“Nếu ở nước ngoài, hệ đại học chính là nơi đào tạo ra những công trình nghiên cứu, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, những nhà khoa học xuất sắc… thì ở VN học đại học lại chỉ để cho vui” – GS Hoàng Xuân Sính.
Vì sao Bộ GDĐT tự hào?
>>> Xem thêm: Đổi mới toàn diện giáo dục: 'Vẫn chỉ là khẩu hiệu..."
PV:- Thưa bà, kết quả PISA học sinh Việt Nam trong độ tuổi 15 xếp thứ 17/65 nước về Toán học. Kết quả này cao hơn cả các nước phát triển như Anh, Mỹ. Bộ GD-ĐT rất tự hào cho rằng kết quả đó đại diện cho học sinh Việt Nam và khẳng định chất lượng giáo dục VN khi mang quân đi đọ xứ người. Thưa GS, bà nhìn nhận về kết quả này như thế nào?
GS Hoàng Xuân Sính: - Trước hết phải đặt vấn đề, việc chọn mẫu PISA của Việt Nam đã đảm bảo khách quan, chính xác hay chưa. Bởi chọn mẫu nào, sẽ nhận được kết quả tương ứng. Nếu chọn khách quan, bạn sẽ có một kết quả khách quan, nếu chọn không khách quan nó sẽ có một kết quả không khách quan. Tôi không biết Việt Nam chọn mẫu như thế nào.
Thứ hai, với việc đánh giá ba môn toán, khoa học và đọc hiểu, rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. Khả năng toán học là điều mà các nước phát triển không coi trọng ở bậc phổ thông. Quan điểm của họ ở bậc học này là: đọc thông, viết thạo, biết tính toán. Mục tiêu của họ là dạy cho học sinh học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác…
Ví dụ, ở Thụy Điển, 12 tuổi các nam học sinh sẽ phải học đan, khâu, nữ phải học sửa chữa xe. 18 tuổi, nữ học sinh Thụy Điển đã có thể độc lập chữa xe ô tô nếu xảy ra sự cố dọc đường. Còn nam sinh học khâu, đan là để học cách chia sẻ với các chị và em gái trong gia đình.
Hoặc, ngay từ nhỏ, trẻ em nước ngoài đã được dạy bơi, được dạy xử lý các tình huống bất ngờ có thể gặp trong cuộc sống. Trong khi đó VN hè năm nào cũng có trẻ chết đuối vì không biết bơi.
Qua những ví dụ trên có thể thấy, thay vì biến học sinh thành “thợ học”,”thợ thi” như VN thì giáo dục nước ngoài đặc biệt chú trọng vào rèn luyện thân thể, sức khỏe và kỹ năng cho học sinh. Đối với họ, chuẩn bị cho học sinh có một sức khỏe tốt để làm bước đệm cho bậc đại học chính là nhiệm vụ chủ chốt ở cấp học này.
Học sinh Anh, Mỹ, Australia không học nhồi nhét một số môn mà mục tiêu của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện, phát triển đồng đều các kỹ năng, đặc biệt, không chú trọng khai thác sức nhớ mà khơi gợi tối đa sức sáng tạo.
Chính vì vậy, nếu so sánh về làm toán thì học sinh nước ngoài thua học sinh VN là dễ hiểu nhưng nếu so sánh về tính tư duy, độc lập về kỹ năng sống thì học sinh VN không thể bằng họ được, nhất là Mỹ.
Thứ ba, vấn đề của giáo dục VN không phải là kết quả PISA, không phải khả năng làm toán mà nằm ở bậc đại học và sau đại học. Nếu ở nước ngoài, hệ đại học chính là nơi đào tạo ra những công trình nghiên cứu, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, những nhà khoa học xuất sắc… thì ở VN học đại học lại chỉ để cho vui.
Vậy thì, giỏi toán để làm gì?
PV: - Với những phân tích như vậy, phải lý giải niềm tự hào của Bộ GDĐT như thế nào? Chúng ta có nên coi đó là niềm tự hào và tự tin rằng kết quả giáo dục của Việt Nam như vậy là đã rất tốt, mỹ mãn rồi không, thưa bà?
GS Hoàng Xuân Sính: -Trong khi ngành giáo dục Việt Nam đang bị mổ xẻ, phê phán, tự nhiên lại có một cuộc khảo thí thừa nhận thành tích của giáo dục thì phải vui chứ. Ở vị trí của Bộ, tôi thấy cũng vui.
Đương nhiên, không thể nhờ kết quả này mà tin rằng, giáo dục Việt Nam đã rất tốt. Chỉ nên coi đó là một kết quả vui vui. Trong cả ngàn cái không được mà có một cái được thì cũng nên coi như ít nhất cũng có một điều gì đó để tự hào.
Từng xấu hổ vì sinh viên Việt Nam
PV:- Cùng với kết quả PISA "mỹ mãn" theo niềm tự hào của Bộ GD-ĐT, Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) đã chỉ ra một nghịch lý: có tới 50% sinh viên tốt nghiệp đi làm đều phải đào tạo lại.
Giữa một kết quả PISA "mỹ mãn" về đầu vào với một chỉ số đầu ra đáng thất vọng theo Sách trắng, chúng ta phải hiểu thế nào về thực trạng ngành giáo dục VN cho đúng, thưa bà?
GS Hoàng Xuân Sính: - Tôi phải nhắc lại, kết quả PISA chỉ nên coi là một kết quả vui để biết chứ không nói lên điều gì.
Về bậc học phổ thông tại Việt Nam, như trên đã nói, giáo dục chỉ đào tạo cho những học sinh thành “thợ học”, “thợ thi”. Lên bậc đại học, sinh viên học chỉ là để đối phó, học để kiếm một chỗ đứng an toàn, một vị trí, một công việc trong xã hội.
Nhiều lần tôi phải tha thiết mời phụ huynh của sinh viên đến đề nói chuyện về tình hình học tập của con em họ nhưng họ cũng không đến. Nghĩa là, họ rất bằng lòng khi con vào đại học, không cần biết khi ra trường con họ không làm được việc và bị doanh nghiệp chê.
Về đánh giá của Sách trắng, dù đại học của VN chưa phải là đại học nhưng việc sinh viên ra trường không làm được việc thì phải nhìn nhận từ nhiều khía cạnh (chuyên môn, kỹ năng).
Về chuyên môn, các doanh nghiệp phải đào tạo lại là chuyện bình thường vì ở các nước đang phát triển các doanh nghiệp luôn dành thời gian 6 tháng để đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị mình.
Về kỹ năng sống và khả năng sáng tạo thì phải thừa nhận, sinh viên VN rất kém và thiếu lễ độ.
Tôi từng cùng một chuyên gia người Pháp qua thăm trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Khi đến trường ông ấy chào sinh viên, nhưng sinh viên VN thay vì chào lại quay sang bàn tán, rồi cười ré lên trước người lạ. Khi đó, tôi đã phải đưa ông ấy đi ngay vì tôi thấy quá xấu hổ với kỹ năng ứng xử của sinh viên VN.
PV:- Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 'đề án đổi mới toàn diện giáo dục', được coi là đề án tốt nhất của Bộ từ trước tới nay. Với những mục tiêu, giải pháp trong đề án, theo bà, có thể giải quyết được những vấn đề của giáo dục Việt Nam không? Để trả lời cho câu hỏi chất lượng đầu ra thì ngành giáo dục phải làm gì và phải làm như thế nào, thưa GS?
GS Hoàng Xuân Sính: - Điều cơ bản là giáo dục của chúng ta đang thiếu tiền. Nếu không có tiền không thể làm được gì. Một điều quan trọng nữa là quan niệm duy ý chí, biết không làm được nhưng vẫn hô hào.
Đầu tiên phải tăng lương cho giáo viên, hỗ trợ cho giáo viên. Trong cuộc cải cách người giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định thành công. Nếu không thể đảm bảo cho họ được một mức sống ổn định thì không thể đòi hỏi họ phải tận tâm với nghề.
Trong khi đó, 20% ngân sách cho giáo dục không thay đổi, tỉ lệ chi cho công tác giảng dạy thực chất là bao nhiêu không được công khai, nghĩa là nguồn tiền không có thì cải cách thế nào. Chỉ ví dụ cái nhỏ nhất là nhà vệ sinh, nhiều sinh viên đã không thể đi vệ sinh vì quá bẩn. Chuyện đó bao nhiêu năm mà không thể giải quyết được thì đừng nghĩ đến những cái siêu phàm, to tát.
Thứ nữa, phải thay đổi phương pháp đánh giá. Bộ không cần phải thanh, tra, đánh giá mà hãy để xã hội sàng lọc, lựa chọn. Như vậy, tự các trường sẽ phải khẳng định vị thế của mình bằng chất lượng và lòng tin. Ở nước ngoài mà có chuyện bộ thanh tra, răn đe thì chắc họ xấu hổ lắm.
Cải cách không cụ thể, bài bản khó thành công
PV: - Theo bà, ngành giáo dục cần phải thay đổi cái gì đầu tiên trong công cuộc cải cách, đổi mới lần này, thưa bà?
GS Hoàng Xuân Sính: - Thành thật. Hãy thật thà, thẳng thắn nhìn lại chính mình, thành tựu của mình. Khi còn 99% kết quả đỗ tốt nghiệp thì đừng mong thay đổi được căn bệnh thành tích. Hãy làm thế nào để thầy ra thầy, trò ra trò.
PV:- Cá nhân bà, bà đặt niềm tin bao nhiêu phần trăm thành công vào đề án này, vì sao?
GS Hoàng Xuân Sính: - Tôi không dám nói. Bộ ra lệnh, kêu gọi, hô hào nhưng người thực hiện phải thế nào. Không cụ thể, bài bản thì khó thành công.
PV: - Xin cảm ơn bà!
Hiếu Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)