Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Tại sao Mỹ đầu tư cho F-35, còn F-22 thì không?



Xem hình
Mỹ vừa quyết định tái đầu tư vào F-35, câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ không đầu tư cho “siêu phẩm” F-22 mà lại đổ tiền cho loại máy bay tính năng thấp hơn này?
Đích thân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố trích một phần trong khoản tín dụng trị giá 100 tỷ USD lấy từ các chương trình phát triển vũ khí không phù hợp để tái đầu tư cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35.

Nhà thầu chính của chương trình F-35 Lockheed Martin sẽ có khoảng thời gian 2 năm để sửa đổi các lỗi trong cấu trúc khung và hệ thống đẩy của phiên bản cất hạ cánh ngắn F-35B. Phiên bản này từng bị Quốc hội Mỹ liệt vào các chương trình cần hủy bỏ để giảm ngân sách quốc phòng.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Lầu Năm Góc lại tái đầu tư cho loại tiêm kích được manh danh là “nhiều tiền, lắm tiếng” này? Đặc biệt là F-35B, phiên bản này cho thấy nhiều bất ổn, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của toàn bộ chương trình F-35.



Các biến thể của F-35.

Trong khi đó, F-22 Raptor được giới quân sự thế giới đánh giá rất cao, hơn cả F-35, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này hiện này gần như không có đối thủ, lại không được nhòm ngó tới. Hiện, chương trình mua sắm của F-22 dừng lại ở con số 187 chiếc. Lý do vì sao, Lầu Năm góc lại có quyết định đầu tư như vậy?

F-35 được phép xuất khẩu, còn F-22 thì không

Nhìn lại lịch sử, sở dĩ Mỹ có được vai trò thống trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, ngoài sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự. Vai trò thống trị toàn cầu của quốc gia này có sự trợ giúp không nhỏ của các đồng minh. Đặc biệt là khối quân sự NATO, cùng với Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, Mỹ chính là nhà cung cấp vũ khí chính cho các nước nói trên.

Siêu tiêm kích F-22 thử nghiệm ném bom JDAM.

F-22 Raptor cùng với B-2 Spirit là thành quả lớn nhất của công nghệ hàng không quân sự Mỹ, chứa đựng những gì tinh túy nhất của công nghệ Mỹ và cả thế giới gồm: công nghệ tàng hình, điện tử hàng không, truyền thông, công nghệ radar AESA, động cơ, phần mềm kiểm soát bay, hệ thống chỉ thị mục tiêu, giao diện vũ khí của hai chiến đấu cơ… Tất cả được liệt vào loại tối mật, không thể san sẻ cho bất kỳ ai.

F-22 cùng với B-2 là những con át chủ bài đảm bảo duy trì lợi thế số 1 thế giới cho không quân Mỹ. B-2 là vũ khí chiến lược, đương nhiên trong diện cấm xuất khẩu còn F-22, dù là vũ khí chiến thuật nhưng cũng được Quốc hội Mỹ cũng không cho phép bán, dù rất nhiều đồng minh thân cận ao ước và sẵn sàng trả giá.

Với F-35, chiến đấu cơ này được thừa hưởng một số công nghệ từ chương trình phát triển F-22, cho dù không tinh vi bằng. Dù vậy, đây vẫn là một trong những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới. Điều quan trọng hơn cả là F-35 được phép xuất khẩu.



So sánh F-16, F-35, F-22.

Đầu tư cho F-35 sẽ duy trì và củng cố vị trí thống trị toàn cầu của Mỹ

Nga, đối thủ cạnh tranh chủ yếu với Mỹ trên thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu đang có những sản phẩm “hot” như Su-30MK, MiG-35, Su-35.

Su-30MK được xuất khẩu rộng rãi trên khắp thế giới, Su-35 sẽ có hợp đồng đầu tiên với Trung Quốc, MiG-35 đang có cơ hội lớn trong chương trình đấu thầu máy bay của Ấn Độ.

Các chiến đấu cơ này được đánh giá rất cao, chúng tỏ ra ưu việt hơn nhiều so với các máy bay F-15, F-16 biên chế trong không quân các nước NATO và đồng minh Mỹ. Bên cạnh đó, chương trình phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đang gây ra những quan ngại sâu sắc trong giới quân sự các nước.

Với thực lực hiện tại, các nước NATO, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel rất khó để đầu tư phát triển một mẫu tiêm kích thế hệ 5 cho riêng mình. Để đảm bảo ưu thế về mặt quân sự so với các nước khác họ buộc phải tìm đến Mỹ. Đây chính là cơ hội để Mỹ san sẻ lo lắng với các đồng minh.



Chiếc máy bay “lắm tiền nhiều tiếng” F-35.

Một mũi tên trúng hai đích, cho dù không thể mua được F-22, sự có mặt của F-35 trong biên chế của không quân các nước khối NATO cũng như các nước khác khiến họ yên tâm hơn. Điều đó cũng gián tiếp đảm bảo ưu thế quân sự cho Mỹ, củng cố mối quan hệ với các đồng minh, đảm bảo chiến lược an ninh toàn cầu mà Mỹ đang gây dựng.

Cùng với đó, công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ có khối công ăn việc làm. Đầu tư cho F-35 sẽ giải quyết được bài toán duy trì lợi thế quân sự cho Mỹ và các đồng minh, trong khi không phải mạo hiểm san sẻ các công nghệ tối mật.

Đây quả thật là một nước cờ cao tay của Lầu Năm Góc, tái đầu tư cho F-35 càng khẳng định thêm danh tiếng cho chiến đấu cơ này.

Các chương trình phát triển các ứng dụng cho F-35 được quảng cáo rất rầm rộ, đơn cử như hệ thống mũ phi công tích hợp, hệ thống mắt thần…
Thực tế cho thấy chiến đấu cơ này đã bắt đầu đắt hàng. Ngay sau khi không quân Mỹ đặt hàng 32 chiếc F-35, không quân Israel đã yêu cầu đặt hàng 20 chiếc, không quân Hoàng gia Anh dù đang khó khăn về kinh tế vẫn muốn mua 12 chiếc F-35C. Canada, Hà Lan, Australia cũng bày tỏ quan tâm mua chiến đấu cơ này.
Mỹ tiếp tục tiến một bước dài trong chiến lược an ninh toàn cầu, vị trí thống trị toàn cầu của Mỹ thật khó để thay đổi trong nhiều thập kỷ tới.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang