Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Bao giờ Việt Nam có bom thông minh, tên lửa hành trình?

Khi mà sự vui mừng của giới am hiểu chuyên môn lắng xuống và sự dửng dưng, dè bỉu của vài người đã không còn dấu vết trong sự kiện Việt Nam chế tạo thành công UAV thì giờ là lúc những tinh hoa dân tộc Việt tự vấn mình: Khi nào chúng ta có những quả bom thông minh biết bay, khi nào chúng ta có tên lửa hành trình để bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu?
Việt Nam chế tạo hay “lắp ráp” thành công UAV?
UAV là máy bay không người lái được tự động điều khiển theo chương trình cài sẵn hoặc được điều khiển từ xa.
Trong quân sự, theo nhiệm vụ nó được chia thành 2 loại, loại dùng trinh sát, chỉ dẫn mục tiêu và loại có mang theo vũ khí tấn công.
Một UAV phải có 2 yếu tố: Phần cứng, tức là phần để làm cho máy bay bay được trên bầu trời như động cơ, cánh quạt… và phần mềm, tức là bộ óc của UAV, đó là hệ thống kết nối các linh kiện điện tử rất phức tạp trên máy bay và trạm điều khiển từ xa.
Phần cứng của UAV thì không khó nhưng bộ óc của UAV mới khó, mới mang tính quyết định. Những bộ óc của UAV giống như những bài toán khó. UAV càng hiện đại, tiên tiến bao nhiêu có nghĩa là những bài toán càng khó bấy nhiêu. Tạo ra được những bộ óc của UAV, tức là giải ra được những bài toán khó này, điều mà không phải ai cũng giải ra được.
Đâu phải khi thuộc các công thức toán học là giải được các bài tập toán, nếu vậy thế giới chẳng có khái niệm “học sinh giỏi toán”, nếu vậy thì chẳng đến giờ, Giáo sư Ngô Bảo Châu mới đoạt giải toán học Fields …
Cho nên, đâu phải cứ có các linh kiện điện tử tinh vi hiện đại là lắp ráp được UAV, nếu vậy thế giới này các quốc gia chế tạo được UAV không chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói như vậy để chứng tỏ một điều, “chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào”, còn những kẻ “ngoại đạo” thì dửng dưng, mai mỉa, là cũng là dễ hiểu.
Vấn đề là Việt Nam đã bước vào câu lạc bộ các quốc gia chế tạo được UAV bằng chính bộ óc thông minh của mình, bất chấp sự phát triển chưa cao của nền kinh tế.
5 mẫu máy bay do các nhà khoa học, các kỹ sư thuộc Viện Công nghệ không gian – HTI thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo thành công (và những mẫu UAV bí mật khác được những nhà khoa học thầm lặng khác nghiên cứu chế tạo) khiến các chuyên gia quân sự, bộ tham mưu QĐNDVN có quyền mơ tới và vạch ra những định hướng sử dụng lực lượng, chiến thuật mới theo cách Việt Nam.
Tương lai nào cho “UAV made in Vietnam”?
UAV khác với tên lửa hành trình, tên lửa điều khiển hay bom thông minh ở chỗ chúng (UAV) được sử dụng nhiều lần.
Những quốc gia có nền khoa học công nghệ cao không sử dụng UAV để làm các nhiệm vụ của tên lửa hay bom thông minh (cảm tử) bởi lẽ tốc độ của UAV chậm nếu mang khối thuốc nổ lớn thì càng chậm thêm nên dễ bị đánh chặn, phát hiện và tiêu diệt.
UAV với lợi thế nhỏ gọn, trang bị các phương tiện nghe nhìn hiện đại sẽ rất lợi thế để trinh sát sâu trong vùng địch. Và, khi bộ óc của UAV “gần giống với người hơn” thì việc trang bị vũ khí tấn công trên đó sẽ hết sức lợi hại. Chính vì vậy, tất yếu, họ có một nghệ thuật sử dụng lực lượng khác và một lối đánh khác Việt Nam là thế.
Với Việt Nam, chẳng hạn như mẫu AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20m; sải cánh 5,0m; khối lượng tối đa 170kg; khối lượng tải có ích 50kg; bán kính hoạt động 100km; trần bay 3000m; tốc độ lớn nhất 180km/h…
Nếu sử dụng như một quả tên lửa hành trình hay điều khiển có phần chiến đấu 50kg TNT và với tốc độ 180km/h để độc lập tấn công một mục tiêu xa hơn 100km thì đúng là một ý tưởng tồi. Nhưng, trong một thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thì ý tưởng đó không tồi. Khi công nghệ lạc hậu của UAV không thể thì chiến thuật có thể.
Tất nhiên đó chỉ là trước mắt, nếu về lâu dài chúng ta cứ bám vào ý tưởng đó thì thất bại, không thể lấy ý chí anh hùng đối đầu mãi với đạn bom.
UAV và những vũ khí công nghệ cao, nguy hiểm, lợi hại hay không, không phải là sức công phá của nó mà chính là “bộ óc” của nó thông minh cỡ nào.
Chẳng hạn loại tên lửa Kh-35 mà Nga-Việt Nam hợp tác sản xuất, có 3 hạn chế: tầm bắn gần (130 km); tốc độ cận âm và hệ thống điều khiển tên lửa chưa cho phép tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trên bờ biển và vào sâu trong đất liền. Nhưng tên lửa diệt hạm X-35 có một đặc điểm là nó cho phép cải tiến nâng cấp không giới hạn, như có thể sử dụng nhiên liệu có hiệu năng cháy tốt hơn sẽ làm tăng tầm bắn của tên lửa…
Vậy chúng ta có ý tưởng cải tiến để nâng cao tầm bắn lên không? Chúng ta có thể dùng bộ óc Việt, kết hợp bộ óc Nga trong Kh-35 để biến nó thành tên lửa hành trình hay tên lửa điều khiển hay không? Việt Nam đã cải tiến, nâng cấp tầm bắn tên lửa Scud-B lên từ 550-700 km nhưng quan trọng hơn, bộ óc của nó có cải tiến được không?...
Chế tạo được UAV là phải có bộ óc thông minh, thế giới đã thán phục sự thông minh của người Do thái nên chẳng ngạc nhiên khi UAV của Ixrael thuộc loại nhất nhì thế giới. Đáng tiếc là chúng ta xuất phát trên nền tảng một nền công nghiệp còn nghèo nàn lạc hậu, nhưng nếu chúng ta biết cách “công nhận mà không cần chứng minh” để áp dụng ngay vào thực tế thì Việt Nam cũng ít nhất “giành được giải”.
Chỉ có đầu tư mạnh, đi tắt đón đầu công nghệ, dưới sự lãnh đạo của những bộ óc có tầm nhìn xa chiến lược thì vấn đề cải tiến, sản xuất vũ khí thông minh, công nghệ cao sẽ rất phù hợp với sở trường, tư chất của người Việt Nam, đặc biệt quan trọng là cải tiến vũ khí. Có gì nguy hiểm hơn khi tất cả các loại vũ khí nước ngoài trong tay đều có “trí khôn người Việt”?
Khi đó chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt, tạo ra sự răn đe mạnh, bí hiểm với kẻ thù.

Lê Ngọc Thống

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Trả đũa-lá bài cuối cùng của Trung Quốc trên Biển Đông

Bành trướng và cậy mạnh, sử dụng vũ lực là mục đích và phương tiện cho các hành động, hành xử xuyên suốt từ cổ chí kim của giới cầm quyền Trung Quốc với các láng giềng.
Khiêu khích, tạo cớ để tấn công ‘trả đũa”
Khi nhân loại chưa văn minh, các quốc gia trên thế giới không có quan hệ với nhau về chính trị, kinh tế, chỉ ai biết đấy và Luật pháp quốc tế là luật rừng “cá lớn nuốt cá bé” thì “bành trướng” (xâm lược lãnh thổ của quốc gia láng giềng) quá đơn giản.
Một quốc gia nào mà bất chấp đạo lý thì chỉ cần có “quân hùng, tướng mạnh” là tiến hành “bành trướng”. Các quốc gia nhỏ bé có gan chống lại được thì tồn tại còn không thì thường bị thôn tính là chuyện dễ xảy ra.
Bởi vậy, tư tưởng bành trướng nếu còn tồn tại trong giới lãnh đạo của quốc gia nào đến thời đại ngày nay thì cậy mạnh, sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực luôn là phương tiện của mọi hành động, hành xử, trong quan hệ láng giềng, là tư duy của thời bộ lạc thị tộc chứ không phải là tư duy trong thế giới hiện đại văn minh.
Thế giới ngày nay, mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự, đan xen nhau đã khắc chế rất nhiều cái Luật rừng “cá lớn nuốt cá bé”. Do đó, bành trướng không còn dễ dàng triển khai, nếu bất chấp sẽ bị lên án, dẫn đến bị cô lập và có thể sẽ phải chống lại cả thế giới.
Cho nên, khiêu khích, tạo cớ để đánh lừa dư luận thế giới, che đậy hành động phi nghĩa, vô nhân đạo cho mục đích sử dụng vũ lực (gây chiến tranh) với cái gọi là “hành động trả đũa” chỉ là một hành động mới phát sinh trong tình hình mới.
Trên Biển Đông, nói rằng Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaisia…là không chính xác.
Hành động đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, chiếm bãi Scarborough với Philipines và đặc biệt gần đây là hành động để biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc, chính xác gọi là hành động bành trướng, xâm lược chứ không phải là hành động tranh chấp.
Bành trướng, xâm lấn chủ quyền các quốc gia láng giềng luôn gắn liền với cậy mạnh, đe dọa dùng vũ lực và khi cần thiết dùng vũ lực để đánh chiếm là nước cờ “bất khả kháng”, là chiến lược không thể thay đổi của Trung Quốc.
Đương nhiên, ngày nay, bành trướng không dễ dàng, êm ả mà gặp rất nhiều trở ngại, bởi quốc gia nào dù là nhỏ, yếu cũng chống lại và thế giới cũng không khoanh tay bàng quan đứng nhìn.
Điều mà Trung Quốc lo sợ nhất là khi các quốc gia nhỏ bé này liên kết lại với nhau, khi các quốc gia này biết tranh thủ hợp tác quốc tế để tạo ra một địa chính trị thuận lợi cho mình, cho khu vực. Lúc đó, chiến lược bành trướng của Trung Quốc hoàn toàn phá sản.
Chính vì vậy, chúng ta chẳng có gì là ngạc nhiên khi trên Biển Đông, Trung Quốc bằng mọi cách để thứ nhất là chia rẽ khối ASEAN, thứ hai là ngăn cản sự hợp tác của các nước trong ASEAN với Nhật Bản, Mỹ và Nga và cuối cùng là khiêu khích trắng trợn nhằm tạo cớ “để tấn công trả đũa” mà thực chất là dùng vũ lực xâm chiếm biển đảo của láng giềng nào mà Trung Quốc đã làm cho “trơ trọi”.
Phô trương sức mạnh, khiêu khích trắng trợn buộc đối phương hoặc run sợ, chịu mất chủ quyền hoặc động thủ trước tạo cớ cho Trung Quốc dùng sức mạnh áp đảo đánh chiếm là lá bài cuối cùng mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông.
Giới quan sát  không khó để nhận biết đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị.
Bình tĩnh, cương quyết và khôn khéo
Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc nhưng cũng không phải của Việt Nam toàn bộ, nó đủ rộng cho các quốc gia trong khu vực.
Việc giàn khoan “khủng” của Trung Quốc neo cách Hồng Kông 350 km hướng đông nam thì ảnh hưởng đến gì chúng ta?.
Trước sự việc Trung Quốc cho 32 tàu đánh cá vào khu vực Trường Sa, Bộ NG Việt Nam đã tuyên bố “theo dõi sát sao đoàn tàu đánh cá này”…nghĩa là nó sẽ hoạt động ở đâu, có vi phạm Luật biển Việt Nam hay không, tại vì Luật biển Việt Nam nói rõ nếu có điều nào chưa phù hợp thì lấy Công ước LHQ về Luật biển 1982 làm căn cứ… Đó mới chính là sự bình tĩnh cần thiết.
Dân tộc Việt Nam, quân đội Việt Nam bất luận thời nào đều có một quan điểm rõ ràng nhất quán như một lời thề của hồn thiêng sông núi là, cho dù kẻ thù có mạnh đến đâu, hung hãn đến đâu cũng chẳng bao giờ sợ, nếu xâm phạm vào chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì đều bị đánh đuổi, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận chiến tranh, dù rất yêu chuộng hòa bình.
Không ai, đặc biệt là Trung Quốc, nghi ngờ về điều này vì lịch sử đã chứng minh.
Chính vì sẵn sàng chấp nhận điều xấu nhất có thể xảy ra  cho nên Việt Nam vạch ra được một “giới hạn đỏ” để chủ động đối phó. Cương quyết và khôn khéo đấu tranh để đối phương không được bước qua giới hạn đỏ đó bằng mọi biện pháp có thể.
Chẳng hạn, nếu Trung Quốc cho tàu cà ngang ngược, bất chấp vào EEZ của Việt Nam thì chúng ta buộc họ phải rời khỏi bằng giải pháp nào nhẹ nhàng nhất nhưng có hiệu quả nhất hơn là dùng những giải pháp “ghê gớm” mà khiến ta “bị thua thiệt”.
Hành động của CSB Philipines bắn vào tàu cá Đài Loan tuy rất “ghê gớm” nhưng có thể dẫn tới hậu quả bị nhiều “thua thiệt”.
Tại sao khi Trung Quốc gây căng thẳng, Nhật Bản quyết định “làm mới” mối quan hệ với Mỹ, Nga, Ấn Độ? Tại sao Philipines lại muốn cho Mỹ sử dụng căn cứ Subic? Tại sao Triều Tiên kiên quyết sở hữu bằng được VKHN?...
Còn Việt Nam? Chúng ta có nhiều mối quan hệ, nhiều thứ để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông mà có khi không nhất thiết phải ngay trên Biển Đông. Đó chính là sự khôn khéo trong đối ngoại chính trị, quốc phòng mà Việt Nam hoạt động như chàng Sơn Tinh “(khi) càng dâng nước thì (mới) càng cao ngọn núi”.
Điều hỗ trợ quyết định bền vững cho mọi giải pháp là Việt Nam biết đánh và dám đánh bất cứ ai nếu xâm hại chủ quyền. Không có điều cơ bản này mọi giải pháp đều không có giá trị, giống như nhà không móng.
Chẳng phải đơn giản hay kích động, khi tờ Chinese Today tự xem như là phiên bản của tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc nhận định trong số 5 nước 6 bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thì Việt Nam là "đối thủ đáng ngại" nhất của Bắc Kinh và Việt Nam là nước "có gan" nhất đương đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đúng thế, “có gan” bởi Việt Nam bắt đầu bằng quan điểm nhất quán như đã nêu trên. Việt Nam buộc phải như thế trong khi rất muốn là một láng giềng hữu nghị, thân thiện.
Nếu như có ai đó tin rằng Việt Nam gây chiến chiếm biển đảo với Trung Quốc, “bắt nạt” Trung Quốc thì đó là kẻ thiểu năng trí tuệ, còn ai cố tình tuyên truyền như vậy kích để động dân chúng nước họ…thì làm sao họ có thể thắng trong cuộc chiến tranh hiện đại bằng lực lượng mù quáng như vậy?
Lê Ngọc Thống
Nguồn Baodatviet

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Cách gỡ bỏ mật khẩu (password) trong Excel

Để bảo vệ các file Excel không cho người khác in, rút trích thông tin bạn thường đặt mật khẩu chống sửa đổi nội dung. Nhưng do sơ ý bạn lại quên mất mật khẩu này. Không sao, 3 thủ thuật dưới đây sẽ giúp bạn loại bỏ mật khẩu bảo vệ các Sheet hay Workbook một cách nhanh chóng và dễ dàng.
1. Dùng tiện ích Excel Password Remover 2009 (ER09): một add-in của Excel giúp loại bỏ mật khẩu bảo vệ các Sheet hay Workbook để chống thay đổi nội dung. ER09 tương thích với Excel 2000, XP and 2003, được cung cấp miễn phí ở địa chỉ: sau đây

Sau khi tải về, bạn mở Excel, nhấp chọn menu Tools > Add-Ins. Trong hộp thoại xuất hiện bạn nhấn Browse chỉ đường dẫn đến file password.xal vừa tải về rồi bấm Ok. Khởi động lại Excel để Add-In phát huy tác dụng. Tiếp theo, bạn mở file Excel có đặt mật khẩu chống chỉnh sửa nội dung, nhấp chọn menu Tools. Chọn Unprotect Sheet hay Unprotect Workbook trong trình đơn ngữ cảnh để loại bỏ mật khẩu bảo vệ Sheet hay Workbook.
Lưu ý: Nếu trong quá trình sử dụng AR09 hộp thoại cảnh báo Macros are disabled…xuất hiện, bạn bấm OK. Sau đó, vào menu Tools > Options, trong hộp thoại xuất hiện, bạn chọn thẻ Security, nhấn nút Macro Security. Đánh dấu chọn mục Low trong thẻ Security Level rồi bấm Ok.

2. Dùng đoạn mã Visual Basic: bạn cũng có thể tự tay xóa mật khẩu bảo vệ các Sheet mà không cần dung đến ER09, cách thực hiện như sau: Mở file Excel, nhấp phải chuột lên Sheet đã được bảo vệ chọn View Code. Cửa sổ Microsoft Visual Basic xuát hiện, bạn dán đoạn mã sau:

Sub PasswordBreaker()
Dim i As Integer, j As Integer, k As Integer
Dim l As Integer, m As Integer, n As Integer
Dim i1 As Integer, i2 As Integer, i3 As Integer
Dim i4 As Integer, i5 As Integer, i6 As Integer
On Error Resume Next
For i = 65 To 66: For j = 65 To 66: For k = 65 To 66
For l = 65 To 66: For m = 65 To 66: For i1 = 65 To 66
For i2 = 65 To 66: For i3 = 65 To 66: For i4 = 65 To 66
For i5 = 65 To 66: For i6 = 65 To 66: For n = 32 To 126
ActiveSheet.Unprotect Chr(i) & Chr(j) & Chr(k) & _
Chr(l) & Chr(m) & Chr(i1) & Chr(i2) & Chr(i3) & _
Chr(i4) & Chr(i5) & Chr(i6) & Chr(n)
If ActiveSheet.ProtectContents = False Then
ActiveWorkbook.Sheets(1).Select
Range(“a1”).FormulaR1C1 = Chr(i) & Chr(j) & _
Chr(k) & Chr(l) & Chr(m) & Chr(i1) & Chr(i2) & _
Chr(i3) & Chr(i4) & Chr(i5) & Chr(i6) & Chr(n)
Exit Sub
End If
Next: Next: Next: Next: Next: Next
Next: Next: Next: Next: Next: Next
End Sub

vào khung trống. Tiếp đến, nhấp chọn menu Run > Run Sub/UserForm (hay nhấn F5) rồi đợi trong giây lát để chương trình xử lý. Xong, bạn đóng cửa sổ Microsoft Visual Basic và thử nhập liệu vào file Excel bạn sẽ thấy điều kỳ diệu.

3. Sử dụng dịch vụ trực tuyến Excel Spreadsheet Unlock Online Utility:
 truy cập vào địa chỉ http://www.ensode.net/xls-crack.jsf, nhấn nút Browse chọn file Excel cần xóa bỏ mật khẩu, đánh dấu chọn mục I accept the terms and conditions rồi nhấn Submit. Đợi trong giây lát để dịch vụ xử lý. Hoàn tất, hộp thoại Download xuất hiện, bạn nhấn Save để lưu lại file kết quả.
Admin tổng hợp từ nguồn Internet

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Món “độc” ích tinh

Ăn uống giữ vai trò quan trọng giúp cơ thể tạo tinh trùng. Có nhiều loại thực phẩm chứa những chất cần thiết để hình thành tinh trùng như selen, kẽm, vitamin A, C, E…
Ngoài cách sử dụng các phương thuốc từ đông dược hay châm cứu huyệt đạo, đông y còn có những món ăn thuốc với công hiệu vừa kích thích vừa cung cấp đủ các loại chất cần thiết cho việc sinh tinh. Sau đây là những món ăn ích tinh hiệu quả.

Ba ba thuốc bắc: Ba ba 1 con (khoảng 1 kg), câu kỷ tử 30 g, hoài sơn 30 g, nữ trinh tử 15 g, thục địa hoàng 15 g, gia vị... Làm thịt ba ba, bỏ đầu, ruột. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào túi vải buộc miệng lại, bỏ vào bụng ba ba. Đổ nước vừa ngập, hầm nhừ, lấy túi bã thuốc ra, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi tuần ăn 1 lần, cần dùng 1 tháng liền.
 
Rùa hầm bong bóng cá: Thịt rùa 150 g, bong bóng cá 30 g, gia vị. Thịt rùa rửa sạch, cắt miếng nhỏ; bong bóng cá rửa sạch bằng muối, xắt nhỏ. Tất cả bỏ vào nồi, nước vừa đủ, đun sôi, hầm nhỏ lửa cho nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tuần dùng 1 lần.
 
Củ mài thịt chó: Củ mài 50 g, thịt chó 100 g, gạo tẻ 50 g. Cho củ mài vào nồi nước nấu, bỏ bã lấy nước. Gạo vo sạch cho vào nước này nấu cháo cùng thịt chó xắt miếng. Ăn nóng mỗi buổi sáng - tối, dùng liền 5 - 7 ngày.
 
Xúp dê: Đương quy 30 g, gừng 15 g, thịt dê 250 g, thêm một lượng nước thích hợp, gia vị, ăn vào mỗi buối sáng và tối. Món này rất bổ máu, thúc đẩy quá trình sản xuất tinh trùng.
 
Xúp nấm tuyết: Nấm tuyết 30 g, đường phèn 15 g, óc chó 5 - 10 hạt. Ngâm rồi rửa sạch nấm tuyết, cho vào xoong, thêm đường và nước nấu chín. Hạt óc chó nghiền nát, thả vào xúp nấm. Nên ăn vào buổi sáng, có tác dụng lưu thông máu ở bộ phận sinh dục nam giới, tăng cường sinh tinh và ngăn việc xuất tinh sớm.
 
Canh thịt dê thục địa: Thịt dê 90 g, câu kỷ tử 30 g, thục địa hoàng 30 g, dâm dương hoắc 50 g. Thịt dê rửa sạch, xắt miếng. Thục địa, câu kỷ tử, dâm dương hoắc rửa sạch, cho vào nồi cùng với thịt dê. Cho nước vừa đủ, đun nhỏ lửa trong 3 giờ, nêm vừa mắm, muối là ăn được. Ăn tùy thích, 1 tháng là 1 liệu trình.
Gà ác, đương quy: Gà ác 500 g (1 con), đương quy 30 g, hoàng kỳ 30 g. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, chặt miếng nhỏ. Đương quy, hoàng kỳ rửa sạch. Cho tất cả vào nồi đất cùng một lượng nước vừa phải, sau khi đun lửa to cho sôi thì đun lửa nhỏ trong khoảng 2 giờ, nêm vừa mắm, muối là ăn được. Cách ngày dùng 1 lần, 1 tháng là 1 liệu trình.
 
Gan gà, câu kỷ tử: Cam thảo 5 g, câu kỷ tử 10 g, gan gà 100 g, trứng chim cút 4 quả, mộc nhĩ đen 5 g; muối, bột ngọt, hành, gừng, rượu vừa đủ. Rửa sạch gan gà, xắt miếng. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết, rửa sạch, nhặt bỏ chân, vớt lên để ráo. Cho một ít nước vào nồi, bỏ  gan gà, cam thảo, gừng, nước tương, rượu vào đun lửa to cho chín. Trứng chim cút luộc chín, ngâm vào nước lạnh cho nguội rồi bóc vỏ. Chế ít dầu vào chảo, chờ nóng lên rồi xào hành, gừng cho có mùi thơm. Thêm mộc nhĩ vào xào một lúc rồi bỏ trứng cút, gan gà đã chín, câu kỷ tử và nước nấu lúc trước vào đảo đều, nêm mếm, cho bột đao để hút bớt nước là ăn được. Cách ngày dùng 1 lần, 1 tháng là 1 liệu trình.
 
Canh thịt rùa, đại hoàng: Rùa 1 con, đại hoàng khô 20 g, sa nhân 3 g, ít hạt nêm. Rùa bỏ ruột, rửa sạch, xắt miếng. Cho thịt rùa, địa hoàng, sa nhân vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, đun lửa riu riu trong 2 - 3 giờ. Khi thịt rùa nhừ, nêm rồi ăn. Cách ngày dùng 1 lần, 1 tháng là 1 liệu trình.
Cật heo trộn hành tây: Món hàng đầu
Cật heo 1 đôi làm sạch, bổ ra (để nguyên cả túi khai trong lòng quả), khía vảy rồng rồi cắt thành miếng bằng 2 ngón tay. Đun sôi nước với ít muối và rượu trắng, nhúng cật đến khi thấy các vết khứa nở ra thì vớt lên, để ráo. Hành tây 1 củ cắt mỏng, xào với tỏi phi thơm vừa chín, nêm mếm, thêm dầu hào. Trộn hành với cật cho đều, ăn nóng.
Đây được xem là một trong những món ăn hàng đầu tăng cường “bản lĩnh đàn ông”, cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, giúp điều trị bệnh bất lực ở nam giới.
Nguồn NLĐ

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Nhật khiến TQ ‘rụng rời tay chân’, Châu Á lo ngại

Tại hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 25/4/2013 đã đưa ra Tuyên bố chung có nội dung “nhấn mạnh tính phi nhân đạo của vũ khí hạt nhân, không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào”, nhưng Nhật Bản, nước duy nhất bị hại bởi vũ khí hạt nhân, đã không ký Tuyên bố này.
Giải thích về điều này, đại diện Chính phủ Nhật Bản là Đại sứ Mari Amano nói: “Tuy bày tỏ tán thành với tính chất phi nhân đạo của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào không phù hợp với chính sách bảo đảm an ninh của Nhật Bản”. Chấm hết.
Rõ ràng, những quốc gia có VKHN thì họ không bao giờ ký vào Tuyên bố này, bởi vì hoặc là vô nghĩa, không ai tin hoặc là họ phải hủy bỏ ngay toàn bộ VKHN, giữ làm gì cái đồ vô dụng, “không được dùng trong bất kỳ trường hợp nào” nhưng tốn kém và vô cùng nguy hiểm đó? Điều này có bao giờ xảy ra không? Xin thưa là không bao giờ.
Rốt cuộc, trong 74 quốc gia ký vào tuyên bố này, đương nhiên là những quốc gia không có và không có khả năng chế tạo được VKHN. Vì thế, tuyên bố của 74 quốc gia này giống như một lời “cầu xin Chúa ban phước lành” mà thôi, không hơn không kém.
Nhưng Nhật Bản thì không, dù không có VKHN. Tại sao? Có 2 lý do.
Trước hết, cho đến lúc này, khối mâu thuẩn Trung Quốc – Nhật Bản có từ quá khứ và hiện tại đã bộc lộ đỉnh điểm và không thể che giấu được nữa. Đó là sự hận thù dân tộc bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang thắng thế đẩy lên cao; đó là sự đối đầu về địa chính trị, đia quân sự và địa kinh tế không thể dung hòa bởi tham vọng quá lớn trong sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhật Bản, một cường quốc kinh tế, nhưng tại sao Trung Quốc lại tỏ ra hung hăng, xem thường, coi như “con gà” muốn giết lúc nào thì giết để dọa “khỉ” Mỹ, trong khi hơn 30 năm nín nhịn, chờ thời, mới đuổi kịp Nhật Bản năm 2010 về GDP?
Đơn giản dễ hiểu là vì Trung Quốc có 2 thứ mà Nhật Bản không có (vì Nhật Bản dựa vào ô của Mỹ và đang bị trói buộc bởi Hiến pháp hòa bình), đó là tên lửa đạn đạo (TLĐĐ) và vũ khí hạt nhân (VKHN).
Mục tiêu của tên lửa DF-21C của Trung Quốc đang nhắm tới Nhật Bản, trong khi Nhật Bản có TLĐĐ để nhắm vào Trung Quốc hay không?
Mới đây, một vị tướng Trung Quốc đe dọa sẽ sử dụng VKHN nếu “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc bị uy hiếp, trong khi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang bị Nhật Bản quản lý, là nơi xảy ra tranh chấp quyết liệt cũng được Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi”…
Đành rằng trên đất Nhật Bản có căn cứ quân sự của Mỹ, nhưng khi sử dụng đòn hạt nhân hay TLĐĐ, Trung Quốc đâu có dại nhằm vào đó để buộc Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác là thực hiện đòn trả đũa. Trung Quốc sẽ nhằm vào chỗ khác trên đất Nhật Bản để Mỹ có thời gian lựa chọn mà “tính toán thiệt hơn”.
Tất cả những điều trên liệu Nhật Bản có biết cái “thiệt, hơn” trong đầu của Mỹ là gì? Và do đó có yên tâm dựa vào “ô hạt nhân” của Mỹ không?...
Với tình thế đó, việc Nhật Bản không ký vào tuyên bố “không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào” là “đừng có ngạc nhiên”.
Với tình thế đó Nhật Bản không thể ngây thơ để “xin Trung Quốc ban phước lành, đừng dùng đòn hạt nhân, tên lửa tầm xa vào đất Nhật Bản”.
Cuối cùng, Nhật Bản dù bị bại trận trong thế chiến thứ 2, nhưng là một cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua trong khi Trung Quốc mới đuổi kịp (chỉ về tiêu chí GDP) năm 2010, cho nên Nhật Bản đang tích trữ một nội lực hùng hậu, một “thế năng” rất lớn.
Chẳng hạn như về năng lượng hạt nhân. Theo tiết lộ, kế hoạch của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản năm 1990 định ra thì đến năm 2010, Nhật sẽ cung ứng 85 tấn plutonium. Nhưng theo tính toán, lượng plutonium mà Nhật yêu cầu đến năm 2010 nhiều nhất cũng chỉ hơn  20 tấn. Như vậy, đến năm 2010 Nhật sẽ dư thừa hơn 60 tấn plutonium.
Được biết, cứ khoảng 1 tấn plutonium có thể chế tạo được 120 đầu đạn hạt nhân thì Nhật Bản có đủ nguyên liệu chế tạo ra 7200 đầu đạn hạt nhân.
Về kỹ thuật, Nhật Bản có đủ đội ngũ chuyên gia giỏi và nhân viên kỹ thuật trình độ cao, tay nghề chắc trên mọi lĩnh vực chuyên môn liên quan đến nghiên cứu chế tạo VKHN
Nhật Bản đã nghiên cứu thành công máy tính siêu cao tốc, vận hành tốc độ 600 tỉ lần/giây; với loại máy  này hoàn toàn có thể mô phỏng thực thử nghiệm nổ hạt nhân giúp cho việc tiếp tục nghiên cứu chế tạo và hoàn thiện VKHN kiểu mới.
Nhật Bản nhanh chóng có thể nắm vững bí quyết  vận dụng máy tính tiến hành thử nghiệm nổ hạt nhân phi giới hạn, đồng thời qua đó có thể tiến hành thử nghiệm chế tạo và cải tiến tính năng của đầu đạn VKHN mà không ai biết , không giống như Triều Tiên hay Iran.
Như vậy có thể nói việc Nhật Bản không ký vào tuyên bố “không sử dụng VKHN trong bất kỳ trường hợp nào” (lưu ý là trong khi Nhật Bản không có VKHN) với lời giải thích ngắn gọn nhưng đầy hàm ý đã gửi đến cho các quốc gia có VKHN và quốc gia đòi lăm le sử dụng VKHN, một thông điệp mà chắc rằng không ai có thể nghĩ khác đi, đó là:
“Hãy cẩn trọng với VKHN, sử dụng nó là vô nhân đạo nên đừng đem nó ra dọa nạt nhau. VKHN hay TLĐĐ đối với Nhật Bản là không thành vấn đề. Vấn đề của Nhật Bản là tuyên bố có lúc nào, bao nhiêu và sự hiện đại tiên tiến ở mức độ nào mà thôi”.
Người Mỹ sẽ làm gì? Mỹ chắc là OK, Ixrael hay Nhật Bản có gì là khác nhau với Mỹ, vả lại, đâu phải dễ dàng khống chế được Nhật Bản khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng.
Người dân khu vực châu Á-TBD chẳng thích thú gì việc quốc gia nào cũng sở hữu VKHN, nhưng khi có quốc gia sở hữu VKHN lại tỏ ra hung hăng, bất chấp, đe dọa giáng vào quốc gia không có VKHN thì hết sức thông cảm với Nhật Bản… tuy hết sức lo ngại.
Báo chí Trung Quốc chẳng có bình luận nào sâu vào động thái này của Nhật Bản bởi vì bình luận càng sâu khiến càng “rụng rời tay chân”. Việc ông tướng về hưu La Viện hô hào đòi LHQ “bóp chết tiềm lực hạt nhân của Nhật Bản từ trong trứng” là đã quá muộn. “Trứng” đã đủ lông đủ cánh và chỉ cần một cái nhún chân nhẹ là con đại bàng Nhật Bản tung cánh.
Vấn đề chỉ là thời gian khi nào?
Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe tuyên bố: "Chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi, tương quan sức mạnh quân sự Trung - Nhật sẽ bị phá vỡ triệt để".
Trung Quốc có hiểu điều gì không hay là bất chấp hay là như không nghe thấy để che dấu sự hoảng hốt?
Tại sao Trung Quốc biết thực hiện sách lược “giấu mình, chờ thời”, bắt tay nhún nhường với Mỹ, Nhật Bản để “trỗi dậy”  mà Nhật Bản lại không?
Thật ra, sau thất bại trong cuộc tranh thế giới lần 2, hơn ai hết Nhật Bản đã hiểu bài học về thói ngạo mạn, hung hăng, về ý muốn “mặt trời không bao giờ lặn trên đất Nhật”.
Từ những nỗi đau đầy máu và nước mắt khi bị 2 quả bom nguyên tử, nhưng người Nhật đã làm cho cả thế giới phải sững sờ khi họ biết cách để nuốt nước mắt lẫn máu vào trong trái tim câm lặng của mình để bắt tay với người Mỹ.
Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật năm 1951 đã giải phóng cho nước Nhật khỏi mọi gánh nặng chạy đua vũ trang và nước Nhật, đất nước vừa nhỏ (377.600km2) lại vừa chật chội (130 triệu dân – 2005), 4.000 hòn đảo nhưng chỉ có chưa đầy 10% đất đai có thể canh tác, tài nguyên chủ yếu là “động đất và sóng thần” có được vị trí, vai trò như bây giờ khiến thế giới ngưỡng mộ, kính trọng.
Xem ra dù đang còn non nớt nhưng Trung Quốc cũng đang cố tập tễnh đi vào con đường mà Nhật Bản đã đi, đã từng biến mình thành nạn nhân.
Tham vọng quá lớn, khả năng hạn chế, bộc lộ quá sớm Trung Quốc khó có thể vượt qua được “lời nguyền Nhật Bản”.
Lê Ngọc Thống

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

’Ra rả nói tái cấu trúc nhưng không nêu ai phải làm’

"Thất vọng về việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế dù Đề án được xây dựng và phê duyệt nhưng đó chỉ giống như bản tập hợp nhiệm vụ, chỉ ra đầu việc chứ chưa chỉ ra làm thế nào, ai làm, tiền lấy ở đâu… Lực cản từ lợi ích nhóm đã thể hiện quá rõ ràng".
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chia sẻ với báo Đất Việt về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế sau khi kết thúc Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013.
1. Ai cũng thấy lợi ích nhóm biểu hiện rõ quá
PV: Thưa Tiến sĩ, được biết ông vừa tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013. Tại đây nhiều ý phát biểu khá gay gắt cho rằng Việt Nam khó mà tái cấu trúc được vì lực cản quá lớn từ nhóm lợi ích. Vậy lực cản đó biểu hiện như thế nào, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: - Lực cản đã thể hiện quá rõ ở chỗ cho đến nay Đề án tái cấu trúc đã được thông qua nhưng chưa thấy làm gì cả. Mọi người đều thấy thất vọng. Ngay cả việc thực hiện tái cấu trúc ở các ngân hàng cũng rất chậm. Đầu tư công đến nay vẫn chưa có đề án. Nếu không có lực cản phải làm từ lâu chứ sao lại như vậy?
Đó là những điều mà bất cứ một người nào cũng có thể thấy và không cần phải bàn gì thêm.
Một lực cản khác rất rõ đó là bất động sản. Rất nhiều người đòi phải có gói cứu trợ. Đến khi có ý kiến nói rằng không cần phải cứu trợ thì phản đối nhao nhao lên. Trong khi đó người nông dân gặp khó khăn, hạn hán, bão lũ, đói nghèo nhưng đâu thấy có ai nói cứu trợ cho họ, mặc dù con số này rất đông.
Điển hình như các doanh nghiệp Nhà nước cho rằng phải phá sản, không thể cứu được nhưng đến nay vẫn không thấy doanh nghiệp Nhà nước nào tuyên bố phá sản.
Vinashin hứa tái cấu trúc nhưng cũng không thấy động thái tích cực. Từ năm 2008 ban tái cấu trúc hứa rằng đến năm 2013 sẽ có lãi và trả hết nợ. Thế nhưng đến nay Vinashin cũng không thấy lãi đâu.
Rồi đến Vinalines cũng vậy. Không thấy lãi đâu. Nhưng thiệt hại này ai chịu?
Từ đây có thể thấy, lợi ích nhóm chi phối rất nhiều đến công cuộc tái cấu trúc, từ khi hình thành chính sách đến việc thực hiện.
Tại sao không ra được nghị quyết về đầu tư công? Là bởi vì không ai muốn cắt giảm đi cái gì cả mặc dầu ngân sách hiện nay đang rất khó khăn.
Ngoài ra, các biểu hiện khác tinh vi hơn ví dụ như hiện tượng độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước nhưng lại không có cơ chế nào giám sát việc này.
Tất cả những điều này làm cho người ta khẳng định lợi ích nhóm đang là lực cản của công cuộc tái cấu trúc hiện nay.
2. Chỉ nêu cho có
PV: - Nói như vậy là khái niệm ‘tái cấu trúc’ chỉ để nói còn việc thực hiện thế nào, có làm hay không lại không điều gì có thể can thiệp mạnh được đúng không, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: - Đến thời điểm này thì đúng là như vậy. Đề án tái cấu trúc tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 đã được phân tích rằng cần phải có lộ trình. Phải làm rõ lộ trình thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau, chi phí bao nhiêu chứ không thể tay không bắt giặc được.
Thế nhưng trong Đề án không nhắc gì đến chi phí và cũng không biết được đơn vị nào sẽ làm trước, đơn vị nào làm sau. Ở đây giống như bản tập hợp nhiệm vụ, chỉ ra đầu việc chứ chưa chỉ ra làm thế nào, ai làm, tiền lấy ở đâu… thì không nói.
Chính như vậy, những người đọc Đề án này đều thấy cứ như thế này chỉ nêu lên để gọi cho là đã đề cập đến việc tái cấu trúc mà thôi.
Do vậy, muốn tái cấu trúc kỳ này các chuyên gia kinh tế đã cũng xác định phải chịu đau. Không thể tất cả mọi người cùng đi ‘ăn cỗ’ cả mà phải có người, nhóm người chấp nhận chịu thua thiệt đi một chút.
PV: Theo cá nhân ông phải làm như thế nào thì mới có thể thực hiện được tái cấu trúc nền kinh tế?
TS Lê Đăng Doanh: - Theo tôi phải có một Ủy ban tái cấu trúc do Thủ tướng hoặc ai đó đứng đầu, cứ hàng tuần họp lại đôn đốc. Nhưng hiện nay không có ai làm việc này. Vậy mà suốt ngày khắp nơi các diễn đàn ra rả nói về ‘tái nọ, tái kia’, ai cũng nói ‘tái’ mãi mà không thấy ‘chín’. Cứ như thế này không biết tái đến bao giờ.
Tôi cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của từng người, ai phải làm cái gì, và bao giờ làm. Nếu không làm rõ sẽ hết sức khó.
PV: - Vậy người đó sẽ là ai, thưa Tiến sĩ? Như ý kiến của một chuyên gia kinh tế rằng cách xử lý công việc của chúng ta là quyết định tập thể, trách nhiệm cũng tập thể. Cứ cái gì không làm được thì đưa ra bàn. Theo ông thì sao?
TS Lê Đăng Doanh: - Tôi cũng nói rằng phải có người chịu trách nhiệm cá nhân. Nếu Chính phủ nhận ra và quyết tâm làm thì tốt còn nếu không Quốc hội phải đứng ra làm.
Về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.
Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.

Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay bằng người khác.

Với cách làm như thế này, Việt Nam khó mà áp dụng được vì bệnh nể nang, thành tích.
Do vậy không riêng gì cá nhân tôi mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng không có niềm tin vào việc tái cấu trúc thành công.
Nguồn Baodatviet

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang