Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Báo Trung Quốc ‘phát sốt’ vì sự lợi hại của cảng Cam Ranh


“Có lẽ cả châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam”, tạp chí Tuần Tin tức của Trung Quốc viết, đồng thời trích dẫn nhận xét của báo chí Mỹ: “Ai chiếm được vịnh Cam Ranh, người đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường giao thông biển Á-Âu…”.
Trong số ra ngày 20/8/2012, tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” đã có một bài viết rất công phu phân tích sự “hấp dẫn” và lợi thế của quân cảng Cam Ranh của Việt Nam đồng thời phân tích vị thế của quân cảng này đối với tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh hiện nay. Infonet xin trích lược bài viết này để giới thiệu với độc giả.
 Quân cảng lợi hại hiếm có
Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam và được bao quanh bởi rất nhiều đảo to nhỏ khác nhau, biến Cam Ranh trở thành một cảng nước sâu tránh gió rất tuyệt vời. Bên cạnh lối ra vào nhỏ hẹp, Cam Ranh còn được các dãy núi cao khoảng 400m vây quanh nên không những gió bão không thể xâm nhập mà địa thế cao điểm này có thể khống chế cả khu vực xung quanh cảng một cách rất dễ dàng và quân cảng này trở thành một pháo đài vô cùng lợi hại, khó công, dễ thủ. Cửa vào Cam Ranh tuy nhỏ nhưng tổng diện tích mặt nước rộng 98 km2, nước sâu phổ biến ở mức 16-25m, nơi sâu nhất có thể lên đến 32m, cho phép đồng thời khoảng 40 tầu chiến cỡ lớn cùng neo đậu, kể cả tàu sân bay.
Nếu bố trí tên lửa phòng không ở vịnh Cam Ranh và những cao điểm xung quanh thì toàn bộ eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm khống chế của hỏa lực những tên lửa đó. Ngoài ra, vịnh Cam Ranh còn có thể cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử để kiểm soát toàn bộ khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông).
Vừa có lợi thế tự nhiên rất có lợi cho quân sự, quốc phòng lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh Cam Ranh luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng. Sân bay quốc tế Cam Ranh với đường băng dài hơn 3.000m đủ khả năng đón máy bay chở khách cỡ lớn. Sân bay có thể đảm bảo cho các máy bay vận tải hạng nặng (C-141, C-5 Galaxy, Il-76), máy bay ném bom chiến lược (B52, Tu-95) cất/hạ cánh.
Bắt đầu từ năm 1905, Nga hoàng, Pháp, Nhật Bản đã đua nhau chiếm Cam Ranh. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ thậm chí đã chi tới hơn 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh. Từ năm 1979, vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, đồng thời là vị trí tiền đồn để Liên Xô kiềm chế Trung Quốc và cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, do tình hình thế giới có nhiều biến đổi nên từ năm 2002 đến nay, Cam Ranh trở thành một cảng biển “đìu hiu và tĩnh lặng”.
Nhưng kể từ đầu năm 2012 đến nay, Cam Ranh đã bắt đầu “nhộn nhịp” trở lại. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã ghé qua Cam Ranh và làm dấy lên tin đồn rằng Mỹ sẽ trở lại Cam Ranh trong một tương lai rất gần. Chưa hết, hồi cuối tháng 7/2012, khi chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Nga đã đồng ý để Nga thành lập một cơ sở sửa chữa tàu ở Cam Ranh. Đến lúc này, Cam Ranh đã bộc lộ rõ vai trò là một quân cảng mang lại nguồn tài chính lớn đồng thời là con bài chiến lược của Việt Nam khi đối đầu với các nước khác.
 Con bài chiến lược về kinh tế
Kể từ lần “xuất hiện” trở lại vào tháng 10/2010, quan điểm của chính phủ Việt Nam về Cam Ranh rất thống nhất: Biến cảng này thành một cảng biển cho phép tàu quân sự nước ngoài sử dụng nhưng có thu phí. Cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, người đã từng đến thăm Cam Ranh hồi năm 2005, bình luận: “Lần này Nga đến Cam Ranh để sử dụng chứ không phải để thuê. Việt Nam sẽ không cung cấp vịnh Cam Ranh cho nước thứ 3 dùng làm căn cứ quân sự và thái độ đó của Việt Nam là không thay đổi”.
Rõ ràng sự thay đổi lần này rất quan trọng, từ sự thuê dùng đến sử dụng khác nhau một trời, một vực. Thuê dùng nghĩa là ai thuê thì người đó sẽ có đặc quyền sử dụng còn sử dụng là có tính chất mở cửa. Trong chuyến thăm Nga, ông Trương Tấn Sang cũng nói rõ, Việt Nam cung cấp cơ sở trên biển cho Nga hoàn toàn không phải là căn cứ quân sự.
Nhờ có Cam Ranh, Nga đã đồng ý cho Việt Nam vay 10 tỷ USD, nguồn tài chính quan trọng trong việc phát triển kinh tế trong nước. Cùng với đó, mối quan hệ hợp tác về năng lượng, đặc biệt là hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí Nga-Việt sẽ có bước tiến đáng kể. Một quan chức ngoại giao giấu tên của Trung Quốc còn cho rằng Việt Nam đã rất khôn khéo trong việc sử dụng con bài Cam Ranh trong cuộc chơi với Nga và Mỹ. “Di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến Việt Nam không thể cởi mở hơn với quân đội Mỹ nhưng họ vẫn có thể dùng Cam Ranh để khiến Mỹ hài lòng đồng thời việc cho phép Nga trở lại có tác dụng cân bằng tâm lý rất tốt”, vị quan chức ngoại giao này nói, “Cam Ranh có thể là trận chiến tương đối ôn hòa trong chiến lược trở lại châu Á mà cả Nga và Mỹ cùng đang thi hành. Có điều trận chiến lần này đã được bày ngửa trên bàn”.
Nâng tầm vị thế của Việt Nam
So với những đồn đoán vội vàng của dư luận về sự trở lại của hải quân Nga, nhiều ý kiến khác cho rằng tác dụng chuyến thăm Cam Ranh của ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng mang đến những tác dụng rất lớn. Trong chuyến thăm này, ông Panetta đã phát biểu rằng Mỹ rất hy vọng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề biển và sự kiện tàu hậu cần USNS Richard E.Byrd cập cảng Cam Ranh là một sự thể hiện nguyện vọng này. Chắc hẳn, ông Panetta chưa thể quên chuyến thăm Cam Ranh của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson hồi năm 1966. Trong chuyến thăm đó, báo chí Mỹ đã ca ngợi Cam Ranh rằng: “Ai chiếm được Cam Ranh, kẻ đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường vận tải biển huyết mạch Á – Âu, có được địa vị bá quyền thế giới vì thế Mỹ phải chiến thắng Nga, hải quân Mỹ phải được đóng ở Cam Ranh”.
Phải tạo được vị thế cân bằng giữa các cường quốc là quan điểm nhất quán của chính phủ Việt Nam. Với Cam Ranh, Việt Nam không chỉ tìm kiếm lợi ích về kinh tế mà còn tranh thủ sử dụng quân cảng này làm bàn đạp nâng tầm vị thế của họ. Cam Ranh giờ đây không chỉ là sự thèm khát của Nga, Mỹ mà còn có cả Ấn Độ, Nhật Bản…
Quan chức ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc kết luận: “Khi các cường quốc tiến vào Cam Ranh ngày càng nhiều, Việt Nam sẽ cảm thấy tự tin hơn khi tham gia nói chuyện với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.
Trung Quốc hiểu rằng, chắc chắn Mỹ sẽ không thể thờ ơ với Cam Ranh được lâu hơn nữa. Tất cả các căn cứ quân sự của họ ở châu Á – Thái Bình Dương như Changi (Singapore), Yokosuka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc) hay Apra ở đảo Guam đều không thể so sánh vị thế với Cam Ranh trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Đáng chú ý, từ Cam Ranh ra đến Trường Sa chỉ có khoảng 600km.
Nguồn Baomoi

Ẩn sau đơn hàng Kilo, Nga giúp Việt Nam thành lập binh chủng "tàu ngầm"


Nhà máy đóng tàu Admiralteiskie Verfi của Nga vừa cho hạ thủy hôm 28/08/2012, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong lô hàng 6 chiếc được Việt Nam đặt mua. Đây là số tàu nằm trong hợp đồng trị giá gần 2 tỷ đô la được ký kết vào tháng 12/2009 nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Sau khi chạy thử, chiếc tàu ngầm này sẽ được giao cho Việt Nam vào cuối năm nay hay đầu năm tới. Theo thông tín viên Hoàng Dung tại Mátxcơva, phía sau hợp đồng mua bán vũ khí đơn thuần, là cả một kế hoạch nhằm xây dựng cho Hải quân Việt Nam một “binh chủng” tàu ngầm hoàn chỉnh, và một lực lượng hiện đại.

Hoàng Dung / Trọng Nghĩa

Học giả Trung Quốc kêu gọi chính phủ không thể “sai càng sai”


Trong khi các học giả Trung Quốc yêu cầu chính phủ xóa bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” vô lý mà Bắc Kinh đưa ra, thì Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc lại mời thầu quốc tế 26 lô dầu khí trên Biển Đông và Hoa Đông.
Báo điện tử Sina.com ngày 27/8 đăng toàn văn buổi hội thảo mang tên “Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và việc phân chia biên giới biển Trung Quốc”, do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc thuộc báo này tổ chức. Tại buổi hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương quốc gia Trung Quốc và các học giả nước này đã  chỉ rõ sự vô lý của cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra.
Theo ông Lý Lệnh Hoa, Trung Quốc cần phải hủy bỏ đường chín đoạn nếu không muốn tự biến mình thành “kẻ thù của nhiều nước”. Việc khư khư chiếm trọn biển Đông đang dần khiến Trung Quốc trở nên “không thể chấp nhận được” trước các nước láng giềng, bởi sẽ chẳng nước nào chấp nhận cái đường vô lý do Trung Quốc tự đặt ra và “còn lâu người ta mới đồng ý cho Trung Quốc sấn đến tận cửa nhà mình”.
Học giả Lý nhấn mạnh việc hủy bỏ đường chín đoạn ngày càng trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay nếu Trung Quốc không muốn tự cô lập. Trung Quốc không thể đi ngược lại những nguyên tắc do chính mình cam kết khi tham gia UNCLOS. Trung Quốc “buộc phải đi chung con đường với cả thế giới”. Trung Quốc phải tôn trọng quy ước do mình đã ký kết nếu không muốn ngày một xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế.
Đồng tình với việc Trung Quốc cần hủy bỏ đường chín đoạn, học giả Trâu Hồng Minh cũng cho rằng “Trung Quốc không thể cứ mãi trở thành đối thủ của nhiều nước, đặc biệt là các hàng xóm sát vách chúng ta. Không phải cứ dùng vũ lực chiếm lấy lãnh thổ là giải quyết được mọi vấn đề”.
Thực ra, theo học giả Do Ký, Trung Quốc hiểu sự vô lý của mình nhưng “đã ném lao thì phải theo lao”. Song dù có khó khăn thế nào, theo ông Lý Lệnh Hoa, không thể viện cớ “chủ nghĩa dân tộc” để tiếp tục “sai lại càng sai” trong vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa cho biết ông chưa bao giờ sợ cô độc bởi ông đang nói lên sự thật. “Chỉ khi tuân thủ UNCLOS, hòa bình, ổn định cho Trung Quốc và các nước trong khu vực mới được giữ vững” - ông nhấn mạnh.
CNOOC lại mời thầu ở Biển Đông
Trong một động thái vô lý tiếp theo, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) lại mời thầu quốc tế 26 lô, trong đó có nhiều lô ở Biển Đông và nằm gần khu vực mà Nhật Bản đòi chủ quyền.
Thông báo này được đưa ra hai tháng sau khi CNOOC mời các công ty nước ngoài tham gia khai thác ở chín lô nằm trong vùng chủ quyền của Việt Nam. Phía Việt Nam đã cực lực phản đối hành động này. Lần này, thông báo mời thầu ở biển Bột Hải phía Bắc Trung Quốc và biển Hoa Đông, đây có thể là lần mở thầu lớn nhất của CNOOC kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước.
Theo thông cáo của CNOOC, trong 26 lô mời thầu lần này, 1 lô nằm ở vịnh Bột Hải, ba lô ở biển Hoa Đông, 18 lô ở mạn phía đông của Biển Đông và bốn ở phía tây Biển Đông. Toàn bộ diện tích lên đến 73.754m2.
Trong 18 lô thuộc phần phía đông Biển Đông có 5 lô ở tầng sâu trung bình, 3 lô thuộc vùng nước sâu và 5 lô vùng nước nông.    
Hãng tin Bloomberg cho biết một trong các lô gọi thầu lần này là lô 65/12 nằm cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 50 km, ngay gần lô 65/24 mà trước đó Việt Nam đã phản đối Trung Quốc gọi thầu.
Một lô khác, lô 41/08, nằm gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà hai bên lần lượt gọi là Điếu Ngư và Senkaku.
Trước đó, vào tháng 6, CNOOC cũng thông báo chào thầu quốc tế trái phép đối với 9 lô dầu khí thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam cực lực bác bỏ.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, khu vực thông báo mở thầu quốc tế của Trung Quốc “hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” và “hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên cho rằng đợt mời thầu này tuân thủ luật Trung Quốc và quốc tế, bất chấp phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Thêm bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông
Ngày 28/8, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ Công bố Tập sách “Địa dư đồ khảo”, xuất bản dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh (1875-1908). Tập sách này có kèm theo bản đồ chi tiết rõ ràng, nội dung chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam ) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc.
Tập sách do cụ Trần Đình Bá (1867 – 1933) lúc làm Thượng thư bộ Hình triều Khải Định (1916-1925) đã cho sao chép cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (số 114 Mai Thúc Loan, TP Huế), truyền đến đời thứ 4 là Trần Đình Sơn thừa kế, di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968, hiện vẫn được lưu giữ tại 128 Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh.
Tập sách Địa dư đồ khảo, viết trên giấy xuyến tốt, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, kế đến là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, chữ còn rõ đẹp, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ chi tiết đính kèm.
Như vậy, cuốn Địa dư đồ khảo này đã cung cấp một chứng cứ mới, thêm một trong những bằng chứng “sáng chói”, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; khẳng định từ xa xưa, chính Trung Quốc chỉ công nhận biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam./.
PV (Tổng hợp)
Nguồn  Blog Hotrungnghia

Việt Nam sẽ sớm nhận thêm 2 C-212-400

Sau khi tiếp nhận chiếc máy bay C-212-400 đầu tiên, Việt Nam sẽ sớm được chuyển giao 2 chiếc C-212 còn lại từ hãng Airbus Military.

Hôm 16/8, Cảnh sát biển Việt Nam đã chính thức tiếp nhận chiếc máy bay tuần tra biển C-212-400 từ hãng Airbus Military. Đây là một trong số 3 chiếc C-212-400 mà Việt Nam đặt mua (>> chi tiết).

Chiếc máy bay này lắp ráp tại Seville (Tây Ban Nha), sau đó được đưa tới một nước thứ ba để lắp các hệ thống điện tử phục vụ cho nhiệm vụ.

Hoàn tất mọi giai đoạn, chiếc máy bay do một tổ lái nước ngoài điều khiển (phi công chính Alejandro Grande được hỗ trợ của 2 phi công phụ, 2 kỹ sư hàng không và đại diện kỹ thuật) thực hiện cuộc hành trình từ nước thứ ba về Việt Nam.

Chiếc C-212 thứ hai đang trải qua công tác lắp đặt hệ thống nhiệm vụ tại một nước thứ ba và chiếc thứ ba sẽ chuyển từ Seville tới đó vào cuối năm 2012.

Ba chiếc C-212-400 được dùng cho một loạt các nhiệm vụ gồm: tuần tra ven biển, tìm kiếm cứu hộ, chống hoạt động gây nhiễm môi trường biển, thực thi pháp luật trên biển…

Nguồn Baodatviet

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Học giả nước ngoài phân tích hạm đội tàu ngầm Việt Nam

Các tàu ngầm lớp Kilo sẽ tạo phương tiện răn đe chống lại khả năng Trung Quốc có ý định nhanh chóng đánh chiếm một hòn đảo hoặc bãi đá mà Việt Nam chiếm giữ ở Biển Đông…

Trên tạp chí của Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI), ngày 21/08/2012, giáo sư Carlyle A. Thayer có bài phân tích hiệu quả của hạm đội tàu ngầm trong việc bảo vệ biển đảo của Việt Nam.
Ngày 15/08/2012, báo chí đã đưa tin là Việt Nam sẽ nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên vào cuối năm nay. Việt Nam còn đặt hàng 5 tàu ngầm Kilo khác và dự kiến sẽ tiếp nhận mỗi năm một chiếc.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Việt Nam sẽ phát triển một hạm đội tàu ngầm hiện đại trong 5-6 năm tới (2016-2017).
Trong cuối những năm 1980, Việt Nam đã tìm cách mua chiếc tàu ngầm đầu tiên từ Liên Xô. Đoàn thủy thủ được lựa chọn và được đào tạo trên chiếc tàu ngầm diesel Project 641 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô.
Chương trình này đã bị tổng bí thư Mikhail Gorbachev đình chỉ vì lo ngại làm cho Trung Quốc bực tức. Với sự sụp đổ của Liên Xô, hy vọng của Việt Nam có được tàu ngầm đã không thành hiện thực.
Trong thỏa thuận đổi gạo lấy vũ khí, năm 1997, Việt Nam đã mua hai chiếc tàu ngầm loại nhỏ, lớp Yugo của Bắc Triều Tiên. Các tàu này neo đậu tại Vịnh Cam Ranh để tu sửa. Trong 13 năm sau đó, các nhà phân tích không biết rõ khả năng hoạt động của các con tàu này.

Tháng 1/ 2010, báo Tuổi Trẻ đã tiết lộ nhiều về sự tồn tại của M96, một đơn vị tàu ngầm bí mật của Việt Nam, với bức ảnh chụp chiếc tàu ngầm Yugo và đoàn thủy thủ.
Các tàu ngầm Yugo đã được sử dụng cho các hoạt động dưới đáy biển. Theo một tùy viên quân sự phương Tây ở Matxcơva, “Kinh nghiệm từ tàu ngầm loại nhỏ cung cấp nền tảng cơ bản cho sự hiểu biết các hoạt động tàu ngầm và bảo trì.”
Mong muốn của Việt Nam có được một chiếc tàu ngầm với kích cỡ thông thường đã tăng lên rõ rệt vào năm 1997 sau chuyến thăm cảng Cam Ranh của tàu ngầm Nga Project 636 lớp Kilo.
Năm 2000, các thông tin, không được xác nhận, cho biết là Việt Nam và Nga đã ký biên bản ghi nhớ liên quan đến khả năng bán tàu ngầm.
Cũng trong năm đó, Việt Nam và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận quốc phòng trong đó có một điều khoản liên quan đến việc hải quân Ấn Độ đào tạo thủy thủ cho Việt Nam, kể cả thủy thủ tàu ngầm.
Trong tháng 10/2002, Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ đào tạo về tàu ngầm, nhưng bốn năm sau, Ấn Độ mới thông báo bắt đầu đào tạo các sinh viên sĩ quan và sĩ quan hải quân Việt Nam. Hiện nay, Ấn Độ đang huấn luyện các quy trình thoát hiểm ở tàu ngầm cho các thủy thủ Việt Nam.

Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Việt Nam không thành công trong việc tìm cách mua tàu ngầm kích cỡ thông thường từ Serbia. Sau đó, Việt Nam quay sang Nga và đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc để mua 6 tàu ngầm Project 636M lớp Kilo. Trong năm 2008, Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch nước Việt Nam đã có các chuyến công du Matxcơva để thúc đẩy thỏa thuận này.
Trong năm 2009, các nguồn tin từ giới công nghiệp Nga đã được công khai. Ngày 24/04, ông Vladimir Aleksandrov, tổng giám đốc Admiralteiskie Verfi (Nhà máy đóng tàu Admiralty) ở St Petersburg, thông báo là công ty của ông đã được chỉ định thực hiện hợp đồng chế tạo 6 tàu ngầm Project 636 lớp Kilo. Giá mỗi chiếc tàu ngầm này là 300-350 triệu đô la và tổng giá trị hợp đồng là 1,8 – 2,1 tỷ đô la.
Hợp đồng chính thức mua 6 tàu ngầm lớp Kilo đã được ký kết tại Matxcơva giữa công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport và bộ Quốc phòng Việt Nam, trong tháng 12/2009.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký kết. Nhà máy Admiralty bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc, trong lễ khởi công ngày 24/08/2010. Tàu ngầm này được hạ thủy ngày 28/08/2012, và trải qua một loạt thử nghiệm trên biển trước khi chuyển giao cho Việt Nam.
Hợp đồng bán mua tàu ngầm Nga-Việt Nam cũng bao gồm các điều khoản – ngoài việc cung cấp 6 tàu ngầm – liên quan đến việc đào tạo thủy thủ đoàn và xây dựng một cơ sở bảo trì trên bờ.

Trong tháng 3/2010, Việt Nam chính thức yêu cầu Nga giúp đỡ xây dựng một căn cứ tàu ngầm ở vịnh Cam Ranh.
Tàu ngầm Project 636M – lớp Kilo:
Tàu ngầm Project 636M chính là loại tàu ngầm lớp Varshavyanka của Nga, nhưng nó được biết đến nhiều hơn theo phân loại lớp Kilo mà NATO đưa ra.
Kilo là một loại tàu ngầm phi hạt nhân tấn công nhanh (SSK). Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Chống tàu ngầm và tàu chiến, bảo vệ duyên hải, rải thủy lôi, trinh sát và tuần tra.

Việt Nam đã đặt mua loại tàu 636MV mới nhất, được cải tiến, với phạm vi hoạt động, tốc độ, sự chắc chắn, độ bền vững, các đặc tính âm thanh, tiếng động và hỏa lực đều tốt hơn so với phiên bản trước đó.
Tàu ngầm Project 636 lớp Kilo đã được Hải quân Mỹ mệnh danh là “lỗ đen” do mức độ tĩnh lặng của nó khi hoạt động.
Khả năng tàng hình của tàu ngầm Project 636 đã được cải tiến qua việc loại bỏ các van của khoang chứa nước và thân tàu được phủ nhiều lớp “ngói cao su” chống dội âm. Các lớp “ngói” này được gắn vào phần thân tàu và cánh ngầm nhằm hấp thụ sóng âm chủ động, qua đó, làm giảm và bóp méo các tín hiệu phản hồi. Các lớp “ngói chống dội âm” cũng ngăn chặn âm thanh phát ra từ trong tàu, làm giảm khả năng bị phát hiện bởi sóng âm thụ động.
Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến dài 73,8 mét (242 ft), rộng 9,9 m (32,4 ft), với mức mớn nước là 6,2 m (20,34 ft). Lượng choán nước khi nổi là 2.350 tấn và có thể lặn sâu đến một phần tư dặm. Tàu lớp Kilo cải tiến được trang bị động cơ diesel-điện, có phạm vi hoạt động 9.650 km (5.996 dặm) và có thể lặn liên tục 700 km (434 dặm), với tốc độ 2,7 hải lý (5 km / giờ) ở tốc độ thấp, yên tĩnh.

Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 20 hải lý (37 km / giờ). Việt Nam dường như đã không chọn loại tàu trang bị hệ thống Air Propulsion độc lập có thể cho phép kéo dài thời gian hoạt động tuần tra. Thủy thủ đoàn của tàu lớp Kilo cải tiến có 57 người.
Tàu ngầm Project 636MV có 6 ống phóng ngư lôi 533 mm ở phía trước. Nó có thể mang tới 18 thủy lôi (6 nạp trong ống và 12 trên dàn phóng ) hoặc 24 thủy lôi ( mỗi ống có 2 quả và 12 quả trên dàn ). Hai trong số các ống phóng ngư lôi được thiết kế để điều khiển từ xa việc phóng ngư lôi với độ chính xác rất cao. Tàu lớp Kilo cải tiến cũng có thể bắn chặn tên lửa hành trình chống tàu với ống phóng ngư lôi. Tàu lớp Kilo cũng mang tên lửa phòng không MANPADS Strela-3.
Trong tháng 6/2010, có tin nói rằng tổng chi phí hợp đồng mua tàu ngầm của Việt Nam đã tăng từ ước tính ban đầu là 1,8 – 2,1 tỷ đô la lên thành 3,2 tỷ đô la. Các chi phí bổ sung bao gồm cả việc trang bị vũ khí và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguồn tin công nghiệp quốc phòng cho biết là các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam sẽ được trang bị loại ngư lôi 53-56 hoặc loại TEST 76 hạng nặng. Nguồn tin này cũng dự đoán rằng tàu lớp Kilo của Việt Nam sẽ được gắn tên lửa chống tàu chiến, như 3M-54E hoặc 3M-54E1.

Trong tháng 7/2011, ông Oleg Azizov, đại diện của công ty Rosoboronexport, khẳng định, Việt Nam sẽ nhận được loại tên lửa chống tàu chiến Novator Club-S (SS-N-27), với tầm bắn xa 300 km.
Môi trường hoạt động
Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo phục vụ các hoạt động trong vùng nước tương đối nông ở Biển Đông. Khi được đưa vào hoạt động, tàu ngầm sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát các hoạt động của tàu thuyền bán quân sự nước ngoài và các tàu hải quân ở vùng biển ngoài khơi miền duyên hải Việt Nam và các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, các tàu ngầm lớp Kilo sẽ tạo phương tiện răn đe chống lại khả năng Trung Quốc có ý định nhanh chóng đánh chiếm một hòn đảo hoặc bãi đá mà Việt Nam chiếm giữ ở Biển Đông. Tổng quát hơn, tàu lớp Kilo sẽ cung cấp một khả năng chống tiếp cận khu vực, tuy khiêm tốn nhưng đủ mạnh, trước sự đe dọa của các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Trước khi có được những khả năng này, Việt Nam sẽ phải hội nhập được số tàu ngầm lớp Kilo này vào trong cơ cấu lực lượng quân sự và vào quá trình chuyển đổi lực lượng chiến đấu trên hai phương diện (trên mặt nước và trên không) sang ba phương diện (trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước).
Việt Nam cũng sẽ phải tìm kinh phí để bảo trì và sửa chữa cho phép các tàu lớp Kilo có thể hoạt động, và phát triển khả năng cứu hộ tàu ngầm.
Các nhà phân tích công nghiệp quốc phòng dự báo là việc sử dụng và khai thác có hiệu quả loại tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ ở trình độ nằm giữa Singapore và Indonesia.
Các nhà phân tích này cho rằng việc Việt Nam phát triển một hạm đội tàu ngầm thực sự hiện đại trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ lâu dài của Nga và Ấn Độ.
Nguồn Phungquangthanh.net

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Bước đi tiếp theo của TQ trên Biển Đông là gì?

“Phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây”.
Việc Trung Quốc liên tiếp có những động thái thể hiện mưu đồ muốn thâu tóm Biển Đông khiến các nước liên quan và quốc tế lo ngại. Nhiều học giả Việt Nam đã đưa ra nhận định về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên vùng biển này.

TS Trần Trường Thủy: Trung Quốc không còn nhiều “bài”

Tiến sỹ Trần Trường Thủy là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (Học viện Ngoại giao).

Nhận định về những hành động vừa qua của Trung Quốc như thành lập và tiến hành nhiều hoạt động trái phép tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam… TS Thủy cho rằng: “Các hành động vừa qua thực ra không có nhiều bất ngờ. Họ đã triển khai rất đồng bộ nhiều biện pháp trên thực địa từ mấy năm nay, nhằm mục đích quản lý thực tế theo Đường lưỡi bò, bao gồm hành chính hóa, dân sự hóa chiếm đóng; tăng cường hiện diện hải quân, tập trận; tăng cường lực lượng bán quân sự như ngư chính, hải giám; tăng cường tuần tra; tăng cường hoạt động của tàu cá; cản phá các hoạt động kinh tế về dầu khí, hải sản của các nước khác”.
  Ông Thủy dẫn chứng: “Những hành động như vừa rồi thực ra Trung Quốc đã tiến hành từ trước đó. Năm 2007, tỉnh Hải Nam đã đề xuất thành lập thành phố Tam Sa. Còn từ năm 1992, Trung Quốc cũng đã cấp phép thăm dò dầu khí cho Cty Crestone của Mỹ tại khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng đã cho lưu hành bản đồ phân lô dầu khí trong toàn bộ Đường lưỡi bò từ năm 2007. Các hành động vừa qua của họ cũng nằm trong logic của chính sách phản ứng như đã nói trên, nhằm trả đũa Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam”.

TS Trần Trường Thủy cho rằng Trung Quốc đã chuẩn bị rất công phu, tung một lúc nhiều biện pháp (phản đối ngoại giao, nâng cấp Tam Sa, phân lô dầu khí, tuyên bố tuần tra của ngư chính, hải quân sẵn sàng chiến đấu) nhằm mục đích răn đe Việt Nam nhưng nếu nhìn kỹ thì không thấy biện pháp nào mới.

Từ những phân tích trên, TS Thủy nhận định: “Trung Quốc cũng không còn nhiều bài. Sử dụng quân sự thì lợi bất cập hại. Biện pháp mạnh hơn chắc chỉ có cho giàn khoan trong vùng thềm lục địa của Việt Nam hoặc lại tạo ra các vụ cản phá mới tương tự như vụ tàu Bình Minh 02 và Viking 02 năm 2011. Đối với các hành vi này, tôi nghĩ Việt Nam đã có cách xử lý tốt”.

Ông Thủy cũng nhấn mạnh, hành động tiếp theo của Trung Quốc tại Biển Đông liên quan đến nhiều nhân tố đối nội và đối ngoại. Do vậy, phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam sẽ tác động lên chính sách và hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông; tác động trực tiếp lên giới hoạch định chính sách và các nhóm lợi ích.

Ông Dương Danh Dy: Cảnh giác với bước đi xa hơn của Trung Quốc

Nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ năm 1993 đến 1996 và làm việc, tìm hiểu Trung Quốc trong nhiều năm, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy là người rất am tường các vấn đề về Trung Quốc.

Ông Dương Danh Dy nhận định: “Phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây. Phải nhìn tận gốc của vấn đề để thấy rằng tuyên bố mời thầu ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam chưa phải là hành động ghê gớm nhất, mà họ có thể có những bước đi xa hơn nữa”.
 “Đừng bao giờ mất cảnh giác trước các âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Lịch sử và thực tế đã chứng minh, họ luôn có những mưu đồ và hành động rất khó lường. Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc hết “bài” ở Biển Đông. Họ sẽ còn tiếp tục có những hành động gây hấn. Chúng ta phải luôn cảnh giác đề phòng những bước đi xa hơn của Trung Quốc”, ông Dương Danh Dy nhấn mạnh.

Những nhận định trên được nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đưa ra dựa trên cơ sở sự lớn mạnh nhanh chóng về nhiều mặt của Trung Quốc: Giữa năm 2010, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới và trong nội bộ Trung Quốc có ý định phải đuổi kịp Mỹ. Song song với tiềm lực về kinh tế, Trung Quốc nghĩ rằng thực lực của họ đang lớn mạnh, Trung Quốc nghĩ rằng phải có hành động mạnh mẽ hơn trên biển Đông và thể hiện quan điểm rõ ràng biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Điều này có nghĩa là biển Đông giống như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, nếu nước khác động đến sẽ xảy ra chiến tranh. Đó chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn.

Thêm vào đó, nội bộ của Trung Quốc cũng đang đấu tranh mạnh mẽ, và thường trong những cuộc đấu tranh nội bộ đó, họ đều chuyển hướng dư luận và hành động ra ngoài biên giới nước họ. Do vậy, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện thì khó có thể biết điều gì xảy ra.

Dự đoán về những hành động tiếp theo Trung Quốc có thể tiến hành, ông Dương Danh Dy cho rằng: “Theo tôi, Trung Quốc có thể sẽ có những hành động khác như: cho lính giả làm dân ra bãi đá ngầm Trường Sa làm giàn khoan để thử phản ứng của Việt Nam. Hoặc dù không đánh chiếm cả quần đảo, nhưng có thể họ sẽ chiếm 1 hoặc 2 trong số những đảo do Việt Nam đang quản lý để thử phản ứng của Việt Nam, thử phản ứng của thế giới, nếu không ăn thua thì rút, nếu có cơ hội thì lấn tới”.
Duy Minh
 Nguồn Blog Hotrungnghia

Israel lên kế hoạch tấn công Iran trước bầu cử Tổng thống Mỹ

Các cơ quan tình báo phương Tây cũng nghi ngờ, liệu một cuộc tấn công đơn phương của Israel có đủ để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran.
 Israel đang có kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một nguồn tin an ninh Israel cho biết. Nhiều tờ báo địa phương ở Israel trích dẫn lời một vài quan chức cấp cao nước này cho rằng cuộc chiến đang "đến gần hơn bao giờ hết".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "xác định tấn công Iran trước khi các cuộc bầu cử Mỹ", kênh Tin tức 10 của Israel cho hay vào ngày 20/8. Trong khi đó theo Thời báo Israel, cuộc tấn công đã "đến gần hơn bao giờ hết" để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Tờ Ynetnews Israel xác nhận, ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đang vận động cho một cuộc tấn công vào mùa thu tới.

Căng thẳng tại Trung Đông đã gia tăng khi vào hôm qua, các nhà lãnh đạo Iran đã "khoe" một kho vũ khí mới của tên lửa tầm ngắn Fateh-110 tên lửa tầm ngắn được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trong vòng 180 dặm, bao gồm các tàu chiến Mỹ ở Vịnh Ba Tư.
Cơ quan tình báo phương Tây đang theo dõi chặt chẽ chính quyền Tehran sau khi các nhân vật cao cấp đã mô tả Israel như là một bệnh "ung thư" cần được "xóa sổ khỏi bản đồ" vào cuối tuần qua.

Ngày 20/8, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết: "Tôi không có nghi ngờ gì về khả năng phòng thủ của chúng tôi có thể đối phó và ngăn chặn kế hoạch của họ."

Trong tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, tướng Martin Dempsey đã tổ chức một cuộc họp báo chưa từng có tại Lầu Năm Góc để cảnh báo về một cuộc tấn công của Israel.
Tướng Dempsey cho biết: "Họ có thể trì hoãn nhưng không thể phá hủy khả năng hạt nhân của Iran." Tuần này, ông nói thêm rằng Mỹ và Israel đã đạt đến các kết luận khác nhau về mối đe dọa sắp xảy ra từ Iran.

Thêm vào đó, các cơ quan tình báo phương Tây cũng nghi ngờ, liệu một cuộc tấn công đơn phương của Israel có đủ sức mạnh để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran hay không.
Nguồn Giaoduc.net.vn

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Hai tàu pháo Svetlyak 'lên đường' về Việt Nam

Military Paritet (Nga) cho biết, hai tàu pháo Svetlyak cuối cùng đã được được đưa lên tàu vận tải và bắt đầu hành trình về Việt Nam.
 Theo Military Paritet, tàu vận tải Eide Transporter (Công ty Eide Marine Services, Na Uy). Eide Transporter cũng chính là tàu vận chuyển cả hai tàu hộ tống Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam trong năm 2011.
Nga bàn giao hai tàu tuần tra Svetlyak đầu tiên cho Hải quân Việt Nam vào năm 2002. Hai tàu Svetlyak đầu tiên được Hải quân Nhân dân Việt Nam đặt tên lần lượt là HQ-264 và HQ-265.
Hai tàu Svetlyak của Việt Nam bắt đầu hành trình về Việt Nam, trên tàu Eide Transporter, loại tàu vận tải cỡ lớn và đã nhiều lần tham gia vận chuyển tàu quân sự, đặc biệt là tàu ngầm
 Tới năm 2008, Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng với Rosoboronexport mua 4 tàu tuần tra Project 10412 Svetlyak.

Hai tàu trong số đó được đóng tại Công ty cổ phần đóng tàu Almaz ở St Petersburg và đã được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2011.

Hai tàu Svetlyak tiếp theo được bắt đầu đóng tại nhà máy đóng tàu của công ty Vostochnaya Verf  ở Vladivostok từ ngày 22/7/2009 với số hiệu lần lượt là 420 và 421.

Cả hai tàu này cũng được dự kiến hoàn thành vào năm 2011, nhưng do việc cung cấp pháo 76 mm AK-176 cho tàu bị trì hoãn và kết quả là tới ngày 14/8 vừa qua mới bắt đầu được chuyển về Việt Nam.
Trong thời gian tới, Hải quân Việt Nam sẽ sớm có thêm hai tàu tuần tra mới, tăng cường sức mạnh.
Tàu Project 10412 Svetlyak là biến thể của tàu tuần tra lớp Project 10410 do Viện TsMKB Almaz thiết kế cho các đơn vị hải quân biên phòng của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô KGB vào cuối thập niên 1980.

Tàu Svetlyak có trọng tải là 364 tấn, dài 49,5m, rộng là 9,2m, mướn nước 2,4m. Tốc độ tối đa của tàu lên tới 31 hải lý/h (khoảng 50 km/h). Hành trình dự trữ của tàu lên tới 2.200 hải lý, có khả năng hoạt động độc lập liên tục trong 10 ngày đêm.

Vũ khí trên tàu bao gồm: 1 pháo tự động 6 nòng 30 mm AK-306, 1 pháo 76,2 mm AK-176M, hệ thống tên lửa phòng không Igla-1M và hai súng máy 14,5mm.

Như vậy, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp nhận 2 chiếc tàu tuần tra Svetlyak, nâng tổng số tàu loại này đưa vào hoạt động trong thời gian gần lên 6 chiếc, tăng cường đáng kể sức mạnh cho cho Hải quân Việt Nam, đảm bảo nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền.
Nguồn Baogiaoduc 

Cảnh sát biển VN nhận máy bay tuần tra

Chiếc máy bay tuần tra C212-400 đầu tiên mua từ hãng Airbus vừa được Trung đoàn không quân 918 đón nhận hôm thứ Năm 16/8.
Trung đoàn 918 là đơn vị có trách nhiệm bảo đảm hậu cần và bảo quản máy bay tuần tra cho cảnh sát biển.

Được biết để từ châu Âu về tới Việt Nam, chiếc máy bay đã có hành trình dài qua 15 nước, với 10 lần hạ cánh. Quá trình chuẩn bị để tiếp nhận loại máy bay đời mới này được thực hiện từ 2010, với tổ bay được đào tạo tại Tây Ban Nha.
Việt Nam đã đặt mua ba chiếc C212-400 từ hãng Airbus Military, thuộc tập đoàn Airbus, để phục vụ cho việc tuần tra bảo vệ lãnh hải. Phi đội trưởng Phi đội C212 là Thượng tá phi công Nguyễn Hoài Thủy.
Đây là loại máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được trang bị tổ hợp thiết bị tuần thám MSS-6000 với hai radar đặt hai bên thân máy bay. Thân máy bay được sơn màu đặc trưng và mang logo của Cảnh sát biển Việt Nam.

Nhận dạng tàu bè trên biển

C212-400 là biến thể mới nhất của dòng máy bay C212. Đây là loại máy bay nhỏ, sải cánh chỉ 20,2m; chiều dài 16,1m; chiều cao 6,5m, có khả năng hoạt động từ các sân bay dã chiến.
Máy bay này được trang bị động cơ turbine cánh quạt cho phép máy bay hoạt động với tốc độ bay thấp và thời gian dài ở trên biển. Tốc độ bay hành trình cao nhất 360km/giờ và tầm bay cao nhất đạt 1.800km.
Ngoài tổ hợp thiết bị MSS-6000, máy bay này còn có thiết bị quan sát quang điện hỗn hợp FLIR cho phép tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày đêm, nhận dạng tàu bè hoạt động trên biển.
Airbus đã bán loại máy bay này cho 35 nước, sử dụng trong các phi vụ như theo dõi, chống đánh bắt trộm cá và hải sản, chống buôn bán ma túy và buôn lậu nói chung.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tỏ ra nỗ lực tăng cường năng lực phòng vệ biển, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra mạnh bạo tại Biển Đông.
Hôm thứ Tư 15/8, Quân chủng Hải quân cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án hạ tầng Trung đoàn Không quân - Hải quân tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Mới đây lực lượng Cảnh sát biển đã lên tiếng bác bỏ thông tin tàu của họ bị tàu hải giám Trung Quốc chặn đuổi và cho hay cảnh sát biển Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực tuần tra bảo vệ lãnh hải.
Năm ngoái, công ty Viking Air của Canada cho hay đã thống nhất hợp đồng bán sáu thủy phi cơ cho Việt Nam. Một số trong đó cũng sẽ dùng để tuần tra biển.
Nguồn BBC
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang