Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Chủ quyền đất nước và quan hệ Việt-Trung

 Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa chấm dứt. Như dự kiến, Tập Cận Bình chính thức thay thế Hồ Cẩm Đào, là Tổng Bí thư.
Có nhiều bài viết trong hơn một năm qua về bản lĩnh và tham vọng của họ Tập. Còn quá sớm cho bất cứ kết luận nào về người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nhưng chắc chắn rằng, ngoại trừ khi ông ta gặp sự cố chính trị hay sự cố sức khỏe không vượt qua được, Tập Cận Bình và thành phần ban lãnh đạo mới sẽ có quyết định tác động đến đời sống và tương lai của hơn một tỷ người dân Trung Quốc, đến quan hệ với những nước khác, đến ổn định của khu vực và của thế giới, và sẽ dẫn dắt Trung Quốc đến thời điểm đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản năm 2021.
Tinh thần "đồng chí, anh em”
Mười ngày trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam họp hội nghị Trung ương 6 để quyết định số phận chính trị của Thủ tướng Việt Nam, bên cạnh thảo luận nhữngvấn đề khác, ông Nguyễn Tấn Dũng gặp Tập Cận Bình.
Bất chấp thất bại trong chính sách kinh tế với thiệt hại to lớn cho đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "sống sót" sau hội nghị. Dù một số nhà nghiên cứu độc lập đã tìm cách lý giải, hiện khó ai biết chính xác nguyên do dẫn đến sự “sống còn” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Sau khi hội nghị Trung ương 6 kết thúc, và một tháng sau khi gặp Tập Cận Bình, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố:
"Trên tinh thần đồng chí, anh em và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, hai bên cần bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước."
Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng xảy ra cùng lúc với chủ trương của Nhà nước tiếp tục sách nhiễu, trấn áp người dân phản đối động thái hung hãn và tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Khi nói “không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”, ông Nguyễn Tấn Dũng ít nhất gián tiếp cho Trung Quốc biết là lãnh đạo Việt Nam đặt quan hệ giữa hai nước lên trên tranh chấp chủ quyền.
Như để đáp trả lại thiện chí của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động phi pháp của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Quan điểm trên của Thủ tướng Việt Nam hoàn toàn trái ngược với vị thế của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
“Quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước là không lùi bước trong tranh chấp biển Đông. Việc gìn giữ hòa bình trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thì từ ý thức đến hành động của chúng ta hết sức đầy đủ, nhưng đồng thời nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền vẫn luôn được tiến hành thường xuyên, không có gì thay đổi. Nhưng trong điều hành cũng có thể chúng tôi có lỗi chuyện này chuyện nọ, không loại trừ, nhưng ý thức cũng như hành động không bao giờ tách khỏi lập trường, quan điểm: chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Một khi “chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi đất nước, trong đó bao gồm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và thềm lục địa ở Biển Đông, phải là nhiệm vụ, là trách nhiệm và là ưu tiên cao nhất của lãnh đạo Việt Nam.
Việt Nam là "nước nhỏ”
Có người cho rằng Việt Nam là "nước nhỏ”, ở sát bên một láng giềng hùng mạnh, to lớn lại mang tham vọng bành trướng.
Do không có chọn lựa để "di chuyển" nước đi nơi nào khác, trong quan hệ Việt-Trung, Việt Nam cần khéo léo, nhún nhường, tránh làm mất lòng nước láng giềng này để Việt Nam có thể duy trì hòa bình, tập trung công sức xây dựng đất nước!


 Một lập luận như thế thiếu tính chất khách quan và thực tế.
Trước hết, trong 14 nước láng giềng với Trung Quốc, về dân số, theo thứ tự, Việt Nam đứng hàng thứ tư, chỉ sau Ấn Độ, Pakistan, và Nga, nhưng trên 10 nước khác: Myanmar, Afghanistan, Nepal, Bắc Triều Tiên, Kazakhstan, Tajikistan, Laos, Kyrgyzstan, Mongolia và Bhutan. Về thu nhập bình quân đầu người (PPP), Việt Nam đứng hàng thứ sáu, trên cả Pakistan, Laos, Kyrgyzstan, Tajikistan, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Nepal và Afghanistan.
Kế đến, với bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có lợi thế thiên nhiên rất đáng kể so với Myanmar, Afghanistan, Nepal, Kazakhstan, Tajikistan, Laos, Kyrgyzstan, Mongolia và Bhutan.
Trong quan hệ quốc tế, nước nào, dù nhỏ hay lớn, cũng phải biết và tận dụng mọi lợi thế và thời cơ để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của nước họ.
Nguyên tắc này trở nên cực kỳ tối quan trọng khi có sự bất cân xứng trong tương quan lực lượng. Nó đòi hỏi sự khôn khéo và tài năng của người lãnh đạo qua đó, họ làm rõ ràng sự khác biệt giữa linh động nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền, với nhu nhược, bất lực trước tham vọng của ngoại bang.
Lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng cho thấy rằng sự yếu kém của lãnh đạo, của nhà nước, sự phân hoá trong xã hội, là yếu tố mời gọi ngoại bang xâm phạm chủ quyền, thôn tính lãnh thổ của một nước.
Chẳng vì thế mà một số nước như Myanmar, Bắc Triều Tiên, Mongolia, v.v. tuy nhỏ hơn Việt Nam, vẫn tranh thủ duy trì vị thế độc lập với nước lớn cạnh bên, sẳn sàng có hành động kiên quyết, thể hiện chủ quyền, vì họ đặt quyền lợi đất nước lên trên hết.
Chẳng vì thế mà nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tuyên bố:
“Tôi khẳng định lại một lần nữa, giữ độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu, là nhiệm vụ tối thượng, số một, quan trọng nhất. Chúng ta luôn muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị nhưng quyết không đổi chủ quyền để lấy những điều đó. Hòa bình, hợp tác ngang bằng với chủ quyền là cách nói, là mưu đồ của Trung Quốc. Chúng ta nhất quyết không đổi chủ quyền, không đổi đất đai, biển đảo Tổ quốc để lấy hòa bình.”
“Đời con, đời cháu" vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa; năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo-đá thuộc quần đảo Trường Sa. Hơn 100 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong hai nỗ lực riêng biệt bảo vệ chủ quyền đất nước.
Song song với hành động sử dụng vũ lực chiếm đoạt Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tích cực thúc đẩy nghiên cứu "chủ quyền" Hoàng Sa-Trường Sa, tung hoả mù về chứng cứ lịch sử để đánh lừa nhân dân Trung Quốc và dư luận quốc tế, đào tạo đội ngũ chuyên gia về cơ chế, luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền, xây dựng kinh tế, quốc phòng vững mạnh, v.v.
Trong cùng thời gian gần 30 năm, kể từ khi thống nhất đất nước, Nhà nước Việt Nam không thể hiện được hành động cụ thể đáng ghi nhận nào nhằm bảo vệ và khôi phục chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.
Không hề là một ngẫu nhiên khi đa số học giả phương Tây, qua đánh giá chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, cho rằng chứng cứ lịch sử của Trung Quốc “mạnh” hơn, “thuyết phục” hơn chứng cứ lịch sử của Việt Nam hay đưa ra quan điểm giải quyết tranh chấp hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam!
Khi Trung Quốc gia tăng mức độ coi thường pháp luật quốc tế của họ trên Biển Đông, bắt giữ, đâm chìm tàu cá, bắn chết ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực quen thuộc hàng trăm năm qua, ngoài việc lãnh đạo Việt Nam kêu gọi, dùng "tinh thần đồng chí, anh em" giải quyết tranh chấp, quan chức Nhà nước không ngần ngại tuyên bố:
"Chúng ta tiếp tục đấu tranh để khẳng định chủ quyền lâu dài. Đời con, đời cháu vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền."
Do thái độ từ chối hợp tác của Trung Quốc, giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa không dễ dàng hay đơn giản. Đây là điều không người nào phủ nhận.
Tuy nhiên, để đời con, đời cháu giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa, qua “tiếp tục khẳng định chủ quyền”, có nên là vị thế của lãnh đạo hay của những ai quan tâm đến chủ quyền và quyền lợi đất nước hay không ?
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta chịu đựng bao mất mát, sẳn sàng đổ máu xương, hy sinh cả mạng sống, là để đời con, đời cháu không phải đối đầu với giặc Nam Hán, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc Thanh, thực dân Pháp, v.v.
Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam và ngoại bang thì tưởng chừng như trứng chọi đá, nhưng trong mọi tình huống, dân tộc Việt Nam luôn luôn vượt qua được tất cả thử thách, loại trừ được hiểm họa ngoại bang và đạt thắng lợi sau cùng.
Ngày nay, một khi mối quan hệ được lãnh đạo Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh là xây dựng trên cơ sở “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, mà không giúp giải quyết được tận gốc rễ mối đe doạ đến chủ quyền đất nước, để phải trông chờ đợi đời con, đời cháu, thì có hai trường hợp: một là bản chất của quan hệ Việt-Trung cách xa điều Nhà nước Việt Nam kêu gọi người dân tin tưởng vào; hai là Nhà nước không làm đúng với nhiệm vụ, trách nhiệm và ưu tiên mà người dân giao phó, như khẳng định của Chủ tịch nước: “chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Ở một góc độ khác, luật pháp quốc tế có nguyên tắc "quieta non movere", qua đấy nói rằng “những tình huống hiện hữu đã và đang ổn định trong một thời gian dài thì không nên bị xáo trộn” (Xem "Boundary & Territory Briefing - Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement", Nuno Sérgio Marques Antunes, 2000).
Toà án Quốc tế (ICJ) từng sử dụng nguyên tắc này trong phán xử tranh chấp giữa hai nước.
Thử hỏi nguyên tắc này mang đến hệ quả thuận lợi cho Việt Nam hay cho Trung Quốc khi lãnh đạo hay quan chức Nhà nước có tư duy để đời con, đời cháu giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa ?
Dù vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế với hành động sử dụng vũ lực để chiếm đoạt lãnh hải, đâm chìm tàu, giết hại ngư dân, v.v., Trung Quốc lại là nước có đội ngũ chuyên gia nắm vững cơ chế, luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Trung Quốc luôn luôn tận dụng mọi ưu thế của họ để theo đuổi tham vọng bành trướng. Những chiêu bài như đòi hỏi đàm phán song phương ngay cả trong vấn đề đa phương về tranh chấp, trì hoãn đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct-COC), kêu gọi “gác tranh chấp, cùng khai thác”, v.v. có chung một mức đến: thuận lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho các nước liên hệ!
Trong Thư ngỏ của một số nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước gửi lãnh đạo Việt Nam vào đầu tháng Tám vừa qua có đoạn nói:
“Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện mưu đồ chiến lược bá quyền của họ, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vàoTrung Quốc. Họ dùng nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn để dụ dỗ, mua chuộc, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, lấn chiếm không chỉ trên Biển Đông mà còn trên nhiều địa bàn khác, không chỉ xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải mà còn thâm nhập và gây hại về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đồng thời tìm cách “chia để trị” các nước ASEAN.”
Xem kỹ lại quá trình quan hệ Việt-Trung trong hơn 60 năm nay, người ta không thể không đi đến kết luận tương tự: chiến lược, kế sách lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam là nhất quán, trước sau như một.
Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, tùy tình hình, Trung Quốc thay đổi chiến thuật nhưng mục đích sau cùng của Trung Quốc không bao giờ khác biệt, như trong một nhận định hơn 30 năm trước:



“Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ”. (Xem văn kiện “Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” do bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN công bố với thế giới năm 1979.)
Ngày nay một bộ phận trong guồng máy Nhà nước, có khả năng vì quyền lợi cá nhân, vì quyền lợi phe nhóm, sẳn sàng gạt bỏ bài học lịch sử trong quan hệ Việt-Trung, sẳn sàng phản bội sự hy sinh của bao thế hệ trước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Tuy nhiên, đại đa số người Việt Nam, từ bác cựu chiến binh ở Lạng Sơn, anh nông dân từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, em học sinh trung học Đà Nẳng, v.v., vẫn khắc ghi tinh thần yêu nước hào hùng của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, v.v. Họ sằn sàng đứng lên, tiếp bước ông cha, đáp lời Tổ quốc kêu gọi.
Hơn bao giờ hết, lãnh đạo Việt Nam cần thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, mạnh dạn khắc phục thiếu sót trong quan hệ Việt-Trung, dẫn đến sự bất cân xứng trong nhiều lĩnh vực: kinh doanh, mậu dịch, xây dựng, v.v., đe dọa an ninh quốc gia.
Để bảo vệ chủ quyền và để phát triển đất nước, thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, lãnh đạo Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực, tận dụng nhân tài - những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tương lai dân tộc; lãnh đạo Việt Nam cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến khác biệt, trao trả tự do cho những người bị kết án vì thực thi các quyền hạn quy định trong Hiến pháp, qua đó phát huy cao độ đoàn kết dân tộc - yếu tố không thể thiếu trong truyền thống lịch sử hàng ngàn năm, khi phải đối phó với đe dọa của ngoại bang hay thảm họa thiên nhiên.
Bằng không, khi đối diện với chất vấn của lịch sử, đối diện với chất vấn của thế hệ tương lai, lãnh đạo Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất phải trả lời.
Như lời nhắn gửi của Chủ tịch nước:
“Biết ơn những thế hệ đi trước, chúng ta phải làm mọi điều có thể để đất nước phát triển. Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia khoa học không gian hiện sinh sống ở Hoa Kỳ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang