Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Sách in cờ Trung Quốc 'gây bức xúc'

Bộ Giáo dục Việt Nam yêu cầu các nhà xuất bản kiểm tra các nội dung “không phù hợp” sau phát hiện một số sách giáo dục in cờ Trung Quốc.

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký ngày 7/3 nói báo chí đã “phản ánh một số nhà xuất bản đã xuất bản và phát hành một số sách có nội dung, hình ảnh không phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam”.
Điều này “gây bức xúc trong xã hội,” theo vị thứ trưởng trong văn bản gửi nhà xuất bản Giáo dục và các trường đại học có nhà xuất bản.

Bộ Giáo dục nói phải “kiểm tra, rà soát, loại bỏ các nội dung trong xuất bản phẩm không phù hợp… lưu ý đối với các sách dịch, sách mua bản quyền, sách liên kết xuất bản”.
“Tuyệt đối không xuất bản và phát hành các loại xuất bản phẩm không đúng với pháp luật, không phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam,” theo văn bản.
Trong vụ mới nhất, báo Tuổi Trẻ tường thuật cuốn Bé làm quen với chữ cái của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại Học Sư Phạm, in cờ Trung Quốc trong mục đánh vần.
Bộ Giáo dục hôm 7/3 đã đề nghị NXB Đại Học Sư Phạm thu hồi cuốn này.
Trước đó, báo chí trong nước phản ánh việc một cuốn sách dành cho trẻ em chuẩn bị vào lớp một ở Việt Nam cũng in lá cờ Trung Quốc trên bìa sách.
Cuốn "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ", được dịch lại từ nguồn sách Trung Quốc, cũng bị yêu cầu thu hồi.
L‎ý giải các vụ này, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “nhiều nhà xuất bản bây giờ chỉ biết cấp giấy phép cho đối tác liên kết rồi phó mặc họ làm thế nào thì làm”.
Phát biểu với báo Tiền Phong, ông Thuyết nói “sách tham khảo trôi nổi, sách na ná nhau, thậm chí chép của nhau, sách có nội dung nặng hoặc sai sót quá nhiều”.
Hôm 6/3, trao đổi với BBC, nhà giáo dục Phạm Toàn từ Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo không thể không có trách nhiệm đối với các bộ sách tham khảo ngoài sách giáo khoa.
Ông Phạm Toàn cũng nói thêm, "những người làm cái đó [in bộ sách có cờ Trung Quốc] là thiếu cả nhạy cảm về chính trị và thiếu cả cái tình cảm về dân tộc nữa."
"Lo trẻ con nữa mà cứ cho học kiểu này thì thôi mời Trung Quốc nó vào dạy hộ còn gì. Nhà giáo Việt Nam phải lo lắng cho con em mình."
Nguồn BBC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang