Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Top 10 thương vụ quốc phòng nổi bật của Việt Nam 2013

Năm 2013, Quân đội Việt Nam tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng việc đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại mới. Mua vận tải cơ cất cánh đường băng ngắn L-410 của Cộng hòa Séc, máy bay không người lái Belarus, tàu chiến tối tân Sigma 9814 cùng với việc xem xét khả năng mua "sát thủ săn ngầm" P-3C Orion của Mỹ và hệ thống tác chiến điện tử tối tân Krasuha-2 của Nga là những thương vụ quốc phòng nổi bật của Việt Nam trong năm 2013.


1. Mua 2 tàu chiến Gepard 3.9 săn ngầm

Nhằm tiếp tục tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng hải quân trong tác chiến biển xa, tháng 2/2013, Tổng công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và Công ty cổ phần nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M.Gorky của Nga chính thức bắt đầu thực hiện hợp đồng đóng thêm 2 tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 mới cho Hải quân Việt Nam.


Sự khác biệt chính giữa cặp Gepard 3.9 mới so với 2 tàu cùng loại trước đó (HQ-011 và HQ-012) là sự hiện diện của vũ khí chống tàu ngầm và việc sử dụng hệ thống máy điện hiện đại với những đặc điểm cải tiến mới.
 Theo tiết lộ của nhà máy đóng tàu A.M. Gorky, hai tàu hộ tống Gepard 3.9 mới của Hải quân Việt Nam sẽ có lượng choán nước đầy tải 2.200 tấn, chiều dài tổng thể 102,4 m; chiều rộng 14,4 m; chiều cao 7,25 m; mớn nước khoảng 5,6 m;

Tốc độ di chuyển tối đa khoảng 29 hải lý/giờ; tầm hoạt động 4.000 hải lý khi di chuyển với tốc độ 10 hải lý/giờ; khả năng hoạt động độc lập liên tục 20 ngày trên biển và được vận hành bởi kíp thủy thủ 84 người.

Tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 được trang bị pháo hạm hiện đại, tên lửa phòng không, vũ khí chống tàu ngầm, các thiết bị điện tử hiện đại, cũng như mìn và vũ khí phòng thủ. Ngoài ra, tàu còn được tích hợp các hệ thống truyền thông bên ngoài và bên trong khoang tàu, cũng như hệ thống phát thanh truyền hình và hệ thống quan sát.

Theo dự kiến, 2 chiến hạm Gepard mới sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào năm 2016 và 2017.

2. Ký 2 hợp đồng sửa chữa và cung cấp kỹ thuật về động cơ AL-31F 

Nhằm duy trì khả năng hoạt động cũng như kéo dài tuổi thọ cho những chiến đấu cơ Su-27, tháng 7/2013, Việt Nam đã ký kết một hợp đồng sửa chữa động cơ máy bay AL-31F (lắp trên máy bay Su-27) với Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukroboronprom của Ukraine.

Theo các điều khoản hợp đồng được ký kết, việc sửa chữa động cơ AL-31F của Nga sẽ được tiến hành tại nhà máy sửa chữa động cơ ở Lusk, thuộc tỉnh Volynskaya. Ngoài sửa chữa, theo một hợp đồng riêng, phía Ukraine sẽ cũng cung cấp tư vấn kỹ thuật cho các đồng nghiệp Việt Nam sửa chữa động cơ AL-31F.

Nguồn tin lưu ý rằng, các động cơ phản lực AL-31F trang bị trên những máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Việt Nam là được thiết kế từ những năm 1970 của thế kỷ trước, do đó hiện nay cần được sửa chữa lớn.

Với hợp đồng sửa chữa động cơ AL-31F và sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ nước bạn Ukraine, Không quân Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh bầu trời cho 12 chiếc Su-27SK/UBK/PU trong nhiều năm nữa.

3. Mua thêm 12 'Hổ mang chúa' Su-30MK2
 Sau hợp đồng sửa chữa động cơ máy bay Su-27 với Ukraine, Việt Nam tiếp tục tăng cường sức mạnh không quân bằng việc ký kết một hợp đồng mua thêm 12 tiêm kích đa năng Su-30MK2 từ Nga.

Theo hãng tin Interfax thì hợp đồng mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 này được Việt Nam ký kết vào giữa tháng 8/2013, trong đó không chỉ quy định việc cung cấp máy bay, mà cả tài sản kỹ thuật với chi phí không ít hơn 600 triệu USD.

Theo các nguồn tin Nga, số 12 máy bay Su-30MK2 trong hợp đồng mới sẽ được công ty Sukhoi cung cấp cho Việt Nam theo 3 lô, mỗi lô 4 chiếc trong giai đoạn năm 2014 đến 2015.

Như vậy, cùng với 24 chiếc Su-30MK2 đang hoạt động, tới năm 2015, Không quân Việt Nam sẽ triển khai được 36 máy bay chiến đấu loại nay, tương đương với 9 phi đội (mỗi phi đội chuẩn gồm 4 chiếc Su-30MK2) và trở thành một lực lượng không quân đáng gờm ở Đông Nam Á.

4. Mua 4 tàu tuần tra Ấn Độ

Với mối quan hệ hợp tác quốc phòng đang ngày càng nồng ấm trong những năm gần đây, Ấn Độ đã công khai tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng vũ trang bằng những hành động thiết thực.

Để minh chứng cho quyết tâm đó, New Delhi đã thông qua khoản vay tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm trang bị quốc phòng, trong đó bao gồm việc cung cấp 4 tàu tuần tra ngoài khơi (OPV) cho Hải quân Việt Nam.
 Ngoài việc thông qua khoản vay tín dụng, Ấn Độ còn cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam trong công tác huấn luyện thủy thủ và nhân viên tàu ngầm để có khả năng tiếp nhận, vận hành và bảo dưỡng 6 tàu ngầm Kilo mua của Nga.

New Delhi cũng không ngần ngại chấp nhận đề nghị của Việt Nam về việc "dạy" các phi công Việt Nam lái máy bay chiến đấu Su-30MK2 trong hợp đồng mới ký kết với phía Nga.

5. Mua radar bắt máy bay tàng hình của Belarus

Giữa tháng 7/2013, thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn nguồn báo Nga loan tin Việt Nam sẽ mua thêm 20 hệ thống radar phòng không thế hệ mới Vostok-E của Belarus ngoài 7 bộ đã mua từ năm 2005 và có thể được triển khai trấn giữ Biển Đông.

Theo tạp chí "Đánh giá quân sự" của Nga, Việt Nam sẽ mua một số lượng lớn loại radar phòng không Vostok-E, và có thể được triển khai theo chiều dọc Biển Đông. Theo phân tích, loại radar này là tốt hơn so với sản phẩm tương tự ở Nga.
Theo báo cáo, tại cuộc đàm phán, Belarus bán cho Việt Nam 20 bộ radar Vostok-E. Belarus không chỉ đồng ý với yêu cầu của phía Việt Nam, các lực lượng phòng không Việt Nam cũng được Minsk đào tạo để họ có thể sử dụng tốt hơn của radar này.

Với cơ cấu thủy lực, cơ khí tiên tiến, đài radar Vostok E của Belarus triển khai và thu hồi 1 trạm chỉ trong vòng 6 phút, đáp ứng yêu cầu tác chiến cơ động trận địa. Do được lắp trên một xe quân sự nên trạm radar có tính việt dã cao.

Trạm Vostok E phát sóng VHF trong dải tần 175MHz, có tầm phát hiện máy bay tàng hình F-117A trong môi trường nhiễu tích cực là 72km, trong môi trường không nhiễu tới 340km.

Nếu phát hiện máy bay B-52 trong môi trường nhiễu tích cực, Vostok E có thể phát hiện từ 255km, không nhiễu là 720km. Hệ thống radar bắt máy bay tàng hình tối tân này sẽ thực sự là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho loại radar thế hệ trước P-18 của Việt Nam.
6. Mua máy bay vận tải L-410 của Séc

Theo báo Quân đội Nhân dân, trong giữa tháng 4/2013, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã tổ chức Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ (MBĐC) năm 2013 cho 80 người là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Kỹ thuật, trưởng ban, trợ lý MBĐC các đơn vị không quân, Học viện Phòng không Không quân, Trường Sĩ quan Không quân, Giám đốc, Phó Giám đốc kỹ thuật các nhà máy sửa chữa Kỹ thuật hàng không A32, A42, A41, A45.
 Trong thời gian hai ngày tập huấn, các học viên được giới thiệu về vũ khí trang bị mới như máy bay CASA-212, DHC-6, EC-255 và đặc biệt là có cả loại máy bay vận tải L-410 của Cộng hòa Séc sản xuất.

Việc các cán bộ sĩ quan của Quân chủng Phòng không Không quân tham gia tập huấn về cách khai thác máy bay vận tải L-410 cho thấy, rất có thể Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua máy bay L-410 của CH Séc từ trước năm 2013 và sẽ sớm tiếp nhận loại vận tải cơ này trong tương lai gần.

Việc Việt Nam đặt mua máy bay vận tải L-410 hoàn toàn có nhiều cơ sở. Mới đây, tờ Byznys.ihned.cz của Séc dẫn lời bà Ilona Pliskova - Giám đốc điều hành ngành công nghiệp máy bay CH Séc cho biết, Séc đang đặt mục tiêu xuất khẩu máy bay L-410 vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông CH Séc gần đây cũng tiết lộ rằng, Việt Nam đang đàm phán để mua 12 máy bay vận tải tầm ngắn Let L-410 để tiếp viện lương thực, thực phẩm cho quân đội cũng như người dân ở những vùng hải đảo hay biên giới xa xôi mà các phương tiện khác khó có thể tiếp cận được.

L-410 đạt tốc độ đến 457 km/h và tầm bay đến 546 km, chở được 19 khách hay 1,7 tấn hàng. Khi mang thêm bình xăng phụ, hoặc không tải, tầm bay của nó có thể đạt 940 km. Biến thể UVP-E20 khác với biến thể cơ sở ở cánh quạt 5 lá cánh, động cơ mạnh hơn và khả năng cất/hạ cánh đường băng ngắn.

Việc trang bị L-410 sẽ tăng cường đáng kể khả năng không vận cho Không quân Việt Nam trong trường hợp cần vận chuyển quân, hàng hóa, đạn dược đến những vùng miền, hải đảo xa xôi. 

7. Mua máy bay không người lái của Belarus

Trong năm 2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm Belarus và bày tỏ khả năng mua máy bay không người lái do nước này sản xuất.

Giới truyền thông Belarus trích lời Thủ tướng Mikhail Myasnikovich nói rằng, Belarus có nhiều hy vọng hợp tác với Việt Nam trong đó có việc cung cấp máy bay không người lái, nhưng không tiết lộ chi tiết về loại UAV nào sẽ được nước này bán cho Việt Nam.
 Tuy nhiên nếu nhìn vào các loại UAV mà Belarus đang có cùng với nhu cầu của Việt Nam thì nhiều khả năng loại UAV mà Việt Nam nhắm tới chính là UAV Grif-1 mà nước này mới thử nghiệm thành công.

Grif-1 là loại UAV do thám tầm trung có bán kính hoạt động 100 km. Loại UAV mới này đã được thử nghiệm thành công tại nhà máy sửa chữa máy bay 558. Grif-1 có tải trọng hữu ích 30 kg. Nó có thể mang theo các thiết bị cảm biến cho nhiệm vụ trinh sát chiến thuật, chiến dịch tầm gần đến trung.

UAV Grif-1 có tốc độ tối đa 200 km/h, thời gian hoạt động liên tục lên đến 8 giờ, loại UAV này đã được giới quân sự trong và ngoài nước đánh giá rất cao tại triển lãm Interpolitex-2012.

8. Máy bay săn ngầm P-3C Orion

Phát biểu tại triển lãm An ninh và Quốc phòng LAAD 2013 diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, Giám đốc các chương trình tuần tra hải quân của Lockheed Martin, ông Clay Fearnow nói rằng, Hải quân Việt Nam quan tâm đến việc mua được 6 máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion mà hiện Hải quân Mỹ đang "còn dư" để tăng cường khả năng tuần tra và chống tàu ngầm dọc theo đường bờ biển dài gần 3.500 km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng khoảng 1.396299 km2.

Theo vị quan chức này, những máy bay P-3 Orion Mỹ bán cho Việt Nam sẽ là trường hợp đầu tiên không được bán kèm vũ khí, các máy bay này đang được trang bị độc quyền với kit nhiệm vụ MPA như các cảm biến tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại (FLIR) và các hệ thống khác.
 Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nếu các cuộc thảo luận giữa Hà Nội và Washington tiến triển tốt thì khả năng xa hơn là trong tương lai, các hệ thống vũ khí trang bị cho máy bay sẽ được cung cấp.

Ông Fearnow nói rằng, công ty Lockheed Martin sẽ đề xuất cho Việt Nam nên lựa chọn những máy bay P-3C mới nhất, bởi đây là những máy bay trang bị công nghệ tiên tiến nhất.

Máy bay P-3 Orion được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ: Chống tàu ngầm; chống tàu mặt nước; tuần tra biển; trinh sát. P-3 Orion được trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt cho phép đạt tốc độ khoảng 750 km/h, tầm bay hơn 4.000 km, hoạt động liên tục trên không 16 tiếng.

P-3 Orion được vận hành bởi phi hành đoàn đông đảo lên tới 11 người. Máy bay có khả năng mang hơn 9 tấn vũ khí trong khoang thân và cánh gồm: tên lửa không đối hạm AGM-84 Harpoon; bom chống tàu ngầm; bom thông thường; ngư lôi chống ngầm; thủy lôi…

Với khối lượng vũ khí này, P-3C Orion không chỉ có khả năng săn lùng tàu ngầm mà còn tiêu diệt mục tiêu trên mặt nước và cả mục tiêu trên bộ.

9. Xem xét mua hệ thống tác chiến điện tử tối tân Krasuha-2

Theo báo chí Nga, trong giữa tháng 9/2013 vừa qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử một đoàn chuyên gia quân sự cùng với các quan chức của hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronoexport đến thành phố Veliky Novgorod để thăm một trong những công ty quốc phòng hàng đầu của Nga là NPO Kvant, nằm trong thành phần tập đoàn KRET.

Theo bộ phận báo chí của Kvant, phía Việt Nam đã tỏ ý muốn tìm hiểu các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại và tương lai mà NPO Kvant đang sản xuất. 
 Tại trường thử của Kvant, phái đoàn Việt Nam được trực tiếp giới thiệu hoạt động của các hệ thống của tổ hợp tác chiến điện tử ở chế độ trình diễn thu, phát tín hiệu vô tuyến và gây nhiễu, trong đó bao gồm trạm chế áp điện tử tối tân nhất 1L269 Krasuha-2.

Trạm gây nhiễu chủ động đặt trên xe cơ động Krasuha-2 dùng để bảo vệ các khu vực lãnh thổ rộng lớn chống trinh sát, phát hiện bằng radar, cũng như chống các máy bay chỉ huy/báo động sớm và máy bay không người lái... Đây là một trong những hệ thống gây nhiễu điện tử thế hệ mới vừa được Nga hoàn thành kiểm tra nhà nước trong năm 2009 và mới đưa vào trang bị với số lượng hạn chế.

Tuy nhiên, theo Giám đốc nhà máy NPO Kvant, ông Kapralov nói rằng, các khí tài tác chiến điện tử mới đang được ưu tiên cung cấp cho quân đội Nga, việc bán các khí tài đó ra nước ngoài chỉ có thể sau năm 2018. Chính vì thế, người ta dự đoán rằng, Việt Nam có thể có khí tài tác chiến điện tử tối tân sau năm 2018.

10. Mua tàu chiến Sigma của Hà Lan: Tin vui số 1 trong năm 2013

Trong Top 10 thương vụ quốc phòng đáng quan tâm nhất của Việt Nam năm 2013, có lẽ, tin tức đáng mừng nhất chính là việc Việt Nam đã đạt được thỏa thuận mua 2 tàu hộ tống tàng hình lớp Sigma 9814 tối tân của Hà Lan.

Theo tiết lộ, thỏa thuận cung cấp 2 tàu chiến Sigma cho Việt Nam sẽ được thông qua vào cuối năm nay, với trị giá có thể đạt tới nửa tỷ Euro (khoảng 668 triệu USD). Trong đó, có sự tham gia hỗ trợ về tài chính của cả Chính phủ Hà Lan.
Hợp đồng này bao gồm việc đóng 2 tàu hộ tống lớp Sigma, phiên bản Type 9814 có chiều dài 98m và rộng 14m. Tàu được trang bị vũ khí mạnh bao gồm một pháo bắn nhanh Oto Melara, tên lửa chống tàu và hệ thống tên lửa phòng không đặt trong các ống phóng thẳng đứng (VLS) Mica.

Thỏa thuận này cũng có sự góp mặt của hãng Thales (chi nhánh ở Hà Lan), tham gia cung cấp các thiết bị điện tử, bao gồm radar, các cảm biến, hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống chỉ huy, điều khiển trên tàu.

Tạp chí quốc phòng Jane’s của Anh thì dẫn nguồn tin tham gia cuộc đàm phán cho biết, Sigma 9814 của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu TACTICOS; hệ thống radar trinh sát SMART-S MK2 và hệ thống điều khiển hỏa lực STING EO MK2 của Thales.

Trong khi đó, tuần báo Kinh doanh của Pháp cho biết rằng, tập đoàn quốc phòng MBDA sẽ tham gia cung cấp tên lửa chống hạm tiên tiến Exocet Block 3 có tầm bắn xa 180km cho tàu chiến Sigma 9814 của Việt Nam.

Sở dĩ đánh giá thương vụ mua 2 tàu chiến Sigma được chú ý hơn cả bởi đây là một lớp tàu chiến hiện đại, trang bị những công nghệ đỉnh cao của Hà Lan và các nước phương Tây, các tàu Sigma được có khả năng tàng hình tốt hơn hẳn so với lớp chiến hạm Gepard 3.9 mà Việt Nam mua của Nga.

Hơn nữa, các hệ thống vũ khí phương Tây luôn được đánh giá ở "cửa trên" so với vũ khí Nga về hệ thống điện tử và độ tin cậy.
Nguồn Baodatviet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang