Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Trung Quốc la làng khi Hải quân Việt Nam-Philipines giao lưu

Trung Quốc đang lo sợ Nhật Bản-Việt Nam và Philipines liên thủ với nhau trên Biển Đông

Cách đây 43 năm, tháng 4/1971, vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị phá sản tại miền Nam Việt Nam thì cả thế giới kinh ngạc khi đội tuyển bóng bàn Mỹ được đối thủ không đội trời chung Trung Quốc mời tới thi đấu ở Bắc Kinh.
Đội bóng bàn của Mỹ cùng các phóng viên tháp tùng đã trở thành những mũi tên đầu tiên xuyên thủng bức tường thù địch giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cho chuyến thăm lịch sử của tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon 10 tháng sau đó.
Trong lịch sử, chưa bao giờ thể thao được sử dụng làm công cụ thúc đẩy ngoại giao một cách hiệu quả đến vậy. Và, thế giới đặt tên cho sự kiện này biệt danh "ngoại giao bóng bàn".

Mao và R.Nixon. Cú bắt tay đầy máu nhân dân Việt Nam
'Ngoại giao bóng bàn' nhuốm máu nhân dân Việt Nam
Mười tháng sau trận “đấu bóng bàn”, thế giới đã chứng kiến cú bắt tay của Chủ tịch Mao và Richard Nixon tại Trung Quốc. Một “Thông cáo chung Thượng Hải” mà Trung Quốc ký với Mỹ ngày 28/02/1972 ra đời. Theo đó có 3 nội dung cần quan tâm, nói là quan tâm bởi vì 3 nội dung này Mỹ và Trung Quốc đều “thỏa thuận trên lưng nhân dân Việt Nam”:
Thứ nhất, Trung Quốc cam kết không can thiệp quân sự vào Đông Dương, đổi lại Hoa Kỳ cam kết cùng Trung Quốc chống bá quyền Liên Xô.
Thứ hai, Trung Quốc chấp nhận kiềm chế Việt Nam, đổi lại, Hoa Kỳ hạn chế, đi đến triệt tiêu các căn cứ quân sự, và quân đội Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Thứ ba, Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ giữ nguyên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, không ủng hộ việc thành lập Chính phủ Liên hiệp miền Nam sau khi có Hiệp định về hòa bình ở Việt Nam, đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an liên hợp quốc, thay Đài Loan. (Thực chất duy trì tình trạng chia cắt 2 miền Nam-Bắc Việt Nam)
Như vậy, đến đây, Bắc Việt Nam chỉ còn Liên Xô và Mỹ “chỉ còn việc nhìn về Mátxcơva để nghiền nát Việt Nam”.
Rõ ràng Trung Quốc đã “bán đứng Việt Nam” để thu được một món lợi rất lớn mà bằng khả năng Trung Quốc, họ không bao giờ có được. Ai mang ơn ai?
Nhưng Mỹ bị mắc 2 sai lầm nghiêm trọng dẫn đến bị “hố” trong “Thông cáo Thượng Hải”:
Một là, Mỹ không hiểu dân tộc Việt. Việt Nam từ cổ chí kim, đối với Trung Quốc, sách lược có thể mềm dẻo nhưng chưa bao giờ khuất phục Trung Quốc mà luôn luôn thực hiện một nguyên tắc bất di bất dịch “độc lập dân tộc”. Mỹ chẳng hiểu gì về lịch sử hơn 4000 năm giữ nước của Việt Nam, dân tộc này đánh nhau liên miên với ai chẳng lẽ vì điều khác sao?.
Hai là, Trung Quốc lúc đó chẳng ghê gớm gì như Mỹ tưởng. Trung Quốc có muốn cũng không thể giúp gì cho Việt Nam bắn rơi B52 và thậm chí nếu như Mỹ lúc đó đem B52 rải thảm ở Bắc Kinh thì đó mới là nơi biến thành “thời kỳ đồ đá” chứ không phải Hà Nội.
Rốt cuộc, đánh giá 3 nội dung trong Thông cáo Thượng Hải ta thấy, nội dung thứ nhất, Mỹ được lợi hơn Trung Quốc, vì không cam kết thì Mỹ vẫn chống Liên Xô, còn Trung Quốc thì việc chống Liên Xô hay Nga bây giờ là vấn đề tất yếu, Mỹ không cần khuyến khích, nhắc nhở.
Nội dung thứ hai thì cả hai đều có lợi, đã có kết quả như mong muốn. Trung Quốc chỉ cần cắt giảm viện trợ hoặc gây khó khăn cho Việt Nam khi tiếp nhận hàng viện trợ từ Liên Xô thì coi như là kiềm chế sự tấn công của Bắc Việt. Điều này nằm trong tầm tay của 2 bên mà không phụ thuộc vào Việt Nam có muốn hay không.
Nội dung thứ ba thì Trung Quốc và Mỹ đều thất bại trong âm mưu duy trì tình trạng chia cắt 2 miền Nam-Bắc Việt Nam. Đương nhiên rồi, vì quyết định không phải do ý muốn chủ quan của Trung-Mỹ mà là do dân tộc Việt Nam quyết định.
Trong nội dung này, nếu như không xảy ra “vấn đề Linebacker 2” thì có vẻ như Trung Quốc được lợi lớn là “Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an liên hợp quốc, thay Đài Loan”.
Thực ra với nội dung này, Mỹ, Trung không cần phải thỏa thuận vì cả hai có cùng một mục đích giống nhau. Vậy thì cái lợi thu được của Mỹ trong nội dung này nằm ở đâu? Nó nằm ở đây: Trung Quốc “im lặng” cho Mỹ muốn làm gì ở miền Bắc Việt Nam thì làm, miễn sao miền Bắc Việt Nam dưới trận đòn của Mỹ sẽ kiệt quệ không còn khả năng thống nhất 2 miền, Trung Quốc dễ sai khiến, tạo lợi thế cân bằng cho miền Nam Việt Nam khi Mỹ rút.
Đúng như lời của Tổng bí thư Lê Duẩn khi nói thẳng vào mặt Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai: “Tôi không biết các anh bàn soạn gì với nhau, tôi chỉ biết chắc chắn rằng sắp tới nhân dân Việt Nam sẽ đổ máu nhiều hơn…” 
Và cái gì phải đến đã đến, chiến dịch Linbacker 2, tội ác cuối cùng, tàn bạo nhất, sau cuộc “ngoại giao bóng bàn” của Trung-Mỹ đã được tiến hành với 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội.
Không phải ai cũng như Trung Quốc!
Hơn ai hết, Trung Quốc quá rõ sự phản bội, sự độc ác của mình trong việc hành xử với Việt Nam sau sự kiện “ngoại giao bóng bàn” nên họ lại “suy bụng ta ra bụng người” khi tức tối lu loa lên rằng “Giao lưu thể thao, bóng chuyền giữa Hải quân 2 nước Việt Nam và Philipines trên đảo Trường Sa là “trò hề, bịp bợm”…Giá như là “trò hề, bịp bợm” đi nữa thì vẫn tốt hơn ngàn lần “phản bội, độc ác vô lương tâm” thưa bà Hoa Xuân Oánh (Bộ NG Trung Quốc).
Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc!
Trong tình hình Biển Đông căng thẳng bởi sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng. Trung Quốc “lấy thịt đè người”, trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế, cậy mạnh để chiếm đoạt Biển Đông thì việc Hải quân Việt Nam, Philipines đồn trú trên quần đảo Trường Sa giao lưu thể thao để chứng tỏ dù có tranh chấp thì Việt Nam, Philipines đều cùng nhau giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không cậy mạnh để ăn cướp như Trung Quốc đã làm.
Đằng sau việc “giao lưu thí đấu bóng bàn” của Trung Quốc là sự mặc cả quyền lợi của mình với Mỹ trên lưng Việt Nam, nhuốm máu nhân dân Việt Nam, còn đằng sau giao lưu bóng chuyền Việt-Phi là thông điệp hòa bình, hữu nghị, là mô hình hợp tác giải quyết bất đồng bằng hòa bình tránh xung đột trên Biển Đông.
Trung Quốc đang lo sợ Nhật Bản-Việt Nam và Philipines liên thủ với nhau trên Biển Đông nên Hoàn Cầu thời báo hét to để bớt sợ “sức mạnh ba nước cũng không kiềm chế được Trung Quốc”.
Trung Quốc đang sợ khi Cam Ranh và Subic liên thủ thì sẽ như cái “xiên thịt”, xiên ngang vào lưỡi bò của Trung Quốc.
Trung Quốc đang lo sợ Cam Ranh Subic liên thủ sẽ như một “eo biển” mà qua được nó cũng không phải dễ dàng cho dòng hàng hóa khổng lồ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Những điều này liệu có xảy ra không khi Trung Quốc đang cậy mạnh đe dọa sử dụng vũ lực với Việt Nam và Philipines? Khi đã và đang xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam và Philipines ngày càng ngang ngược và bất chấp?
Giả sử có xảy ra thì cũng là điều tự nhiên, là nhu cầu của cuộc sống, nó tốt, đàng hoàng, minh bạch gấp vạn lần sự “phản bội, độc ác vô lương tâm” thưa bà Hoa Xuân Oánh.
Lê Ngọc Thống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang