Cùng lúc với Hội nghị Giáo dục ĐH 2013 diễn ra sáng 22/1 do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều giáo sư, nhà khoa học, nhà giáo uy tín đã có mặt tại trụ sở Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Viêt Nam (Vusta) để dự hội thảo “Giáo dục ĐH, CĐ ngoài công lập - những bất cập từ góc độ chính sách”. Hội thảo do Vusta phối hợp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (Vipua) tổ chức.
Tham dự hội thảo là những tên tuổi lớn có nhiều gắn bó với lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ như: GS Trần Phương - nguyên Phó Thủ tướng; GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ tịch Vipua; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; Đại biểu quốc hội, GS Nguyễn Lân Dũng; GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; GS Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng bộ Khoa học công nghệ; TS Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Vusta…
Nói về sự ra đời và thực trạng của giáo dục đại học ngoài công lập hiện nay,GS Trần Hồng Quân cho biết: Các trường ngoài không lập ra đời chủ yếu không phải để giải quyết vấn đề kinh phí đầu tư cho Nhà nước; quan trọng hơn, đại học ngoài công lập là mô hình tổ chức đại học năng động, tự chủ, có động lực tự thân để phát triển không ngừng. Điều đó được chứng minh tại các nước phát triển, xu hướng trường ngoài công lập càng ngày càng mở rộng. Tuy nhiên hiện nay, các chính sách về giáo dục lại thể hiện sự đánh giá không đúng vai trò của giáo dục đại học ngoài công lập, dường như chưa coi đó là một phần của nền giáo dục ĐH Việt Nam, dẫn đến những bất cập về chính sách cần tháo gỡ.
GS Trần Hồng Quân: “Vô lý ở chỗ, tiền đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là tiền đóng thuế của toàn dân nhưng cùng là sinh viên thì công lập được hưởng còn ngoài công lập lại không được hưởng” |
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH của Vipua nêu rõ rằng các chính sách đối với giáo dục đại học hiện manh mún và chưa chặt chẽ, dẫn đến cơ chế xin – cho. Chính vì xin – cho nên có chuyện tăng quy mô tuyển sinh của các trường công lập một cách bừa bãi, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bóp nghẹt nguồn tuyển của các trường ngoài công lập.
“Tôi cho rằng hội thảo này chọn vấn đề chính sách để mổ xẻ là đúng. Chính sách đúng thì hệ thống trường ngoài công lập phát triển, còn lại thì không. Các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là đúng đắn nhưng các chính sách cụ thể của cơ quan quản lý cấp dưới lại không đúng tinh thần đó”, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ quan điểm.
GS Chu Hảo: “Chính sách triển khai một cách bất cẩn”
Phát biểu tại hội nghị, GS Chu Hảo nói: “Tôi chia sẻ tất cả vấn đề GS Trần Hồng Quân nêu ra. Tán thành ý kiến cho rằng: mọi vấn đề khúc mắc hiện nay bắt nguồn từ chính sách. Tuy nhiên, bất cập với hệ thống trường ngoài công lập sẽ chưa thể xử lý nếu không giải quyết tận gốc câu chuyện chính sách này”.
GS Chu Hảo: “Không lĩnh vực nào mà chủ trương của Đảng, Nhà nước lại bị các cơ quan quản lý triển khai một cách bất cẩn như các vấn đề về khoa học, giáo dục”. |
Ông nói: “Không lĩnh vực nào mà chủ trương của Đảng, Nhà nước lại bị các cơ quan quản lý triển khai một cách bất cẩn như các vấn đề về khoa học, giáo dục”.
“Tôi rất thông cảm khi trường ngoài công lập như bị đem con bỏ chợ”, ông nói.
GS Chu Hảo cũng lật ngược vấn đề sự tự chủ, năng động mà GS Quân nêu ra hiện nay liệu đã phải tự chủ, năng động để nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học Việt Nam chưa, hay đó là chỉ sự năng động để tồn tại trong điều kiện chính sách chưa hoàn thiện…
GS Nguyễn Lân Dũng: “Nói phải củ cải cũng nghe”
Về phần mình, GS Nguyễn Lân Dũng lấy câu tục ngữ “Nói phải củ cải cũng nghe”, ông cho rằng hội thảo là tiếng nói tập thể của các nhà khoa học lớn, chắc chắn sẽ có ý nghĩa cho việc hoạch định chính sách với giáo dục đại học ngoài công lập.
GS Nguyễn Lân Dũng: "Nói phải củ cải cũng phải nghe" |
Về giải pháp phát triển hệ thống trường ngoài công lập, ông cho rằng: “Các trường giỏi cái gì mở cái đó, chắc chắn sẽ có nguồn tuyển sinh”. Ví dụ thậm chí có thể mở những trường chuyên dạy trồng nấm, chuyên làm biogas v.v. hoàn toàn có thể được, và nếu làm được như vậy thì tình hình sẽ thay đổi hẳn.
GS Trần Phương: “Tôi không muốn đến hội thảo này đâu…”
GS Trần Phương nói: “Nói thực tình tôi chẳng muốn đến hội thảo này đâu. Nể anh Quân, Liên hiệp Hội… tôi mới đến, vì nói nhiều rồi nhưng không được ai nghe”.
GS Phương cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam không thể chọn hướng tinh hoa mà cần theo hướng đại chúng. Phải làm sao đạt đến tỷ lệ 300-400 sinh viên/1 vạn dân thì mới là động lực phát triển xã hội được. Nhưng đại chúng bằng gì, chỉ có ngân sách không đủ. Phải theo con đường xã hội hóa. “Lý gì Nhật Bản phát triển thế mà đến 75% sinh viên học ở trường tư” – ông nói.
GS Trần Phương: "Nói nhiều rồi nhưng không được ai nghe”. |
GS Trần Phương chỉ ra rằng, những chính sách cụ thể được Bộ Giáo dục thiết kế dành cho các trường ngoài công lập đang buộc các trường này phải chạy theo lợi nhuận, vì không có tính khuyến khích, như cơ chế về đất đai, thuế, tuyển sinh…
Ông cũng cho rằng học phí đang cho thấy sự bất công giữa sinh viên công lập và ngoài công lập. Ngân sách dành cho công lập phải xẻ dần cho ngoài công lập. Châu Âu đã làm như thế từ sau thế chiến thứ hai. Khi ra trường các sinh viên đều đóng góp cho xã hội cả, vậy tại sao lại phân biệt đầu tư cho công lập hay ngoài công lập?
GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nửa nọ nửa kia”
Ở góc độ người hiểu sâu Luật Giáo dục Đại học vừa được ban hành chưa lâu, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Mô hình trường ngoài công lập hiện nay vừa là doanh nghiệp lại vừa không phải là doanh nghiệp. Là doanh nghiệp vì có cổ đông, có đại hội cổ đông, nghị quyết đại hội cổ đông có tính quyết định… Nhưng không phải là doanh nghiệp vì chẳng hạn như đầu tư lãi không được chia… Tóm lại là nửa nọ nửa kia”.
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Tóm lại là nửa nọ nửa kia". |
Vì thế, “cần có quy định thế nào là lợi nhuận, phi lợi nhuận, thế nào là vụ lợi. Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật cần làm rõ điều này”. GS Thuyết cũng phân tích một số quy định của Luật Giáo dục đại học mang tính “mở”, cho phép các trường chủ động trong khâu tổ chức của mình.
Dù vậy, ông cũng đồng quan điểm: “Cần tạo ra thế cạnh tranh công bằng cho các trường công lập và ngoài công lập. Nhà nước chỉ nên đầu tư cho những ngành mũi nhọn, những ngành mà nguồn lực xã hội sẽ không chọn đầu tư (như các khoa học xã hội nhân văn, hoặc Toán học v.v.) Các trường công lập cần dần dần tự chủ được tài chính. Còn như hiện nay, đúng là cuộc chơi không bình đẳng”.
TS Trần Việt Hùng chủ trì Hội thảo. |
Trả lời Giaoduc.net.vn về bối cảnh tổ chức hội thảo, TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Vusta cho biết: Khoa học công nghệ cùng với giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên những chính sách cụ thể dành cho hai lĩnh vực này chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu phát triển của đất nước. Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, hai vấn đề này tiếp tục được đưa ra, nhưng chỉ khoa học công nghệ được thông qua đề án chiến lược, còn giáo dục đào tạo thì chưa. Điều này cho thấy giáo dục đào tạo là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi sự góp ý của toàn xã hội, đặc biệt là giới trí thức trong cả nước… Chính vì thế, Vusta chọn vấn đề giáo dục đại học ngoài công lập làm chủ đề cho hội thảo này. Hội thảo có thể xem là thành công khi có sự góp mặt của những khách mời gồm cả nguyên phó thủ tướng, gần 10 nguyên bộ trưởng thứ trưởng, và nhiều giáo sư có uy tín xã hội cao.
Nguồn Baogiaoduc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)