Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Việt Nam khẳng định chủ quyền ở khu vực giao Ấn Độ thăm dò tại Biển Đông


Hôm nay, 30/03/2012, trong chuyến công du Ấn Độ, Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói rằng việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ tiến hành thăm dò dầu lửa tại các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông là không phù hợp với các luật lệ của Liên Hiệp Quốc.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam sẽ chỉ thăm dò dầu khí tại những khu vực được cộng đồng quốc tế chấp nhận, và khu vực giao cho Ấn Độ thăm dò nằm trong vùng 200 hải lý, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhấn mạnh với các nhà báo Ấn Độ : « Tôi có thể nói với các vị rằng không có tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ tại khu vực này ».
Khi được hỏi là liệu sự phản đối của Trung Quốc là sai trái hay không, Phó thủ tướng Việt Nam nói:  « Việc phản đối của Trung Quốc là công việc của họ và điều này không phù hợp với công ước quốc tế mà Trung Quốc là một trong các bên đã ký ».
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam và các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đã ký Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Do vậy, Việt Nam có quyền đối với vùng biển 200 hải lý.
Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có những tuyên bố như trên sau khi Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ không nên tiến hành thăm dò dầu lửa tại các khu vực ở Biển Đông mà Việt Nam giao cho, bởi vì, theo Bắc Kinh, đây là những nơi đang có tranh chấp chủ quyền.
Ngày 25/3, trả lời các câu hỏi của một nhóm các nhà báo Ấn Độ tới thăm Bắc Kinh, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã tuyên bố rằng đó là một khu vực có tranh chấp, và sẽ không tốt đẹp gì cho Ấn Độ nếu tiến hành thăm dò dầu khí tại nơi này.
Xin nhắc lại là bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ vẫn ký với Việt Nam một thỏa thuận thăm dò dầu khí tại Biển Đông.


FRI

So sánh bom thông minh Nga và Mỹ

Mỹ và Nga đang ráo riết phát triển các loại bom tinh khôn cỡ nhỏ để trang bị cho các máy bay chiến đấu tiên tiến của họ, trong đó có F-22, F-35 và PAK FA T-50.

Bom chính xác cao SDB của Mỹ
Bom có điều khiển là gì?
Bom có điều khiển mà nay thường gọi là bom thông minh hay bom tinh khôn (smart bomb) là một trong các loại vũ khí hàng không có điều khiển dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Bom có điều khiển là bom hàng không, được trang bị hệ dẫn và điều khiển. 

Thông số quan trọng nhất của bom đạn hàng không là hệ số tỷ lệ trọng lượng thuốc nổ trên tổng trọng lượng của bom/tên lửa. 

Đối với tên lửa hàng không, chỉ số này là 0,2-0,5 (sở dĩ tỷ lệ thấp như vậy là do tên lửa được lắp động cơ, thùng nhiên liệu, các hệ dẫn), đối với bom không điều khiển, chỉ số này gần bằng 1, còn đối với bom có điều khiển, chỉ số này là 0,7-0,9. 

Với trọng lượng và tầm bắn gần như giống nhau (so với tên lửa), bom có thể mang lượng thuốc nổ lớn hơn nhiều.
Bom chính xác cao hiện đại SDB (Small Diameter Bomb - bom đường kính nhỏ) có khả năng xuyên qua các bức tường để tiêu diệt các hăng-ga và boongke bê tông cốt thép. Bom có cánh mở ra khi bay, cho phép tăng rất nhiều tầm tiêu diệt mục tiêu. Bom được trang bị cho quân đội Mỹ từ tháng 9.2006. Tiêm kích thế hệ 5, tối tân nhất của Mỹ F-22A Raptor có thể mang 8 bom SDB treo trên giá treo đặc biệt trong khoang bom bên trong. 

Biến thể được đưa vào trang bị đầu tiên cho quân đội Mỹ là SDB I (GBU-39). Bom có trọng lượng khá nhỏ, chỉ 130 kg, đường kính gần 190 mm, chiều dài gần 1,8 m. Nếu so sánh với các bom thời Thế chiến II thì có thể thấy bom có trọng lượng và đường kính khá nhỏ, song lại dài hơn đáng kể. 

Bom có khả năng tiêu diệt khá chính xác các loại mục tiêu với sai số vòng tròn xác suất là 5-8 m. Độ chính xác đó đạt được nhờ hệ thống điều khiển trên khoang với các kênh quán tính và GPS. Các kênh quán tính có khả năng bảo đảm hoạt động trong điều kiện đối phương tiến hành chế áp vô tuyến điện tử cường độ cao. Tất cả chỉ là nhằm đưa 17 kg thuốc nổ mạnh đến mục tiêu một cách chính xác. Giá một quả bom này là 70.000 USD, bằng 2 lần thu nhập trung bình năm ở Mỹ. 
 
SDB có thể trang bị cho các máy bay như: các máy bay ném bom B-52 Stratofortress, B-1 Lancer, B-2 Spirit, các tiêm kích F-15E Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II, cũng như cường kích A-10 Thunderbolt II. 

Nếu không tính các máy bay đời cũ mà chỉ nhìn vào giá cả các máy bay tối tân nhất thì giá của bom SDB là bình thường. Ví dụ, giá của một máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit là hơn 1 tỷ USD một chút (không tính chi phí nghiên cứu, phát triển). Còn giá của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor có giá ước 137,5 triệu USD cho một chiếc sản xuất loạt năm 2008. Giá của tiêm kích-bom F-35 Lightning II bắt đầu từ mức 83 triệu USD cho biến thể rẻ nhất. So với những mức giá trên trời này thì giá bom SDB chỉ là chuyện vặt.
SDB I GBU-39. Ảnh: topwar.ru
 Bom SDB I GBU-39 là loại bom liệng, tiếp cận mục tiêu với cánh gấp lại. SDB được xếp trên các giá bom chuyên dụng BRU-61/A chứa 4 quả bom này. Một “bó bom 4 quả” như vậy chiếm đúng một vị trí trên mấu treo bom trong khoang bom và được treo lên máy bay ném bom như đó là một quả bom lớn.
Sau khi thả giá bom, cơ cấu khí nén của nó hất các quả bom ra, các quả bom bung thẳng các cánh được xếp dọc theo thân nhờ một cơ cấu đặc biệt, các cánh lái bung ra ở phần đuôi (hệ thống điều khiển cũng được bố trí ở đây) và bắt đầu tự bay đến mục tiêu. 

Bom tiếp cận mục tiêu bằng cách liệng. Tầm bay của bom cho đến mục tiêu cần tiêu diệt có thể đạt đến 110 km. Tầm bay này giảm thiểu tối đa rủi ro cho máy bay tiêm kích và ném bom cực kỳ đắt tiền khi phải đối đầu với phòng không đối phương. Máy bay ở càng xa các vũ khí phòng không thì hiệu quả của công nghệ tàng hình áp dụng cho chúng càng hiệu quả, còn hỏa lực pháo phòng không dẫn bằng mắt không làm gì nổi các máy bay này. 

Tiêm kích F-22 Raptor có tốc độ bay hành trình siêu âm cũng có khả năng thả các quả bom này ở tốc độ siêu âm. Lúc đó, SDB có thể bay còn xa hơn nhờ lực nâng của cánh tăng lên và bay ở quỹ đạo cao hơn. Khi đến mục tiêu, bom có thể ứng phó khác nhau.

F-22 Raptor thả bom SDB I. Ảnh: f-16.net
 Ngòi nổ được điều khiển từ buồng lái máy bay có thể hoạt động ở mấy chế độ: chế độ tiếp xúc thông thường, nổ có giữ chậm và nổ trên không. Chế độ nổ chậm của bom giải thích vì sao ở SDB lại có ít thuốc nổ hơn các bom cũ và các loại tương tự cùng thời. Vấn đề là ở chỗ vỏ bom kết cấu vững chắc có tác dụng như một quả đạn chiếm khoảng 70 kg, cho phép bom xuyên sâu cả mét vào bê tông cốt thép. 
 
Bom có điều khiển SDB I chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu không cơ động. Bom này đã được sử dụng trong các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan.

GBU-39 tiêu diệt một máy bay cường kích trong hầm bê tông. 
 Thế hệ tiếp theo của bom này là SDB II (GBU-40 của Boeing hay GBU-53 của Raytheon) có thêm hệ thống nhận dạng mục tiêu và sensor ảnh nhiệt, cho phép bom tiêu diệt cơ động như xe tăng và các phương tiện kỹ thuật mặt đất khác, trong thời tiết xấu. SDB II có giá khoảng 90.000 USD/quả.

Tháng 8.2010, Không quân Mỹ đã chọn GBU-53 và ký hợp đồng 450 triệu USD với Công ty Raytheon (Mỹ) để phát triển mẫu bom này. Raytheon đã chế tạo đầu tự dẫn 3 chế độ không làm lệnh cho bom SDB II. Trong quá trình thử nghiệm đầu tìm mới trong phòng thí nghiệm đã thu được các kết quả cao hơn tính toán. Đầu tìm gồm radar vi ba, sensor ảnh nhiệt không làm lạnh và sensor laser bán chủ động lắp cùng trên một khung cardan. 


SDBII (GBU-53B). Ảnh: ausairpower.net
 Đầu tìm tích hợp này có thể phân phối lại thông tin chỉ thị mục tiêu từ 3 sensor đó, cho phép bom tiêu diệt bất kể ngày đêm cả mục tiêu tĩnh và động trong thời tiết phức tạp. Theo các nhà thiết kế, trong quá trình thử nghiệm, sensor ảnh nhiệt không làm lạnh đã thể hiện các thông số tốt, vì thế người ta đã từ bỏ ý định lắp sensor ảnh nhiệt không làm lạnh đắt tiền hơn.

GBU-53 có kênh truyền dữ liệu mã hóa, cho phép tiêu diệt mục tiêu động. Kênh liên lạc đó cho phép điều khiển chuyển động của bom SDB nhờ mạng máy tính trên khoang. Khả năng này là một trong những cải tiến cơ bản cho SDB II, loại bom dự kiến chưa thể đưa vào sử dụng trong vài năm nữa.


Bom chính xác cao KAB-250
KAB-250 là bom “thông minh”, có tất cả các tính năng tiêu chuẩn cần thiết, đặc trưng cho cả bom không điều khiển thông thường, đồng thời là bom có điều khiển với hệ dẫn truyền hình hoặc hệ dẫn kết hợp vệ tinh và laser bán chủ động. Bom có đường kính chỉ là 225 mm, chiều dài 3,2 m, trọng lượng 250 kg, trong đó, 127 kg là trọng lượng thuốc nổ.
KAB-250 có thân nhỏ, thuôn dài thích hợp để lắp trong khoang bom bên trong của T-50. Ảnh: ktrv.ru
 KAB-250 đủ nhỏ để lắp cả trong khoang bom bên trong, cũng như trên các mấu treo (khi cần mang nhiều bom hơn) dưới cánh của các tiêm kích-bom.

Bom này đã được giới thiệu tại Triển lãm hàng không MAKS-2011 vào tháng 8.2011. NPP Region không cung cấp thông tin chi tiết nào về KAB-250 nên ta chỉ có thể đoán về hiệu quả của bom này. Tuy nhiên, có thể dự đoán KAB-250 có hệ dẫn kết hợp vệ tinh và laser bán chủ động. 
 
Đáng chú ý là thân bom dài có lẽ là được tối ưu hóa để bố trí trong các khoang vũ khí bên trong của máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA. 

Cần lưu ý là các bom có điều khiển của Nga đều có hiệu quả tốt trong tiêu diệt cả mục tiêu mặt nước và dưới mặt nước nên có thể tiêu diệt “ngon ơ” tàu ngầm. 

Ví dụ, bom có điều khiển Zagon-1 dùng để tiêu diệt tàu ngầm khi đang ở trạng thái nổi và lặn ở độ sâu đến 600 m. Bom này có thể sử dụng hiệu quả chống mục tiêu tàu ngầm ở độ sâu đến 150 m khi có sóng biển đến cấp 6, không hạn chế về khu vực trên đại dương thế giới.

 Zagon-1 được sử dụng chủ yếu ở các vịnh hẹp, vịnh và các khu vực khó sử dụng các vũ khí có điều khiển khác. Khi tấn công tàu ngầm, bom được thả bằng dù. Khi tiếp nước, bom tách khỏi dù, chìm xuống nhờ trọng lực và tự chuyển động đến mục tiêu nhờ các hệ thủy âm chủ động định vị mục tiêu dưới mặt nước và điều khiển chuyển động.

Theo nhà sản xuất GNNP Region, Zagon-1 được chuẩn hóa để sử dụng cho các máy bay chống ngầm như Tu-142ME, Il-38 và các trực thăng chống ngầm như Ка-28...

Bom có điều khiển của Nga có ưu thế về tiêu chí giá cả/hiệu quả, đơn giản trong sản xuất và tin cậy, bền chắc trong khai thác. Các bom có điều khiển đang được sản xuất ở Nga không đòi hỏi bảo dưỡng kỹ thuật và kiểm soát đặc biệt.

Xét theo tiêu chí “chi phí/hiệu quả”, bom có điều khiển Zagon-1 rất hấp dẫn vì nhờ công nghệ chế tạo đơn giản và tốt bền trong khai thác, bom này có giá rẻ. Khi cất giữ, bom này không đòi hỏi bảo dưỡng kỹ thuật và kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng của nó lại cao hơn mấy lần so với các bom chống ngầm bình thường.

KAB-250. Ảnh: ktrv.r
 Bom nào tinh khôn hơn?

Việc so sánh trực tiếp các loại bom có điều khiển hiện đại của Nga và Mỹ là không cần thiết và vô ích vì đó là các vũ khí rất khác nhau. 

Bom có điều khiển SDB của Mỹ về bản chất là đạn tên lửa không có động cơ, có khả năng vượt khoảng cách khá xa nhờ bay liệng. Chức năng chính của nó là tiêu diệt các boongke, sở chỉ huy, các tòa nhà bằng cách xuyên qua tường và nổ bên trong. 

Còn bom có điều khiển của Nga thường rẻ hơn và giống hơn với các bom thường. Đồng thời, chúng có trọng lượng phần chiến đấu lớn hơn nhiều và bán kính sử dụng cũng nhỏ hơn nhiều (SDB của Mỹ có tầm 110 km, còn bom KAB-500 của Nga chỉ có tầm 9 km).

KAB-250 ra đời ngay sau bom cỡ nhỏ SDB GBU-39/B của Không quân Mỹ (USAF). Nhưng SDB có một số đặc điểm mà KAB-250 hiện không có.

SDB nặng 130 kg và có giá gần 70.000 USD. Tức là nó nhẹ và đắt hơn KAB-250. Cũng như KAB-250, SDB được phát triển trước hết như một bom “thông minh”. Chỉ 5 năm trước, USAF cuối cùng đã đưa SDB vào sử dụng ở Iraq. SDB lẽ ra đã phải được sử dụng lần đầu tiên năm 2005, ngay sau khi nhận vào trang bị vào năm 2004 các bom cỡ nhỏ (227 kg) JDAM dẫn bằng GPS.

Tuy nhiên, SDB có nhiều vấn đề kỹ thuật vì nó không đơn thuần là bom gắn thêm bộ thiết bị dẫn GPS. SDB có thiết kế đầu đạn và hệ dẫn hiệu quả hơn. Về hình dáng, nó giống với tên lửa hơn là bom (dài gần 2 m và đường kính 190 mm).

SDB có ưu điểm khác biệt là khi nổ tạo ra sóng xung kích yếu hơn so với bom thông thường cùng cỡ, nên cho phép thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao và gây thương vong phụ ít hơn cho dân thường. Quân nhà có thể ở gần mục tiêu hơn khi bom SDB nổ.

SDB và KAB-250 đều có những thế mạnh riêng. Ảnh: ausairpower.net, ktrv.ru
Mặc dù các loại bom nặng khi sử dụng có hiệu quả dễ thấy, nhưng chúng lại thường là quá mạnh và thậm chí có thể gây thương vong không cần thiết. Binh sĩ dưới mặt đất thích có nhiều hơn bom cỡ nhỏ dẫn bằng GPS. Đây là nguyên nhân khiến bom JDAM 227 kg được phát triển và đưa vào sử dụng nhanh chóng. Nhưng nó vẫn quá lớn cho nhiều tình huống chiến đấu diễn ra trong các thành phố. Trong khi đó, SDB chỉ chứa có 17 kg thuốc nổ so với 127 kg ở bom 250 kg KAB-250.
 
SDB là một tên lửa không động cơ, có thể liệng đi xa. Điều đó làm cho SDB gọn hơn, hiệu quả hơn và đắt tiền hơn. Chẳng hạn, JDAM (hệ dẫn sử dụng ở các bom thế hệ trước) giá chỉ có gần 26.000 USD. 
Các cánh nhỏ cho phép SDB liệng đi xa đến 70-80 km (từ độ cao lớn). 

KAB-250 cũng sử dụng những chiếc cánh nhỏ để bảo đảm tầm bay, nhưng không được xa như SDB, các chuyên gia Mỹ đánh giá.

SDB cũng có phần đầu cứng, cho phép nó chuyên hơn 2 m đá hay bê tông, và phần chiến đấu có sức công phá mạnh hơn so với các bom không điều khiển thông thường (vốn chỉ là thuốc nổ bình thường trong vỏ kim loại). Như vậy, SDB là bom thông minh thế hệ mới.

Kết cấu gọn hơn của SDB cho phép mang bom thuận tiện hơn. Chẳng hạn, các tiêm kích F-15/16/18 có thể mang 24 bom này hoặc nhiều hơn nữa. 

Hiện tại, USAF đang phát triển bom SDB II (GBU-53) có thêm kênh truyền dữ liệu mã hóa, cho phép tiêu diệt mục tiêu động. Kênh liên lạc đó cho phép điều khiển chuyển động của bom SDB nhờ mạng máy tính trên khoang. Khả năng này là một trong những cải tiến cơ bản cho SDB II, loại bom dự kiến chưa thể đưa vào sử dụng trong vài năm nữa.
Tổng hợp
Nguồn BAODATVIET

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Huyền thoại Dragunov được 'độ' theo phong cách Mỹ

SVD Dragunov, súng trường bắn tỉa huyền thoại từng sử dụng hiệu quả trong chiến tranh Việt Nam bắt đầu trở lại thị trường vũ khí với một thiết kế hoàn toàn mới.
Gennady M. Kozhaev, chuyên gia sửa chữa súng đồng thời là Giám đốc của công ty OOO Skat mang "trường phái Mỹ" vào thiết kế súng bắn tỉa SVD Dragunov mới.

Skat là công ty chuyên chế tạo lại những mẫu súng trường hiện đại của nước ngoài, có trụ sở tại Moscow, Nga.
Kozhaev đã sử dụng một loạt các bộ phận thiết kế của Magpul để tạo nên một khẩu súng bắn tỉa hiện đại. Súng được thiết kế trên cơ sở sử dụng ống ngắm quang học Tigr và bộ phận nòng Lothar Walther của nhà máy Izhmash.

Súng sử dụng tay cầm từ khẩu AR-15 A2 và báng súng Magpul PRS của Mỹ. Súng còn được thiết kế lại với một gá tích hợp bao quanh (handguard) khá dài từ vị trí tay cầm tới giá hai chân ở phía trên thân súng. Tay vịn ở hai bên có thể được gắn liền với các hanhguard.

 Khối trích khí đã được thiết kế lại và khác khá nhiều so với thiết kế của khối trích khí SVD nguyên bản. 

Nòng Lothar Walther có đường gen để lắp khối giảm giật hoặc lắp nòng giảm thanh, thay cho loa che lửa đầu nòng của SVD/Tigr. Cả hai đầu ngắm ở đầu nòng và trên nòng súng đã được gỡ bỏ.

Ngoài ra, ông Kozhaev cũng phát triển một biến thể SVD hiện đại hóa nhỏ với nòng súng ngắn hơn, cấu hình khối trích khí được bố trí ở dưới để phù hợp với gá tích hợp, tay cầm và báng súng được thiết kế giống như khẩu SVD ban đầu.

“Tôi hy vọng với các bộ phận và nòng súng được cải thiện tốt hơn, súng có được độ chính xác tốt hơn rất nhiều lần so với khẩu SVD ban đầu", tác giả súng mới hy vọng. 

Ông cho biết thêm: "Có một ý kiến hỏi tôi rằng, tại sao nước Nga lại không mua loại súng bắn tỉa AR-10 mới nhất của Mỹ thay cho việc hiện đại hóa SVD. Tôi sẽ hỏi lại tại sao Quân đội Mỹ lại hiện đại hóa súng M24 lên cỡ nòng .300 Win (7,62 mm) và Mag XM2010 thay cho việc mua súng bắn tỉa cỡ nòng chuẩn quốc tế .338 Lapua Magnum. 

"Câu trả lời ở đây là chi phí nâng cấp rẻ hơn nhiều lần so với việc mua súng mới, việc nâng cấp cũng dễ hơn so với một hệ thống vũ khí hoàn toàn mới”, ông Kozhaev bình luận.

 Việc nâng cấp Dragunov theo hướng này sẽ hấp dẫn hơn cho các quốc gia đang sử dụng loại vũ khí này nhưng không cần chi quá nhiều tiền, hoặc ngại giải quyết vấn đề phụ tùng khi chuyển đổi từ cỡ nòng 7,62 mm lên các cỡ nòng lớn hơn.

Quân đội Nhân dân Việt Nam đang sử dụng một số lượng khá lớn loại súng bắn tỉa SVD Dragunov do Liên Xô viện trợ từ thời kháng chiến chống Mỹ. Số súng bắn tỉa này chủ yếu được biên chế cho các đơn vị đặc biệt, biệt đội bắn tỉa…của Quân đội và Công an. 

Cho tới nay, Dragunov của Việt Nam không có sự thay đổi cũng như chưa được hiện đại hóa mà giữ nguyên cấu hình ban đầu.

Một bản hiện đại hóa của súng bắn tỉa SVD Dragunov khác không được Skat giới thiệu. Tuy nhiên quan sát thấy, mẫu hiện đại hóa này không có nhiều điểm mới, ngoài rãnh tích hợp, ống ngắm quang học mới và khối giảm thanh đầu nòng. 

Mẫu SVD hiện đại hóa tiêu chuẩn, trông khá bắt mắt với kiểu dáng Mỹ.
 Bản SVD Dragunov hiện đại hóa với cấu hình nhỏ gọn hơn bản tiêu chuẩn.
Súng có gen đầu nòng để lắp loa che lửa, khối giảm giật hoặc nòng giảm thanh, phần báng súng có thanh tỳ má có thể điều chỉnh để phù hợp với tư thế bắn của xạ thủ.
Nguồn BAODATVIET

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Chuyện ít biết về công tác huấn luyện bay Su-30MK2 của Việt Nam


Đúng 7g15, các phi công và chuyên gia nhanh chóng di chuyển ra hangar, nơi để máy bay. Những chiếc Su-30MK2 - máy bay tiêm kích đa năng siêu âm hiện đại trên thế giới hiện nay - đang giương cánh đợi xuất kích.


Trước đó, lúc 6g30, căn cứ quân sự của trung đoàn không quân tiêm kích đa năng 935 (Sư đoàn không quân 370 - Quân chủng Phòng không không quân VN) yên bình giữa nắng và gió sớm mai.

Nhưng trong phòng họp triển khai nhiệm vụ ban bay là khung cảnh rất tất bật: toàn bộ phi công, chuyên gia người Nga đang ngồi chật kín phòng, sau khi nghe các bộ phận bảo đảm báo cáo tình hình, trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho các thành phần bảo đảm tiếp tục các công việc còn lại và chuẩn bị tốt mọi mặt cho hoạt động của ban bay. 


Trên tường, bảng kế hoạch bay dày kín tên phi công, số hiệu phi công, số hiệu máy bay, giờ bay. Mỗi giờ bay đều ghi cụ thể yêu cầu từng bài bay huấn luyện và cả những điều cấm kỵ không được làm vì yếu tố an toàn của chuyến bay.

“Thiên nga và hổ mang chúa”

Các chuyên gia và kỹ thuật viên luôn di chuyển, kiểm tra từng chi tiết, đôi mắt không rời chiếc Su-30MK2. Họ bận bịu với những cuộc trao đổi dồn dập.

Tất cả chuyên gia đều là người của Văn phòng thiết kế máy bay Sukhoi - văn phòng thiết kế số 1 của Nga trong lĩnh vực hàng không. Trong số họ có người là anh hùng không quân Nga được phong cách đây bảy năm. Ông được coi là chuyên gia số một của Văn phòng thiết kế máy bay Sukhoi.
Máy bay Su-30MK2 cất cánh 
Cả không gian căn cứ không quân rộng lớn bị âm thanh gầm rú đầy uy lực của Su-30MK2 chiếm lĩnh. Từng chiếc lần lượt nhẹ nhàng lao ra khỏi hangar, di chuyển ra đường lăn vào khu vực đường băng và lao vút lên trời. Có lúc từng chiếc một, có lúc cả một biên đội. 
Ngày hôm nay, các phi công phải thực hiện những bài bay huấn luyện tác chiến nhào lộn phức tạp ở nhiều độ cao.

Hai quả tên lửa tinh khôn cũng được gắn vào thiết bị phóng thả của một chiếc Su-30MK2 để phi công bay kiểm tra thông số kỹ thuật sau khi cải tiến.


Trong khi đó, trên đài chỉ huy, chỉ huy bay và tổ dẫn đường đang liên lạc với phi công bằng những câu thông thoại ngắn gọn, chuẩn xác.

Hôm nay thượng tá Phan Xuân Tình - phó trung đoàn trưởng quân huấn - chỉ huy bay, đang cùng các sĩ quan dẫn đường và một chuyên gia người Nga tập trung theo dõi màn hình với những thông số về tốc độ bay, độ cao... và liên tục đưa ra những câu thông thoại.

Tất cả những câu đối không được ghi chép cẩn thận từng chi tiết. 


Cùng lúc đó, ở phòng kiểm tra khách quan, đại tá Nguyễn Văn Phượng - phó trưởng phòng quân huấn Sư đoàn không quân 370 - đang theo dõi các bài bay huấn luyện của từng nhóm phi công trong hộp đen và được tái hiện bằng sơ đồ trên màn hình.

Có lúc khi tuyến bay vừa kết thúc, anh lại đến phòng họp gặp phi công học chuyển loại, sửa những lỗi mà một phi công trẻ hay mắc phải. 


11 năm trước, đại tá Phượng là một trong bốn phi công từng được cử sang Nga bay thử nghiệm hai dòng máy bay Su-30MK2 và Su-30MKI để tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân chủng Phòng không không quân... nên mua cái nào. 


“Su-30MK2 ổn định hơn các loại máy bay khác, ít phụ thuộc vào các phương tiện dẫn đường ở mặt đất. Làm chủ được nó là làm chủ bầu trời”, đại tá Phượng khẳng định.

“Ở dưới mặt đất, Su-30MK2 hiền lành như những con thiên nga nhưng khi thực hiện những động tác bay kỹ chiến thuật trên trời, nó dũng mãnh như rắn hổ mang chúa”. 


Khi được tận mắt nhìn thấy hình ảnh những chiếc Su-30MK2 bay huấn luyện chiến đấu, tôi mới cảm nhận trọn vẹn cách so sánh đầy biểu cảm của các phi công.

Su-30MK2 là loại máy bay có thể tác chiến độc lập hoặc theo biên đội trong nhiều kiểu thời tiết, địa hình, ở cả trên không, trên đất, trên biển. Nó có khả năng thực thi nhiệm vụ tiêm kích (không chiến) trong điều kiện đêm tối, sử dụng các loại vũ khí tác chiến tầm trung, tầm xa và tiếp nhiên liệu ngay trên không (khi được tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 sẽ tăng tầm hoạt động từ 3.000km lên tới 8.000 km!). 


Dưới thân và cánh Su-30MK2 được trang bị tên lửa tinh khôn (tên lửa truyền hình), tên lửa không đối hạm, không đối đất... Ở chế độ không đối không, chiến đấu cơ này có thể thực hiện chín nhiệm vụ và mười nhiệm vụ ở chế độ không đối đất. 


Đặc biệt, hệ thống radar của Su-30MK2 có khả năng phát hiện 15 mục tiêu cùng lúc, có thể đồng thời theo dõi mười mục tiêu và sử dụng vũ khí tấn công bốn mục tiêu trên không hoặc hai mục tiêu mặt đất.
Kỳ tích 14 năm bay an toàn
“Chúng tôi phải thường xuyên bay huấn luyện để rèn luyện bản lĩnh, làm dày dạn thêm kinh nghiệm xử lý các tình huống trên không, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Có những bài bay huấn luyện phải làm đi làm lại nhiều lần để phi công thật sự thành thạo, nếu có tình huống chiến đấu xảy ra sẽ xử lý rất nhanh” - thượng tá Trần Trọng Tuyến, chính ủy trung đoàn 935, cho biết.

Việc bay huấn luyện diễn ra hàng tuần. Có khi nhiệt độ trên đường băng lên đến 45-47 độ C, ban bay vẫn diễn ra như kế hoạch. Có phi công một ngày bay ba chuyến. 


“Tất cả phi công lái Su-30MK2 đều có giờ bay tích lũy hơn 300 giờ trên các loại máy bay phản lực, dày dạn kinh nghiệm và phải biết tiếng Nga nên khi huấn luyện bay chuyển loại, họ chỉ cần một tháng học lý thuyết và sau 1-2 chuyến bay kèm đã tự điều khiển được Su-30MK2”, thượng tá Tuyến nói.


Một chuyên gia người Nga đã nhiều năm làm việc tại trung đoàn 935 nhận xét: “Đội ngũ kỹ sư máy bay VN rất thông minh. Nhiều sự cố hỏng hóc ngay cả chúng tôi cũng không xử lý được vì ở Nga chưa từng gặp tình huống như thế, nhưng kỹ sư và nhân viên kỹ thuật người Việt tự mày mò khắc phục được.

Còn phi công của các bạn rất giỏi và dũng cảm. Có những tình huống nếu là phi công ở nước khác họ đã nhảy dù, hi sinh máy bay. Nhưng phi công VN vẫn ở lại cùng máy bay, bình tĩnh xử lý và cứu thành công chiến đấu cơ này”.


Theo thượng tá Nguyễn Gia Nhân - chủ nhiệm bay trung đoàn 935, chỉ có khoảng 60-70 tình huống có trong sách nhưng thực tế có những tình huống chưa từng thấy trong tài liệu. Với 14 năm liên tiếp bay an toàn, trung đoàn không quân tiêm kích 935 đã làm nên kỳ tích trong lực lượng không quân - nói như phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN Võ Văn Tuấn.


Đến trung đoàn 935 sẽ được nghe, được gặp những con người đã rất dũng cảm cứu máy bay trong những tình huống đầy kịch tính còn hơn cả phim ảnh. Đặc biệt nhất là câu chuyện cứu máy bay Su-27 bị cháy động cơ khi vừa cất cánh chỉ mấy giây của thượng tá Đào Quốc Kháng (phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn). 


Gần đây nhất là kỳ tích cứu Su-30MK2 khi bay tuần tiễu trên biển trở về, cách đất liền tới 600km của phi đội trưởng Nguyễn Xuân Tuyến (hiện nay là trung đoàn trưởng trung đoàn 935) và chủ nhiệm bay Nguyễn Gia Nhân ngày 9-4-2011.


Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Tuyến, người từng kinh qua tám loại máy bay chiến đấu với hơn 1.500 giờ bay tích lũy, giải thích: “Trong tình huống đó nếu nhảy dù cũng không có lực lượng nào ra cứu kịp. Rơi xuống biển là hi sinh.

Nhưng trong tâm trí của chúng tôi luôn nghĩ rằng đất nước mình còn nghèo, khó khăn. Giữ trong tay một tài sản trị giá hơn 50 triệu USD là mồ hôi, công sức của dân thì phải bằng mọi giá, kể cả tính mạng, bảo vệ cho được khối tài sản mà đất nước, nhân dân đã tin tưởng giao cho mình”.

* Thực hành bay bắn, ném bom

Ngày 23/3/2012, tại Trường bắn quốc gia 3, Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không không quân VN) đã tổ chức bay bắn, ném bom trên đất.

Đây là dịp để đánh giá khả năng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn 370 và rút kinh nghiệm, bổ sung các phương án huấn luyện trong thời gian tiếp theo cũng như tổ chức huấn luyện để tham gia thực hành bắn trên biển theo kế hoạch năm 2012. 

Từ phải qua: đại diện Sư đoàn không quân 370 trình bày với phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân VN về buổi thực hành bay bắn, ném bom vào sáng 23-3
Chỉ đạo trực tiếp buổi thực hành bay bắn, ném bom là cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng), phó tư lệnh - tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân VN... Đại tá Trần Ngọc Đông - sư đoàn trưởng Sư đoàn 370 - trực tiếp chỉ huy toàn bộ lực lượng tham gia bắn ném.

Trực thăng Mi-8, UH-1, máy bay tiêm kích Su-22M4 đã tham gia bắn đạn thật, ném bom... và đều tiếp cận trúng mục tiêu; hạ gục mục tiêu ngay từ loạt đạn, lần ném bom đầu. 


Đặc biệt, trong buổi thực hành bay bắn, ném bom trên đất lần này, sư đoàn đã mạnh dạn giao nhiệm vụ lần đầu cho một số phi công trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1984) và sử dụng trực thăng UH-1 được cải tiến hệ thống vũ khí điều khiển.


Các phi công lái máy bay tiêm kích Su-22M4 đã thực hiện những bài bay bắn khi cơ động phức tạp, khó hơn nhiều so với bắn bình thường. 


Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ, phó tư lệnh - tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân VN, cho biết: “Buổi thực hành hôm nay chỉ sử dụng các vũ khí huấn luyện học tập, chủ yếu là kiểm tra trình độ xạ thủ của phi công, đánh giá kết quả huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của phi công Sư đoàn 370”. 


Lãnh đạo Cục Quân huấn và Quân chủng Phòng không không quân VN rất hài lòng với buổi thực hành bay bắn, ném bom này và dự kiến sẽ kết thúc, đánh giá kết quả vào chiều nay 24-3. 
Theo Tuổi trẻ

Chiến hạm chống ngầm Nga sắp thăm VN


Tin cho hay chiến hạm chống tàu ngầm mang tên Đô đốc Tributs của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Nga sắp cập cảng Sài Gòn trong chuyến thăm bốn ngày vào tháng tới.

Hãng thông tấn Interfax-AVN của Nga đưa tin chuyến thăm sẽ được tiến hành từ 4/4-7/4 khi tàu Đô đốc Tributs trên đường từ khu vực Sừng châu Phi về lại căn cứ của Hạm đội ở Vladivostok, miền Viễn Đông, Nga.
Đi cùng với chiến hạm khổng lồ này là tàu chở dầu Pechenga và tàu kéo MB-37. Các tàu này vừa hoàn thành công vụ chống cướp biển tại Sừng châu Phi.
Cách đây đúng một năm, tàu Đô đốc Vinogradov cũng thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, đã tới thăm Đà Nẵng trên đường trở về từ châu Phi.
Tuy các chuyến thăm viếng hải cảng được tính toán kỹ về tần số và xuất xứ, việc các tàu chiến lớn của Nga đến các cảng chính của Việt Nam cho thấy sự hợp tác ngày càng mở rộng giữa hải quân Việt Nam và hải quân Nga, đặc biệt là BấmHạm đội Thái Bình Dương.
Trong khi đó, nguồn tin riêng của BBC cho hay nhà máy đóng tàu Vostochnaya Verf cũng ở thành phố Vladivostok đã ký hợp đồng cung cấp cho hải quân Việt Nam hai cầu tàu lưu động.
Nhà máy này cũng chuẩn bị giao cho Việt Nam hai tàu tuần tra cao tốc lớp Projekt 10412 Svetlyak, có thể vào tháng Năm tới.

Chiến hạm chống ngầm

Interfax dẫn thông cáo của Quân khu Viễn Đông Nga cho hay mục đích chính của chuyến dừng chân của tàu Đô đốc Tributs là để cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi và tiếp nhiên liệu.
Hiện chưa rõ thủy thủ đoàn sẽ có hoạt động gì ở TP Hồ Chí Minh.
Nga đã bày tỏ nguyện vọng được quay trở lại Việt Nam với một địa chỉ thường xuyên sau khi hải quân Nga chính thức rút khỏi quân cảng Cam Ranh mà Hạm đội Thái Bình Dương từng quản lý cho tới năm 2002. Căn cứ Cam Ranh khi đó có hai cầu cảng lớn cho tàu và tàu ngầm, cùng khoảng 30 nhà xưởng có đủ máy móc, và một đường băng.
Mới đây Nga loan báo sẽ dành hơn 150 tỷ đôla cho việc hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương trong thập niên tới.
Đây là chuyến công tác tới khu vực Sừng Phi Châu lần thứ bảy của các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.
Chiếm hạm Đô đốc Tributs là khu trục hạm lớp Udaloy chuyên chống tàu ngầm, được đưa vào sử dụng năm 1983.
Tàu chiến thuộc lớp này có tải trọng từ 6.000-7.000 tấn, dài 163 mét, được trang bị các vũ khí hiện đại.
Trên tàu có nhiều hỏa tiễn chống ngầm và phòng không, pháo và ngư lôi. Đô đốc Tributs cũng có trang bị sàn đỗ và kho chứa hai trực thăng.
Đây là một trong bốn chiến hạm lớp Udaloy mà Hạm đội Thái Bình Dương sở hữu, bên cạnh tuần dương hạm Varyag và khu trục hạm Bystryi, thuộc lớp Sovremenny.
Ngoài ra, hạm đội này còn có cơ số tàu ngầm lớn, gần 20 chiếc.
Nguồn BBC

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang