Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Bước đi tiếp theo của TQ trên Biển Đông là gì?

“Phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây”.
Việc Trung Quốc liên tiếp có những động thái thể hiện mưu đồ muốn thâu tóm Biển Đông khiến các nước liên quan và quốc tế lo ngại. Nhiều học giả Việt Nam đã đưa ra nhận định về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên vùng biển này.

TS Trần Trường Thủy: Trung Quốc không còn nhiều “bài”

Tiến sỹ Trần Trường Thủy là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (Học viện Ngoại giao).

Nhận định về những hành động vừa qua của Trung Quốc như thành lập và tiến hành nhiều hoạt động trái phép tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam… TS Thủy cho rằng: “Các hành động vừa qua thực ra không có nhiều bất ngờ. Họ đã triển khai rất đồng bộ nhiều biện pháp trên thực địa từ mấy năm nay, nhằm mục đích quản lý thực tế theo Đường lưỡi bò, bao gồm hành chính hóa, dân sự hóa chiếm đóng; tăng cường hiện diện hải quân, tập trận; tăng cường lực lượng bán quân sự như ngư chính, hải giám; tăng cường tuần tra; tăng cường hoạt động của tàu cá; cản phá các hoạt động kinh tế về dầu khí, hải sản của các nước khác”.
  Ông Thủy dẫn chứng: “Những hành động như vừa rồi thực ra Trung Quốc đã tiến hành từ trước đó. Năm 2007, tỉnh Hải Nam đã đề xuất thành lập thành phố Tam Sa. Còn từ năm 1992, Trung Quốc cũng đã cấp phép thăm dò dầu khí cho Cty Crestone của Mỹ tại khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng đã cho lưu hành bản đồ phân lô dầu khí trong toàn bộ Đường lưỡi bò từ năm 2007. Các hành động vừa qua của họ cũng nằm trong logic của chính sách phản ứng như đã nói trên, nhằm trả đũa Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam”.

TS Trần Trường Thủy cho rằng Trung Quốc đã chuẩn bị rất công phu, tung một lúc nhiều biện pháp (phản đối ngoại giao, nâng cấp Tam Sa, phân lô dầu khí, tuyên bố tuần tra của ngư chính, hải quân sẵn sàng chiến đấu) nhằm mục đích răn đe Việt Nam nhưng nếu nhìn kỹ thì không thấy biện pháp nào mới.

Từ những phân tích trên, TS Thủy nhận định: “Trung Quốc cũng không còn nhiều bài. Sử dụng quân sự thì lợi bất cập hại. Biện pháp mạnh hơn chắc chỉ có cho giàn khoan trong vùng thềm lục địa của Việt Nam hoặc lại tạo ra các vụ cản phá mới tương tự như vụ tàu Bình Minh 02 và Viking 02 năm 2011. Đối với các hành vi này, tôi nghĩ Việt Nam đã có cách xử lý tốt”.

Ông Thủy cũng nhấn mạnh, hành động tiếp theo của Trung Quốc tại Biển Đông liên quan đến nhiều nhân tố đối nội và đối ngoại. Do vậy, phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam sẽ tác động lên chính sách và hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông; tác động trực tiếp lên giới hoạch định chính sách và các nhóm lợi ích.

Ông Dương Danh Dy: Cảnh giác với bước đi xa hơn của Trung Quốc

Nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ năm 1993 đến 1996 và làm việc, tìm hiểu Trung Quốc trong nhiều năm, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy là người rất am tường các vấn đề về Trung Quốc.

Ông Dương Danh Dy nhận định: “Phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây. Phải nhìn tận gốc của vấn đề để thấy rằng tuyên bố mời thầu ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam chưa phải là hành động ghê gớm nhất, mà họ có thể có những bước đi xa hơn nữa”.
 “Đừng bao giờ mất cảnh giác trước các âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Lịch sử và thực tế đã chứng minh, họ luôn có những mưu đồ và hành động rất khó lường. Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc hết “bài” ở Biển Đông. Họ sẽ còn tiếp tục có những hành động gây hấn. Chúng ta phải luôn cảnh giác đề phòng những bước đi xa hơn của Trung Quốc”, ông Dương Danh Dy nhấn mạnh.

Những nhận định trên được nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đưa ra dựa trên cơ sở sự lớn mạnh nhanh chóng về nhiều mặt của Trung Quốc: Giữa năm 2010, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới và trong nội bộ Trung Quốc có ý định phải đuổi kịp Mỹ. Song song với tiềm lực về kinh tế, Trung Quốc nghĩ rằng thực lực của họ đang lớn mạnh, Trung Quốc nghĩ rằng phải có hành động mạnh mẽ hơn trên biển Đông và thể hiện quan điểm rõ ràng biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Điều này có nghĩa là biển Đông giống như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, nếu nước khác động đến sẽ xảy ra chiến tranh. Đó chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn.

Thêm vào đó, nội bộ của Trung Quốc cũng đang đấu tranh mạnh mẽ, và thường trong những cuộc đấu tranh nội bộ đó, họ đều chuyển hướng dư luận và hành động ra ngoài biên giới nước họ. Do vậy, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện thì khó có thể biết điều gì xảy ra.

Dự đoán về những hành động tiếp theo Trung Quốc có thể tiến hành, ông Dương Danh Dy cho rằng: “Theo tôi, Trung Quốc có thể sẽ có những hành động khác như: cho lính giả làm dân ra bãi đá ngầm Trường Sa làm giàn khoan để thử phản ứng của Việt Nam. Hoặc dù không đánh chiếm cả quần đảo, nhưng có thể họ sẽ chiếm 1 hoặc 2 trong số những đảo do Việt Nam đang quản lý để thử phản ứng của Việt Nam, thử phản ứng của thế giới, nếu không ăn thua thì rút, nếu có cơ hội thì lấn tới”.
Duy Minh
 Nguồn Blog Hotrungnghia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang