TQ đã rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng đằng sau nó còn ẩn chứa rất
nhiều âm mưu mà VN cần xem xét và chuẩn bị biện pháp đối phó.
Kể từ khi Trung Quốc “lặng lẽ” đem giàn khoan khổng lồ “Hải
Dương 981” ngang nhiên hạ đặt trái phép vào khu vực biển thuộc vùng đặc quyền
kinh tế, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam (ngày 02-05), cho đến khi nước
này “ầm ĩ” rút giàn khoan kia về nước (ngày 15-07) đã hơn 2 tháng.
Trong khoảng thời gian này, truyền thông Việt Nam và quốc
tế đã tốn biết bao giấy mực, phân tích đủ mọi góc độ để trả lời câu hỏi: Vì sao
Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế kéo giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ
quyền của Việt Nam khai thác dầu khí? Và vì sao họ lại đột ngột rút giàn khoan
này về một cách chóng vánh như vậy?
Không khó để trả lời câu hỏi vì sao Trung Quốc đưa giàn
khoan 981 hạ đặt trái phép tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới
chuyên gia phân tích trong và ngoài nước đều cho rằng, ngoài yếu tố thăm dò dầu
khí, mục đích “cốt lõi” của họ chính là thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông,
biến nó thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Còn về lý do tại sao Bắc Kinh lại quyết định rút giàn khoan
này sớm hơn dự kiến? (theo công bố của phía Trung Quốc, kế hoạch tác nghiệp của
giàn khoan này tại vùng biển của Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 15-08). Về vấn
đề này, có rất nhiều luồng ý kiến đưa ra bởi các chuyên gia phân tích chính
trị, quân sự, các học giả và quan chức ngoại giao...
Một vài ý kiến phân tích cho rằng là do cơn bão siêu mạnh
Rammasun đang dồn dập kéo vào biển Đông, nếu còn “gan lì” ở đó, chắc chắn giàn
khoan này cùng hàng trăm tàu bảo vệ của họ sẽ bị cuốn chìm xuống đáy đại dương.
Một số học giả quốc tế lại cho rằng, Trung Quốc rút giàn
khoan là do vấp phải sự phản kháng kịch liệt từ phía Việt Nam và sự lên án mạnh
mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Đó là những phân tích đánh giá của giới học giả nước ngoài,
còn nội bộ Trung Quốc cũng có những ý kiến bình luận về vấn đề này. Trong đó,
cần phân tích và mổ xẻ 4 nguyên nhân mà ông Quản Thanh Hữu - Chuyên gia hàng
đầu về kinh tế vĩ mô, chuyên viên cao cấp Tập đoàn dầu khí hải dương Trung
Quốc, Giáo sư thỉnh giảng Đại học dầu khí Trung Quốc, đã chỉ ra.
Thứ nhất, nguyên nhân khiến Bắc Kinh rút giàn khoan hải
Dương 981 là do nước này đã đạt được mục đích chính trị. Ở một mức
độ nào đó, hoạt động này chính là nước đi cuối cùng của nấc thang
thăm dò chính trị, bởi Trung Quốc muốn bày tỏ ý công khai chủ quyền,
điều tra tính khả thi về khai thác nguồn tài nguyên kinh tế hải dương
tại vùng biển Hoàng Sa.
Đến nay, về cơ bản là Trung Quốc đã đạt được mục
đích, đây là thời cơ thích hợp nhất để Bắc Kinh di chuyển giàn khoan.
Hành động hạ đặt (trái phép) giàn khoan tại vùng biển Hoàng Sa lần
này đã có được nhiều bước đột phá quan trọng, Trung Quốc đã thay đổi
được hiện trạng, đã thực hiện được ý đồ chủ động tranh chấp, tạo
tranh chấp và buộc các bên phải giải quyết vấn đề trong tranh chấp.
Đây là một nước cờ rất hiểm của Bắc Kinh hòng đánh lừa dư
luận quốc tế là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái
phép của Việt Nam là khu vực “có tranh chấp”, buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn
đàm phán song phương với Trung Quốc về những vấn đề thuộc chủ quyền không thể
tranh cãi của Việt Nam.
Vì vậy, chúng ta cần nhận thực rõ sau tuyên bố của vị giáo
sư họ Quản là cái gì, đó chính là Trung Quốc đưa giàn khoan ra hạ đặt ở Hoàng
Sa chủ yếu vì những mục đích chính trị và nếu chúng ta không có đối sách kịp
thời, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành bước 2, bước 3 của chiến lược này nhằm độc
chiếm biển Đông.
Thứ hai, là do thái độ của Mỹ đã thay đổi theo chiều
hướng quyết liệt hơn. Vị học giả họ Quản cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt
giàn khoan 981 tại vùng biển Hoàng Sa lần này đã gặp phải sự chỉ
trích rất lớn của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Ý đồ của ông
này là Trung Quốc nên suy xét kỹ và “biết cương, biết nhu” đúng lúc.
Về vấn đề biển Đông, trên thực tế Mỹ chưa bao giờ
có thái độ đứng ngoài quan sát. Ngày 10-7, Quốc hội Mỹ đã thông qua
nghị quyết 412 yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, trả
lại nguyên hiện trạng trước ngày 01-05 cho vùng biển này. Đây là một
động thái khá quyết liệt chứ không “trung dung” như khi Trung Quốc chiếm đoạt
bãi cạn Scarborough của Philippines.
Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược thì
rất có thể Mỹ sẽ không còn thái độ “lừng khừng”, quyết liệt xoay trục về châu
Á-Thái Bình Dương, như vậy sẽ “lợi bất cập hại” đối với Bắc Kinh. Trung Quốc
nên để Mỹ có thời gian “bận tâm tới những điểm nóng khác”, sau đó mới tiếp tục
các hành động của mình.
Vì vậy, ông Quản cho rằng, đến thời điểm này, Trung Quốc
dừng lại là đúng, không nên “ôm tất cả lửa vào mình”
Thời gian qua, phản ứng của cộng đồng quốc tế trước vụ việc
hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã dâng lên đền hồi “cao trào”, Trung Quốc muốn
chia cắt nó thành từng đợt sóng nhỏ, không để tích tụ thành một “cơn sóng
thần”. Vì vậy, Bắc Kinh dùng kế “rút củi dưới đáy nồi”, rút lui chờ dịp khác để
hạ nhiệt những chỉ trích đang ngày càng quyết liệt của cộng đồng quốc tế.
Do vấp phải sự phản đối kịch liệt của Việt Nam, năm
1996 họ đã rút khỏi khu vực phía bắc bãi Tư Chính. Việc Trung Quốc
chấp nhận “nhún nhường” là vì khi đó họ còn thiếu về trang thiết
bị kỹ thuật khai thác. Đồng thời khi đó, lực lượng hải quân của họ cũng
còn mỏng yếu, lực lượng chấp pháp trên biển cũng mới đang manh nha được xây
dựng.
Lần này, quay lại biển Đông cùng với giàn khoan bán ngầm
nước sâu Hải Dương 981, được cho là hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới, đảm
bảo đủ các yếu tố phục vụ công tác khai thác dầu khí tại các khu
vực nước sâu là một bước đi có chủ địch mang tính thực tiễn cao, nhằm
khai thác dầu khí tại biển Đông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, để phát hiện được trữ lượng dầu khí tại
khu vực biển Hoàng Sa cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ một
vài mũi khoan chưa thể giúp Bắc Kinh khảo sát được hết tiềm năng ở khu vực này.
Hơn nữa, Bắc Kinh chưa tiến hành thăm dò địa chất 3D trước ở vùng biển này,
vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai giàn khoan vào thăm
dò, khai thác dầu khí.
Mặt khác trước khi đưa Hải Dương 981 vào biển Đông, Bắc
Kinh cũng chưa có được sự nghiên cứu và tính toán về yếu tố kinh tế một
cách kỹ lưỡng. Trung Quốc chỉ “mường tượng” rằng, khu vực này thể hiện có
tiềm năng về dầu khí, chứ Bắc Kinh chưa hề bước sang giai đoạn phát
hiện, xây dựng quy trình mang tính công nghiệp và thương mại.
Thứ tư, Bắc Kinh không hề muốn xảy ra một cuộc
chiến tranh, bởi chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì. Trong
bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng, tranh chấp trên biển đang
ngày một nóng hơn, tranh chấp chủ quyền hải dương dường như đã trở
thành vấn đề nhạy cảm, có thể là tiền đề bùng phát một cuộc chiến tranh
vì vấn đề kinh tế.
Bắc Kinh không muốn gặp phải sự việc tương tự như sự kiện
ở Ukraine, khiến nước Nga phải liên tiếp đón nhận sự bao vây cấm vận từ Mỹ
và phương Tây. Bởi thời đại ngày nay không còn là thời đại thích hợp cho
việc sử dụng sức mạnh vũ lực.
Trong thời đại toàn cầu hóa, những cuộc chiến tranh
hiện đại “không khói súng”, sẽ chủ yếu sử dụng các thủ đoạn bao vây, phong
tỏa, cấm vận để triệt hại về kinh tế. Vì thế, hành động rút giàn khoan Hải
Dương 981 không phải vì bão, không hẳn là vì sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế
mà chỉ là một “khoảng lặng” trước khi Bắc Kinh thực hiện những nước đi mới nhằm
độc chiếm biển Đông.
Xét một cách toàn diện, khả năng xảy ra cuộc chiến quân
sự tại biển Đông trong tương lai là thấp, bởi Bắc Kinh sẽ xem xét phương
thức nào có lợi cho họ nhất. Sử dụng biện pháp uy hiếp bằng sức mạnh quân sự
là lựa chọn tồi tệ nhất, dùng “cây gậy kinh tế” cũng sẽ gây ra những tổn
thất cho chính họ, vì vậy trong tương lai nhất định Bắc Kinh sẽ nghĩ ra
những chiêu trò mới.