Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, thông báo: "Chúng tôi thực hiện đợt huấn luyện được lên kế hoạch từ lâu trong khu vực thuộc quần đảo Senkaku, bao gồm 2 máy bay bay khứ hồi từ đảo Guam. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm theo các thủ tục thông thường, không thông báo trước kế hoạch bay, hoặc gửi thông tin bằng radio hay đăng ký tần số trước... Chúng tôi đã hiện diện tại đây khoảng một giờ đồng hồ mà không vấp phải bất kỳ một rắc rối nào”.
Màn chào hỏi này như một gáo nước lạnh tạt vào sự tự kiêu của người khổng lồ châu Á. Với phép thử này, Mỹ đã đặt Trung Quốc vào hai thách thức, một là Trung Quốc không đủ tiềm lực quân sự để nhận ra sự hiện diện của máy bay Mỹ suốt 1 tiếng đồng hồ.
Hai là Trung Quốc không dám cậy mạnh đối với Mỹ. Dù hiểu theo phương diện nào, phép thử nhỏ này của Mỹ cũng đủ khiến Trung Quốc mất mặt, trở thành kẻ cậy lớn bắt nạt nhỏ. Nhưng quốc gia mà Trung Quốc lựa chọn để bắt nạt lần này là Nhật Bản. Một điều chắc chắn, họ nhỏ nhưng không yếu. Nhật Bản có cả tiềm năng quân sự, kinh tế, là đồng minh thân cận của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, chiều 23/11, máy bay trinh thám Tu-154 và phi cơ quân sự Y-8 của Trung Quốc tiến vào phía trên vùng nam Hoa Đông. Trong đó, chiếc Tu-154 bay cách khu vực mà Nhật Bản xem là không phận phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ 40 km.
|
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters |
Hai chiến đấu cơ F-15 đã lập tức được Tokyo điều ra ngăn chặn các máy bay của Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, nước này đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về động thái trên đối với sứ quán Trung Quốc ở Tokyo và tái khẳng định về chủ quyền của Nhật Bản với Senkaku/Điếu Ngư.
Như vậy, chỉ sau khi trung quốc lập khu nhận dạng phòng không chỉ vài tiếng đồng hồ, Nhật Bản đã khiến Trung Quốc bẽ mặt vì khu vực đó gần như không có chút giá trị trong mắt Nhật.
Những cú ghi bàn với đồng minh sau bão Haiyan
Hai chiếc máy bay ném bom này dường như đã chuyển đi thông điệp Mỹ không hề che giấu ý định cho Trung Quốc thấy nước này không đủ sức, thậm chí là không sẵn lòng, để bảo vệ ADIZ.
Việc phái B-52 bay tập cũng mang ý đồ riêng. Có mặt trong không quân Mỹ đã hơn nửa thế kỷ, B-52 chậm chạp và dễ phát hiện hơn hẳn các loại chiến đấu cơ tàng hình đời mới.
Tuy nhiên, Trung Quốc không sẵn lòng bảo vệ vùng phòng không mình tự lập ra, hoặc không đủ sức đối phó với vũ khí từ nửa thế kỷ trước của Mỹ, điều này là một nỗi xấu hổ với người Trung Quốc hay khoe khoang về tiềm năng quân sự.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần cảm ơn "vùng nóng" này của Trung Quốc. Việc cam kết giữ vững mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản đã được thể hiện rõ ràng qua trường hợp này.
Mỹ đã từng nhiều lần phát biểu về sự lo ngại những bất ổn trong khu vực Biển Hoa Đông, nhiều lần kêu gọi hai bên kìm chế, nhiều lần hứa đứng về Nhật Bản nhưng chưa một lần “làm thật”.
Có lẽ Trung Quốc đã chủ quan, nhưng với ADIZ, phép thử của Mỹ đã có một sự tác động sâu sắc khiến Nhật Bản vô cùng cảm kích.
|
Quân đội Mỹ - Nhật tập trận chung |
Ông Dean Cheng, nhà phân tích của Quỹ Heritage, nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tự xuống thang và bỏ mặc khu vực trên. “Người Trung Quốc có thể không ngờ là Mỹ lại phản ứng mạnh sớm như thế. Cách Mỹ dằn mặt gửi đi một thách thức rõ ràng: “Nhìn đi, chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc khi nói rằng chúng tôi là đồng minh của Nhật Bản. Và đừng có làm loạn lên”.
Chưa kể từ vấn đề vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc sẽ tạo nên những nguy cơ bất ổn sâu sắc trong khu vực. Và Mỹ hoàn toàn có thể dựa vào đỏ để tăng thêm sự hiện diện quân đội nhằm "bảo vệ những lợi ích dân sự và thương mại" của quốc gia này.
Nhìn lại những mối quan hệ đồng minh của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, với Hàn Quốc, Mỹ thực hiện do thám, điều tra, kiểm soát Triều Tiên. Với Philippines, cơn bão Hai Yan đã cho thấy Mỹ là lực lượng phản ứng nhanh nhất trong công tác cứu hộ. Đồng thời, quân đội Mỹ luôn kè kè bên cạnh Philippines khiến Trung Quốc muốn nuốt Biển Đông mà không trọn.
Hành động trực diện từ Mỹ còn mang một ý nghĩa quan trọng. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều đang tranh giành sự ảnh hưởng và tạo ấn tượng với các quốc gia Đông Nam Á. Đồng thời, ASEAN cũng đang vất vả về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc. Các quốc gia nhỏ bé ấy sẽ phải làm gì khi có một ADIZ tương tự trên vùng biển chủ quyền của họ? Ai sẽ là người bênh vực ASEAN?
Hành động của Mỹ ngầm cho thấy ai mới là người mạnh thực sự của thế giới, ai đủ sức kìm chế ai? Và các quốc gia nên đặt niềm tin vào đâu. ADIZ mang cho Trung Quốc một sự huênh hoang tạm bợ, nhưng tạo cho Mỹ một cái cớ ngàn năm có một để ghi điểm trong mắt đồng minh.
Nguồn Baodatviet