"Trong tuyên bố DOC, chúng ta có thiện chí mong rằng Trung Quốc tiếp tục thêm một bước nữa để có được một bộ luật ứng xử (COC), nhưng những gì đã diễn ra trong thực tế hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố ngoại giao của họ. Người ta có quyền nghi ngờ về những “thiện chí” đó và chúng ta cũng không ngạc nhiên về việc có một ai đó nói rằng Trung Quốc đang chôn quả bom nổ chậm trong Biển Đông!".... TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định. Dưới đây là bài viết thể hiện góc nhìn của ông.
Cuối tuần qua, vấn đề Biển Đông đã giới chuyên gia quốc tế mổ xẻ trong một cuộc hội thảo ở New York, Mỹ với chủ đề: “Biển Đông là nhân tố trung tâm cho hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Đây là một điều đáng mừng bởi nó đã phản ánh mối quan tâm, lo lắng của mọi người đối với tình hình xảy ra gần đây ở Biển Đông. Tình hình đó không chỉ thu hút sự quan tâm của các bên liên quan quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Trung Quốc mà còn là sự quan tâm chung của nhân loại, của quốc tế.
TQ chôn bom nổ chậm biển Đông:'Người ta có quyền nghi ngờ'...
Chúng ta đánh giá cao và hoan nghênh sự quan tâm đó; chúng ta cần đến sự quan tâm chia sẻ đó của cộng đồng khu vực và quốc tế. Chúng ta hi vọng rằng những tiếng nói xây dựng và sự quan tâm chia sẻ trong sáng đó sẽ được phát triển mạnh hơn nhằm góp sức tìm ra được giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột bùng nổ.
Hay nói một cách ví von rằng, phải tìm được người công binh giỏi nhất để phá được “quả bom nổ chậm” mà dư luận đang rất lo ngại vì sự hiện hữu của nó trong Biển Đông!
Tại sao “Biển Đông là nhân tố trung tâm cho hòa bình và an ninh khu vực châu Á và Thái Bình Dương” đã được sử dụng làm chủ đề cho cuộc Hội thảo được tổ chức tại Hoa Kỳ lần này? Theo tôi, đây là chủ đề rất sát thực và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta đều biết rằng Biển Đông là vùng biển có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế, xét trên bình diện vị trí địa lý, địa chính trị, giá trị kinh tế, giao thông hàng hải, an ninh, quốc phòng… Những quyền và lợi ích này được xác lập và phát triển trên những cơ sở và động cơ rất khác nhau.
Không chỉ vậy, đây còn là nơi đã từng xảy ra những va chạm, đụng độ khá gay gắt giữa các cường quốc trong quá trình tìm cách tranh giành vị thế siêu cường của họ.
Lịch sử đã cho thấy tất cả các nước lớn đều đã tìm mọi cách hiện diện ở khu vực này, lợi dụng địa bàn chiến lược này để phát huy thế lực của mình; nên đã đổ rất nhiều sức người, sức của để có được vị trí ở đây.
Trong số đó, không thể không kể đến Trung Quốc, không chỉ là nước có liên quan trực tiếp về vị trí địa lý, mà còn là một nước lớn đang phấn đấu trở thành quốc gia biển hùng mạnh, trước khi vươn lên trở thành siêu cường quốc tế. Lịch sử của quá trình “vươn lên” của Trung Quốc đã và đang diễn ra tại khu vực Biển Đông, đã cho thấy rõ yêu sách và tham vọng đó của họ.
Sau một thời gian dài bị kìm hãm bởi tình trạng “bế quan tỏa cảng” dựa vào chính sách “hướng nội”, “bài ngoại”, từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dòm ngó Biển Đông, khai thông con đường vươn ra Đại dương; bước đầu là khu vực biển đảo ở phía Bắc, đến giữa thế kỷ hình thành yêu sách và triển khai thực hiện yêu sách này trên toàn bộ Biển Đông, với các mốc thời gian đáng lưu ý sâu đây:
Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chiến lược vươn ra đại dương của mình; dấu hiệu ban đầu của quá trình này là loạt đạn pháo được bắn ra từ 2 pháo thuyền do Lý Chuẩn chỉ huy, ỳ ạch tiến ra Hoàng Sa vào năm 1909, rồi chỉ hơn môt ngày sau lại phải vội vã rút lui.
Đến năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân Nhật, Trung Hoa dân quốc đã đưa 3 tàu chiến ra chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Năm 1956, lợi dụng tình hình di chuyển quân đội của hai miền Nam Bắc Việt Nam sau hiệp định Genève năm 1954, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông, quần đảo Hoàng Sa; Đài Loan tái chiếm đảo Ba Bình ở Trường Sa.
Đến năm 1958, họ định dùng lực lượng giả dạng tàu đánh cá lên chiếm nhóm đảo phía Tây, quần đảo Hoàng Sa, nhưng lúc bấy giờ chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã bắt được số người đóng giả ngư dân đưa về giam ở Đà Nẵng, sau đó họ trả lại cho chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhưng ý đồ đặt chân lên các đảo, tạo bàn đạp vươn ra khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc vẫn không ngừng tiếp diễn.
Năm 1974, sau Hiệp định Paris, Mỹ buộc rút khỏi miền Nam Việt Nam, lực lượng bảo vệ quản lý quần đảo Hoàng Sa của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị suy yếu do tác động của quá trình suy sụp mà chính quyền này phải gánh chịu trước sức tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam Việt Nam, chớp thời cơ đó, Trung Quốc đã dùng một lực hải - lục - không quân để tiến hành xâm chiếm nốt nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang do Hải quân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ, trấn giữ.
Sau khi chiếm xong toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, họ đã tìm mọi cách biến quần đảo này trở thành một căn cứ quân sự, với đường bay, quân cảng, công sự… tạo lập một nhịp cầu vững chắc, từng bước tiến tới khống chế toàn bộ Biển Đông.
Quả nhiên, họ không dừng lại ở đấy, dù tất cả những hành động đó đều phi lý, phi pháp, dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác đã bị dư luận lên án, ngày 14/3/1988, họ đã đưa một lực lượng hải quân rất lớn: 9 tàu chiến với tất cả trang bị, phương tiện kỹ thuật xuống khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, đánh chiếm Gạc Ma, đánh chìm 3 tàu vận tải và gây thương vong, đổ máu của hơn 60 chiến sỹ Hải quân Việt Nam. Cho đến nay họ đã chiếm được 7 vị trí trên quần đảo Trường Sa của chúng ta.
Rõ ràng, từng bước, từng bước họ đã dùng vũ lực, sức mạnh để tạo dựng những nhịp cầu quan trọng mà trước hết là xâm chiếm, đặt chân lên các đảo của các quần đảo nằm giữa Biển Đông không thuộc chủ quyền của họ, để từ đó biện minh cho yêu sách độc chiếm Biển Đông theo đường biên giới biển hình “lưỡi bò” và những động thái mà họ đang ráo riết triển khai hiện nay.
Có lẽ khó có thể có cách lý giải khả dĩ hơn về nguồn gốc đích thực của mọi tranh chấp phức tạp, căng thẳng đang diễn ra hiện nay trên khu vực Biển Đông đang làm cho cộng đồng khu vực và quốc tế hết sức quan tâm và lo ngại, và có lẽ khó có thể có một chủ đề nào được đưa ra hay hơn, chuẩn xác hơn chủ đề: “Biển Đông là nhân tố trung tâm cho hòa bình và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định quả bom nổ chậm trên Biền Đông là do nhà cầm quyền Trung Quốc chôn, tôi không phải là nhà quân sự để trả lời chính xác ý kiến có liên quan đến ”quả bom nổ chậm” này. Nhưng nếu nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại trong khu vực Biển Đông thì rõ ràng cách ví von này cũng có thể đáng được xem xét, ít nhất là những nhận định, đánh giá liên quan đến nguồn gốc đích thực gây nên tình trạng tranh chấp phức tạp đã và đang diễn ra.
Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ào ạt huy động lực lượng hải giám tiến xuống khu vực Trường Sa, ban bố các lệnh, điều lệ cho phép lực lượng này có quyền khám xét, bắt bớ, trục xuất các tàu thuyền đi lại làm ăn bình thường trên Biển Đông.
Thậm chí, còn đi thẳng vào các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông. Đấy là những bước đi mới tiếp theo việc họ đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chính thức hóa yêu sách biển theo “đường lưỡi bò”, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế, đã bị dư luận, các học giả, những nhà nghiên cứu, kể cả người Trung Quốc, bác bỏ và kịch liệt phản đối.
Trong tuyên bố DOC, chúng ta có thiện chí mong rằng Trung Quốc tiếp tục thêm một bước nữa để có được một bộ luật ứng xử (COC), nhưng những gì đã diễn ra trong thực tế hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố ngoại giao của họ. Người ta có quyền nghi ngờ về những “thiện chí” đó và chúng ta cũng không ngạc nhiên về việc có một ai đó nói rằng Trung Quốc đang chôn quả bom nổ chậm trong Biển Đông!
Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng
Việt Nam là một quốc gia ở ven bờ Biển Đông, có vị trí, vai trò và lợi ích rất lớn so với các nước khác trong khu vực. Chúng ta có bờ biển tiếp giáp với Biển Đông trên 3200km, theo Luật Biển chúng ta có các vùng biển và thềm lục địa theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Ngoài ra, Việt Nam có chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, Việt Nam đã có những đóng góp hết sức to lớn. Nhân dân Việt Nam đã từng hy sinh đổ máu để chống lại các cuộc xâm lược ngoại bang đến từ hướng biển để giành lại độc lập, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của mình.
Đồng thời, luôn luôn đi tiên phong thực hiện nghiêm túc chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam đã rất kiềm chế trong xử lý mọi tình huống nhằm kiên trì thực hiện chủ trương đúng đắn này và luôn luôn sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để triển khai thực hiện chủ trương nhất quán đó.
Với tất cả những gì mà Việt Nam đã làm trong quá khứ và hiện tại, bằng cả máu và nước mắt, bằng tất cả trách nhiệm, thiện chí và tinh thần cầu thị… Việt Nam rõ ràng đã được coi là một trong các nước trong khu vực có vai trò hết sức quan trọng. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng tự hào về điều đó.
Tất nhiên, chúng ta chưa thể nói rằng chúng ta đã làm hết được tất cả; bởi vì đây là vấn đề rất phức tạp, nhay cảm, nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có liên quan đến sự tồn vong, mất còn của mỗi quốc gia dân tộc. Tình hình đó đòi hỏi các chính khách, các nhà quản lý… phải rất bình tĩnh, sáng suốt, cân nhắc kỹ trước khi hành động… nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không sẵn sàng có các biện pháp cứng rắn và hiệu quả để đề phòng và ngăn chặn mọi hành động vi phạm trắng trợn các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Nguồn Baodatviet