Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

Hãng Retia tại Pardubice thay vì sắt thép chủ yếu chỉ chuyển giao công nghệ, giấy phép và kinh nghiệm thực tiễn know-how sang khu vực đông nam Á. Khu vực đang phát triển nhanh chóng và đồng thời không ổn định này là cơ hội cho hàng loạt các nhà sản xuất vũ khí.
P-18 đã được hiện đại hoá. Nguồn ảnh: Retia

Công ty Retia sẽ đưa sang một quốc gia đông nam Á kỹ thuật quân sự trị giá gần 900 triệu korun (khoảng 52 triệu USD). Hãng miền đông Séc này cung cấp cho quân đội một quốc gia không được nêu tên vài chục hệ thống rada tích cực P-18. Hệ thống này chủ yếu để theo dõi không phận.
“Đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của chúng tôi. Rất tiếc là chúng tôi không thể tiết lộ đích đến, khách hàng của chúng tôi không muốn như vậy,“ giám đốc Retia Petr Novák nói với phóng viên báo Kinh tế hôm 30.5.2011. Trong khi đó, doanh thu hàng năm của công ty với chưa đầy hai trăm nhân viên này giao động từ 200 đến 400 triệu korun.
Radar Tamara
Radar Tamara 
Hệ thống định vị P-18 ban đầu là sản phẩm của Liên Xô, mà quân đội Tiệp Khắc từng sử dụng rộng rãi. Nó hoạt động như hệ thống cảnh báo từ xa, có thể phát hiện mục tiêu đối phương ở khoảng cách hàng trăm cây số. Hãng Retia đã cải tiến và hiện đại hoá P-18 lên rất nhiều.
Thay vì cung cấp “sắt thép“, Retia đưa sang châu Á chủ yếu know-how, công nghệ và giấy phép. Vì thế cho nên các hệ thống rada chủ yếu được lắp ráp tại chỗ.
Khu vực nam và đông nam Á có thể trở nên rất đáng quan tâm cho các hãng xuất khẩuvũ khí CH Séc. Về phương diện buôn bán vũ khí, khu vực này vẫn chưa có sự chia sẻ phạm vi ảnh hưởng  rõ rệt. Hơn nữa, các quốc gia như Thái Lan, Malajsia, Việt Nam, Campuchia hay Ấn Độ đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn các nước tân tiến phương tây. Mức phát triển kinh tế ở khu vực này mạnh mẽ hơn và cùng với nó là cả chi phí quân sự. Khu vực này vẫn còn đang tồn tại nhiều tranh chấp biên giới. Chủ yếu Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.
Trước đây, Việt Nam đã tỏ thái độ rất quan tâm đến hệ thống rada Tamara  hay Věra của Séc có khả năng phát hiện cả phi cơ tàng hình với độ chuẩn xác cao. Nhưng vì nhiều lí do, kể cả sự can thiệp của người Mỹ, thương vụ này không thể thực hiện được.
Theo nguồn tin riêng của Vietinfo.eu, Việt Nam đang có ý định mua một số trang thiết bị và radar của Séc và  đã cử đoàn chuyên viên sang Séc thực tập. Đó là loại radar cổ điển hay loại phát hiện máy bay tàng hình, thì vẫn là điều bí mật.
Một số hình ảnh Radar P18 của Nga được cải tiến
  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?

    Radar P-18 được cải tiến

  •  Việt Nam sẽ mua radar phòng không của Séc?
Tổng hợp từ nhiều nguồn.

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế


Xét từ góc độ luật pháp quốc tế, vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của PVN trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng. Việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án quốc tế là một sự lựa chọn.
Các vùng nước liên quan đến một quốc gia ven biển. Đồ họa: wikipedia.
Trên đây là nhận xét của Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, trong cuộc trao đổi với VnExpress.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, ông đánh giá thế nào về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam ngày 26/5?
- Vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 cho thấy hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Hành vi này của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình tại biển Đông. Tại biển Đông, tồn tại nhiều tranh chấp khác nhau, nổi bật lên trong đó là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vụ Bình Minh 02 không liên quan đến vùng tranh chấp chủ quyền mà xảy ra trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về quyền chủ quyền của Việt Nam ở địa điểm xảy ra sự việc?
- Công ước Luật biển năm 1982 đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và Quy chế pháp lý của chúng; xác định ranh giới, biên giới trên biển giữa các quốc gia. Theo Công ước thì mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. (Đọc thêm về các khái niệm này).
Theo thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thì tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám của Trung Quốc bao vây, uy hiếp và cắt cáp thăm dò tại vùng biển cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy, đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, và vùng đất nằm dưới vùng biển đó là thềm lục địa của Việt Nam, theo các quy định của Công ước.
Trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (Điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió… Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.
Công ước quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản không sinh vật (chủ yếu dầu khí, kim loại, cát sỏi…) và tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư; quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc khoan, đào, nổ... trên thềm lục địa.
Đối với các quốc gia khác trên thềm lục địa có các quyền về tự do hàng hải; tự do bay; tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm song phải có sự thông báo trước với quốc gia ven biển.
Như vậy, theo quy định của Công ước, Việt Nam hoàn toàn có quyền đối với việc thăm dò, khai thác các tài nguyên trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế cũng như thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình. Việc tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình là việc làm hết sức bình thường, theo đúng các quy định của Công ước.
- Vậy chiếu theo Công ước, các sai phạm của Trung Quốc là gì?
- Là thành viên của Công ước, có nghĩa là Trung Quốc cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của quốc gia ven biển như Việt Nam tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ các quy định đó, có hành vi uy hiếp đe dọa đối với tàu Bình Minh 02.
Thêm nữa, theo điều 279 Công ước, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước trên cơ sở trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Về vấn đề này, Hiến chương Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả tranh chấp về biển, bằng biện pháp hoà bình. Như vậy, Trung Quốc đã trực tiếp vi phạm điều 279 của Công ước.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trong biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy định các bên phải tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh:TTXVN.
- Theo ông, chiến lược mà chúng ta nên theo đuổi trong việc giải quyết vụ việc này?
Để chấm dứt các hành động tương tự Việt Nam cần phải quyết liệt phản đối, đồng thời kêu gọi dư luận thế giới phản đối hành vi của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại những gì Trung Quốc đã cam kết thực hiện trong DOC.
Việc giải quyết các tranh chấp kiểu như vậy, theo các biện pháp mà Hiến chương đã liệt kê tại điều 33, thì với hành vi vi phạm đó của Trung Quốc, Việt Nam có thể nhờ sự giải quyết của các Tòa án quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể, vì Trung Quốc đã trực tiếp vi phạm UNCLOS nên Việt Nam có thể nhờ Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) phân xử vì Tòa án này có thẩm quyền rất lớn trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS, hoặc một Tòa án trọng tài nào đó để giải quyết.
- Trên thế giới từng có tiền lệ nào tòa án quốc tế giải quyết được các tranh chấp về lãnh thổ?
- Các Tòa án quốc tế đều đã giải quyết nhiều vụ án liên quan. Có thể kể đến như Tòa án công lý quốc tế (ICJ) đã giải quyết rất nhiều tranh chấp lãnh thổ, như vụ đền Preah Vihear giữa Camphuchia và Thái Lan năm 1962. Năm 2008 Tòa này có ra phán quyết cho việc tranh chấp chủ quyền trên đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore.
Tòa án quốc tế về Luật biển cũng đã phân xử nhiều vụ án tranh chấp liên quan đến luật biển, gần đây Tòa này cũng đang nhận đơn nhờ phân định biên giới biển giữa Myanmar và Bangladesh trên vịnh Bengal…
Còn các Tòa trọng tài cũng đã xét xử rất nhiều vụ. Tuy nhiên, cũng chưa có vụ án nào hoàn toàn giống như sự kiện Bình Minh 02 vừa rồi.
Trong Đối thoại an ninh châu Á Shangri-la sắp tới (3-5/6) có phần thảo luận về an ninh trên biển. Ông dự đoán như thế nào về vụ việc 26/5 được đưa ra mổ xẻ dưới góc độ an ninh hàng hải quốc tế?
- Việc đưa ra sự kiện này ra Đối thoại, theo tôi là hết sức cần thiết để thông qua đối thoại, các bên có tiếng nói chung hơn, từ đó có thể giảm thiểu được những căng thẳng trong khu vực, tránh các xung đột quân sự.
Đối thoại an ninh châu Á lần này chắc chắn thu hút sự chú ý của cả thế giới, bởi có sự hiện diện của cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
Tuy nhiên, việc có đưa được sự kiện này ra Đối thoại lại đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Các cường quốc chính trị sẽ có thể dùng nhiều biện pháp để ngăn cản việc đưa vụ việc này nếu cảm thấy bất lợi cho họ. Vì thế để đưa ra vấn đề nhằm làm giảm các tranh chấp tương tự, các bên cần phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

(Tin cập nhật) Trung Quốc lập đoàn rầm rộ dự hội nghị an ninh

ộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ lần đầu tiên dẫn đầu phái đoàn hùng hậu của nước này dự Đối thoại Shangri-La, hội nghị cấp cao hàng đầu về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, sắp diễn ra tại Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) sẽn gặp lại người đồng cấp sắp mãn nhiệm của Mỹ Robert Gates tại Singapore. Ảnh: Foreign Policy.
Đối thoại Shangri-La (The Shangri-La Dialogue) còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á IISS (ISS Asia Security Summit) ra đời từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Đối thoại Shangri-La tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6 tới được kỳ vọng sẽ là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực.
Hội nghị thường niên quy tụ các quan chức hàng đầu về quốc phòng của 28 nước trong trong khu vực, gồm Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng đại diện của NATO và Nga, là nhân tố quan trọng trong việc đình hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh vấn đề chung, các nước còn tổ chức các cuộc họp song phương bên lề.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ lần đầu tiên tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La, dẫn đầu một đoàn đại biểu được đánh giá là "hùng hậu" của Trung Quốc và phát biểu về hợp tác an ninh quốc tế của nước này. Ngay trước đó, tướng Lương có chuyến thăm chính thức Philippines để thảo luận với giới chức nước chủ nhà xung quanh các cáo buộc máy bay chiến đấu và tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm Philippines hôm 15/5.
Tổng giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman cho biết, mối quan tâm của Trung Quốc đối với hội nghị thường niên về an ninh tại Singapore này được thể hiện ngay từ tháng 3, khi Bắc Kinh công bố Sách trắng quốc phòng có nhắc đến “tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La đối với hợp tác quốc phòng khu vực”.
Trong khi đó, đại diện cho phái đoàn Mỹ dự Đối thoại Shangri-la là Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates với sự tháp tùng của tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Robert Willard. Đây sẽ là lần cuối ông Gates xuất hiện tại diễn đàn quốc tế trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, trước khi cơ quan này có ông chủ mới. Ông Gates và tướng Lương được dự đoán sẽ có thảo luận song phương bên lề hội nghị, nhằm cải thiện hợp tác và đối thoại giữa hai quân đội.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh cấp cao uy tín, giải quyết được hàng loạt vấn đề tranh chấp và xây dựng các liên minh an ninh. Các phiên họp của hội nghị năm nay sẽ tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải hay các lợi ích về an ninh của Trung Quốc. Chủ đề liên quan đến Biển Đông cũng được dự đoán sẽ nhắc đến nhiều trong chương trình nghị sự.
Đối thoại Shangri-La 2011 diễn ra trong bối cảnh an ninh và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương vừa trải qua một số biến động. Tiến sĩ Tim Huwley, giám đốc điều hành ISS-Asia, nhận định sự cạnh tranh về quân sự giữa các bên có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực này. Tài liệu thường niên The Military Balance của chi nhánh IISS tại Singapore cũng nhấn mạnh đến sự chuyển dịch về sức mạnh quân sự từ phương Tây sang châu Á.
Trong khi khủng hoảng kinh tế đang làm giảm mức chi tiêu quân sự tại Mỹ và châu Âu, thì tại châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp ngân sách quốc phòng không bị ảnh hưởng. Điển hình là trong những tháng gần đây, giới truyền thông liên tục đưa về những phát triển của quân đội Trung Quốc, như việc công bố tàu sân bay đầu tiên Shi Lang, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cùng các chương trình về tên lửa chống hạm và tàu ngầm.
Theo tiến sĩ Huwley, bối cảnh chiến lược tại châu Á hiện nay với sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc giữa các nước và một loạt các cuộc xung đột tiềm tàng có thể tạo lý do để các nước mở rộng năng lực quân sự của mình. Trong số này ông nhắc đến mối lo ngại về sự phát triển sức mạnh và thái độ gây hấn của Trung Quốc.
Chuyên gia này cũng nhận định, chương trình hiện đại hoá quân đội tại châu Á nguy hiểm ở chỗ nó thường phản ánh những nỗ lực không được công bố, dẫn đến gây mất ổn định cho các chiến lược và học thuyết quốc phòng. Ông cho rằng việc Trung Quốc nâng cao sức mạnh quân sự có liên quan đến tranh chấp chủ quyền với các láng giềng tại Biển Đông.
Ngược lại, một số nước Đông Nam Á nâng cấp sức mạnh quốc phòng cũng không chỉ vì các lý do được công bố công khai là hiện đại hoá quân đội, mà còn là vì họ muốn răn đe chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, tiến sĩ Huwley bình luận thêm.

Báo nước ngoài bàn về Biển Đông


Các nước trong vùng lên tiếng về căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Hà Nội và Bắc Kinh to tiếng quanh cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam hôm 26/05.
Nhiều nước hy vọng tìm thấy dầu ở Biển Đông
Xã luận ngày hôm nay của nhật báo tiếng Anh Thái Lan, BấmBangkok Post, gọi Biển Đông là vấn đề cũ nhưng đang xuất hiện những đe dọa mới.
"Sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh, ngọn gió thay đổi một lần nữa lại quất vào chính trị Biển Đông... Sẽ cần cả may mắn và sự hợp tác xuyên biên giới để tránh xảy ra xung đột thực sự."
Tờ báo nhắc nhở rằng đã từng xảy ra chiến tranh vì giành giật lãnh hải và nhiều vụ va chạm ngắn ngủi mà đáng sợ:
"Tháng Giêng 1974, Nam Việt Nam và Trung Quốc, khi đó là kẻ thù, đã có trận đánh ngắn thực sự vì Hoàng Sa. Trung Quốc thắng trận đó, nhưng chính phủ ngày hôm nay ở Hà Nội khẳng định quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam."
"Xa hơn về hướng nam, bốn quốc gia thỉnh thoảng lại đánh nhau và thường va chạm tàu bè vì Trường Sa. Trong vụ xung đột nghiêm trọng nhất, năm 1988, hải quân Trung Quốc giết 70 lính Việt Nam và đánh chìm tàu của Hà Nội tại Trường Sa. Sáu năm sau, tàu chiến Trung Quốc can thiệp và buộc ngừng việc khoan dầu cũng tại vùng này. Trường Sa, thực ra chỉ là bãi cát ngập nước mà không có cư dân bản địa, hiện có các căn cứ kiểu quân sự với lính của cả bốn nước. Suốt hơn mười năm qua, khu vực Trường Sa nói chung yên bình nhưng xung đột luôn là một khả năng."
Bangkok Post đề cập biến cố mới nhất liên quan con tàu của PetroVietnam, đồng thời nhắc lại việc mấy tuần gần đây, Philippines cấp giấy phép khảo sát dầu hỏa cho Forum Energy của Anh, trong khi Việt Nam cũng hợp tác với Talisman Energy để khoan dầu. Trong khi đó, trữ lượng dầu và khí đốt của Trung Quốc giảm đi, và Bắc Kinh cũng cấp nhiều hợp đồng khoan dầu tại khu vực tranh chấp, trong đó có một dành cho một công ty Mỹ.
Sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh, ngọn gió thay đổi một lần nữa lại quất vào chính trị Biển Đông...Sẽ cần cả may mắn và sự hợp tác xuyên biên giới để tránh xảy ra xung đột thực sự.
Bangkok Post
Cùng ngày, tờ báo tiếng Anh khác của Thái, The Nation, cũng có bài cho rằng sau 15 năm ngoại giao kiên nhẫn thì có vẻ như cả Asean và Trung Quốc "đang chứng tỏ dấu hiệu mệt mỏi vì chẳng có tiến bộ nào cho một giải pháp rốt ráo hay kế hoạch khai thác chung".
BấmThe Nation phân tích cho đến tận bây giờ, Asean và Trung Quốc vẫn chưa thể đồng ý quanh việc thực thi Tuyên bố Hành xử Các bên về Biển Đông, ký năm 2002. Theo tờ báo, có lẽ các bên cũng sẽ chẳng thể đồng ý để kịp cho dịp kỷ niệm 10 năm vào 2012 tại Phnom Penh, khi Campuchia chủ trì hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 20.
Tác giả bài báo, Kavi Chongkittavorn, cho rằng không khí tương đối yên ổn quanh Biển Đông thực ra chấm dứt từ tháng Bảy năm ngoái, khi tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công khai nêu vấn đề, khiến Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bất mãn rõ rệt.
"Một hậu quả tức thời từ sự thay đổi này có thể là thái độ và chính sách bớt lịch sự hơn của Trung Quốc đối với Asean...Bắc Kinh xem thái độ của Asean quanh các khuyến nghị là có vấn đề và gây hại cho tuyên bố chủ quyền của nước này."
Mỹ đã gia tăng quan hệ quân sự và ngoại giao với Việt Nam
Ông Kavi Chongkittavorn cảnh báo nếu tranh chấp không được giải quyết hợp lý, nó sẽ có tác động lan tỏa lên sự đua tranh Mỹ - Trung trong khu vực.
"Philippines là đồng minh có hiệp ước với Mỹ, cũng như Nhật và Hàn Quốc, vốn đang có tranh chấp về đảo với Trung Quốc. Ví dụ, một cuộc tấn công vũ trang nhỏ tại quần đảo Kalayaan có thể dễ dàng trở nên xấu đi giữa sự đua tranh gia tăng Mỹ - Trung.
Chính phủ Philippines tin rằng một vụ tấn công vào tàu Philippines trong khu vực họ quản lý cũng là tấn công trực tiếp vào Mỹ, như đã ghi trong hiệp ước quốc phòng với Mỹ."
Cảnh cáo?
BấmMột bài của Bloomberg News hôm 28/05 đề cập đến vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 hôm 26/05.
Bloomberg dẫn lời James A. Lyons Jr, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng hành động gần đây của cả Việt Nam và Philippines xuất phát từ việc Mỹ bày tỏ quan điểm về Biển Đông hồi năm ngoái.
Ông Lyons, dẫn dắt Hạm đội từ 1985 đến 1987 và hiện làm tư vấn tại bang Virginia, nói thêm giá dầu hỏa tăng cao cũng khiến Việt Nam và Philippines đẩy mạnh việc tìm dầu cho phát triển kinh tế.
"Với tình hình kinh tế ở Philippines và Việt Nam, việc khảo sát dầu và khí đốt có lý về mặt kinh tế. Họ phụ thuộc vào Mỹ để có cây dù an ninh."
Theo kế hoạch, Talisman, công ty dầu hỏa lớn thứ ba của Canada, sẽ sớm bắt đầu khoan tìm ở khu vực cách đảo Hải Nam của Trung Quốc chừng 1000 cây số.
Trung Quốc thực ra đang cố gắng bắt nạt chúng ta và các nước Đông Nam Á.
Miriam Defensor-Santiago
Điều đáng nói, Talisman là đối tác của PetroVietnam, và điều này đặt câu hỏi phải chăng hành động của Trung Quốc với tàu Bình Minh 02 là sự cảnh cáo?
Các lô 133 và 134 của Talisman nằm cách Việt Nam khoảng 300 kilomet, được Trung Quốc gọi là lô WAB-21 – nơi vào năm 1992 họ đã đem cấp cho Crestone Energy Corp., nay nằm trong tay Harvest Natural Resources Inc. (HNR) đóng tại Houston.
Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng trong một phỏng vấn tháng Tám năm ngoái, giám đốc điều hành của Harvest James Edmiston thừa nhận Trung Quốc "bày tỏ họ rất lo ngại và rằng họ sẽ can thiệp theo cách nào đó."
'Bắt nạt'
Trong khi đó, theo báo The Philippine Star, một thượng nghị sĩ nước này cảnh báo nếu xảy ra xung đột, Philippines chắc chắn bại trận trước Trung Quốc.
BấmBà Miriam Defensor-Santiago, cũng là luật sư, nói hôm 29/05: "Giữa thế giới chính trị quốc tế phức tạp, thật dễ dàng nói chúng ta sẽ chiến đấu. Nhưng có thể Trung Quốc sẽ thắng vì họ lớn hơn chúng ta. Trung Quốc thực ra đang cố gắng bắt nạt chúng ta và các nước Đông Nam Á."
Thượng nghị sĩ, từng là chủ tịch ủy ban Thượng viện về đối ngoại của Philippines, nói nước bà không thể dựa vào Mỹ vì Washington cũng cần bảo vệ quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Dẫu vậy, bà tin rằng Mỹ và Tây Âu sẽ không để Trung Quốc tự do khai thác dầu và khí đốt ở Trường Sa.
"Mỹ và các nước Tây Âu sẽ không cho phép vì như thế sẽ có sự bất cân đối trong phân bổ quyền lực trên thế giới một khi Trung Quốc có thể chiếm tài nguyên dầu hỏa và khoáng sản bên dưới Biển Nam Trung Hoa."
Cả Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng hoạt động hải quân trong vùng
Bà thượng nghị sĩ than thở rằng quân đội Philippines thậm chí không thể biết liệu Trung Quốc có xâm nhập không phận hay chưa vì thiếu trang bị.
"Chúng ta kém quá xa về khả năng quân sự. Chúng ta không thể tự vệ. Hiện thời, khả năng tự vệ chỉ kéo được năm phút hay chưa tới năm phút. Sau đó...tất cả chúng ta đều toi," bà thượng nghị sĩ bi quan.
Chạy đua vũ trang?
Hôm cuối tuần, một chuyên gia quốc phòng tại Singapore nói Trung Quốc đang không chỉ đánh giá sức mạnh quân sự trong tương quan với Đài Loan mà còn cả với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông Trung Hoa (East China Sea) và Nam Trung Hoa (South China Sea).
BấmTim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược đặt ở Singapore, viết trên trang web quốc phòng DefenseNews.com trong bối cảnh viện của ông sắp sửa tổ chức hội nghị quốc phòng thường niên Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng Sáu.
Hội nghị này có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng nhiều nước, gồm cả Mỹ, Nhật, Việt Nam, và Trung Quốc.
Ông Tim Huxley nói một số nước Đông Nam Á đang hiện đại hóa quân đội vì muốn "ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc - và của các nước liên quan - tại Biển Nam Trung Hoa."
"Rõ ràng sự phát triển quân sự hiện nay tại châu Á chẳng giống với cuộc đua hải quân Anh - Đức trước 1914 hay cuộc đua tên lửa Mỹ - Liên Xô thập niên 1960."
"Tuy vậy, cũng rõ ràng là có nguy hiểm thực sự về các cuộc đua tranh quân sự cấp vùng đa chiều và tốn kém gây bất ổn cho an ninh châu Á, và hiện không có các định chế an ninh khu vực hiệu quả để phòng ngừa đe dọa này."

Philippines bắt 122 ngư dân Việt


Cảnh sát và quân đội Philippines vừa bắt giữ 122 ngư dân Việt Nam, con số lớn nhất trong một đợt từ trước tới nay.
Đây là số người trên bảy chiếc thuyền đánh cá mà giới chức Philippines chặn bắt ở gần đảo Palawan, phía Tây nước này, vào hôm thứ Hai 30/05.
Thông tấn xã Pháp AFP dẫn lời Cảnh sát trưởng khu vực Artemio Hicban nói khu vực các ngư dân Việt bị bắt cũng là nơi nhiều thuyền cá nước ngoài vào đánh bắt trộm trong nhiều năm nay.
Ông nói chưa từng nhớ có con số người lớn như thế này bị bắt.
Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines khi được AFP liên lạc nói họ chưa có thông tin gì về việc bắt ngư dân và sẽ tiến hành kiểm tra.
Theo Cảnh sát trưởng Hicban, những người bị bắt có thể bị truy tố tội nhập cảnh và đánh cá bất hợp pháp.
Nếu như người ta tìm thấy các loài thủy sản quý hiếm trên thuyền của những người này thì tội trạng sẽ còn nặng hơn.
Ông Hicban cũng nhấn mạnh là vùng biển mà các ngư dân Việt bị bắt nằm ngay ngoài khơi đảo Palawan của Philippines, chứ không phải trong hải phận Biển Đông còn đang tranh chấp.
Trong những năm gần đây, cảnh sát vùng này đã bắt nhiều ngư dân Việt Nam và Trung Quốc vì tội đánh bắt trộm.

Ngư dân bị bắn

Hồi đầu tháng, có tin hai ngư dân Việt Nam bị quân lính Philippines bắn bị thương tại Trường Sa nhưng Phlippines bác bỏ thông tin trên.
Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên đưa tin công an tỉnh Cà Mau đang điều tra vụ tàu cá số hiệu CM 6927 bị tàu nước ngoài nổ súng tấn công, làm một người thiệt mạng.
Báo này dẫn lời thuyền trưởng của tàu, ông Lâm Văn Tịnh, nói sự việc xảy ra khoảng 4 giờ sáng ngày 28/05.
Lúc đó tàu CM 6927 đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Thái Lan.
Ông Tịnh nói: "Bất ngờ bị một tàu lạ chạy từ hướng vùng biển Thái Lan đến nổ súng tấn công làm thuyền viên Huỳnh Văn Trà, 21 tuổi, trúng hai viên đạn và chết tại chỗ".
Hiện chưa xác định được danh tính tàu lạ.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Chiến hạm Gepard thứ 2 sắp về Việt Nam - Mau về mà giữ biển tàu ơi ...




Theo thông tin từ trang mạng Zdship, chiếc tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 thứ 2 sẽ về Việt Nam trong khoảng 2 tháng nữa.

Sau khi các quá trình thử nghiệm hệ thống vũ khí, điện tử và các hệ thống liên quan thành công, chiếc tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 được chế tạo bởi nhà máy đóng tàu Gorky Zelenodolsk sẽ lên đường về Việt Nam.

Kết quả nghiệm thu cho thấy tất cả các hệ thống thiết bị kỹ thuật trên tàu đều đáp ứng các yêu cầu trong hợp đồng đề ra.

Theo kế hoạch, chiến hạm Gepard thứ 2 này sẽ được đưa lên tàu Edietransporter vào ngày 26/5, tàu chuyên dụng để chở các tàu thuyền.

Dự kiến chiếc tàu Edietransporter này sẽ cập cảng Việt Nam trong khoảng 65 ngày nữa.

Tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 đã được cải thiện hiệu suất cho khả năng đi biển, khả năng cơ động cao, nhanh nhẹn trong xử lý tình huống và tầm hoạt động.

Theo nhà sản xuất, nội thất của tàu đã được sửa đổi nhằm tăng độ tiện nghi cho thủy thủ đoàn. Đặc biệt, theo các chuyên gia của nhà máy đóng tàu, chiếc Gepard thứ 2 này được cải tiến khá nhiều so với trước, tiện lợi hơn trong hoạt động bảo trì và hoạt động.


Phía Việt Nam đã tỏ ý muốn đóng theo giấy phép 2 tàu Gepard-3.9 nữa ở thành phố Hồ Chí Minh (hợp đồng phụ này hiện chưa thực hiện).



"Tổ quốc nhìn từ biển"


Xin giới thiệu bài thơ "Tổ qốc nhìn từ biển" xúc động của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Mời độc giả cùng thưởng thức.
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
 ________________________________________________________________
(*) Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa.

Vụ tàu Bình Minh 02 và phép thử của Bắc Kinh


Có thể nói, sự kiện Bình Minh 02 được xem như một mũi tên bắn nhiều đích. Nhưng cái đích hệ quả cuối cùng những nhà vạch kế hoạch này chưa chắc đã lường hết được. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vũ lực không bao giờ giải quyết triệt để các tranh chấp. Chỉ có lòng tin và nỗ lực giải quyết các tranh châp bằng các biện pháp hòa bình mới là chìa khóa để giải quyết các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ngày 26/5/2011 các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tếvà cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 km hải lý. Hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh đã được diễn ra một cách bình thường từ năm 2010 không có tranh chấp.
Vị trí tàu TRung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam
Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Vị trí cắt cáp đã ở gần bờ biển Việt Nam so với phạm vi tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa và đặc quyền kinh tế mà quốc gia này được hưởng một cách hợp pháp theo luật quốc tế. Việt Nam ngay lập tức đã trao Công hàm phản đối. Nội dung công hàm nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông[1].

Vì sao Bắc Kinh lại tiến hành những hoạt động như vậy? Xem xét một loạt các sự kiện gần đây Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông cho thấy trước hết hoạt động này nằm trong chiến lược chung bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc hay nói một cách chính xác là ý đồ chiến lược độc chiếm Biển Đông. Từ sau vụ va chạm với tàu Impeccable của Mỹ ngày 8/3/2009 và gửi Công hàm đến Liên Hợp quốc ngày 7/5/2009 lần đầu tiên lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) yêu sách 80% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết liệt thực hiện ý định này, phản đối mọi sự hiện diện của nước ngoài cũng như những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong Biển Đông. Nước này đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự, từ đóng tàu sân bay, tăng cường tàu tuần tra, gia tăng khả năng giám sát của tàu hải quân và ngư chính, đến công bố kế hoạch phát triển 36 tàu tuần tra trong vòng 5 năm tới, mở rộng các căn cứ quân sự ở đảo Triton và các tiền đồn quân sự trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc chiếm ở Trường Sa, xây dựng các căn cứ tàu ngầm, tên lửa ở Hải Nam, Quảng Châu.
Theo Báo cáo phát triển đại dương Trung Quốc do cơ quan Giám sát hàng hải vừa công bố tháng 5/2011 trong năm 2010, cơ quan này đã điều động hơn 1.000 chuyến bay và 13.300 chuyến tuần tra biển trên Biển Đông, nhằm phục vụ cho ý đồ trên. Trung Quốc đã đi từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang đòi hỏi “lợi ích cốt lõi” rồi “quyết đoán nhưng không đối đầu”, hô hào “giải quyết song phương” trong khi cho tàu xuống Biển Đông gây sức ép. Biển Đông chưa bao giờ và không khi nào nằm ngoài tính toán chiến lược của Bắc Kinh như một sâu sau nằm dưới quyền phán xét của Trung Quốc.

Hoạt động này nhằm củng cố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu chỉ dựa vào Công ước luật biển 1982 sẽ khó có thể thuyết phục thế giới tin vào chủ quyền của Trung Quốc trên những lô dầu khí nằm cách xa bờ biển Trung Quốc gấp hơn ba bốn lần so với bờ biển Việt Nam hay Philippin. Liệu có phải vô tình khi các hoạt động của Trung Quốc gần đây đều được tiến hành trên đường ranh giới mập mờ của đường lưỡi bò. Hãy xem lại sự kiện quấy nhiễu tàu và máy bay hoạt động của Philippin tại Bãi Cỏ rong trong tháng 3-5/2011, cản trở tàu Bình Minh 02 của Việt Nam tại vùng biển ngoài khơi Miền Trung Việt Nam và việc Trung Quốc đang đàm phán với Indonexia để phối hợp tuần tra chung ở vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn km.
Cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại.

Hoạt động này nhằm mục đích tranh chấp tài nguyên ở Biển Đông, theo phương châm “khai thác biển xa trước, biển gần sau, nơi tranh chấp trước nơi không tranh chấp sau”. Theo các số liệu do Bloomberg tổng hợp, nguồn dự trữ dầu của nước này đã sụt giảm gần như 40% kể từ năm 2001. Cho nên, nhu cầu khai thác dầu khí Biển Đông càng thêm cấp thiết. Tháng 2/2011, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên, trong đó 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. Ngày 24/5/2011 CNOOC ra tuyên bố về ý định triển khai ở Biển Đông trong tháng 7/2011 dàn khoan khùng có khả năng khoan 3000m vừa đóng thành công. Việc đưa dàn khoan này vào hoạt động nhằm hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cũng như giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.cho nền công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh. Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thiết lập thể hiện sự tranh chấp quyết liệt không chỉ dầu khí mà cả tài nguyên sinh vật đang trên đà cạn kiệt.
Hoạt động này nhằm gây sức ép với các nước để thực hiện “gác tranh chấp cùng khai thác”. Ngay sau vụ Bình Minh -02, CNOOC đã công bố 19 lô cùng hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi với các công ty nước ngoài trong khu vực Biển Đông. Bắc Kinh đang cố tình gây ra các tranh chấp để biến vùng biển ven bờ của các nước xung quanh Biển Đông thành các khu vực tranh chấp nhằm đề xuất “gác tranh chấp cùng khai thác”. Một chính sách khôn ngoan cho phép tiếp cận tài nguyên nước khác trong khi vẫn duy trì được tiền đề “chủ quyền thuộc Trung Quốc”.Hoạt động này mang tính răn đe Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế nước Việt đang khó khăn, lạm phát tăng cao, và đang trong quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo.
Hoạt động này còn nhằm mục đích gây sức ép với các công ty Mỹ đang có hoạt động dầu khí ở Việt Nam và qua đó thử thách sự phản ứng của siêu cường bên kia bờ Thái Bình Dương. Theo Bloomberg News, công ty Exxon Mobil của Mỹ cũng có kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi miền Trung Việt Nam trong năm nay, một địa điểm rất gần với nơi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp.
Hoạt động này còn thăm dò phản ứng của ASEAN. Nó chỉ diễn ra đúng một tuần sau khi hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 5 (ADMM 5), tổ chức tại Jakarta, Indonesia, với chủ đề "Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với những thách thức mới". Tuyên bố của các bộ trưởng đã khẳng định: “Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm việc hướng tới việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực”.. Một trong lời kêu gọi của DOC là các bên cần kiềm chế, không làm gì phức tạp thêm tình hình.
Hoạt động này còn nhằm thỏa mãn tinh thần Đại Hán của một bộ phận nội bộ Trung Quốc với hàng trăm bài báo kêu gọi sử dụng vũ lực...
Có thể nói, sự kiện Bình Minh 02 được xem như một mũi tên bắn nhiều đích. Nhưng cái đích hệ quả cuối cùng những nhà vạch kế hoạch này chưa chắc đã lường hết được. Một dân tộc yêu hòa bình, hết sức kiềm chế và chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền. Một dư luận thế giới trong thời kỳ hội nhập, các nước ngày càng phụ thuộc vào nhau, không thể đồng tình với bất kỳ hành động đe dọa sử dụng vũ lực, đi ngược lại các quy định của luật quốc tế. Một ASEAN đang buộc phải cảnh giác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vũ lực không bao giờ giải quyết triệt để các tranh chấp. Chỉ có lòng tin và nỗ lực giải quyết các tranh châp bằng các biện pháp hòa bình mới là chìa khóa để giải quyết các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang