Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Chuyên gia vạch rõ mưu đồ đưa giàn khoan của Trung Quốc

"Ta cần có động thái mạnh mẽ hơn, ngăn cản hành động của Trung Quốc trên Biển Đông".
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an đã nói như vậy trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào gần Lý Sơn.
Phản ứng chưa tương xứng
Chia sẻ trên tờ VTC, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, phản ứng của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, sau khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ vào Biển Đông là chưa tương xứng.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có phản ứng mạnh mẽ hơn trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ ra Biển Đông
Dẫn lại lịch sử từ hàng ngàn năm nay, đối với quan hệ Việt – Trung, Tướng Cương cho rằng: "nếu chúng ta không cứng rắn, Bắc Kinh sẵn sàng lấn át, vì thế lần này ta cần có động thái mạnh mẽ hơn, ngăn cản hành động của Trung Quốc trên Biển Đông".
Theo đó, trước tiên, điều Việt Nam cần làm hiện nay là phải nói cho 8 tỉ người trên hành tinh này, trong đó có 1,3 tỷ dân Trung Quốc, nói cho 90 triệu người Việt và 5 triệu kiều bào hiểu rằng, hành động đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 2/5 vừa qua của Trung Quốc vi phạm trắng trợn mọi luật phát quốc tế về biển.
Đồng thời ông cũng cho rằng: chúng ta cần có những động thái ở cấp cao hơn, tương đương với Trung Quốc, đó là Chính phủ Việt Nam. Các hành động này có thể qua nhiều kênh khác nhau như đường dây nóng, công hàm trực tiếp đến Bắc Kinh.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì cho rằng: "Đây là một bước đi vô cùng nguy hiểm, vi phạm đến lợi ích kinh tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (Công ước) đã quy định".
Theo ông Trục, cách đây mấy năm, Trung Quốc đã rùm beng công bố và đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất giàn khoan này. Hạ đặt giàn khoan khổng lồ khác hoàn toàn những hành động trên giấy tờ, phát ngôn hoặc gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí. Đây là hành động cốt lõi để Trung Quốc thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông, tranh giành lợi ích sống còn của các nước trong khu vực về kinh tế, dầu khí.
Đưa giàn khoan ra Biển Đông không chỉ là một bước mới trong việc hiện thực hóa yêu sách vô lý đường lưỡi bò của Trung Quốc mà một lần nữa khẳng định lập trường chủ quyền của họ với quần đảo mà nước này gọi là Tây Sa. Khi đó, Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với tư cách như một quốc gia quần đảo để tạo ra vùng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đây là những điều cực kỳ nguy hiểm.
"Vị trí được chọn để hạ giàn khoan cho thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ. Giàn khoan HD 981 được hạ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là 81 hải lý. Chiểu theo quy định của Công ước, rõ ràng giàn khoan của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước", ông Trục nói.
Trước tình thế này, ông Trục cho rằng: cần thiết phải có những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ hơn nữa, bằng Công hàm chính thức gửi cho phía Trung Quốc, cũng như gửi lưu chiểu cho các tổ chức quốc tế.
"Không thể dừng lại ở tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Công hàm có những lời lẽ phân tích đầy đủ, chính xác, tránh những câu có tính nguyên tắc, chung chung, vì sẽ khó thuyết phục", ông Trục nhấn mạnh.
Học giả quốc tế cũng phản ứng
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, người từng đưa ra quan điểm phản bác “đường lưỡi bò” hay “đường chin đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố phi lý ở biển Đông, đã viết trên blog cá nhân của ông trên mạng Sina rằng Trung Quốc nên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, vị học giả này cũng từng trả lời với thời báo Hoàn Cầu rằng Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.
Ông khẳng định nội dung liên quan đến vấn đề này ông thường xuyên viết trên blog của mình trong thời gian gần đây, ông hi vọng phóng viên của Thời báo Hoàn Cầu nên xem qua.
Học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường chín đoạn" là đường biên giới quốc gia của mình. Ông Lý cũng từng nhận định các học giả và phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề biển Đông, trong khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở biển Đông là đúng.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/5 cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí nước sâu khổng lồ Hải dương 981 (HD 981) vào vùng biển thuộc chủ quyển Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: “Với lịch sử căng thẳng gần đây ở Biển Đông, việc Trung Quốc quyết định vận hành giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có tác dụng duy trì hòa bình, cũng như ổn định trong khu vực”.
Giới quan sát quốc tế nhận định rằng, một trong những mục đích của động thái khiêu khích này của Bắc Kinh là nhằm gửi tín hiệu thách thức đến Washington.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng cho rằng, có thể động thái này còn nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận Trung Quốc đối với hành vi khủng bố liên tiếp xảy ra trong mấy tháng gần đây ở nhà ga Côn Minh và nhà ga phía Nam thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên tổ chức tuần tra trái phép ở Biển Đông nhằm khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh ở khu vực, nhưng chủ yếu là liên quan đến các hoạt động tuần duyên và bảo vệ dân sự hàng hải chứ không phải là hải quân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Biển Đông Ian Storey ở Viện nghiên cứu chiến lược Singapore, việc đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia khác là một sự leo thang đáng kể của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp.
Nguồn Baodatviet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang