạy thêm cảm nhận được điều đó, nhưng vì lương thấp, họ buộc phải chấp nhận.
Hiện nay, Hội nghị Trung ương 8 khoá 11 đã thông qua nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chúng tôi hy vọng trong quá trình triển khai nghị quyết, đồng lương của giáo viên sẽ được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong tổng thể, trong so sánh với các ngành nghề khác để làm sao cái lao động của người thầy mà chúng ta vẫn tôn vinh, người thầy là kỹ sư tâm hồn, nghề giáo viên là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý…, được thực sự nâng lên, để họ làm tốt trách nhiệm của mình.
Hồng Nga: Người ta vẫn thường nói, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng chính sách lương dành cho những con người đang thi công cái công trình quốc sách hàng đầu đó liệu đã tương xứng hay chưa? Có người chia sẻ hiện nay Luật GD và các nghị định của Chính phủ chưa thể hiện được đầy đủ điều khẳng định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp trong nghị quyết TƯ 2 khoá 8 năm 1996…
Bùi Mạnh Nhị: Đó là điều mà lần này mà trong đề án đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, Bộ GD&ĐT và Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị TƯ cho phép được thực hiện nghị quyết TƯ 2 khoá 8 về lương giáo viên: được xếp cao nhất trong hệ thống lương của nhà nước. Ngành GD cũng như chúng ta đều rất chia sẻ cái khó khăn của nền kinh tế đất nước. Các bạn hãy hình dung, nếu mỗi giáo viên một tháng được tăng 100.000 đồng thì nhà nước phải bỏ ra thêm 131 tỷ đồng, một con số rất lớn!
Nguyễn Quang Dũng: Tôi xin phép được trao đổi về quan điểm tiền lương cao nhất đối với ngành GD. Như tôi nói, tiền lương gồm tiền lương theo ngạch bậc và các phụ cấp lương. Theo chế độ thiết kế lương hiện hành, các ngành viên chức áp dụng bảng lương chung, vì thế giáo viên cũng được áp dụng bảng lương theo ngạch bậc tương tự như các ngành khác. Nhưng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện nay là cao nhất. Mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn cao nhất là 70%. Họ còn được thêm phụ cấp thâm niên, mà phụ cấp này còn được dùng đóng bảo hiểm để được tính hưởng khi nghỉ hưu. Nếu nói về tương quan tiền lương, hiện nay Chính phủ đã thiết kế ưu đãi tiền lương đối với hệ thống giáo viên cao nhất trong hệ thống viên chức.
Tôi không biết chị Hiên nói thế nào chứ tôi có nhiều bạn là nhà giáo thì họ rất yêu nghề. Tôi có con học lớp 4 Trường Tiểu học Dịch Vọng A, khi phụ huynh đề nghị dạy thêm thì cô giáo xin phép không dạy, cô sẽ dạy hết cho ở trên lớp nên không cần dạy thêm. Đấy, có những nhà giáo rất tâm huyết.
Nhưng có câu chuyện thế này, theo Luật GD, tiểu học không thu học phí. Thực tế chúng ta vẫn thu. Tại sao? Vì ta dạy 2 buổi/ ngày, nên vẫn thu. Trường con tôi thu 100.000 đồng/ tháng và 50.000 đồng/tháng tiền bán trú. Tại sao những khoản thu đó chúng ta không hợp pháp hoá, coi đấy là nguồn thu nhập của giáo viên, để khẳng định cho người ta là chính danh họ được hưởng. Giờ lại chỉ nhìn vào tiền lương ngân sách rồi nói tiền lương thấp! Tôi cho là cũng phải tính lại việc này. Như thế mới có một cơ chế để cho nhà giáo xứng đáng được hưởng. Giờ cứ so ngành này với ngành kia hơn nhau mấy % cũng là mệt.
Hồng Nga: Cũng trong bài viết trên trang Học Thế Nào – cùng học đại học nhưng ngạch lương GV cấp cao chỉ bằng ngạch lương chuyên viên chính của các nghề như lưu trữ, chuẩn đoán bệnh động vật, bảo vệ thực vật, giám định thuốc thú y, kiểm nghiệm giống cây trồng. Chưa kể ngạch GV Trung học Cao cấp mã số 15. 112 yêu cầu phải có trình độ sau ĐH mà hệ số lương bậc 1 là 4,00 trong khi ngạch chuyên viên chính của các ngành khác yêu cầu chỉ cần tốt nghiệp ĐH nhưng lại có hệ số lương bậc 1 là 4,40.
Nguyễn Quang Dũng: Cái này là vấn đề của kỹ thuật thiết kế. Hiện nay ngành GD có bậc ĐH –CĐ, sau đó đến THPT, rồi THCS, tiểu học, mầm non. Ngạch GV phải được thiết kế áp vào bảng lương chung. Ví dụ giáo sư và giảng viên cao cấp tương đương chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, bác sĩ cao cấp của các ngành khác; Phó GS, giảng viên chính tương đương với bác sĩ chính…, đại để thế. GV Trung học theo quy định chỉ có hai ngạch: GV Trung học và GV Trung học cao cấp. Mà GV Trung học cao cấp về trình độ không thể bằng Phó GS được. Trong thiết kế có vấn đề ngay trong nội bộ của ngành…
Bùi Mạnh Nhị: Chỗ này xin được trao đổi với anh Dũng. Phóng viên Hồng Nga nêu rất là đúng, và chúng tôi cũng thấy rất là bức xúc về việc này. Để đạt được GV Trung học cao cấp không dễ dàng. Họ không chỉ có trình độ ĐH mà phải có thạc sĩ, có thâm niên nghề nhất định nhưng chúng ta đang xếp họ vào nhóm viên chức loại II với bậc khởi điểm là 4,00 trong khi nhóm I là 4,40; bậc 8 của GV Trung học cao cấp là 6,38 trong khi viên chức loại I là 6,78. Rõ ràng là đội ngũ giáo viên có sự thua thiệt. Chúng tôi rất mong ngành nội vụ và ngành tài chính sắp tới khi xây dựng thang bảng lương mới cần tính toán đầy đủ. Nhất là từ TƯ 2 khoá 8, lần này TƯ 8 khoá 11 lại khẳng định phải có đặc thù, phải có ưu đãi trong việc sắp xếp lương cũng như các chế độ khác.
Nguyễn Quang Dũng: Báo cáo anh Nhị, việc sắp xếp bậc lương viên chức của ngành GD chủ yếu do Bộ GD&ĐT đề xuất, nhưng quan trọng là sắp xếp thế nào? Ví dụ mối tương quan giữa GV Trung học cao cấp với Phó GS và giảng viên chính thế nào? Mình không nên đặt vấn đề so với các ngành khác. Các anh cứ thiết kế sắp xếp trong hệ thống của mình và các ngành sẽ ủng hộ anh. Cái quan trọng là trong nội bộ.
Quý Hiên: Qua trao đổi với các chuyên gia và những trí thức VN làm việc ở nước ngoài, họ có nhận xét điều quan trọng nhất là cơ chế phân phối thu nhập của chúng ta thiếu sự thu hút, thiếu sự hấp dẫn đối với người lao động. Việc trả lương cào bằng khiến chúng ta tiêu rất tốn tiền ngân sách nhưng vẫn chẳng ai thấy hài lòng – thoả mãn với đồng lương. Người ta cho rằng cần phải có cách đãi ngộ thế nào đó để cho những giáo viên có chất lượng giảng dạy tốt được hưởng mức vượt trội so với các đồng nghiệp, để những đồng nghiệp khác nhìn vào mà phấn đấu; thứ hai, ngoài xã hội nhìn vào những tinh hoa của ngành thì thấy ngành GD có thu nhập cũng rất tốt, để thấy ngành đó hấp dẫn.
Năm ngoái tôi phỏng vấn một bạn giáo viên của một trường THCS ở Hà Nội. Bạn này có thành tích học tập rất tốt. Là học sinh giỏi của một Trường THPT Thăng Long – một trong những trường tốt nhất của Hà Nội. Ở trường đó, khoá đó, bạn ấy là người duy nhất thi vào sư phạm. Bạn ấy thi ĐH điểm rất cao – khoảng 27, 28 điểm – và thành sinh viên của lớp cử nhân tài năng ở trường ĐH SP Hà Nội. Bạn ấy có cơ hội du học, nhưng lại không du học mà quay trở về dạy cấp II. Năm ngoái, khi lương tối thiểu chưa tăng, bạn ấy cho biết lương chỉ được 2,6 triệu đồng/tháng. Bạn ấy phải dạy thêm, mà một người như bạn ấy đi dạy thêm thì sẽ rất nhiều tiền. Nhưng bạn ấy lại nản lòng, và muốn tìm một con đường khác. Có thể bạn ấy sẽ tìm một nghề khác có thu nhập khởi điểm 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Hồng Nga: Chúng ta đang nói giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vậy chính sách lương phải thể hiện được điều đó. Nhưng con số mà chúng tôi tìm kiếm không chứng tỏ điều đó, như chúng tôi đã nói…
Nguyễn Quang Dũng: Tôi vẫn cho rằng với bảng lương hiện nay không thể nói ngành GD có hệ số lương thấp hơn các ngành khác. Họ được áp dụng bảng lương chung và được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi theo nghề. Theo nguyên tắc thiết kế tiền lương hiện hành, tiền lương theo ngạch bậc được áp dụng theo bảng lương chung. Cái gọi là điều kiện lao động và ưu đãi được phụ cấp theo nghề. Hiện nay ngành GD được hưởng phụ cấp cao nhất là 70%. Theo Nghị định 204 thì phụ cấp ưu đãi cao nhất chỉ 50% nhưng ngành GD vẫn được 70% theo nghị định 61. Như vậy đã được ưu đãi. Cộng thêm việc Chính phủ mới bổ sung phụ cấp thâm niên nghề đối với nhà giáo. Như thế có thể khẳng định tiền lương trong tương quan đó.
Còn nếu so sánh với cái gọi là thu nhập thì tôi không dám nói. Hiện nay thu nhập bên ngoài doanh nghiệp thì nó khác. Còn so trong hệ thống, cùng trong hệ thống cán bộ công chức viên chúng, chúng tôi có bảng tính đàng hoàng, ra được chi tiết là ngành GD cao nhất.
Tiền lương là lương và phụ cấp. Nghề giáo, ngoài lương còn được hưởng 9 loại phụ cấp khác: ưu đãi, thâm niên, trách nhiệm đối với trường chuyên biệt, thu hút ở vùng đặc biệt khó khăn, lưu động, chức vụ lãnh đạo.v.v… Ngoài ra còn được hưởng các chế độ chính sách như các cán bộ công chức viên chức ngành khác. Nếu nói tổng thể, nhà giáo có tiền lương cao nhất.
Bùi Mạnh Nhị: Không phải nhà giáo nào cũng được hưởng tất cả 9 loại phụ cấp. Tôi muốn quay trở lại vấn đề mà phóng viên Hồng Nga đã đặt ra: GD là quốc sách hàng đầu.
Cách đây 8 – 9 năm, nhờ có quy định những em thi vào sư phạm được miễn học phí mà đầu vào của chúng ta rất tốt. Hồi đó tôi còn là hiệu trưởng trường ĐH SP TP HCM, GS Đinh Quang Báo là hiệu trưởng trường ĐH SP Hà Nội. Khi đó chúng tôi tham gia một cuộc gặp gỡ ở Hải Phòng nên nói chuyện với nhau đầy tự hào, rằng cho dẫu có hàng tỉ đồng chúng ta cũng không mua được cái chất lượng đầu vào đó. Sinh viên vào SP toán trường tôi lấy đến 28 điểm, còn trường SP Hà Nội lấy đến 29 điểm. Các ngành SP khác điểm cũng rất cao.
Nhưng sau đó, chính sách miễn học phí không còn tác dụng nữa. Các em nghĩ đến đầu ra. Không chỉ lương thấp so với thực tế đời sống mà ngay cả so với một số ngành nghề khác, lương giáo viên đâu có cao! Theo thang bảng lương của nhà nước, giáo viên trung học cao cấp chỉ được xếp nhóm hạng II. Trong khi đó kiến trúc sư chính, kỹ sư chính, định chuẩn viên chính, giám định viên chính… được xếp loại I. Nếu Đảng, Nhà nước đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì nghề sư phạm, các thầy cô giáo cũng cần được đặt vào vị trí hàng đầu đó.
Nhân đây tôi xin có thống kê, kể cả tất cả các loại phụ cấp, tính theo mức lương của năm 2013 khi mà lương tối thiểu được xác định lại, lương giáo viên mầm non bình quân là hơn 4,8 triệu đ/tháng; tiểu học và THCS bình quân hơn 5,2 triệu đ/tháng; THPT hơn 5,5 triệu đ/tháng. Với khu vực thành thị ta thấy đồng lương đó rất khó, nhất là với giáo viên trẻ – nhiều người không có nhà, phải ở nhà thuê, rồi họ phải mua phương tiện để đi lại… Rất khó khăn.
Cho nên lần này với đề án đổi mới căn bản toàn diện GD, chúng tôi đã đề nghị và TƯ đã thông qua nghị quyết, phải cho thực hiện theo tinh thần Nghị quyết TƯ 2 khoá 8 là phải cho lương giáo viên được xếp cao nhất trong ngạch bậc thang bảng lương của nhà nước và chú ý tính toán tương quan với các ngành khác, đồng thời ngành GD&ĐT vẫn tiếp tục được nhận phụ cấp theo ngành nghề như hiện nay. Ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị các thầy cô giáo phải được trả lương theo năng lực và theo hiệu quả công việc.
Nhân có đại diện ngành Nội vụ ở đây, chúng tôi đề xuất luôn. Chúng tôi vẫn nói với nhau, trong tam giác vấn đề Người – Việc – Tiền thì ngành GD&ĐT chỉ gánh việc. Người, lương – tài chính chúng tôi không được quyết. Tuyển dụng thế nào là do bên nội vụ. Tài chính là do bên tài chính. Cho nên ngành GD&ĐT các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trong đề án lần này chúng tôi đề nghị cho ngành GD&ĐT các địa phương (mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp) được tham gia, xin nhấn mạnh là được tham gia thôi, quyết định về mặt con người và về mặt tài chính. Có như vậy chúng ta mới có những cải tổ.
…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)