Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

CỜ TỔ QUỐC NGOÀI TRƯỜNG SA!

Lá cờ Tổ quốc, trong gió bão Trường Sa, trên 1 con tàu Hải quân từ đất liền ra đến với đảo chìm Núi Le (Trường Sa). Mình và rất nhiều bè bạn đã lặng đi và rưng rưng nước mắt, khi thấy qua gió bão dập vùi, nhưng cờ vẫn dính vào dây buộc nguồn cội và sao vàng 5 cánh vẫn sáng bừng trên biên đảo yêu thương. Ở rất nhiều nơi khó khăn, khắc nghiệt như các đảo ngoài Trường Sa, DK1, cột cờ Lũng Cú, Đồn - Trạm Biên phòng... những lá cờ quật cường trước gió bão này, sau khi được thay, đã thành kỷ vật, gìn giữ cẩn thận trong phòng Truyền thống, Phòng Hồ Chí Minh. Những ai chuyên ngồi 1 chỗ soi mói, nâng quan điểm, hãy ra với Trường Sa thực tế mùa biển động, sống với bộ đội, sẵn sàng hy sinh vì biên đảo và chấp nhận nằm xuống vì Tổ quốc đi, rồi hãy phán xét: "Tại sao không thay cờ? Tại sao lại đưa hình lá cờ rách này lên mạng!". Với tụi mình, lá cờ thiêng ngoài đảo là Tổ quốc, là đất nước quê hương - Cờ có thể rách trước gió bão, nhưng sao vàng không rách và vẫn kiên trung bừng sáng 5 cánh sao vàng dẫn đường, chỉ lối, trong nguyên vẹn trái tim chúng mình, những người Việt ở khắp bốn biển năm châu!.. (Hình:Thiềm Thừ)
Nguồn Blog Maithanhhai

Ôi .... yêu quá Trường Sa ơi!....
Cảm ơn anh Hải đã có bài viết rất hay.

Đàm phán Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Trong hai ngày 26 và 27-9, tại Bắc Kinh, Trung Quốc,  đã diễn ra đàm phán vòng II cấp chuyên viên Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Đàm phán diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn và xây dựng. Hai bên khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” ký tháng 10-2011, vững bước thúc đẩy phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này.
Hai bên nhất trí nguyên tắc chỉ đạo phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là căn cứ vào Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan.
Hai bên thỏa thuận tiến hành đàm phán vòng III cấp chuyên viên Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào nửa đầu năm 2013 tại Việt Nam.
Nguồn QĐND

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

5 đề xuất, sáng kiến của giới học thuật về vấn đề Biển Đông


Từ những thực tiễn, chứng lý và pháp luật đã lần lượt chuyển đến độc giả, cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” còn nêu ra những “tia sáng” và những giải pháp cho tình hình phức tạp ở Biển Đông.
5 đề xuất, sáng kiến nổi bật của giới học thuật về vấn đề Biển Đông
Tranh chấp Biển Đông hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng, xung đột, làm nguy hại đến hòa bình, an ninh, sự ổn định của khu vực và thế giới. Muốn giải quyết cơ bản được các loại tranh chấp này, nhiều học giả và chính khách đã từng nêu ra nhiều sáng kiến có giá trị. Sau đây là một số sáng kiến đáng được cân nhắc:
Thứ nhất: Thống nhất được cách giải thích và vận dụng các tiêu chuẩn để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông, như: Việc xác định hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa, ven bờ các hải đảo xa bờ, hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo, thống nhất các tiêu chuẩn để tính hiệu lực của các đảo trong việc hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa…
Thứ hai: Thống nhất được phạm vi biển, thềm lục địa chồng lấn được hình thành từ các yêu sách của các quốc gia ven biển theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thứ ba: Thống nhất các tiêu chuẩn xác định phạm vi biển và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tư cách là những quần đảo xa bờ, không phải là quốc gia quần đảo; các đảo ở đây có diện tích rất nhỏ, không thích hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng…
Thứ tư: Thống nhất nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế áp dụng cho việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này.
Thứ năm: Nếu yêu sách nào đã đưa ra không phù hợp với những tiêu chuẩn đã được thống nhất thì phải bị coi là vô giá trị, quốc gia nào đã đưa ra yêu sách đó phải từ bỏ nó với một tinh thần thực sự cầu thị, tôn trọng luật pháp, thực tiễn quốc tế, vì lợi ích, hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và quốc tế.
Và những “tia sáng” trong vấn đề Biển Đông
Trong thực tiễn quốc tế, có không ít những tấm gương về trách nhiệm và tinh thần cầu thị của một số quốc gia khi tham gia đàm phán xác định ranh giới biển. Đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một ví dụ điển hình: Việt Nam đã đồng ý cùng với Trung Quốc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ bằng con đường thỏa thuận thông qua thương lượng hữu nghị, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, có tính đến các hoàn cảnh hữu quan trong vịnh, nhằm đi đến một giải pháp công bằng mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Kết quả là ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh, hai nước đã chính thức ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 27 năm với 3 vòng đàm phán chính: năm 1974,1977-1978 và từ năm 1992-2000.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc ngày 25/12/2000 đã nhấn mạnh : Việc hai nước ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thế kỷ XXI.
Có thể nói rằng, cùng với việc đã và đang giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng có liên quan, việc ký kết Hiệp định này là bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình ổn định trong khu vực và thế giới. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cũng có những đóng góp trong thực tiễn áp dụng và phát triển luật quốc tế về phân định biển giữa các nước có bờ biển vừa đối diện vừa tiếp giáp với các địa hình đáy sông, đáy biển, vấn đề cửa vịnh, vấn đề eo biển quốc tế, giá trị của bản đồ trong hiệp ước biên giới…
Chúng ta tin rằng các bên liên quan trong Biển Đông sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua để trước hết là phải từ bỏ các yêu sách đơn phương về biên giới biển 9 đoạn bao lấy 80% diện tích Biển Đông mà phía Trung Quốc đã sử dụng dựa theo tờ bản đồ do một công dân ở Đài Loan (Trung Quốc) tự ý vẽ ra từ năm 1946…; tiếp đến, cùng nhau tìm được một mẫu số chung, làm cơ sở pháp lý cho mọi diễn đàn giải quyết các tranh chấp có thể có trong thời gian tới theo các nội dung đã đề cập ở trên. Thực hiện được những nội dung nói trên là điều không dễ dàng, thiết nghĩ cần có biện pháp và lộ trình thực hiện một cách thiết thực.

Trước hết, phương châm có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay là : “Dễ giải quyết trước; Khó giải quyết sau”. Vì vậy, trước mắt chúng ta hãy tạm gác vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên hai quần đảo này; mỗi đảo có người ở cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạn nửa nổi nửa chìm nên có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500 mét bao quanh để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải của bên đang chiếm đóng.
Ngoài phạm vi biển của các đảo, bãi cạn đó, các bên sẽ thống nhất ranh giới biển và thềm lục địa theo đúng tiêu chuẩn của Công ước Luật Biển năm 1982 để xác định các khu vực chồng lấn nhằm tiến tới xác định ranh giới biển, thềm lục địa. Trong khi các bên chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, có thể tính đến một giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” (joint development) trong các vùng chồng lấn được hình thành từ những yêu sách mà các bên liên quan đã vận dụng nghiêm túc các quy định của Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc.
Biển Đông nổi sóng hay yên bình đang là một vấn đề được tất cả các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm. Nó phụ thuộc vào thiện chí và trách nhiệm chính trị của các bên liên quan, kể cả ở trong khu vực và ngoài khu vực.
Mặc dù vẫn còn đó tiềm ẩn của những nguy cơ Biển Đông nổi sóng to gió lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngày nay nhân loại đã nhận dạng được nguyên nhân gây ra những cơn sóng dữ, với những quyết tâm chính trị và nỗ lực không ngừng của cộng đồng khu vực và quốc tế, chắc chắn sẽ tìm được biện pháp ngăn chặn và đè bẹp chúng để giữ cho Biển Đông được bình yên vốn có như từ thuở hồng hoang.
(Lược trích từ sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”)

Theo Infonet







Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Tiết lộ mới về việc 'UFO Liên Xô' chọc tức Israel

Nhiều người vẫn được nghe kể chuyện MiG-25R khuấy đảo bầu trời Tel Aviv (1973) bằng tốc độ siêu kinh hoàng Mach 3. Tuy nhiên, nguồn gốc phi vụ ấy lại ít được biết đến.
Nhiều người vẫn còn nhớ như in cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962) đặt nhân loại trước bờ vực thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một cuộc khủng hoảng khác có nguy cơ biển thành thảm họa quy mô toàn cầu nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đó là cuộc khủng hoảng Trung Đông, diễn ra cách đây vừa tròn 35 năm.

Thời kỳ đối đầu giữa khối XHCN và TBCN đã được gọi tên là “Chiến tranh lạnh”. Sự đối đầu không chỉ diễn ra giữa Mỹ và Liên Xô mà còn ở những đất nước, hoặc những khu vực cách Moscow và Wasington rất xa. Trung Đông là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của bối cảnh địa chính trị như vậy. 

Israel ngủ quên sau chiến thắng
Chiến thắng vang dội trước Quân đội Ai cập trong cuộc chiến tranh Sáu ngày (năm 1967) làm mê muội ban lãnh đạo cao cấp nhất của Israel, chính họ đã đi đến kết luận, người Arab đã mất khả năng tấn công và trong tương lai gần không có khả năng khôi phục lại lực lượng vũ trang của mình. 

Tâm lý say sưa với chiến thắng nhanh chóng chuyển sang tự mãn. Không ít các thông báo của các điệp viên về sự phục hồi nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Ai Cập bị cho là không chính xác, thậm chí còn bị coi là "thất bại chủ nghĩa".  

 Thủ tướng Israel khi đó là bà Golda Meir, dưới sự bảo trợ của "ông anh" Mỹ, càng tin tưởng vững chắc vào khả năng bách chiến bách thắng của đất nước và bỏ qua các nguyên tắc của Niccolo Machiavelli, bậc thầy về ngoại giao bí mật thời trung cổ châu Âu. Theo đó, “Các chính trị gia của đất nước chiến bại có nhiều điểm chung với những đứa trẻ con: tự mình gây ồn ào để chứng minh, trong căn phòng của trẻ con mọi thứ đều theo trật tự, sự im lặng của chúng thường lại gây nên nghi ngờ”. 

Thật vậy, chính phủ của Nasser, và sau đó là Sadat, mặc dù mất bán đảo Sinai và mất kiểm soát kênh đào Suez, thậm chí không sử dụng diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để vận động cho quyền lợi của mình. 

Trong khi đó, các cố vấn tình báo Liên Xô tại Ai Cập đã phát triển một kế hoạch thông tin đánh lừa người Israel. Kể từ năm 1970, người Ai Cập đã bắt đầu triển khai kế hoạch. Mỗi ngày họ cung cấp cho các nhà báo phương Tây đang có mặt ở Cairo những thông tin sai lệch về tình hình quân đội, tình trạng tâm lý của binh sĩ, đặc biệt nhấn mạnh tới việc họ không có khả năng làm chủ và kiểm soát các trang thiết bị quân sự của Liên Xô.

Mục đích của hoạt động kể trên là nhằm tạo cho ban lãnh đạo Israel sự hình dung sai lệch về mối nguy hiểm thật sự và thuyết phục người Israel tin rằng, người Arab cam chịu thất bại và sẽ hành động theo điều răn của Đấng tiên tri Mohammed: "Cứ ngồi trên bậc thềm nhà mình và hãy chờ đợi rằng, nước của con mương sẽ cuốn hết đi xác chết kẻ thù của bạn…"

Người Ai Cập đã kiên trì "giả ốm đau" suốt 6 năm, để tới năm 1973, họ khôi phục hoàn toàn và trang bị thêm các vũ khí tấn công hiện đại nhất của Liên Xô. Cùng với đó, nhiều sĩ quan Liên Xô từng cố vấn tại Việt Nam, trực tiếp tham gia chỉ huy các đơn vị Quân đội Ai Cập.

Tháng 9/1973 Giám đốc cơ quan tình báo quân sự Israel Elia Zeira bỏ qua thông tin tình báo về sự sẵn sàng báo thù của quân đội Ai Cập và Syria. Giám đốc CIA William Colby cũng có hành động tương tự như vậy, bất chấp thực tế là các vệ tinh quân sự ghi nhận sự di chuyển các đơn vị Quân đội Ai Cập tới biên giới Israel.

"Không đầu hàng, chúng ta sẽ dùng vũ khí hạt nhân"
Sáng ngày 5/10/1973 bắt đầu chiến dịch được hoạch định bởi các tướng lĩnh Ai Cập và Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Liên Xô dưới mật danh “Ubur” (băng qua thác nước). 

Quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez, còn Quân đội Syria tấn công các đơn vị Israel tại cao nguyên Golan. Cả hai đội quân tiến về Tel-Aviv và tạo thành gọng kìm bao vây chặt thủ đô của Israel. 

Không phải tình cờ mà ngày này được chọn làm ngày mở màn chiến dịch tấn công. Ngày 5/10 là ngày lễ truyền thống của người Do Thái (Day of Judgment – Ngày phán xét). Vào ngày này, tất cả tín đồ Do Thái chính giáo đều phải đến nhà thờ sám hối cho những tội lỗi đã gây ra trong năm.

Nhờ nắm được yếu tố bất ngờ, quân đội Arab đã gây tổn thất lớn cho các đơn vị quân đội Israel: 3.000 binh lính và sĩ quan bị giết, hơn 900 xe tăng và khoảng 200 máy bay bị phá hủy. Đối với Israel đây là mất mát ngoài sức tưởng tượng về vật chất và nhân mạng.  
 Sau ba ngày giao tranh đẫm máu, con đường đã mở ra ở phía trước xe tăng Syria. Tình thế nguy cấp tới mức tại cuộc họp khẩn diễn ra tối ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan trong cơn hoảng loạn đã quay sang bà Thủ tướng Golda Meir với một đề nghị đầu hàng. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel, người mà người dân nước này mô tả: "Trong chính phủ có một người đàn ông, và ông là một người phụ nữ có tên là Golda", đã không tán thành vẻ sợ hãi của tướng Dayan. 

Sáng sớm ngày 8/10 tại một cuộc họp khẩn cấp, bà Thủ tướng công bố phán quyết cuối cùng: "Không đầu hàng. Chúng ta sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và phá hủy Cairo và Damascus". 

Thật vậy, lúc đó, trong tay Israel đã có 18 quả bom hạt nhân. Các Bộ trưởng hiểu rằng “người đàn bà thép” đã mất kiềm chế và không ai có thể thuyết phục bà ấy. Cả phòng họp im lặng như chết. 

Golda Meir lặng lẽ đánh giá sự im lặng của các đồng nghiệp của mình. Không một giây do dự, bà ra lệnh cho Tướng Moshe Dayan đặt toàn bộ kho vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Israel chưa bao giờ khẳng định sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cũng chưa bao giờ ra tuyên bố phủ nhận khả năng này. Trong ảnh là biếm họa về kho vũ khí hạt nhân của Israel.
 Cũng trong ngày hôm đó, các chi nhánh tình báo của KGB và GRU (tình báo quân sự) tại Trung Đông từ các điệp viên có ảnh hưởng đã thâm nhập vào các tầng cao của chính quyền Israel, đã biết quyết định của Thủ tướng Meir. 

Ngày 10/10 Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng cộng sản Liên Xô tán thành “Kế hoạch hành động buộc Israel từ bỏ việc tiến hành tấn công hạt nhân” (Kế hoạch cưỡng bức) do Giám đốc KGB Iury Andropov đệ trình lên. 

Ngày 11/10, Tham tán công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Wasington Georgy Kornieko đã trao cho Ngoại trưởng Henry Kissinger thư của các nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng thế giới như: Iury Khariston, Yakova Zeldovicha, Iliy Vivshitsa, gửi tới Tổng thống Mỹ. 

Trong thư, các Viện sĩ Liên Xô gọi quyết định của Thủ tướng Israel là tự sát. Và nhấn mạnh, ném bom hạt nhân xuống Cairo và Damascus sẽ là thảm họa không chỉ cho Trung Đông mà còn cho toàn bộ nền văn minh thế giới. 

Các nhà khoa học cũng khéo léo ám chỉ rằng, Liên Xô có ràng buộc với Ai Cập và Syria về hợp tác quân sự, không ngồi nhìn và sẽ có biện pháp tương ứng với hành động tấn công hạt nhân của Israel. Đồng thời, họ nhấn mạnh, tất cả trách nhiệm về hậu quả của sự đáp trả tương ứng như vậy chính phủ Israel sẽ phải hứng chịu. 

Do chính quyền Mỹ nhiều lần trì hoãn thời hạn đưa ra câu trả lời, Ban lãnh đạo Liên Xô quyết định tiến hành “Kế hoạch cưỡng bức”.
 Chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv 

Ngày 13/10/1973, Phó chỉ huy của trung đoàn không quân tiêm kích, Thiếu tá Vertievets, trực chiến đấu tại sở chỉ huy sân bay quân sự Vladimirovka tại tỉnh Volgograd. 

Lúc 6h15’, người mang thư hỏa tốc từ Bộ Tham mưu quân khu Privolzhsky trao cho viên Thiếu tá một túi hồ sơ được đóng dấu: “Mật. Mở ngay!”.
 15 phút sau, Vertievets cùng người đưa thư và đội kỹ thuật đi vào nhà chứa máy bay, nơi để những chiếc máy bay chiến đấu mới nhất được bảo quản đặc biệt. 

Thiếu tá Vertievets nhanh chóng lên khoang lái và người đưa thư lại tiếp tục đưa cho anh ta một gói nữa có đóng dấu mật “Đặc biệt quan trọng. Tiêu hủy ngay sau khi đọc!”

Vào lúc 8h12’, theo giờ địa phương, màn hình radar phòng không ở Tel Aviv xuất hiện một điểm sáng. Còi báo động bật liên hồi. 

Điểm sáng nhanh chóng di chuyển từ phía đông bắc sang khu vực phía tây nam, tiếp cận không phận của thành phố, và viên sĩ quan trực chiến ra lệnh đánh chặn kẻ xâm phạm vùng trời bằng một biên đội máy bay chiến đấu siêu âm Mirage.

Giọng của người chỉ huy biên đội vang lên từ loa phóng thanh, ông ta chỉ thị cho kẻ xâm phạm phải hạ cánh. Đáp lại là sự im lặng. Lần tiếp theo, yêu cầu lại vang lên bằng tiếng Arab. Và đáp lại vẫn là sự im lặng và im lặng. Chỉ huy chuyển sang dùng tiếng Anh. Nhưng cũng không hiệu quả.

Viên sĩ quan trực chiến theo dõi trên màn hình radar thấy rằng, ba chiếc Mirage đang di chuyển song song cùng hướng với kẻ xâm phạm. Nhưng tại sao họ không vượt lên trên? Quả thật, biên đội Mirage đang ở một số “tầng” thấp hơn đường bay của máy bay lạ, nhưng tại sao? Tại sao, cuối cùng, khoảng cách giữa biên đội ba chiếc Mirage với chiếc máy bay lạ kia cứ tăng lên sau mỗi giây? Điều này có nghĩa là các đặc tính bay lạ tốt hơn nhiều so với Mirage? 

“Chết tiệt! – viên chỉ huy biên đội bay hét lên, chúng tôi không bắt được nó. Nó bay trên chúng tôi 6.000 feet ... và di chuyển nhanh gấp 2 lần!”

Tiếp theo trên màn hình xuất hiện những màu sọc trắng: hình ảnh biên đội Mirage bắn tên lửa không đối không Hokami. Nhưng tất cả tên lửa bắn ra đều biến mất vào chân trời màu xanh, không tiêu diệt được mục tiêu, trong khi nó bung ra tốc độ đáng kinh ngạc, đạt đến độ cao 69.000 feet. 

Không! Nó lại quay trở lại lần nữa! Nó đang tạo ra một, hai, ba ... (!) sáu vòng tròn trên bầu trời thành phố - đây là chuyện hoang đường chăng! Và nó không sợ bị bắn hạ!

Sĩ quan trực chiến yêu cầu thêm một biên đội Phantom lên trợ giúp biên đội Mirage đang tỏ ra bất lực. Than ôi! Không có bất kỳ chiếc Phantom hay tên lửa nào của nó có thể “bắt được” máy chiếc bay lạ kia... Bắt được gì đây? Thậm chí không biết phải gọi tên chiếc máy bay đó là gì? Nó là một vật thể bay chuyển động ngoài giới hạn của tốc độ và đạt đến độ cao đáng kinh ngạc. 

Liệu đây có phải là một chiếc máy bay hay là một UFO? Nếu những suy luận trên là đúng thì nó từ đâu đến? Người Arab cho đến thời điểm này không thể có được cỗ máy tương tự. Như vậy có nghĩa là nó đến từ Nga. 

Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã tới gặp Thủ tướng Meir cùng với một báo cáo về “sự cố” trên bầu trời Tel Aviv, và bắt gặp bà Thủ tướng đang đọc lá thư của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô. 

Sau khi nghe Tướng Dayan báo cáo, bà Golda Meir ngay lập tức hiểu ra, những sự kiện này,  lá thư và cuộc xâm nhập của chiếc máy bay lạ, thực chất là một vở kịch mà đạo diễn chính là Moscow.
“Người đàn thép” buộc phải “điều chỉnh lại cuộc hành quân”. Bà Thủ tướng yêu cầu Ngoại trưởng Henry Kissinger và các quan chức cấp cao Mỹ tăng viện trợ quân sự bổ sung. Kết quả, dưới những áp lực lớn của các cuộc vận động hành lang của giới lobby Do Thái ở Washington đã tác động tới Tổng thống Nixon và một “cầu hàng không” giữa Mỹ và Tel Aviv đã được thiết lập ngay lập tức. Nhờ vậy, Israel nhanh chóng có các thiết bị quân sự mới nhất, gồm máy bay, xe tăng và tên lửa... 

Các công ty Mỹ thuộc sở hữu của người Do Thái, trong vòng một tuần đã đầu tư vào nền kinh tế Israel 2,5 tỉ USD. Đồng thời, các nhà ngoại giao Israel bắt đầu "làm việc" với Vua Jordan Hussein và Vua Morocco Hassan II, để thông qua họ thuyết phục ban lãnh đạo Ai Cập và Syria ký kết một hiệp ước đình chiến.

Đối mặt với thất bại thực tế của Israel trong cuộc chiến "Ngày phán xét", Kissinger đã thực hiện một nỗ lực vô cùng lớn để cứu vãn Tel Aviv ít nhất không phải đầu hàng nhục nhã. Ông đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, tìm kiếm loại bỏ các lực lượng Ai Cập và Syria và tạo ra một vùng đệm với Israel. Tuy nhiên, sáng kiến ​​của ông không nhận được sự ủng hộ của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Theo yêu cầu của các nhà ngoại giao Liên Xô, một nghị quyết về thành lập lực lượng khẩn cấp sẽ tạo nên một khu vực tách biệt giữa các đơn vị quân đội Ai Cập và Israel, đã được thông qua.

Vụ xâm nhập của vật thể bay bí ẩn trên bầu trời Tel Aviv, không chỉ làm tan vỡ huyền thoại bách chiến bách thắng của Israel, mà còn buộc bà Golda Meir từ bỏ sử dụng đòn tấn công nguyên tử vào Thủ đô của Ai Cập và Syria. 

Vào tháng 4/1974, "người đàn bà thép" Meir và Dayan đã buộc phải ra đi sau thất bại tại cuộc bầu cử. Sau đó không lâu, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Israel Zeir Elia cũng mất chức.

MiG-25R là sản phẩm trí tuệ của Cục Thiết kế Mikoyan và Gurevich, đến cuối thập niên 1970, nó đã vượt qua tất cả các đối thủ cùng loại trên thế giới. Trần bay thực tế là 23 km, tốc độ ​​- 3.600 km/h, gần ba lần tốc độ âm thanh (Mach 3). Như vậy, máy bay chiến đấu của Liên Xô hoàn toàn nằm ngoài tầm với của máy bay tiêm kích đánh chặn và hệ thống phòng không của đối phương!

Năm 1973, Alexander Danilovich Vertievets, người đã thực hiện chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv, đã được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. 

Nguồn Baodatviet

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Pháo hạm TT400TP được cải tiến hợp lý hơn


Pháo hạm TT400TP thứ hai (HQ-273) có một số cải tiến hợp lý hơn, bố trí phù hợp hơn với yêu cầu chiến đấu so với chiếc thứ nhất.
Mời các bạn xem video clip:


Hôm 31/8, Công ty đóng tàu Hồng Hà (nhà máy Z173) đã bàn giao pháo hạm TT400TP thứ hai cho Quân chủng Hải quân.

Pháo hạm TT400TP (HQ-273) do công ty Hồng Hà đóng mới được nghiệm thu giai đoạn 1 ngày 15/2/2012, nghiệm thu cấp quân chủng bắn đạt thật ngày 29/3/2012, kết thúc huấn luyện kíp tàu cả hai giai đoạn tháng 6/2012.

Sau quá trình thử nghiệm, hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá tàu đạt yêu cầu thiết kế, thẩm mỹ và chất lượng.

So với tàu pháo TT400TP thứ nhất (HQ-272), chiếc thứ hai có một số cải tiến hợp lý hơn, bố trí phù hợp hơn với yêu cầu chiến đấu.

TT400TP là lớp tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động hoạt động trên biển với bốn nhiệm vụ chủ yếu: tiêu diệt tất cả tàu chiến đổ bộ, tàu hộ tống của địch; bảo vệ căn cứ các tàu đổ bộ và đội tàu hộ tống ở vùng hoạt động của các lực lượng và tàu phục vụ các lực lượng rà quét mìn; bảo vệ tàu dân sự trên biển; trinh sát chiến thuật cảnh giới mặt nước.

TT400TP có chiều dài 54,6m, rộng 9,16mm, lượng giãn nước khoảng 400 tấn. Tàu đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 2.500 hải lý. Tàu có khả năng tác chiến trong điều kiện gió cấp 10, sóng cấp 8.

Tàu pháo trang bị nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, tính tự động hóa cao như: pháo hạm Ak-176M cỡ 76,2mm (tầm bắn hơn 15km, tốc độ 120 phát/phút), tổ hợp pháo phòng không Ak-630M có 6 nòng cỡ 30mm (tầm bắn 4.000m, tốc độ 5.000 phát/phút); tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp; súng máy 14,5mm.
Nguồn Baodatviet

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Trung Quốc 5 giai đoạn tranh chiếm Biển Đông

Lợi dụng các khoảng trống quyền lực nước lớn tại Đông Nam Á/Biển Đông, Trung Quốc từng bước trắng trợn chiếm đoạt biển đảo của các quốc gia khác tại Biển Đông.

Từ sau Hiệp ước 6/6/1884 ký giữa Pháp với triều đình Việt Nam, nước Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc tiến hành năm 1909. Nguyên do là trong Chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895), Nhật Bản đã chiếm Đài Loan cùng Bành Hồ. Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm nhóm đảo Đông Sa (Pratas). Trước sức ép dư luận trong nước, Phó vương Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn phái thủy sư đô đốc Lý Chuẩn đem 2 pháo thuyền ra thăm Hoàng Sa chớp nhoáng (24 giờ). Đây là hoạt động có tính thăm dò đầu tiên của một chính quyền địa phương Trung Quốc tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến ngày nay, cứ mỗi lần ở Đông Nam Á/Biển Đông xuất hiện khoảng trống quyền lực nước lớn, Trung Quốc lại tìm cách ra quân lấn chiếm, từng bước tăng cường sự hiện diện của họ tại Biển Đông. 
Ngày 26/5/2011, tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam
 Từ năm 1946, Trung Quốc triển khai năm giai đoạn tranh chiếm Biển Đông:
Giai đoạn 1 (1946-1947), Trung Quốc đặt chân lên Hoàng Sa-Trường Sa:
Tháng 12-1946, Trung Quốc Tưởng Giới Thạch cử tàu ra “giải giáp quân đội Nhật” taị Hoàng Sa và Trường Sa theo sự thỏa thuận của các nước đồng minh chống Nhật.
Khi trở về Quảng Châu, tổng chỉ huy Lâm Tuân cùng một số học giả, nhà địa lý và chuyên gia sử học cùng ngồi lại để phác họa, vẽ ra cái gọi là bản đồ “11 đoạn” rồi giao cho Sở Phương vực thuộc bộ nội chính của chính quyền Trung Hoa dân quốc in ấn vào tháng 10/1947. Năm 1953, Chính phủ CHND Trung Hoa đã phê duyệt cắt bỏ hai đoạn ở vịnh Bắc bộ của Việt Nam để biến “đường 11 đoạn” thành “đường 9 đoạn”.
Sau khi CHND Trung Hoa ra đời, đơn vị đồn trú của Trung Quốc Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm, trong khi đó Pháp vẫn duy trì quân đồn trú tại phía tây Hoàng Sa.
Giai đoạn 2 (1951-1974), từng bước đánh chiếm Hoàng Sa:
Tháng 4/1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc  bí mật đưa quân ra chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý các đảo thuộc nhóm đảo phía tây của Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ ngày 17/1-20/1/1974, diễn ra hải chiến giữa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc với lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa. Trung Quốc chiếm nốt các đảo thuộc nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Tàu chiến Mỹ có mặt ngoài khơi nhưng không cứu viện cho hải quân VNCH.
Lúc này, phía Mỹ tuyên bố với phía Trung Quốc “không có ý định can thiệp” vào xung đột Biển Đông, thực chất là làm ngơ cho Trung Quốc hành động, sau khi Mỹ và Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng hải 1972.
Giai đoạn 3 (1975-1995), đánh chiếm một số đảo Trường Sa:
Tại Biển Đông, Trung Quốc theo đuổi sách lược gọi là “chính sách ba bước tiến, hai bước lùi”: Tìm cách lấn chiếm (tiến ba bước); khi dư luận quốc tế bày tỏ lo ngại và lên tiếng phê phán, Bắc Kinh chuyển sang thái độ hòa giải (lùi hai bước). Nhưng xu hướng lâu dài vẫn là lấn tới (lợi một bước). Điều này thể hiện xuyên suốt trong các giai đoạn  từ năm 1975.
Từ tháng 1 đến tháng 4/1988, Trung Quốc thực hiện chiến dịch đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Su Bi.
Lúc này, phía chính quyền Gorbachev (Liên Xô) đã thực hiện hòa hoãn và thỏa hiệp với Đặng Tiểu Bình Trung Quốc trên một loạt vấn đề đối ngoại. Liên Xô chủ trương rút khỏi Cam Ranh.
Xung đột Trung Quốc - Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn (Mischief Reef) bắt đầu từ tháng 2/1995 khi Philippines phát hiện Trung Quốc đang cho xây dựng một hệ thống trú phòng trên một hệ thống cột trụ vững chắc, xác lập sự hiện diện thực tế của họ trên hòn đảo này. Xung đột này đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và việc Trung Quốc mở rộng sự có mặt tại quần đảo Trường Sa.
Giai đoạn 4 (1996-2009), ngoại giao “câu giờ” và “Lục hoãn hải khẩu”:
Việc Trung Quốc chiếm dải đá ngầm Vành Khăn dấy lên mối quan ngại sâu sắc tại các nước Đông Nam Á, thúc đẩy ASEAN đoàn kết đấu tranh ngoại giao về vấn đề Biển Đông. Các nỗ lực ngoại giao đã dẫn đến việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, ngày 4/11/2002, tại Phnom Penh.
Trên biển, Trung Quốc củng cố chỗ đứng ở Biển Đông và thực hiện ngoại giao “câu giờ” với những cuộc tranh chấp cường độ thấp. Với Việt Nam, Trung Quốc thực hiện chủ trương “Lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa dịu, ngoài biển tranh chấp).
Giai đoạn 5 (2009-2012), tranh chấp toàn diện cường độ cao:
Từ mùa Thu 2008, Mỹ rơi vào “hủng hoảng kép”, bị suy yếu về kinh tế và đối ngoại (sa lầy trong hai cuộc chiến tranh).
Tháng 3/2009, 5 tàu thuyền Trung Quốc bao vây cản trở hoạt động của tàu nghiên cứu hải dương Impeccable của hải quân Mỹ đang thu thập thông tin tình báo đáy biển ngoài khơi đảo Hải Nam. Tháng 3/2010, phía Trung Quốc nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg rằng lợi ích của họ ở Biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi”. Tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ lần thứ hai, tháng 5/2010 tại Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại, đã nêu với phía Mỹ Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Bắc Kinh đưa bản đồ đường 9 đoạn hình lưỡi bò vào văn kiện gửi Ủy ban Liên hợp quốc về thềm lục địa mở rộng, ngày 7/5/2009, chính thức hóa tấm bản đồ “đường đứt đoạn” hình chữ U. 
Ngày 26/5/2011, 3 tàu Hải giám của Trung Quốc thực hiện một vụ gây hấn trắng trợn khi cắt đứt cáp thu địa chấn của tàu Binh Minh 02 đang hoạt động cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên), nằm trong vùng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Từ ngày 8/4 đến 18/6/2012, diễn ra cuộc đối đầu tại vùng bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham giữa Trung Quốc với Philippines.
 Ngày 21/6/2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” (thuộc Hoàng Sa - Việt Nam) và Khu cảnh bị, nhằm thiết lập cứ điểm tại Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. Việc thành lập “thành phố Tam Sa” và Khu cảnh bị Tam Sa  là bước phát triển mới của chiến lược bá quyền Biển Đông của Trung Quốc.
Tam Sa mở đầu giai đoạn mới Trung Quốc tranh đoạt Biển Đông, tích cực tranh chấp, tích cực khai thác, tạo ra những xung đột lợi ích ngày càng gay gắt với các nước lớn liên quan./.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Khắc tinh nguy hiểm của tàu ngầm Kilo

Trước sự gia tăng của các tàu ngầm diesel-điện, trong đó có tàu ngầm lớp Kilo và khả năng “vô hình” của chúng, Mỹ đang phát triển “thợ săn tàu ngầm không người lái” ACTUV nhằm mục đích chống lại sự nguy hiểm các tàu ngầm diesel.
Nhờ trang bị thêm công nghệ đẩy khí độc lập AIP, các tàu ngầm điện - diesel hiện đại có thể hoạt động dưới nước trong nhiều ngày. Dù phạm vi hoạt động có phần hạn chế, nhưng chúng có thể hoạt động ở các vùng nước nông ở ven biển, nơi mà những tàu ngầm hạt nhân không thể hoạt động và chúng cũng rẻ hơn rất nhiều lần so với các tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm diesel cũng trở nên "vô hình" dưới lòng biển khi tắt động cơ, điều gần như không thể đối với tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm lớp Kilo là lớp tàu ngầm diesel êm nhất thế giới với khả năng ẩn nấp, biến mất và săn ngầm cực kì hiệu quả trong tác chiến ở vùng biển xa bờ.

Sự phát triển của những tàu ngầm chạy êm như Kilo khiến Hải quân Mỹ đứng ngồi không yên. Để đối phó với các mối đe dọa này, Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Quân đội Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 58,4 triệu USD cho Hiệp hội Khoa học Ứng dụng Quốc tế (Science Applications International Corporation - SAIC) ở McLean, bang Virginia để để phát triển "thợ săn tàu ngầm không người lái" có khả năng hoạt động độc lập dưới lòng biển trong nhiều tháng mà không cần sự can thiệp của con người.

ACTUV là một phương tiện không người lái dưới nước và có hình dáng giống như một tàu ngầm thu nhỏ, có khả năng hoạt động ở độ sâu ngập kính tiềm vọng (dưới bề mặt nước biển), được trang bị một hệ thống sonar tối tân để phát hiện tàu ngầm, bao gồm cả một sonar chủ động hoạt động ở tần số cao.

Phương tiện ACTUV hoạt động liên tục dưới biển tới 80 ngày, trong phạm vi 3.000 km (tính từ vị trí triển khai ban đầu) với tầm hoạt động tối đa là 6.200 km để liên tục tìm kiếm các tàu ngầm trong một khu vực nhất định mà nó được giao nhiệm vụ.

Các phương tiện theo dõi tàu ngầm sẽ truyền thông tin về tọa độ của tàu ngầm đối phương, phục vụ cho hoạt động tác chiến của lực lượng chống ngầm.

ACTUV không cần thủy thủ đoàn. Việc phát triển, chế tạo và vận hành tàu chiến robot cũng rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/10 so với chi phí để sản xuất và vận hành của các hệ thống săn ngầm thông thường.

Tàu có thể hoạt động dưới biển, những nơi có quá nhiều nguy hiểm cho các thủy thủ, và cũng không cần dự trữ nổi và độ ổn định của một tàu chiến thông thường.

Theo kế hoạch chương trình, mẫu thử nghiệm ACTUV đầu tiên sẽ bắt đầu thử nghiệm trên biển trong khoảng giữa năm 2015.

Theo yêu cầu của DARPA, ACTUV phải được triển khai 3 lần/năm (mỗi lần triển khai trong 80 ngày trên biển và sau mỗi lần triển khai sẽ dừng 40 ngày để bảo dưỡng), phải có thời gian phục vụ 15 năm và chi phí không nhiều hơn 20 triệu USD/đơn vị. Trung tâm sẽ thực hiện điều khiển ACTUV và ra các quyết định trong nhiều tình huống
Theo Phunutoday

'Mắt thần' trên biển Đông


Xây trên nền san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét, những nhà giàn DK1 đã trở thành "làng trên biển", được đánh giá là công trình phi thường, "chưa từng có tiền lệ trên thế giới".

 Hơn 20 năm trước, PGS.TS Phạm Ngọc Nam (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công binh) được giao nhiệm vụ cùng với đồng nghiệp thiết kế Trạm dịch vụ Kinh tế Khoa học Kỹ thuật (công trình nhà giàn DK1). Đôi mắt xa xăm, đôi tay run run lật giở từng trang "Nhật ký đời biển – DK1", ông Nam cho biết, các nhà giàn chốt giữ trên bãi san hô ngầm ở thềm lục địa phía Nam, khu đặc quyền kinh tế, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nơi rất giàu tài nguyên của đất nước.
 "Đây là tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, trong đó có sự đề xuất của Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương khi ấy, và DK1 là đỉnh cao của chiến lược phòng thủ biển, bảo vệ đất nước từ hướng biển", ông Nam nói.
Theo vị Chủ nhiệm thiết kế công trình DK1, từ năm 1985, Đô đốc Cương đã dự báo trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam. Hơn nữa, thực tiễn chiến tranh vệ quốc của dân tộc, đối phương tấn công ta phần lớn là từ đường biển nên cần bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ hướng biển.
Ý tưởng xây dựng nhà nổi được Đô đốc Cương trình lên Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ý tưởng được thông qua, ông Nam được giao làm chủ nhiệm thiết kế. Ngày 6/11/1988, đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa để thăm dò.
 Để đảm bảo tính chính xác trong tính toán, ông Nam cũng mời nhiều cơ quan tham gia tính toán độc lập nhau để đối chứng, tăng độ tin cậy. Ngoài ra, nhóm cũng kiểm tra đến từng chi tiết đến tổng thể công trình về độ bền, ổn định, dao động, chuyển vị, độ bền từng nút, công phu…
“Công trình DK1 đã có sức mạnh tổng hợp từ đông đảo các nhà khoa học, các trung tâm tính toán công trình biển của cả nước tham gia đối với hai loại nền mới lạ trái ngược nhau là nền đá san hô và nền có lớp bùn mặt dày lớn”, ông Nam cho biết.
 Để xây dựng được nhà giàn trên nền san hô cũng như nền có lớp bùn rất dày, ông đã dùng phương án móng cọc thép mà không dùng móng trọng lực hay khi gia cường nâng cấp công trình là loại móng cọc kết hợp với gia trọng. Ông đã sáng tạo ra kết cấu cọc đặc biệt để có thể đóng được vào nền đá san hô, quả búa cũng phải tương thích 18 tấn hoặc 30 tấn. Thời điểm đó Việt Nam có hai tàu lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Tàu Hoàng Sa có sức cẩu 1.200 tấn, tàu Trường Sa có hai móc cẩu, cùng lúc cẩu được 600 tấn và đầu máy có công suất khoảng 15.000 mã lực, sàn rộng 54m, dài 170m.
Sau gần 7 tháng khảo sát và chuẩn bị, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần trụ giữa biển Đông với tư cách là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”. Tiếp sau đó, công trình DK1/1 được thi công tại bãi Tư Chính ngày 27/6/1989. Khối hạ tầng, chân đế do ban quản lý công trình Dầu khí thiết kế, liên doanh dầu khí Việt - Xô thi công. Tại đây, cọc chỉ đóng vào nền đá san hô sâu được 2-2,5m do chưa tương ứng về mấu và cọc. Khối nhà ở, thượng tầng do ông Nam thiết kế, xí nghiệp X49 Bộ Tư lệnh công binh thi công.
Hai công trình DK1/3,4 do Bộ Giao thông Vận tải thiết kế, xây dựng năm 1989 với phần hạ tầng bằng phương án trọng lực. Thượng tầng (nhà ở) do TS Nguyễn Xuân Kiên thiết kế, X49 thi công. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố hai công trình này chỉ đáp ứng yêu cầu chính trị mà người chưa ở được.
"Do lần đầu tiên xây dựng công trình trên biển, đối mặt với những dòng chảy dữ dội, những đợt sóng thần, những bất thường về khí tượng thủy văn, dòng hải lưu, thăm dò thực tế còn thiếu nên chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn", ông Nam nói.
Nối tiếp thành công của những nhà giàn đầu tiên, đơn vị thiết kế và thi công của ông Nam tiếp tục rút kinh nghiệm để xây dựng thành công các nhà giàn tiếp theo. Công trình DK1 sau được thiết kế thấp hơn để tránh bị rung lắc khi có sóng và có bãi đáp máy bay được thiết kế trên nóc nhà. Các nhà giàn từ chỗ không có điện đến có điện bằng năng lượng mặt trời, thiết bị thu sóng vô tuyến, có thùng xốp trồng rau xanh…
"Mắt thần DK" vững chãi trên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.
DK1/5,6 tiếp tục được xây dựng ở đảo ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên. Khi thi công hai nhà giàn này, bộ đội ta đã phải đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết. Khi đang cẩu lắp chân đế, đóng cọc thì bão ập tới, văng, dật, lắc liên hồi. Sau 22 giờ vật lộn với sóng gió, đơn vị thi công cũng chỉ cẩu xong được 4 cọc (bình thường thì cẩu - thả một cọc vào ống chân đế chỉ mất 30 phút). Sau khi thả cọc vào ống chân đế là công đoạn đóng cọc. Việc đóng được cọc vào nền đá san hô chính là mấu chốt thành công của công trình DK1.
Người chủ nhiệm thiết kế nhà giàn vẫn nhớ như in, khoảng 23h ngày 26/10/1990, một tàu nước ngoài đã xông thẳng vào đội hình ta đang thi công. Trước tình huống nguy cấp, tàu Hải quân hộ tống đoàn thi công đã bắn cảnh cáo, buộc tàu lạ chạy ra xa khoảng 5 hải lý.
Vượt lên mọi khó khăn, các nhà giàn tiếp nối từ DK1/7 đến DK1/21 được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường đến Cà Mau. Từ nhà giàn đầu tiên, đến nay chúng ta đã đóng được hàng chục cọc với độ sâu đến vài chục mét theo yêu cầu thiết kế.
Vì là công trình xây dựng trên bãi đá ngầm ở biển nên ngoài việc chống ăn mòn, nhóm thiết kế và thi công phải luôn luôn kiểm tra, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng định kỳ bằng lực lượng tại công trình và chuyên trách hợp lý. Ngoài ra, còn phải gia cố, nâng cấp công trình DK1 phù hợp với tình hình mới.
Mới đây, nhà giàn Phúc Nguyên, DK1/15 mới được xây dựng bên cạnh nhà giàn cũ. Đây là nhà giàn thế hệ thứ ba có kết cấu vững chắc, liên hoàn vởi diện tích khoảng 250m2. Sự vượt trội của nhà giàn mới so với nhà giàn xây dựng trước đó là hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nhiều gấp 3 lần. Mùa mưa bão không có ánh mặt trời, hoặc sương mù, các chiến sĩ vẫn có điện dùng để chiếu sáng, nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem ti vi trong một tháng, trong đó các nhà giàn khác chỉ khoảng 10 ngày.
"DK1 là công trình được xây dựng ở những khu vực đặc biệt đặc thù mới lạ, cả trong nước và thế giới đều chưa có tiền lệ, được nhiều nhà khoa học danh tiếng đánh giá là 'phi thường', công trình dũng khí’. Không chỉ có ý nghĩa to lớn về chính trị, quốc phòng, an ninh, DK1 còn mở ra tương lai tươi sáng cho việc chinh phục biển vốn còn non trẻ của nước ta", người thiết kế nhà giàn nói.
Sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, 20 nhà giàn DK1 của Việt Nam đang hiên ngang giữa đất trời, là cột mốc sống, tạo thành phên giậu, khẳng định chủ quyền đất nước trên biển Đông. Các trạm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật này cũng được gọi là "những ngôi làng trên biển", "khách sạn giữa biển Đông" hay “mắt thần trên biển”.
Hoàng Thùy

Biển Đông: "Nếu lặng im thì đó là sự hèn nhát không chấp nhận được"

"Khi danh dự buộc con người phải lên tiếng mà ta lại lặng im thì đó là một sự hèn nhát không thể chấp nhận được".
LTS: Khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, cả thế giới đang lên án trước những hành động gây hấn leo thang của Trung Quốc tại biển Đông, những người con Việt Nam vẫn một lòng hướng về những mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Từ những lá thư của đồng bào trong nước cho đến những bức tâm thư của những học giả gốc Việt ở nước ngoài gửi về đều thấm đẫm tình cảm yêu thương của mình với Hoàng Sa, Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió. Bức thư của nữ sinh Nguyễn Thị Phương Trinh, lớp 12 Chuyên Văn - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định (Giải nhì Quốc gia môn Ngữ văn 2012) là một trong số đó.

 Anh tôi - Người lính Trường Sa

Anh tôi là lính. Ngày anh nhập ngũ là cái ngày tôi bắt đầu nghĩ về Trường Sa. Không còn đơn giản chỉ là một cái tên lạnh lùng nằm trên bản đồ địa lý của Tổ quốc, Trường Sa là nơi mà anh - khúc ruột trên của mẹ sẽ sống, rèn luyện và thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình, là một miền thương nhớ sẽ đi về trong thâm tâm tôi.

Trước đây, nói đến đất nước mình, tôi thường chỉ nghĩ đến một dải đất cong hình chữ S nằm bên bờ biển Đông xanh thẳm. Cái vùng đất giữa biển khơi kia sao mà xa lạ đến thế. Nhưng giờ đây, Trường Sa có anh. Nhớ anh, yêu mến anh, đọc thư anh rồi tự lúc nào thấy Trường Sa thật gần gũi. Cũng như anh với tôi, dẫu xa xôi, nhưng tình cảm ruột thịt chẳng thể nào chia cắt nổi.
 Anh được nghỉ phép và trở về trong sự mong chờ, nhớ nhung của người thân, nhất là lũ trẻ chúng tôi. Đứa nào cũng háo hức bắt anh kể thật nhiều chuyện, xem đi xem lại mấy tấm ảnh về Trường Sa. Trường Sa xinh đẹp nằm giữa mênh mông sóng nước, cuộc sống con người gắn chặt với thuyền, với biển. 

Chắc hẳn đứng ở trên biển đảo mà nhìn ra đại dương thì khác hẳn với việc vờn mấy con sóng nhỏ ở bờ biển Sầm Sơn hay Cửa Lò... Đứa nào cũng ước ao một lần được ra đảo. Có đứa còn quyết tâm lớn lên sẽ giống như anh, làm người lính đứng gác ở Trường Sa. Cái tình cảm con trẻ cứ nảy nở tự nhiên và ngây thơ như vậy, nhưng trong sáng và thật đáng yêu. Tình yêu Tổ quốc của tôi bắt đầu từ những điều như thế!

Anh về lần này trông cao lớn hơn hẳn dạo trước. Da ngăm đen, thân thể cường tráng. Anh có vóc dáng của một chàng thanh niên đã kinh qua sự đào tạo của quân đội, đã ăn sâu trong mình vị muối mặn của biển cả, đã nếm trải đủ mọi sóng gió của đại dương. Đến nỗi mà khi anh ở trần, tôi có thể cảm nhận được cái hơi đất, hơi nước Trường Sa toát ra từ người anh nồng nồng, đậm đậm. Chắc rằng anh đã yêu Trường Sa lắm.
Anh cũng trầm tĩnh, chững chạc và ít nói hơn. Nhiều khi, tôi có cảm giác anh như là một ngọn núi giữa đại dương trập trùng sóng nước mà vẫn uy nghiêm, sừng sững, lấy sự im lặng để tôn lên vẻ hùng vĩ của mình. Đó phải chăng cũng là tư thế đứng thẳng, ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh và tự hào của anh khi khoác cây súng trên vai canh giữ biển trời Tổ quốc.

Và cũng giống như sự im lặng ngàn đời của núi không phải cách để núi ẩn mình bạc nhược, vẻ trầm tĩnh, ít nói của anh luôn chứa đựng sự kiên nghị, vững vàng. Anh biết cách chọn thời điểm thích hợp để cất tiếng nói. Anh bảo "Khi danh dự buộc con người phải lên tiếng mà ta lại lặng im thì đó là một sự hèn nhát không thể chấp nhận được". Anh tôi – người lính đảo là thế đấy!.

Ngày mai, anh lại lên đường, lại đến với Trường Sa thân yêu. Khoảng trời xanh, vùng biển xanh, miền đất xanh, và cả tuổi trẻ tươi xanh của anh nữa sẽ góp phần vào màu xanh vĩnh cửu của đất nước quang vinh. Đi đi anh, Trường Sa đang vẫy gọi Trường Sa của anh, của em, của chúng ta, của Việt Nam yêu dấu ngàn đời.

Nguồn Giaoduc.net.vn
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang