Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Học giả Trung Quốc kêu gọi chính phủ không thể “sai càng sai”


Trong khi các học giả Trung Quốc yêu cầu chính phủ xóa bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” vô lý mà Bắc Kinh đưa ra, thì Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc lại mời thầu quốc tế 26 lô dầu khí trên Biển Đông và Hoa Đông.
Báo điện tử Sina.com ngày 27/8 đăng toàn văn buổi hội thảo mang tên “Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và việc phân chia biên giới biển Trung Quốc”, do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc thuộc báo này tổ chức. Tại buổi hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương quốc gia Trung Quốc và các học giả nước này đã  chỉ rõ sự vô lý của cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra.
Theo ông Lý Lệnh Hoa, Trung Quốc cần phải hủy bỏ đường chín đoạn nếu không muốn tự biến mình thành “kẻ thù của nhiều nước”. Việc khư khư chiếm trọn biển Đông đang dần khiến Trung Quốc trở nên “không thể chấp nhận được” trước các nước láng giềng, bởi sẽ chẳng nước nào chấp nhận cái đường vô lý do Trung Quốc tự đặt ra và “còn lâu người ta mới đồng ý cho Trung Quốc sấn đến tận cửa nhà mình”.
Học giả Lý nhấn mạnh việc hủy bỏ đường chín đoạn ngày càng trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay nếu Trung Quốc không muốn tự cô lập. Trung Quốc không thể đi ngược lại những nguyên tắc do chính mình cam kết khi tham gia UNCLOS. Trung Quốc “buộc phải đi chung con đường với cả thế giới”. Trung Quốc phải tôn trọng quy ước do mình đã ký kết nếu không muốn ngày một xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế.
Đồng tình với việc Trung Quốc cần hủy bỏ đường chín đoạn, học giả Trâu Hồng Minh cũng cho rằng “Trung Quốc không thể cứ mãi trở thành đối thủ của nhiều nước, đặc biệt là các hàng xóm sát vách chúng ta. Không phải cứ dùng vũ lực chiếm lấy lãnh thổ là giải quyết được mọi vấn đề”.
Thực ra, theo học giả Do Ký, Trung Quốc hiểu sự vô lý của mình nhưng “đã ném lao thì phải theo lao”. Song dù có khó khăn thế nào, theo ông Lý Lệnh Hoa, không thể viện cớ “chủ nghĩa dân tộc” để tiếp tục “sai lại càng sai” trong vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa cho biết ông chưa bao giờ sợ cô độc bởi ông đang nói lên sự thật. “Chỉ khi tuân thủ UNCLOS, hòa bình, ổn định cho Trung Quốc và các nước trong khu vực mới được giữ vững” - ông nhấn mạnh.
CNOOC lại mời thầu ở Biển Đông
Trong một động thái vô lý tiếp theo, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) lại mời thầu quốc tế 26 lô, trong đó có nhiều lô ở Biển Đông và nằm gần khu vực mà Nhật Bản đòi chủ quyền.
Thông báo này được đưa ra hai tháng sau khi CNOOC mời các công ty nước ngoài tham gia khai thác ở chín lô nằm trong vùng chủ quyền của Việt Nam. Phía Việt Nam đã cực lực phản đối hành động này. Lần này, thông báo mời thầu ở biển Bột Hải phía Bắc Trung Quốc và biển Hoa Đông, đây có thể là lần mở thầu lớn nhất của CNOOC kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước.
Theo thông cáo của CNOOC, trong 26 lô mời thầu lần này, 1 lô nằm ở vịnh Bột Hải, ba lô ở biển Hoa Đông, 18 lô ở mạn phía đông của Biển Đông và bốn ở phía tây Biển Đông. Toàn bộ diện tích lên đến 73.754m2.
Trong 18 lô thuộc phần phía đông Biển Đông có 5 lô ở tầng sâu trung bình, 3 lô thuộc vùng nước sâu và 5 lô vùng nước nông.    
Hãng tin Bloomberg cho biết một trong các lô gọi thầu lần này là lô 65/12 nằm cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 50 km, ngay gần lô 65/24 mà trước đó Việt Nam đã phản đối Trung Quốc gọi thầu.
Một lô khác, lô 41/08, nằm gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà hai bên lần lượt gọi là Điếu Ngư và Senkaku.
Trước đó, vào tháng 6, CNOOC cũng thông báo chào thầu quốc tế trái phép đối với 9 lô dầu khí thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam cực lực bác bỏ.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, khu vực thông báo mở thầu quốc tế của Trung Quốc “hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” và “hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên cho rằng đợt mời thầu này tuân thủ luật Trung Quốc và quốc tế, bất chấp phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Thêm bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông
Ngày 28/8, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ Công bố Tập sách “Địa dư đồ khảo”, xuất bản dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh (1875-1908). Tập sách này có kèm theo bản đồ chi tiết rõ ràng, nội dung chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam ) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc.
Tập sách do cụ Trần Đình Bá (1867 – 1933) lúc làm Thượng thư bộ Hình triều Khải Định (1916-1925) đã cho sao chép cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (số 114 Mai Thúc Loan, TP Huế), truyền đến đời thứ 4 là Trần Đình Sơn thừa kế, di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968, hiện vẫn được lưu giữ tại 128 Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh.
Tập sách Địa dư đồ khảo, viết trên giấy xuyến tốt, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, kế đến là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, chữ còn rõ đẹp, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ chi tiết đính kèm.
Như vậy, cuốn Địa dư đồ khảo này đã cung cấp một chứng cứ mới, thêm một trong những bằng chứng “sáng chói”, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; khẳng định từ xa xưa, chính Trung Quốc chỉ công nhận biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam./.
PV (Tổng hợp)
Nguồn  Blog Hotrungnghia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang