Mua loại vũ khí gì mới chỉ là phần ngọn, mua của ai và cách mua như thế nào mới là phần gốc của vấn đề.
Cuộc hải chiến trên quần đảo Falkland (Malvinas) giữa Vương quốc Anh và Argentina được coi như là một trận hải chiến lớn nhất từ sau thế chiến lần 2 đến nay.
Trận hải chiến đã để lại cho giới quân sự những bài học bổ ích trong nghệ thuật tác chiến hiện đại trên biển…, nhưng với Việt Nam, kinh nghiệm từ Argentina, không những thế, còn lớn hơn, đó là: Mua sắm vũ khí ra sao và như thế nào trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tự chủ được tên lửa diệt hạm Kh-35 là tham vọng trong tầm tay của Việt Nam từ năm 2013 |
Hơn 30 năm trôi qua, kể từ khi bắt đầu trận hải chiến, giờ đây, chúng ta không quan tâm đến diễn biến, chiến thuật tác chiến của Anh hay của Argentina làm gì nữa. Với Việt Nam, điều cần nhớ là: trong trận hải chiến đó, Argentina đã bị thất bại cay đắng. Nói là “cay đắng” bởi vì hầu như các chuyên gia quân sự, giới quan sát trên thế giới, đều cho rằng, nếu như có đủ tên lửa Exocet thì hải quân Hoàng gia Anh sẽ ôm hận.
Tên lửa Exocet là của Pháp sản xuất bán cho Argentina đã phát huy sức mạnh khiến Hải quân Anh mất tinh thần. Khi cuộc chiến đang vào giai đoạn quyết định thì Anh chặn Pháp không bán tên lửa Exocet cho Argentina dù qua trung gian Peru. Pháp là đồng minh với Anh, Mỹ mà không nghe theo là chuyện lạ.
Một câu hỏi đặt ra là, điều gì sẽ xảy ra nếu tên lửa diệt hạm đó không phải mua của Pháp mà của Nga? Quả thật, chỉ sau khi hết vụ này đến vụ khác, nước Anh đều ra tay ngăn cản Argentina mua vũ khí phục vụ cho tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Falkland, như máy bay hay tên lửa diệt hạm…thì Argentina mới nhận thức ra được vấn đề bằng cách, mua vũ khí Nga qua vụ máy bay SU-24.
Và chắc chắn, nếu Argentina cần SU-30, tên lửa diệt hạm hiện đại…thì Nga cũng sẵn sàng bán ngay, để dạy cho nước Anh một bài học về cảm giác khi bị kẻ nào đó nhúng mũi vào chuyện người khác.
Vụ Pháp bán tàu Mistral cho Nga cũng vậy thôi, khi bị Mỹ và NATO ép thì Pháp cũng sẵn sàng “bất tín” một lần nữa. Hành động bạc nhược của Pháp đã khiến Ấn Độ nghi ngại trong thương vụ mua 126 máy bay Rafale, bởi không chắc rằng, Pháp sẽ không bội tín dưới sức ép của Mỹ hay Trung Quốc sẽ khiến không quân Ấn Độ dang dở.
Như vậy, mua vũ khí là phải tính đến đối tượng tác chiến trực tiếp, trước mắt và lâu dài là ai, kẻ đó có liên quan gì đến người bán…Nếu như bất chấp điều này, thì khi chiến tranh xảy ra, kết quả vẫn là “cay đắng”.
Một số người vội mừng và đặt cược hết toàn bộ vào vũ khí Mỹ khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí là ngây thơ. Đã biết và hiểu rõ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ như thế nào chưa?
Thông cáo Thượng Hải giữa Mỹ và Trung Quốc năm 1972, trong đó Trung Quốc thỏa thuận với Mỹ ngăn cản sức tấn công của ta vào miền Nam bằng cách ngừng viện trợ vũ khí, đạn dược, đồng thời cướp và ngăn chặn không cho vũ khí Liên Xô quá cảnh sang Việt Nam…chẳng phải là bài học giá trị sao.
Vậy vũ khí của quân đội Việt Nam mua của ai và mua như thế nào?
Rõ ràng là gần 90% vũ khí, Việt Nam mua sắm là từ Nga và hầu như các loại vũ khí Nga đều tạo nên xương sống cho sức mạnh của các quân binh chủng như Không quân, Hải quân…
Một vấn đề đặt ra là, liệu mối quan hệ của Nga-Trung có ảnh hưởng gì đến tranh chấp chủ quyền biển đảo Việt Nam-Trung Quốc nếu như xung đột quân sự nổ ra hay không?
Lúc đó, toàn bộ vũ khí Nga mà chúng ta đang sử dụng, liệu có xảy ra hiện tượng như Argentina, nghĩa là thiếu, cần bổ sung, nhưng mua, Nga không bán, khi hư hỏng thì không có đủ thiết bị thay thế, sửa chữa, thậm chí các tính năng kỹ, chiến thuật bị “bán” cho đối thủ…hay không?
Rất khó trả lời một cách chính xác cụ thể, chẳng hạn Nga không lên tiếng trong vụ giàn khoan Trung Quốc, nhưng tốc độ hoàn thành hợp đồng 6 chiếc tàu ngầm cho Việt Nam lại được Nga tăng tốc...thì đâu là chính, đâu là phụ?...
Và… có vẻ như, Nga và Việt Nam (cả hai) đã thống nhất, lường tính trước những tình huống tương tự.
Thứ nhất, như chúng ta đã biết quan hệ Nga-Trung là đối tác, đối tượng (tác chiến) đan xen lẫn nhau. Về đối tác thì ai cũng biết vì được tuyên truyền rộng rãi, nhưng về đối tượng thì điều tế nhị, khó tuyên bố, tuy nhiên, hãy xem việc họ mua bán vũ khí với nhau là hiểu.
Nguyên tắc bất di, bất dịch là vũ khí sẽ được bán cho ai mà không dùng nó chống lại mình. Mới đây, Trung Quốc muốn mua máy bay ném bom chiến lược TU-22 của Nga nhưng Nga không bán dù đã bị Nga loại khỏi biên chế, bán sắt vụn…đã chứng minh về đối tượng, độ tin cậy…rất rõ ràng: Trung Quốc không phải là liên minh chiến đấu và cũng không phải là bạn thân thiết. Bởi vậy, Nga bán vũ khí cho Trung Quốc như thế nào, ra sao đều được tính toán kỹ, tiền không thể hơn an ninh quốc gia, như ví dụ trên.
Thứ hai, do quan hệ Nga-Việt là mối quan hệ truyền thống, có độ tin cậy cao, nên khâu chuyển giao công nghệ để Việt Nam tự chủ, đặc biệt là tự chủ về số lượng đạn, tên lửa cho ý đồ chiến dịch, chiến lược phòng thủ, đã được đặt ra trong mọi tình huống có thể khi Nga ở vào thế không thể.
Cảng Cam Ranh đã trở thành một căn cứ Hải quân quan trọng, lợi hại nhất của hạm đội tàu ngầm, tàu chiến mặt nước hiện đại bậc nhất của Việt Nam…luôn có dấu ấn của Nga, đặc biệt là trung tâm huấn luyện tàu ngầm hiện đại nhất thế giới. Việc thỏa thuận vấn đề tàu chiến Nga ra vào quân cảng Cam Ranh chứng tỏ Việt-Nga đã có một cơ sở, nền tảng quân sự rất dày và vững mới tạo ra một độ tin cậy như thế.
Thứ ba, đây là một điều hết sức đặc biệt lý thú, đó là mối quan hệ tay ba Việt-Nga-Ấn. Có một cấu trúc và cơ chế cho Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam đủ sức làm chủ cuộc chơi trên Biển Đông gắn liền với Việt-Nga-Ấn. Một lực lượng không quân đủ sức làm chủ vùng trời Biển Đông cũng gắn liền với Việt-Nga-Ấn. Có thể nói Ấn Độ là sự bổ sung hoàn hảo nhất mà Nga không có thể, là người bạn quý, chung tình mà Việt Nam có được.
Như vậy, khi mua những loại phương tiện vũ khí chủ yếu tạo nên sức mạnh trụ cột của quân đội như tàu ngầm, máy bay, tên lửa…thì nhất thiết phải làm chủ được phần gốc của công nghệ để cải tiến kỹ thuật, tạo ra sự độc đáo, đồng thời đảm bảo đủ vật tư thiết bị kỹ thuật thay thế, sửa chữa, tự chủ được đạn dược…Tất cả những yêu cầu đó, người bán phải là những quốc gia có độ tin cậy cao, càng ít có mối quan hệ phức tạp càng tốt.
Trong khi đó, đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí, tức là lựa chọn mua những loại vũ khí có tính độc đáo trên thế giới, phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện tại, nhằm bổ sung những khiếm khuyết và nắm bắt công nghệ khi được chuyển giao, để phát triển nền công nghiệp quốc phòng cho riêng mình, đặc biệt là đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật nhờ loại trừ nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài vào vũ khí trong mọi tình huống, mọi hình thức.
Lựa chọn mua vũ khí để phù hợp với lối đánh, đủ sức đương đầu với các thác thức về an ninh chủ quyền mà không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, khó khăn bao nhiêu, thì mua ai, mua ra sao để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng phát triển, tiến tới tự chủ, làm chủ công nghệ, không bị nước ngoài can thiệp vào trong bất kỳ tình huống nào…càng khó khăn phức tạp hơn bội phần.
Argentina trong trận hải chiến Faikland là một bài học đắng cay không chỉ riêng ai.
Lê Ngọc Thống